Sốt Do Viêm Tai Giữa: Nguyên Nhân Và Cách Hạ Nhiệt Nhanh
Sốt do viêm tai giữa là triệu chứng thường gặp xảy ra khi cơ thể bị virus, vi khuẩn tấn công. Để hạ nhiệt nhanh, người bệnh có thể dùng thuốc giảm sốt theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với các biện pháp chăm sóc đúng cách tại nhà. Các trường hợp có dấu hiệu sốt cao và kéo dài quá 72 giờ cần đi khám bác sĩ ngay.
Bệnh viêm tai giữa có gây sốt không?
Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp ở trẻ em nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm virus, đặc biệt là virus gây cảm cúm. Đôi khi, bạn cũng có thể mắc căn bệnh này do nhiễm vi khuẩn, do dị ứng, chấn thương, tắc ống vòi tai eustache hoặc do ảnh hưởng của tình trạng viêm đường hô hấp cấp (viêm xoang, viêm VA,…). Ở trẻ em, những bé có dị tật bẩm sinh ở vùng mũi họng, bú bình hoặc hay ngậm núm vú giả có nguy cơ bị viêm tai giữa khá cao.
Khoang tai giữa được cấu tạo từ các bộ phận chính gồm màng nhĩ, hõm nhĩ kết hợp với vòi nhĩ và 3 xương con. Tình trạng viêm nhiễm có thể gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận nào kể trên và khiến chúng bị sưng đau, chảy dịch vàng hay mủ tùy theo mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Kèm theo đó, người bị viêm tai giữa còn bắt gặp nhiều triệu chứng khác như ù tai, nghe kém hoặc điếc hoàn toàn, mất thăng bằng, mệt mỏi, khó ngủ, đau đầu, có cảm giác nặng nề hoặc ngứa ngáy trong tai.
Hầu hết các trường hợp còn bị sốt do viêm tai giữa. Bệnh nhân có thể bị sốt ở mức độ vừa đến cao, thông thường là từ 38 độ trở lên. Triệu chứng này không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Do vậy, bạn nên thận trọng theo dõi sức khỏe và ghi nhận thêm các dấu hiệu khác để làm căn cứ chẩn đoán xác định chính xác bệnh lý đang gặp phải.
Có thể bạn quan tâm: Viêm Tai Giữa Có Bị Đau Đầu Không? Cách Điều Trị Dứt Điểm
Triệu chứng sốt do viêm tai giữa
Tình trạng sốt do viêm tai giữa ở trẻ em và người lớn thường có những đặc điểm như sau:
Trẻ bị sốt do viêm tai giữa:
- Cơn sốt thường nghiêm trọng và kéo dài lâu hơn so với người lớn
- Đa phần các bé đều bị sốt cao, thân nhiệt có thể lên đến 39 – 40 độ C
- Sốt thường kèm theo nôn ói và nếu không được hạ nhiệt kịp thời có thể dẫn đến co giật
- Một số trẻ bị viêm tai giữa sốt cao liên tục khó hạ
- Trẻ nhỏ khó chịu và đau nhức trong tai nhưng không thể hiện được bằng lời nói nên thường xuyên quấy khóc, ăn uống kém, bỏ bú.
Sốt do viêm tai giữa ở người trưởng thành:
- Bệnh nhân bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, dao động từ 38 – 39 độ C
- Cơn sốt có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp cấp như cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi xoang…
- Tình trạng sốt thường đi kèm với các triệu chứng khác như đau tai, chảy dịch từ tai, ù tai, nghe kém, đau đầu.
Tìm hiểu thêm: Viêm Tai Giữa Thanh Dịch: Dấu Hiệu Và Giải Pháp Điều Trị
Nguyên nhân bị sốt do viêm tai giữa
Sốt được xem là một phản ứng bình thường của cơ thể xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân có hại. Sử dụng nhiệt kế đo sẽ thấy thân nhiệt vượt quá mức bình thường (từ 36,1 – 37,2 độ C).
Ở những người bị viêm tai giữa, tình trạng sốt thường xảy ra sau khi bị virus, vi khuẩn tấn công dẫn đến nhiễm trùng. Lúc này, hệ miễn dịch bị kích thích mạnh và giải phóng một lượng lớn cytokine, interleukin-1 và nhiều chất hóa học trung gian khác để tiêu diệt những tác nhân xâm hại cơ thể. Phản ứng này có tác động trực tiếp đến vùng dưới đồi (cơ quan có chức năng điều hòa nhiệt lượng) và dẫn đến hiện tượng tăng sinh nhiệt. Đây chính là lý do khiến nhiều người bị sốt do viêm tai giữa.
Dành cho bạn: Viêm Tai Giữa Gây Ù Tai Nguyên Nhân Do Đâu? Cách Điều Trị Dứt Điểm
Sốt do viêm tai giữa bao lâu thì hết?
Tình trạng sốt do viêm tai giữa có thể kéo dài trong 1 – 2 ngày hoặc lâu hơn. Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Thể trạng, khả năng miễn dịch của người bệnh
- Mức độ nhiễm trùng
- Tác nhân gây bệnh…
Trong quá trình điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà, trẻ em và người lớn cần quay trở lại bệnh viện khám nếu thân nhiệt tăng cao trên 39 độ , sốt kéo dài quá 3 ngày kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác như: Nôn ói nhiều, đau đầu dữ dội, co giật, chóng mặt, cứng cổ, lú lẫn, mất nước (ít đi tiểu, môi khô, nước tiểu đậm đặc và có mùi hôi).
Sốt do viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Triệu chứng sốt nhẹ và vừa ở bệnh nhân bị viêm tai giữa thường không đáng lo ngại. Thân nhiệt có thể hạ sau khi được lau mát, sử dụng thuốc hạ sốt đúng cách.
Tuy nhiên, bạn nên thận trọng nếu viêm tai giữa gây sốt cao bởi đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Bệnh không được kiểm soát tốt có thể tiến triển nặng nề hơn gây thủng màng nhĩ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Hơn nữa, trẻ bị viêm tai giữa sốt cao liên tục rất dễ dẫn đến co giật. Nhiều trường hợp còn kèm theo nôn ói nhiều gây mất nước, rối loạn điện giải và đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
BẠN CÓ BIẾT: Bệnh Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Cách Nhận Biết Và Phòng Ngừa
Chẩn đoán phân biệt sốt do viêm tai giữa
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không chỉ có ở bệnh nhân bị viêm tai giữa. Do đó, bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ còn chỉ định thêm một số kỹ thuật khác để chẩn đoán phân biệt sốt do viêm tai giữa với các bệnh lý khác. Chẳng hạn như:
- Khám tai và các bộ phận khác như mũi, họng để tìm kiếm dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Nội soi tai bằng ống mềm giúp quan sát rõ màu sắc, tình trạng tổn thương bên trong màng nhĩ và tai giữa. Bệnh viêm tai giữa được xác định khi màng nhĩ có dấu hiệu viêm đỏ, xung huyết, phù nề hoặc có dịch trong hòm nhĩ.
- Các xét nghiệm khác: Kiểm tra công thức máu, xét nghiệm tế bào bệnh phẩm lấy từ tai…
Cách điều trị sốt do viêm tai giữa
Trường hợp bị sốt do viêm tai giữa, bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú hoặc nhập viện để bác sĩ theo dõi nếu sốt cao. Trường hợp bị sốt từ 38.5 độ trở lên, người bệnh có thể dùng thuốc để hỗ trợ giảm nhiệt độ nhanh hơn.
Thuốc Acetaminophen (Paracetamol) có ít tác dụng phụ và an toàn hơn khi sử dụng để hạ sốt cho trẻ bị viêm tai giữa. Phụ huynh có thể cho bé dùng thuốc với liều lượng là 10–15mg/kg/lần. Nếu con bạn bị sốt lại, hãy cho bé uống liều tiếp theo cách liều trước đó tối thiểu từ 4 – 6 tiếng.
Trường hợp người lớn bị sốt do viêm tai giữa, bệnh nhân có thể được chỉ định một trong các loại thuốc như Paracetamol, Ibuprofen hay Aspirin…
Thuốc hạ sốt được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau như thuốc bột, viên đặt hậu môn hay viên uống. Các thuốc dạng bột thường có vị ngọt và hương thơm dễ uống nên sẽ thích hợp hơn cho trẻ nhỏ. Trong khi đó, các đối tượng viêm tai giữa gây sốt kèm theo nôn ói được khuyến cáo nên dùng thuốc đặt hậu môn.
Một số lưu ý khi dùng thuốc giảm đau hạ sốt do viêm tai giữa:
- Không dùng thuốc khi chỉ bị sốt nhẹ.
- Tránh lạm dụng quá liều hoặc uống thuốc hạ sốt liên tục gây ngộ độc gan, thận và nhiều tác dụng phụ khác.
- Sử dụng thuốc hạ sốt kết hợp với các thuốc điều trị viêm tai giữa khác theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc làm loãng chất nhầy hay thuốc chống dị ứng… để bệnh nhanh được kiểm soát. Điều này cũng giúp tránh được tình trạng bị sốt kéo dài.
- Quay trở lại bệnh viện gặp bác sĩ nếu dùng thuốc hạ sốt không có hiệu quả, sốt cao từ 39 độ trở lên hoặc sốt kéo dài quá 72 tiếng.
Tham khảo thêm: TOP 6 Cách Trị Viêm Tai Giữa Bằng Thuốc Nam An Toàn, Hiệu Quả
Cách chăm sóc, giảm sốt nhanh cho người bị viêm tai giữa
Để hạ sốt do viêm tai giữa nhanh hơn, bệnh nhân cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi nhiều ở nơi thoáng mát, yên tĩnh.
- Mặc quần áo rộng rãi, có độ thông thoáng cao và khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Tránh mặc quần áo kín mít hoặc đắp chăn trong khi bị sốt.
- Uống nhiều nước hơn bình thường. Chất lỏng sẽ giúp hỗ trợ điều hòa thân nhiệt, giảm sốt nhanh và ngăn ngừa tình trạng mất nước, nhất là khi có tình trạng nôn ói khi sốt.
- Tắm và ngâm mình trong nước ấm khi bị sốt để thân nhiệt hạ xuống nhanh hơn, tránh bị co giật. Chú ý lau khô cơ thể sau khi tắm và không nên để ướt tóc.
- Sử dụng các món ăn lỏng, mềm để dễ nuốt và tránh gây nôn ói. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C vào thực đơn giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và giảm sốt do viêm tai giữa hiệu quả hơn.
- Uống các loại trà thảo mộc có tác dụng thanh nhiệt, giảm sốt. Chẳng hạn như trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà rau diếp cá… Chúng cũng giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ cho người bệnh.
- Trường hợp viêm tai giữa gây sốt cao co giật, người nhà nên bình tĩnh xử lý. Trước tiên hãy đặt người bệnh nằm nghiêng đầu qua bên trái và nâng cằm lên kết hợp nới rộng quần áo để đường thở được mở rộng, tránh hiện tượng bị ngạt khi nôn ói. Sau đó loại bỏ hết đồ vật cứng xung quanh bệnh nhân, chỉ đặt một vật mềm dưới đầu nhằm bảo vệ cho vùng đầu và chờ cho cơn co giật qua đi. Gọi cấp cứu ngay nếu sau 5 phút người bệnh vẫn chưa hết co giật, chưa tỉnh táo hoặc có dấu hiệu khó thở.
Có thể bạn quan tâm
- Bị Viêm Tai Giữa Có Nên Ăn Thịt Gà Không? Giải Đáp Từ Chuyên Gia
- TOP 5 Cách Chữa Viêm Tai Giữa Tại Nhà Hiệu Quả Rõ Rệt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!