Viêm amidan xơ teo xảy ra ở người bị viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần. Tình trạng này khiến amidan xơ hóa kèm theo đau đớn và nhiều triệu chứng khác khiến người bệnh mệt mỏi.
Viêm amidan xơ teo là gì?
Viêm amidan xơ teo là tình trạng amidan bị xơ hóa (teo nhỏ về kích thước) do viêm. Đây là một thể lâm sàng nhẹ của viêm amidan mãn tính, thường gặp ở những người bị viêm amidan cấp tính không được điều trị và tái phát nhiều lần.
Amidan là tổ chức lympho lớn, nằm trong họng và tạo thành vòng Waldeyer (vòng bao quanh bên trong họng). Tổ chức này có 4 amidan, gồm amidan lưỡi, amidan vòi, amidan vòm (VA) và amidan khẩu cái. Trong đó amidan khẩu cái là amidan lớn nhất và dễ bị viêm nhất. Chúng nằm ở hai bên hầu họng, có hình hạnh nhân.
Không giống với viêm amidan cấp tính, viêm amidan xơ teo khiến amidan teo nhỏ, không sưng to. Ngoài ra tình trạng này còn khiến các amidan ảnh hưởng có bề mặt gồ ghề, chứa nhiều bã đậu (ứ mủ) trong các hốc và nhiều lỗ hõm.
- Tìm Hiểu Thêm: Thế Nào Là Viêm Hốc Mủ Amidan, Dấu Hiệu Nhận Biết
Nguyên nhân gây viêm amidan xơ teo
Vi khuẩn là nguyên nhân trực tiếp của viêm amidan xơ teo. Trong đó tụ cầu khuẩn, xoắn khuẩn, liên cầu khuẩn, yếm khí và những chủng ái khí là các loại thường gặp nhất.
Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh, gây viêm amidan cấp tính tái phát nhiều lần nhưng không được điều trị. Vào giai đoạn mãn tính, amidan bị xơ hóa dẫn đến teo nhỏ.
Ở một số trường hợp khác, bệnh nhân bị viêm amidan quá phát, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tình trạng này khiến amidan sưng to hơn bình thường và chèn ép cuống họng. Từ đó làm cản trở quá trình lưu thông không khí qua đường hầu họng.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Có những ổ viêm mãn tính. Chẳng hạn như viêm mũi, viêm xoang, viêm nha chu, sâu răng…
- Thường xuyên hít khói bụi.
Triệu chứng của viêm amidan xơ teo
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm amidan xơ teo thường nhẹ nhưng kéo dài. Ở giai đoạn tiến triển, những triệu chứng nặng hơn và được cảm nhận rõ rệt.
- Khối amidan teo nhỏ hơn bình thường hoặc so với khối bên cạnh
- Bề mặt amidan gồ ghề, có nhiều lỗ hõm
- Có bã đậu trong các hốc (kết quả của sự tích tụ vi khuẩn, tế bào chết, dịch và thức ăn trong các hốc của amidan)
- Hai trụ amidan dày hơn, đỏ ửng hoặc sẫm màu
- Sỏi amidan
- Hôi miệng
- Đau nhức ở amidan ảnh hưởng
- Đau rát cổ họng
- Đau khi nuốt
- Khó nuốt hoặc nuốt nghẹn
- Cảm giác như có dị vật trong cổ họng, thường xuyên hắng giọng
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Mệt mỏi hoặc suy nhược
- Ngủ không ngon giấc, da dẻ xanh xao.
Viêm amidan xơ teo có nguy hiểm không?
Viêm amidan nói chung và viêm amidan xơ teo nói riêng đều có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị. Khi được khám và điều trị kịp thời, tình trạng viêm được kiểm soát và các triệu chứng giảm nhanh.
Khi không được điều trị tốt, người bệnh có thể gặp những biến chứng dưới đây:
- Sỏi amidan
- Áp xe amidan
- Đau nhức dữ đội ảnh hưởng đến ăn uống và gây khó chịu
- Nhiễm trùng lây lan dẫn đến:
- Viêm họng
- Viêm xoang
- Viêm mũi
- Viêm tai giữa
- Viêm phế quản
- Viêm phổi
- Viêm thanh quản
- Viêm thận
- Viêm cơ tim co thấp
- Viêm tuyến giáp
- Viêm màng não
- Nhiễm trùng huyết…
Chẩn đoán viêm amidan xơ teo
Bệnh viêm amidan xơ teo được chẩn đoán bằng cách kiểm tra những triệu chứng lâm sàng. Sự teo nhỏ và bề mặt gồ ghề của amidan, cùng với triệu cứng đau, khó nuốt, tụ mủ ở các hốc có thể giúp phát hiện nhanh tình trạng bệnh.
Đôi khi người bệnh được yêu cầu xét nghiệm máu toàn phần hoặc nuôi cấy vi khuẩn trong cổ họng để tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Điều trị viêm amidan xơ teo như thế nào?
Bệnh viêm amidan xơ teo chủ yếu được điều trị bằng thuốc, kết hợp những biện pháp giảm nhẹ tại nhà. Những trường hợp nặng hoặc tái phát nhiều lần sẽ được yêu cầu cắt amidan.
1. Thuốc
Đơn thuốc thường gồm những loại thuốc điều trị nhiễm trùng và giảm nhẹ triệu chứng, cụ thể:
- Thuốc kháng sinh: Để điều trị ổ viêm nhiễm do vi khuẩn, người bệnh được dùng thuốc kháng sinh. Đơn thuốc này giúp loại bỏ vi khuẩn và ức chế sự lây lan của chúng. Từ đó điều trị nhiễm trùng hiệu quả.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen thường được dùng để hạ sốt và xoa dịu cơn đau. Thuốc có tác dụng giảm cơn đau nhẹ đến vừa và hạ sốt hiệu quả.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc kháng viêm nhóm NSAID có thể được dùng để giảm viêm, sưng và đau do chứng viêm amidan xơ teo. Thuốc này giúp giảm đau mức trung bình, điều trị viêm và hạ sốt. Trong đó Ibuprofen và Naproxen thường được chỉ định.
- Thuốc chống sung huyết và phù nề: Một loại thuốc chống sung huyết và phù nề như Amitase và Prednisolon sẽ được sử dụng. Thuốc này có tác dụng ức chế tình trạng phù nề do viêm nhiễm. Đồng thời giúp xoa dịu cơn đau.
- Thuốc giảm ho và long đờm: Nếu viêm amidan gây ho nhiều và tích tụ đờm trong cổ họng, người bệnh sẽ được chỉ định thuốc trị ho và long đờm. Những loại thuốc này có tác dụng làm dịu cổ họng, giảm ho và làm loãng đờm.
Đơn thuốc cụ thể sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Xem Thêm: Tổng Hợp Các Loại Thuốc Chữa Viêm Amidan Bạn Nên Biết
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong khi dùng thuốc điều trị viêm amidan xơ teo, việc áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành.
- Súc họng bằng nước muối
Duy trì ngậm và súc họng bằng nước muối sinh lý (nồng độ 0.9%) 3 – 4 lần/ ngày. Biện pháp này giúp giảm đau, làm loãng dịch đờm, làm dịu và làm sạch cổ họng.
Ngoài ra nước muối có đặc tính kháng viêm, diệt khuẩn, ngăn sự tích tụ và lây lan của vi khuẩn. Từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành. Nên súc miệng bằng nước muối sau khi đánh răng xong để tăng hiệu quả.
- Ăn thức ăn mềm
Không ăn thức ăn cứng và có nhiều góc cạnh. Điều này có thể gây trầy xước, tăng đau cho cổ họng và amidan bị tổn thương. Tốt nhất nên ăn thức ăn mềm và lỏng để không gây khó chịu và dễ nuốt.
- Chú ý dinh dưỡng
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, B, C, D, E, axit béo omega-3 cùng những khoáng chất. Những thành phần dinh dưỡng này có thể thúc đẩy quá trình chữa lành, giảm viêm, tăng sức đề kháng và khả năng chống bệnh.
Tránh đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc gia vị, thức uống lạnh, rượu bia… Bởi nhóm thực phẩm này có thể tăng viêm và làm nặng các triệu chứng.
- Uống nhiều nước ấm
Hãy uống nhiều nước ấm khi bị viêm amidan xơ teo. Nước ấm giúp làm dịu amidan và cổ họng, giảm đau, làm loãng dịch đờm. Từ đó hạn chế ho và giúp cổ họng dễ chịu hơn.
Tham khảo thêm: Bị Sưng Amidan Nên Uống Nước Gì? 8 Loại Tốt Nhất Nên Dùng
- Sử dụng nguyên liệu thiên nhiên
Một số nguyên liệu thiên nhiên có thể giảm nhẹ các triệu chứng và tăng hiệu quả điều trị viêm amidan xơ teo. Bao gồm:
-
- Gừng: Gừng chứa hoạt chất kháng viêm. Khi dùng có thể giúp giảm sưng, viêm và đau. Mỗi ngày hãy đun sôi 300ml nước và vài lát gừng để làm trà. Uống từng ngụm nhỏ khi trà còn ấm.
- Chanh: Chanh giàu vitamin C. Uống mỗi ngày một ly nước chanh ấm và mật ong có thể làm tăng sức đề kháng, giảm viêm và chống nhiễm khuẩn.
- Mật ong: Mật ong nguyên chất chứa các hoạt chất giúp tăng cường sức khỏe, giảm đau, giảm viêm và chống lại nhiễm khuẩn. Ngoài ra uống một cốc nước mật ong ấm cũng giúp tăng tốc độ chữa lành.
- Nghệ: Nếu bị viêm amidan xơ teo, hãy uống một cốc trà nghệ hoặc sữa nghệ mỗi ngày. Nghệ chứa nhiều hoạt chất Curcumin giúp chống viêm và giảm đau. Cùng với các vitamin và các chất chống oxy hóa, loại thảo được này còn giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt amidan được chỉ định khi:
- Viêm tái phát nhiều lần
- Viêm amidan xơ teo ở mức độ nặng và có biến chứng.
Cắt amidan là một thủ thuật đơn giản. Trong quá trình này, bệnh nhân được gây tê tại chỗ hoặc gây mê, bác sĩ tiến hành loại bỏ amidan bằng dao điện bằng laser.
Có nhiều phương pháp cắt amidan. Dưới đây là những phương pháp phổ biến:
- Cắt amidan bằng coblator công nghệ plasma
- Cắt amidan bằng laser
- Cắt amidan bằng dao điện
- Cắt amidan bằng dao mổ siêu âm
- Mổ cắt amidan bằng phương pháp Sluder
- Bóc tách và thòng lọng (Anse)
Phương pháp cụ thể sẽ được chỉ định dựa vào tình trạng và mong muốn.
Phòng ngừa
Những cách dưới đây có thể giúp ngăn ngừa và giảm tái phát viêm amidan xơ teo:
- Giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng mỗi ngày 2 lần. Nên kết hợp súc miệng với nước muối loãng để làm sạch hoàn toàn, giảm nguy cơ phát triển viêm nhiễm.
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp (như viêm họng, viêm xoang, viêm mũi…) để ngăn ngừa lây nhiễm sang amidan.
- Tránh dùng nguồn nước bẩn, tiếp xúc khói bụi hoặc sống ở những nơi có không khí ô nhiễm.
- Uống nhiều nước, nên dùng nước ấm để làm dịu cổ họng tốt hơn.
- Ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Tránh rượu bia, thực phẩm khô cứng, nhiều dầu mỡ các thực phẩm kém lành mạnh khác.
- Tăng cường bổ sung các vitamin (như A và C), tập thể dục đều độ để tăng cường sức đề kháng và miễn dịch. Từ đó hạn chế nhiễm trùng và viêm amidan xơ teo.
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân và dụng cụ ăn uống với người khác.
- Điều trị tốt và kịp thời khi bị viêm amidan cấp tính. Đồng thời áp dụng những biện pháp ngăn ngừa để giảm nguy cơ tái phát.
Bệnh viêm amidan xơ teo có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không điều trị. Vì vậy người bệnh nên sớm kiểm tra vùng họng và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp kiểm soát bệnh tốt hơn và giảm nhanh các triệu chứng.
Tham khảo thêm:
- Địa Chỉ Cắt Amidan Ở Đâu Tốt Nhất? TOP 10 Bệnh Viện Uy Tín
- Viêm Amidan Gây Hôi Miệng: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị