Nội dung chính

Viêm tai giữa cấp tính gặp chủ yếu ở trẻ dưới 36 tháng tuổi với triệu chứng khởi phát đột ngột và rầm rộ. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm VA, viêm amidan… Tùy theo bệnh trạng, điều trị có thể là dùng thuốc, chích nhĩ, đặt ống thông hoặc phẫu thuật.

viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng tai giữa sưng tấy, viêm nhiễm kéo dài dưới 6 tháng

Viêm tai giữa cấp tính là gì?

Viêm tai giữa cấp tính (Acute Otitis Media) là một trong ba thể của viêm tai giữa. Thể cấp tính thường gặp nhất (chiếm khoảng 90%) với đặc trưng là triệu chứng rầm rộ, khởi phát đột ngột, rõ ràng và dễ nhận biết. Viêm tai giữa cấp được xác định khi hiện tượng viêm niêm mạc tai giữa kéo dài không quá 6 tháng với các biểu hiện điển hình là sốt, mệt mỏi, đau tai, chảy dịch, giảm thính lực…

Viêm tai giữa nói chung và viêm tai giữa cấp nói riêng có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng phổ biến hơn ở trẻ em dưới 3 tuổi. Thể cấp tính thường khởi phát sau một đợt bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, nên tác nhân chủ yếu là các loại virus và vi khuẩn gây viêm nhiễm mũi họng, VA, xoang…

Thống kê cho thấy, trẻ từ 0 – 3 tuổi sẽ ít nhất một lần bị viêm tai giữa. Trong nhiều trường hợp, bệnh có thể tự khỏi sau khi chăm sóc tại nhà. Nhưng cũng có nhiều trẻ phải thăm khám và điều trị bằng kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lây lan.

Dù không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng viêm tai giữa cấp sẽ ảnh hưởng đến thính giác và vô tình cản trở quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên trang bị kiến thức để có thể chăm sóc và điều trị khi trẻ gặp phải bệnh lý này. Tránh tình huống bệnh tiến triển dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Đọc thêm: Bệnh Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Cách Điều Trị Dứt Điểm

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa cấp tính

Viêm tai giữa cấp có triệu chứng rầm rộ, khởi phát vô cùng đột ngột. Do đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi nên ngoài các triệu chứng tại chỗ, các triệu chứng toàn thân cũng vô cùng nổi bật.

viêm tai giữa cấp tính
Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa cấp tính thường có phản ứng quấy khóc, sốt, bỏ bú, ăn uống không ngon miệng…

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm tai giữa cấp tính:

  • Sốt nhẹ cho đến sốt cao
  • Đau tai (trẻ có phản ứng dùng tay dụi, gãi hoặc kéo vành tai)
  • Quan sát tai thấy hiện tượng chảy dịch hoặc mủ có mùi hôi
  • Giảm thính lực (bố mẹ có thể nhận biết bằng cách quan sát phản xạ của trẻ với âm thanh)
  • Trẻ quấy khóc, mệt mỏi, khó ngủ và trằn trọc
  • Bỏ ăn, bỏ bú, biếng ăn, ăn không ngon miệng
  • Tinh thần bứt rứt, khó chịu, dễ cáu gắt
  • Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa
  • Đau tai nhiều, dữ dội, cơn đau có thể lan ra xung quanh khiến trẻ quấy khóc dữ dội

Viêm tai giữa cấp mủ là tình trạng tai giữa bị viêm nhiễm kèm theo hiện tượng ứ mủ. Khi màng nhĩ bị thủng, mủ có thể tràn ra ống tai ngoài. Mủ có màu trắng đục hoặc vàng nhạt kèm theo mùi hôi khó chịu.

Ngoài những triệu chứng trên, viêm tai giữa cấp còn có một số biểu hiện khác như ho có đờm, ngạt tắc mũi, chảy dịch mũi, đau họng… Bởi bệnh lý này thường đi kèm với các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi họng cấp và viêm VA.

Đọc thêm: Viêm Mũi Họng Cấp: Triệu Chứng Nhận Biết Và Cách Điều Trị Dứt Điểm

Nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp

Tác nhân trực tiếp gây viêm tai giữa cấp tính chủ yếu là các loại virus và vi khuẩn gây viêm nhiễm đường hô hấp. Các tác nhân này thường xâm nhập vào đường mũi họng, sau đó gây viêm các cơ quan như amidan, họng, VA… Một thời gian sau, virus, vi khuẩn đi qua vòi nhĩ xâm nhập và gây viêm nhiễm vùng tai giữa.

Tác nhân gây bệnh có sự khác biệt ở từng nhóm tuổi cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh: Chủ yếu là do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), E. coli…
  • Trẻ nhỏ dưới 14 tuổi: Thường do Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis…
  • Trẻ lớn: Phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae và một số loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus, liên cầu beta tan máu nhóm A, Haemophilus influenzae…

Trên thực tế, các tác nhân gây viêm tai giữa chỉ có thể xâm nhập vào cơ quan hô hấp khi có yếu tố thuận lợi. Đây cũng là lý do vì sao trẻ em có nguy cơ mắc bệnh lý này cao hơn so với người trưởng thành.

viêm tai giữa cấp tính là gì
Viêm tai giữa cấp thường là tình trạng thứ phát sau một đợt viêm nhiễm đường hô hấp trên

Các yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh viêm tai giữa cấp tính:

  • Cấu trúc vòi nhĩ: Vòi nhĩ (Eustache) có chức năng nối thông mũi họng và tai. Ở trẻ nhỏ, bộ phận này chưa phát triển hoàn chỉnh, vòi nằm ngang, hẹp và ngắn nên dễ bị tắc nghẽn, ứ dịch hơn so với người trưởng thành. Tắc nghẽn vòi nhĩ là điều kiện để virus, vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm tai giữa.
  • Trẻ bú bình: Khi bú bình, cha mẹ có thói quen để trẻ nằm thay vì bế lên như khi bú sữa mẹ. Thói quen này sẽ làm gia tăng nguy cơ trào ngược và khiến cho vòi nhĩ khó thoát dịch hơn bình thường. Các chuyên gia nhận thấy trẻ có thói quen bú bình sẽ có nguy cơ phát triển viêm tai giữa cấp cao hơn so với bình thường.
  • Cấu trúc tai mũi họng bất thường: Trẻ có các dị tật bẩm sinh vùng mũi họng như hở hàm ếch, vẹo vách ngăn… dễ mắc các bệnh hô hấp trên hơn. Cấu trúc bất thường sẽ làm gián đoạn quá trình dẫn lưu dịch, đây là điều kiện gây ra hiện tượng ứ dịch và phát triển virus, vi khuẩn gây bệnh.
  • Mắc các bệnh viêm đường hô hấp: Tai giữa là bộ phận nằm sâu bên trong nên virus, vi khuẩn rất ít khi có thể xâm nhập trực tiếp. Viêm tai giữa cấp thường thứ phát sau khi mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Vì vậy, người bị viêm xoang, viêm họng, cảm cúm, viêm mũi họng… sẽ có nhiều khả năng phát triển bệnh viêm tai giữa cấp sau đó không lâu.
  • Tiền sử gia đình: Viêm tai giữa không có tính chất di truyền. Tuy nhiên, những yếu tố nguy cơ như cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch kém, cấu trúc tai mũi họng bất thường… có thể di truyền giữa các thành viên trong gia đình. Nếu người thân bị viêm tai giữa cấp, khả năng cao những thành viên khác cũng mắc phải bệnh lý này.
  • Tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn: Đây là điều kiện thuận lợi gia tăng nguy cơ viêm tai giữa và các bệnh hô hấp trên thường gặp khác. Khói thuốc, bụi bẩn sẽ gây kích ứng, phù nề niêm mạc đường hô hấp lâu ngày. Từ đó khiến cho vòi nhĩ bị phù nề, tắc nghẽn tạo môi trường thuận lợi cho virus và vi khuẩn phát triển gây ra bệnh viêm tai nói chung và viêm tai giữa nói riêng.
  • Hệ miễn dịch kém: Hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện để virus và vi khuẩn dễ dàng tấn công vào tai mũi họng. Trẻ nhỏ có chức năng đề kháng non kém, chưa hoàn chỉnh nên nguy cơ bị viêm đường hô hấp nói chung và viêm tai giữa cấp nói riêng sẽ cao hơn so với người trưởng thành.

Viêm tai giữa cấp có thể bùng phát thành dịch ở trẻ trong độ tuổi mầm non. Trẻ tiếp xúc gần với bạn bè đồng trang lứa, vô tình mang theo mầm bệnh vào tai mũi họng. Do trẻ ở độ tuổi này chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như chưa biết cách phòng tránh lây nhiễm nên khả năng bùng phát thành dịch là rất cao.

XEM NGAY: Viêm Tai Giữa Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Viêm tai giữa cấp có nguy hiểm không? Biến chứng gặp phải

Viêm tai giữa cấp tính có đáp ứng tốt với điều trị. Nếu được phát hiện và điều trị đúng cách, triệu chứng sẽ nhanh chóng thuyên giảm, sức nghe được phục hồi sau vài ngày. Tuy nhiên, cần phải kết hợp điều trị các bệnh kết hợp để phòng tránh tái phát.

Trường hợp chậm trễ, nhiễm trùng có thể lây lan sang các mô lân cận. Biến chứng thường gặp nhất là viêm xương chũm gây tổn thương, hư hại cấu trúc xương ở tai giữa. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn có thể lây lan sang các cơ quan khác gây ra một loạt những biến chứng nghiêm trọng như liệt mặt ngoại biên, viêm tĩnh mạch bên, áp xe não, viêm màng não…

triệu chứng bệnh viêm tai giữa cấp tính
Nếu không điều trị đúng cách, viêm tai giữa cấp có thể gây ù tai và giảm thính lực lâu dài

Bên cạnh đó, viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng cách có thể tiến triển sang thể mãn tính. Thể mãn tính có triệu chứng ít rầm rộ nhưng dai dẳng, chủ yếu gây chảy mủ, chóng mặt, ù tai và giảm sức nghe. Thính lực giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, giảm mức độ tiếp thu của trẻ… Vì vậy, việc điều trị viêm tai giữa cấp cần được thực hiện càng sớm càng tốt.

Các bệnh lý tai mũi họng có mối liên hệ mật thiết. Trường hợp viêm tai giữa cấp có liên quan đến viêm amidan, viêm VA… cần điều trị kết hợp để ngăn ngừa tái phát. Nếu chỉ tập trung điều trị viêm tai giữa, tình trạng viêm nhiễm sẽ xảy ra ở cơ quan khác và tiếp tục tạo điều kiện cho viêm tai giữa tái phát.

Đọc thêm: Viêm Tai Giữa Tái Đi Tái Lại: Nguyên Nhân Và Cách Phòng Ngừa

Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa cấp

Đa phần các trường hợp viêm tai giữa cấp đều tự khỏi sau 3 – 4 ngày dù không sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, mức độ triệu chứng nghiêm trọng, phụ huynh nên cho trẻ thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.

triệu chứng bệnh viêm tai giữa cấp tính
Soi tai sẽ giúp phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm điển hình và có giá trị trong chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán viêm tai giữa cấp tính chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng. Các triệu chứng điển hình bao gồm phồng màng nhĩ, đau dữ dội, lan tỏa, tràn dịch tai… Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ khai thác bệnh sử để xem xét có đợt viêm nhiễm đường hô hấp trước đó hay không.

Sau khi khám lâm sàng, nội soi tai mũi họng sẽ được thực hiện nhằm quan sát biểu hiện của màng nhĩ, ống tai và các cơ quan hô hấp khác. Một số trường hợp sẽ được đo thính lực, đo nhĩ lượng để đánh giá chức năng nghe.

Tìm hiểu thêm: TOP 7 Bài Thuốc Đông Y Chữa Viêm Tai Giữa Cực Hiệu Quả Hiện Nay

Các phương pháp điều trị viêm tai giữa cấp tính

Như đã nói ở trên, viêm tai giữa cấp có thể tự thuyên giảm mà không cần phải dùng kháng sinh. Do đó, điều trị chủ yếu là chăm sóc đúng cách và sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng. Một số ít trường hợp sẽ được chỉ định kháng sinh để ngăn nhiễm trùng lây lan, phòng ngừa biến chứng.

Các bậc cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng thuốc không kê toa. Trường hợp không thuyên giảm sau 2 – 3 ngày, nên cho trẻ thăm khám để được chỉ định dùng kháng sinh và các loại thuốc có cơ chế mạnh. Không tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc này do nguy cơ tiềm ẩn cao, khó tránh khỏi tác dụng không mong muốn.

Hướng dẫn điều trị, chăm sóc trong trường hợp viêm tai giữa cấp tính:

1. Chăm sóc đúng cách

Khi bị viêm tai giữa cấp, cần có kế hoạch chăm sóc hợp lý để nâng đỡ thể trạng và giảm nhẹ triệu chứng. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi nên cha mẹ cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ sau:

viêm tai giữa cấp có nguy hiểm không
Cho trẻ nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ trong thời gian bị viêm tai giữa để nâng đỡ thể trạng
  • Cho trẻ nghỉ ngơi trong thời gian bị sốt cao. Đặt trẻ trong phòng thông thoáng, tránh gió lạnh, nhiệt độ vừa phải để điều hòa thân nhiệt.
  • Lựa chọn trang phục rộng rãi, chất liệu thấm hút, mềm thoáng để giảm cảm giác khó chịu.
  • Chườm khăn ở những vị trí như bẹn, nách, cổ, trán… nhằm cải thiện tình trạng sốt do viêm tai giữa cấp.
  • Cho trẻ uống nhiều nước và tăng số lần bú sữa để cung cấp đủ nước, dưỡng chất cho cơ thể.
  • Với trẻ trên 6 tháng tuổi, nên dùng thức ăn ít gia vị, mềm lỏng dễ tiêu hóa trong giai đoạn này. Tránh các loại thực phẩm quá giàu dinh dưỡng vì dễ gây tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng…
  • Tăng cường thực phẩm giàu kẽm, vitamin C, khoáng chất… để giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường sức đề kháng.
  • Cho trẻ tắm bằng nước ấm và thời gian tắm không quá 10 phút. Nếu trẻ sốt quá cao, chỉ nên dùng khăn mềm thấm nước làm sạch cơ thể.
  • Tránh để nước lọt vào ống tai. Nếu cần, có thể dùng tăm bông, khăn mềm thấm hút.
  • Rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Biện pháp này sẽ giúp giảm tình trạng ngạt tắc mũi, khó thở, ho có đờm… ở trẻ bị viêm tai giữa.
  • Giữ ấm cơ thể, tránh gió lạnh, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, thuốc lá…

Tham khảo thêm: Bị Viêm Tai Giữa Có Nên Ăn Thịt Gà Không? Những Điều Cần Lưu Ý

2. Sử dụng thuốc

Viêm tai giữa cấp tính gây sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phù nề tai, đau nhức tai và giảm thính lực. Thực tế, các triệu chứng có thể tự thuyên giảm sau 3 – 4 ngày mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và khiến trẻ quấy khóc, khó chịu. Vì vậy, việc dùng thuốc vẫn được xem là cần thiết.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm tai giữa cấp tính bao gồm:

  • Thuốc giảm đau hạ sốt: Lựa chọn hàng đầu là Paracetamol dạng sủi. Thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt nhanh, đồng thời dễ tìm mua và khá an toàn ở liều điều trị. Khi dùng Paracetamol, cần chú ý liều lượng dựa trên cân nặng của trẻ.
  • Thuốc chống viêm corticoid: Trường hợp đau nhiều, tai phù nề nghiêm trọng sẽ được chỉ định dùng thuốc chống viêm corticoid. Thuốc có hiệu quả nhanh, rõ rệt nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chỉ được sử dụng trong trường hợp cần thiết.
  • Kháng sinh: Kháng sinh có thể được dùng ở dạng nhỏ tai hoặc dạng uống. Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm tai giữa cấp bao gồm Amoxicillin, Cefdinir, Cefuroxime, Amoxicillin/clavulanate, Ceftriaxone… Dạng nhỏ tai chủ yếu được dùng khi màng nhĩ đã bị thủng.

Thời gian dùng thuốc sẽ kéo dài từ 1 – 2 tháng. Khi triệu chứng thuyên giảm, có thể ngưng một số loại thuốc điều trị triệu chứng nhưng bắt buộc phải dùng kháng sinh theo chỉ định. Tự ý ngưng kháng sinh sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc và giảm đáp ứng.

Đọc thêm: TOP 6 Cách Trị Viêm Tai Giữa Bằng Thuốc Nam An Toàn, Hiệu Quả

3. Chích nhĩ

Chích nhĩ là kỹ thuật tạo lỗ nhỏ trên màng nhĩ để dẫn lưu mủ trong tai, đồng thời giúp thuốc dễ dàng đi vào bên trong tai giữa. Kỹ thuật này ít khi được thực hiện vì đa phần các trường hợp đều có đáp ứng tốt khi dùng thuốc uống.

triệu chứng bệnh viêm tai giữa cấp tính
Chích nhĩ được cân nhắc trong trường hợp viêm tai giữa cấp ứ mủ gây sốt cao và đe dọa biến chứng viêm xương chũm cấp

Chích nhĩ được chỉ định trong những trường hợp viêm tai giữa cấp ứ mủ giai đoạn dọa vỡ mủ, gây sốt cao, quấy khóc nhiều, đe dọa biến chứng viêm xương chũm cấp. Ngoài ra những trường hợp không đáp ứng với điều trị cũng được cân nhắc chích nhĩ.

Sau khi chích nhĩ, mủ và dịch sẽ thoát ra bên ngoài giúp giảm cảm giác khó chịu, ù tai. Lúc này, có thể dùng một số loại thuốc nhỏ tai để giảm phù nề, kháng khuẩn. Tuy nhiên, cần lưu ý dùng thuốc sớm vì lỗ thủng trên màng nhĩ có thể lành lại sau 72 giờ đồng hồ.

Bài viết xem thêm: Cách Chăm Sóc Sau Mổ Viêm Tai Xương Chũm Nhanh Hồi Phục

4. Đặt ống thông khí

Đặt ống thông khí màng nhĩ sử dụng ống nhựa silicon hoặc ống nhựa cứng vào màng nhĩ để mủ, dịch ứ có thể dễ dàng đi ra ống tai ngoài. Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp viêm tai giữa cấp không có đáp ứng với điều trị. Triệu chứng tiến triển dai dẳng hoặc tái diễn nhiều lần (trên 4 lần trong 6 tháng).

Trong trường hợp không thể dùng kháng sinh toàn thân do dị ứng thuốc hay viêm tai giữa cấp đã gây ra những biến chứng nghiêm trọng như biến chứng nội sọ, liệt mặt, viêm xương chũm cấp… đặt ống thông khí cũng được cân nhắc thực hiện.

5. Phẫu thuật

Viêm tai giữa cấp tái đi tái lại có thể liên quan đến viêm amidan và viêm VA. Trong trường hợp này, nếu không can thiệp phẫu thuật, hiện tượng viêm nhiễm ở tai giữa sẽ dễ tái phát nhiều lần. Trường hợp tái phát hơn 4 lần trong vòng 6 tháng sẽ được xem xét phẫu thuật.

Phẫu thuật cắt amidan, nạo VA sẽ giúp giải quyết nguyên nhân gây viêm tai giữa tái phát nhiều lần. Ngoài khắc phục hoàn toàn viêm tai giữa, phẫu thuật còn giúp cải thiện chức năng hô hấp, hạn chế tình trạng ngưng thở và ngáy khi ngủ.

Nên đọc: Khi Nào Nên Mổ Viêm Tai Giữa? Chi Phí Có Đắt Không? Một Số Lưu Ý

Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp tính

Ở giai đoạn từ 6 – 36 tháng tuổi, viêm tai giữa cấp rất dễ xuất hiện, nhất là với trẻ sinh non, không được bú sữa mẹ trong giai đoạn đầu. Để phòng ngừa bệnh lý này, cha mẹ có thể thực hiện một số biện pháp sau:

nguyên nhân viêm tai giữa cấp tính
Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên và đúng cách sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị viêm tai giữa
  • Tiêm phòng vacxin ngừa những bệnh hô hấp thường gặp như vacxin cúm, ho gà, bạch hầu, viêm phổi… Ngoài các vacxin bắt buộc, cha mẹ có thể cho trẻ tiêm một số loại vacxin bổ sung để tăng khả năng đề kháng.
  • Trong 6 tháng đầu, nên ưu tiên cho trẻ bú sữa mẹ vì ngoài dinh dưỡng, sữa mẹ còn chứa kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Nếu trẻ bú bình, nên cho trẻ sử dụng gối chống trào ngược để tránh tắc nghẽn vòi nhĩ.
  • Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh. Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây nhiễm và đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh hít phải thuốc lá, khói bụi…
  • Cho trẻ chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời kết hợp với chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Vệ sinh không gian sống thường xuyên, sử dụng máy lọc không khí nếu sinh sống ở những đô thị ô nhiễm, chỉ số bụi mịn cao.
  • Vệ sinh tai mũi họng đúng cách.
  • Vào thời điểm dịch viêm đường hô hấp bùng phát, nên hạn chế cho trẻ ra ngoài. Thường xuyên làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi để tránh nhiễm virus, vi khuẩn.

Viêm tai giữa cấp tính là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Dù vậy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, lơ là trước những biểu hiện bất thường. Thực tế đã có không ít trường hợp trẻ phải đối mặt với nhiều biến chứng do chậm trễ thăm khám và điều trị.

Bài viết dành cho bạn

Câu hỏi liên quan

Mổ viêm tai giữa được chỉ định khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái đi tái lại, viêm kèm theo ứ dịch, chảy mủ. Ngoài ra, các trường hợp bị viêm tai giữa...

Xem chi tiết

Bơi lội là một hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng được khuyến khích tham gia. Một số bệnh lý có thể tăng nặng hơn...

Xem chi tiết

Nhiều trường hợp bị đau đầu thường xuyên nhưng không xác định được nguồn gốc của cơn đau xuất phát từ viêm tai giữa hay do một vấn đề khác về sức khỏe. Khi trao...

Xem chi tiết

Viêm tai giữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, theo thống kê của WHO, có hơn 80% trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần trong...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp