Nội dung chính

Viêm VA là tình trạng viêm của tổ chức lympho vòm mũi họng. Điều này khiến những khối sùi vòm họng hình thành và có kích thước lớn, gây ngạt mũi và làm ảnh hưởng đến quá trình hô hấp.

Viêm VA là gì?

Viêm VA là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm hoặc quá phát của tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng, được gọi là VA (Végétations Adénoides). Tình trạng này kích thích sự hình thành của những khối sùi vòm họng. Chúng có thể chặn đường hô hấp, gây nghẹt mũi, chảy mũi và khó chịu thường xuyên.

Viêm VA
Viêm VA xảy ra khi tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng bị viêm, thường gặp ở trẻ em

VA nằm ở cửa mũi sau . Đây là một bộ phận thuộc vòng bạch huyết Waldeyer, gồm amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, amidan vòi và VA. Chúng bao xung quanh đường thở, hoạt động như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng xâm nhập vào cơ thể qua mũi và miệng. Viêm VA phát triển mạnh ở những năm đầu đời và thoái triển khi trẻ lên 6 tuổi. Chính vì thế mà viêm VA thường xảy ra ở trẻ em, ít khi gặp ở người lớn.

Phân loại viêm VA

Bệnh viêm VA được phân thành 2 loại gồm cấp tính và mãn tính.

  • Viêm VA cấp tính: Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính khởi phát đột ngột, có mủ hoặc xuất tiết ở khu vực bị viêm.
  • Viêm VA mãn tính: Tình trạng mãn tính xảy ra sau khi viêm nhiễm nhiều lần dẫn đến VA quá phát hoặc xơ hóa.

Nguyên nhân gây viêm VA

Hầu hết những trường hợp bị viêm VA liên quan đến vi khuẩn. Các vi khuẩn có thể xâm nhập từ bên ngoài hoặc có sẵn trong vùng họng. Khi có điều kiện thuận lợi, các vi khuẩn sẽ phát triển, gây viêm và tổn thương VA.

Những yếu tố nguy cơ gồm:

  • Trẻ em, đặc biệt là những trẻ có độ tuổi từ 6 – 7 tháng tuổi
  • Dùng kháng sinh bừa bãi
  • Hệ miễn dịch hoặc thể trạng yếu
  • Trẻ sinh thiếu tháng
  • Bị còi xương hoặc mắc chứng suy dinh dưỡng
  • Bị cúm hoặc sởi
  • Thời tiết chuyển lạnh
  • Có thói quen ăn đồ ăn lạnh
  • Có các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp nhưng không được điều trị sớm
  • Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, khói thuốc lá, nguồn nước và thức ăn không đảm bảo vệ sinh.

Triệu chứng của viêm VA

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm VA gồm:

+ Giai đoạn cấp tính

  • Sốt cao từ 38 – 40 độ C, đôi khi kèm theo co giật do sốt cao
  • Ngạt mũi một bên hoặc cả hai bên (do VA lớn che kín cửa mũi sau)
  • Khó thở hoặc thở khò khè
  • Thường há miệng khi thở
  • Ngủ ngáy
  • Chảy nước mũi nhiều. Nước mũi có thể có màu vàng hoặc xanh kèm theo mùi tanh
  • Trẻ nghe kém
  • Nói giọng mũi kín
  • Thường xuyên dụi tai và mắt
  • Mệt mỏi
  • Bỏ bú
  • Quấy khóc
  • Rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu hoặc tiêu chảy và chán ăn do trẻ nuốt đờm, dịch và mủ tiết ra từ chỗ viêm
  • Ngủ chập chờn không sâu giấc, thường xuyên giật mình
  • Hơi thở có mùi hôi khó chịu
  • Ho
  • Sưng hạch góc hàm
  • Niêm mạc họng đỏ
  • Thành sau họng có dịch mủ chảy từ trên xuống vòm
  • Niêm mạc mũi nề đỏ
  • Những khe và hốc mũi đọng dịch mũi.
Viêm VA cấp tính gây sốt cao
Viêm VA cấp tính gây sốt cao, khó thở, ngạt mũi, chảy nước mũi nhiều, nói giọng mũi kín

+ Giai đoạn mãn tính

  • Chảy nước mũi và ngạt mũi mãn tính
  • Chảy nước mũi trong hoặc dịch nhầy, đôi khi chảy nước mũi mủ do bội nhiễm
  • Ngạt mũi có thể về đêm hoặc ngạt suốt ngày, đôi khi tắc mũi hoàn toàn
  • Thở bằng miệng
  • Trẻ khóc hoặc nói bằng giọng mũi

Nếu viêm kéo dài dẫn đến thở bằng miệng thường xuyên và thiếu oxy lên não trầm trọng, người bệnh sẽ có thêm những triệu chứng dưới đây:

  • Chậm phát triển về thể chất và tinh thần, trẻ chậm chạm và kém linh hoạt
  • Khó ngủ
  • Ngủ không sâu giấc và thường xuyên giật mình
  • Nghiến răng khi ngủ
  • Ngủ ngáy
  • Đái dầm
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt

Biến chứng của viêm VA

Viêm VA có những triệu chứng dai dẳng và gây ra nhiều khó chịu. Khi không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng dưới đây:

  • Viêm mũi họng
  • Viêm tai giữa
  • Viêm xoang
  • Viêm đường ruột
  • Viêm phế quản
  • Viêm thanh quản và khí quản
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Trẻ chậm phát triển về thể chất và tinh thần
  • Rối loạn phát triển khối xương mặt.
Viêm tai giữa
Viêm tai giữa là biến chứng thường gặp của bệnh viêm VA không được điều trị

Tham khảo thêm thông tin: 5 Cách Dùng Quả Kha Tử Chữa Viêm Amidan Nên Thử Qua

Chẩn đoán viêm VA như thế nào?

Bệnh viêm VA dễ dàng được chẩn đoán trong quá trình kiểm tra các triệu chứng, quan sát những dấu hiệu trên gương mặt, mũi và họng.

Ngoài ra người bệnh sẽ được nội soi đường mũi. Hình ảnh thu được từ nội soi có thể giúp xác định chẩn đoán và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể:

  • Phì đại độ 1: Cửa mũi sau bị che lắp 25%
  • Phì đại độ 2: Cửa mũi sau bị che lắp 50%
  • Phì đại độ 3: Cửa mũi sau bị che lắp 75%
  • Phì đại độ 4: Cửa mũi sau bị che lắp > 75%

Phương pháp điều trị viêm VA

Viêm VA chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh. Những trường hợp nặng và có nhiều tổn thương sẽ được nạo VA. Dưới đây là một số cách giúp người bệnh cải thiện được tình trạng viêm VA:

1. Thuốc tây chữa bệnh

Thuốc kháng sinh được chỉ định cho trường hợp nhẹ và nhiễm trùng cấp tính. Trong đó kháng sinh nhóm betalactam (như Cephalosporin, Penicillin) thường được sử dụng để tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm trong hầu họng. Điều này giúp giảm mức độ phì đại do VA bị viêm và mở thông đường thở.

Thông thường kháng sinh sẽ được sử dụng trong 7 ngày. Nếu viêm liên quan đến nhiễm liên cầu, Penicillin G sẽ được chỉ định trong 14 ngày.

Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị viêm nhiễm VA do vi khuẩn gây ra

Ngoài kháng sinh, người bệnh sẽ được sử dụng thêm những thuốc điều trị triệu chứng, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol. Thuốc này giúp giảm đau và hạ sốt nhanh chóng.
  • Thuốc kháng viêm: Đôi khi thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen được chỉ định để điều trị viêm VA. Thuốc giúp giảm các triệu chứng sưng, đau và hạ sốt.
  • Thuốc giảm ho: Để giảm triệu chứng ho cho trẻ, bác sĩ thường chỉ định thuốc giảm ho ngoại biên. Thuốc này giúp giảm ho bằng cách làm giảm mức độ nhạy cảm của những thụ cảm thể (receptor) gây phản xạ ho hoặc gây tê các đầu dây thần kinh gây phản xạ ho.
  • Thuốc nhỏ mũi: Thuốc co mạch dạng nhỏ mũi được dùng để giảm tình trạng ngạt và tắc mũi. Điều này giúp giảm bớt cảm giác khó chịu cho trẻ. Những loại được sử dụng phổ biến gồm Xylometazoline và Naphazolin. Các thuốc co mạch thường chỉ được dùng trong vòng 5 ngày.
  • Viên uống bổ sung vitamin: Khi bị viêm VA, phụ huynh được khuyên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, B và C. Ngoài ra bác sĩ có thể kê đơn vitamin C đường uống để tăng cường hệ miễn dịch và chống bệnh.

Thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ nhỏ để tránh gây nguy hiểm.

Xem thêm: Chữa Bệnh Viêm Amidan Bằng Lá Tía Tô Đơn Giản, Hiệu Quả Tức Thì

2. Nạo VA

Phẫu thuật nạo VA được chỉ định cho những bệnh nhân có VA bị viêm nặng, tổn thương nhiều và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn ổ viêm (VA). Từ đó chấm dứt tình trạng viêm và ngăn tái phát.

Phẫu thuật nạo VA
Phẫu thuật nạo VA được chỉ định khi có tổn thương nhiều và VA bị viêm nặng

Thông thường nạo VA sẽ được thực hiện ngoại trú dưới gây mê và qua đường miệng. Người bệnh sẽ được về nhà trong ngày. Trong quy trình, bác sĩ giữ cho miệng của trẻ mở rộng bằng cách đưa một dụng cụ nhỏ vào miệng. Sau đó tiến hành đốt nóng hoặc rạch một đường nhỏ để nạo VA.

Miếng gạc được dùng để bít khu vực nạo VA, kiểm soát chảy máu trong và sau khi nạo mà không cần khâu vết thương. Sau khi kết thúc quy trình, trẻ được đưa đến phòng hồi sức, hướng dẫn dùng thuốc giảm đau và sưng, ra về.

Phòng ngừa viêm VA hiệu quả, an toàn

  • Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng mỗi ngày 2 lần/ ngày (sáng và tối trước khi ngủ).
  • Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để súc họng và rửa mũi. Nước muối giúp làm sạch bụi bẩn và vi khuẩn vùng mũi họng, giảm nguy cơ nhiễm trùng và kháng viêm.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người.
  • Không ho gần trẻ hoặc thơm má.
  • Nên cho trẻ mang khẩu trang để phòng không khí ô nhiễm và bụi bẩn.
  • Tiêm đầy đủ và đúng lịch cho trẻ để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Cho trẻ uống đủ nước. Uống nhiều nước hơn trước và sau khi trẻ vận động.
  • Điều trị sớm và tích cực khi có những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, đặc biệt là viêm mũi họng. Cần điều trị dứt điểm các bệnh lý để tránh gây biến chứng.
  • Nếu trẻ bị sổ mũi hoặc có tần suất ho nhiều, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được nội soi mũi họng, đánh giá viêm amidan và viêm VA.
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Trẻ nhỏ nên được giữ ấm vùng đầu, cổ, ngực, hai bàn tay và hai bàn chân.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, nấm móc, hóa chất…
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt nên cho trẻ tăng cường bổ sung các vitamin A, B, C, D, canxi, axit béo omega-3 và protein. Điều này giúp cho trẻ phát triển toàn diện, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.
  • Trẻ sơ sinh nên được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời. Từ tháng thứ 6, nên tiếp tục cho bé bú và ăn dặm đủ chất đến khi 2 tuổi. Điều này giúp cải thiện hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ, giảm nguy cơ mắc bệnh viêm VA.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời để tăng hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng VA

Bệnh VA chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường có đáp ứng tốt với thuốc, những trường hợp nặng có thể nạo VA. Nếu không được điều trị, VA bị viêm có thể gây ra nhiều triệu chứng làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Vì vậy phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của con, đưa trẻ đến bệnh viện nếu có những biểu hiện bất thường.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan

Cắt amidan có nguy hiểm không? Vấn đề này luôn khiến nhiều người bệnh lo sợ mặc dù việc cắt amidan chỉ là một tiểu phẫu y khoa khá đơn giản. Trong một số trường...

Xem chi tiết

Tham khảo thông tin trong bài viết có thể giúp nắm rõ viêm amidan có gây ho không và các phương pháp điều trị hiệu quả. Ho là một triệu chứng thường gặp của viêm...

Xem chi tiết

Trẻ em có nên cắt amidan? Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần và ảnh hưởng đến chất lượng đời sống hàng ngày của...

Xem chi tiết

Viêm amidan ho ra máu là một tình trạng ít gặp, thường chỉ xảy ra ở trường hợp viêm nặng và kéo dài. Máu tươi có thể lẫn trong đờm hoặc không, dễ nhầm lẫn...

Xem chi tiết

Trẻ bị viêm amidan có nôn không là thắc mắc chung của nhiều phụ huynh. Trên thực tế buồn nôn là một trong những triệu chứng thường gặp của viêm amidan. Tuy nhiên tình trạng...

Xem chi tiết

Có nên cắt amidan không, cắt amidan khi nào, không cắt có sao không hay nên cắt theo phương pháp nào,... là những băn khoăn của rất nhiều người khi nhắc đến thủ thuật này....

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp