Áp xe quanh amidan là sự phát triển của một túi mủ trong không gian nằm giữa mỗi amidan và thành cổ họng. Tình trạng xảy ra khi nhiễm trùng không được điều trị, thường liên quan đến liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.
Áp xe quanh amidan là gì?
Áp xe quanh amidan là một biến chứng của viêm amidan, xảy ra khi nhiễm trùng không được điều trị. Bệnh thể hiện cho sự hình thành túi mủ (được gọi là áp xe) trong không gian nằm giữa mỗi amidan và thành cổ họng.
- Xem Thêm: Biểu Hiện Viêm Amidan Hốc Mủ Là Như Thế Nào
Tình trạng này thường gặp ở thanh thiếu niên và thanh niên. Khi không được điều trị, áp xe quanh amidan có thể khiến nhiễm trùng lan đến vòm miệng, họng và phổi.
Hơn nữa tình trạng sưng tấy có thể đẩy amidan gần áp xe vào giữa cổ họng và dịch chuyển lưỡi gà (vạt mô treo phía sau cổ họng) về bên không bị ảnh hưởng. Điều này làm tắc nghẽn luồn không khí qua hầu họng và gây khó thở.
Nguyên nhân gây áp xe quanh amidan
Áp xe quanh amidan xảy ra khi viêm amidan không được điều trị. Điều này thường liên quan đến nhiễm trùng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Viêm amidan lâu ngày khiến nhiễm trùng lan sang những khu vực xung quanh và hình thành túi mủ.
Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khác:
- Bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng
- Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính (CLL)
- Sự lắng đọng canxi hoặc có sỏi trong amidan
- Nhiễm trùng răng và nướu
- Viêm nha chu
- Viêm nướu
- Nhiễm trùng nướu
- Hút thuốc
- Viêm amidan mãn tính.
Triệu chứng của áp xe quanh amidan
Triệu chứng ban đầu của áp xe quanh amidan là đau họng. Khi áp xe phát triển, các triệu chứng đa dạng và nghiên trọng hơn. Bao gồm:
- Nhìn thấy túi mủ hoặc nốt sưng màu trắng những khu vực quanh amidan
- Đau nhức ở vị trí có túi mủ
- Đau họng
- Lưỡi gà bị đẩy khỏi bên sưng tấy của miệng
- Sưng tấy miệng và cổ họng
- Những tuyến bạch huyết to ra và mềm (sưng hạch bạch huyết cổ)
- Nuốt đau
- Đau tai cùng bên với áp xe
- Nhức đầu
- Viêm amidan
- Sưng mặt và cổ
- Hôi miệng
- Chảy nước dãi
- Co thắt cơ hàm và cổ
- Sốt và ớn lạnh
- Giọng bị nghẹt hoặc khàn giọng
- Khó nuốt nước bọt
- Khó há miệng rộng.
Áp xe quanh amidan có nguy hiểm không?
Áp xe quanh amidan thường được điều trị khỏi bằng thuốc kháng sinh kết hợp dẫn lưu mủ. Tuy nhiên sưng tấy nghiêm trọng có thể làm tắc nghẽn đường thở và từ vong.
Ngoài ra người bệnh sẽ gặp thêm những biến chứng dưới đây nếu không được điều trị tốt:
- Mất nước do khó nuốt
- Chảy máu do xói mòn áp xe vào mạch máu lớn
- Nhiễm trùng lan rộng đến cổ họng, miệng, cổ và ngực
- Nhiễm trùng phổi
- Viêm màng não
- Vỡ áp xe
- Nhiễm trùng máu và tử vong.
Nguy cơ gặp biến chứng thường cao hơn ở những người bị tiểu đường và có hệ miễn dịch suy yếu.
Chẩn đoán áp xe quanh amidan
Nếu bị khó thở, khó nói, chảy nước dãi, vô cùng đau họng và khó nuốt, hãy nghĩ đến khả năng tắc nghẽn đường thở và di chuyển đến địa điểm cấp cứu ngay lập tức.
Áp xe quanh amidan rất dễ chẩn đoán khi túi mủ đủ lớn. Thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng, cổ và miệng của bạn. Đồng thời yêu cầu liệt kê những triệu chứng gần đây và tiền sử bệnh. Điều này có thể giúp phát hiện sự phát triển của túi mủ.
Nếu sưng đỏ một bên cổ họng và có gợi ý về áp xe, bác sĩ có thể mang găng tay và ấn nhẹ vào khu vực ảnh hưởng. Điều này giúp xem có mủ do viêm nhiễm hay không.
- Xem Thêm: Mẹo Chữa Amidan Tại Nhà An Toàn, Hiệu Quả
Một số xét nghiệm khác cũng được thực hiện, bao gồm:
- Cấy dịch cổ họng: Bác sĩ dùng tăm bông ngoáy cổ họng và nuôi cấy bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm. Xét nghiệm này cho phép xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra nhiễm trùng.
- Xét nghiệm hình ảnh: Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu siêu âm hoặc chụp CT để đánh giá miệng, họng và cổ họng, phân biệt áp xe quanh amidan với những tình trạng nghiêm trọng khác.
Điều trị áp xe quanh amidan
Điều trị áp xe quanh amidan thường bao gồm những phương pháp dưới đây:
1. Dẫn lưu áp xe
Khi bị áp xe quanh amidan, bệnh nhân được kiểm tra đường thở và hơi thở. Nếu bị tắc nghẽn đường thở và nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ sẽ tiến hành chọc kim vào túi mủ và rút chất lỏng ngay lập tức. Điều này có thể giúp thở thoải mái.
Nếu không bị tắc nghẽn đường thở và không gặp nguy hiểm, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê cục bộ vào vùng ảnh hưởng, truyền tĩnh mạch thuốc an thần và thuốc giảm đau. Sau đó mới dẫn lưu áp xe để hạn chế tối đa cảm giác đau đớn. Ngoài ra dụng cụ hút sẽ được sử dụng để tránh nuốt phải mủ và máu.
Một số lựa chọn giúp dẫn lưu áp xe:
- Chọc hút bằng kim: Trong thủ tục này, bác sĩ nhẹ nhàng đưa kim vào áp xe, sau đó tiến hành rút hết chất lỏng bên trong.
- Rạch và dẫn lưu: Thủ tục này bao gồm việc sử dụng dao mổ tạo một vết cắt nhỏ trong áp xe. Điều này giúp mủ chảy ra và được đưa ra ngoài.
Nếu ổ áp xe được dẫn lưu tốt và sức khỏe tốt, người bệnh sẽ được cho về nhà và sử dụng thêm kháng sinh. Những trường hợp nặng hơn hoặc có bệnh lý tiểu đường, người bệnh sẽ được yêu cầu theo dõi tại bệnh viện.
2. Cắt amidan cấp tính
Đôi khi phẫu thuật cắt bỏ amidan sẽ được thực hiện. Trong thủ thuật này, amidan bị viêm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Cắt amidan được thực hiện cho những bệnh nhân bị viêm amidan thường xuyên hoặc không thể chịu đựng được thủ thuật dẫn lưu.
- Xem Ngay: Trường Hợp Bị Viêm Amidan Cấp Tính Có Nguy Hiểm Không
3. Thuốc kháng sinh
Người bệnh được dùng kháng sinh để điều trị áp xe quanh amidan. Liều đầu tiên có thể được tiêm qua tĩnh mạch, những liều tiếp theo được dùng qua đường uống.
Trong đó Penicillin là loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất cho tình trạng này. Thuốc có tác dụng điều trị nhiễm trùng toàn thân. Từ đó ngăn tiếp tục tích tụ mủ và giảm các triệu chứng như đau nhức.
Nếu áp xe quay trở lại, người bệnh được yêu cầu sử dụng thêm thuốc kháng sinh và dẫn lưu thêm.
Phòng ngừa
Áp xe quanh amidan có thể được ngăn ngừa băng những biện pháp sau:
- Không hút thuốc.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Đảm bảo đánh răng 2 lần mỗi ngày và luôn súc miệng sau khi ăn để làm sạch thức ăn còn vướng lại bên trong.
- Kịp thời điều trị viêm amidan và những bệnh nhiễm trùng răng miệng bằng thuốc kháng. Thuốc kháng sinh cần được uống hết một đợt để ngăn nhiễm trùng tái phát.
- Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị viêm amidan.
Áp xe quanh amidan là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời để ngăn tắc nghẽn đường thở và những biến chứng khác. Tốt nhất nên thăm khám sớm, dùng thuốc và dẫn lưu áp xe theo chỉ định của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
- Viêm Amidan Xơ Teo Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa Trị
- Viêm Amidan Có Nên Ngậm Nước Muối? Điều Cần Lưu Ý