Cách Phân Biệt Viêm VA Và Viêm Amidan Bạn Nên Biết

Viêm VA và viêm amidan là hai bệnh lý thường khởi phát ở trẻ em và rất dễ nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên, nếu bạn chú ý kỹ đến biểu hiện thực thể và triệu chứng lâm sàng thì vẫn có thể phân biệt chúng. So với bệnh viêm VA thì viêm amidan thường tiến triển phức tạp và dễ phát sinh biến chứng hơn.

Viêm amidan và viêm VA là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên thường gặp
Viêm amidan và viêm VA là tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp trên thường gặp

Amidan và VA là gì?

Amidan và VA là hai bộ phận bình thường của cơ thể người. Cả hai đều là tổ chức bạch huyết nằm ở ngã tư hầu họng, có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của tác nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp. VA và amidan hoạt động mạnh mẽ ở trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện.

  • Amidan hay còn gọi là amidan khẩu cái. Đây là khối mô màu hồng có hình oval nằm ở hai bên thành họng. Kích thước của amidan sẽ có sự khác nhau ở từng trẻ. Chức năng của amidan là ngăn chặn tác nhân gây hại tấn công và xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp từ mũi và miệng.
  • VA hay còn gọi là amidan vòm, đây là tổ chức bạch huyết có hình tam giác nằm ở vùng mũi họng. Khi hít thở, không khí phải đi qua mũi, đến VA rồi mới vào phổi. Bình thường, khối VA khá mỏng chỉ dày từ 4 – 5cm nhưng lại xếp theo hình lá nên có diện tích tiếp xúc khá rộng. Chức năng chính của VA là lọc và bắt giữ vi khuẩn gây hại trước khi đưa vào cơ thể.

Cách phân biệt viêm VA và viêm Amidan

Viêm amidan và viêm VA là bệnh lý đường hô hấp thường gặp. Triệu chứng của hai bệnh lý này khá giống nhau nhưng khác nhau về phương pháp điều trị. Nếu không tiến hành điều trị đúng cách, quá trình hồi phục sẽ bị trì trệ, thậm chí là phát sinh biến chứng nghiêm trọng. Vì thế, người bệnh cần phải phân biệt rõ bệnh viêm amidan và viêm VA. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

Độ tuổi mắc bệnh

Amidan và VA phát triển mạnh mẽ ở giai đoạn trẻ nhỏ, teo dần khi lớn lên và làm giảm khả năng mắc bệnh. Vì thế, trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc hai bệnh lý này nhất.  Tuy nhiên, độ tuổi khởi phát bệnh sẽ có sự khác nhau. Cụ thể là:

+ Viêm amidan: Thường xảy ra ở trẻ từ 6 – 18 tuổi hoặc những người có độ tuổi lớn hơn.

+ Viêm VA: Khởi phát ở trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên nhưng thường gặp nhất là trẻ từ 2 – 5 tuổi. Những người bị viêm VA kéo dài vẫn có khả năng tái phát bệnh trở lại khi trưởng thành.

Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm amidan và viêm VA
Trẻ em là đối tượng dễ bị viêm amidan và viêm VA

Quan sát thực thể

+ Amidan: Cơ quan này nằm ở hai bên vòm họng, rất dễ quan sát khi há to miệng. Khi tình trạng viêm nhiễm xảy ra, khối amidan sẽ trở nên sưng đỏ và có kích thước to hơn bình thường.

+ VA: Viêm VA khiến VA sưng to, gây bít tắc cửa mũi sau và khởi phát triệu chứng. Do VA nằm ở sau vòm mũi họng nên khi bị viêm sẽ rất khó quan sát và bạn không thể thấy triệu chứng thực thể bằng bằng mắt thường. Khi thăm khám, bác sĩ phải dùng gương đặc biệt hoặc các dụng cụ y khoa đưa ra mũi mới có thể thấy.

Phân biệt dựa vào triệu chứng

Triệu chứng của hai bệnh lý này khá giống nhau, bạn cần phải theo dõi kỹ để tránh nhầm lẫn. Cụ thể là:

+ Viêm amidan

  • Khi bệnh khởi phát ở giai đoạn cấp tính sẽ gây sốt cao từ 38 – 39 độ kèm theo mệt mỏi, đau đầu, chán ăn, tiểu tiện có màu đỏ,… Amidan bị sưng và hình thành mủ trắng bên trong gây khó nuốt, khô rát cổ họng, ho có đờm, khàn tiếng, ngủ ngáy, ăn uống kém,…
  • Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn mãn tính sẽ gây sốt nhẹ và sốt về chiều, ngứa rát ở cổ họng, nuốt vướng, hơi thở có mùi hôi và ho khan vào buổi sáng. Trường hợp viêm mãn tính quá phát sẽ gây khó thở, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ ở trẻ em.

+ Viêm VA

  • Triệu chứng của bệnh viêm VA cấp tính khá giống với bệnh viêm amidan, điển hình là sốt cao. Tuy nhiên, tình trạng sốt sẽ diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn (từ 39 – 40 độ) kèm theo nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, khó thở, co giật,… Ngoài ra, trẻ còn phải đối mặt với một số triệu chứng tại vùng hô hấp như nghẹt mũi, chảy dịch sau mũi, ngủ ngáy, khô rát cổ họng,…
  • Trường hợp bệnh tiến triển mãn tính sẽ gây ho nhiều, sốt vặt, nghẹt mũi và sổ mũi, thường xuyên thở bằng miệng,… Trường hợp nặng sẽ khiến gương mặt thay đổi, miệng luôn há, trán dô, răng vẩu,…
Viêm VA rất khó quan sát bằng mắt thường, cần phải thăm khám chuyên khoa
Viêm VA rất khó quan sát bằng mắt thường, cần phải thăm khám chuyên khoa

Biến chứng

Viêm amidan và viêm VA thường diễn ra ở mức độ nhẹ, đáp ứng tốt với tất cả các phương pháp điều trị. Ngược lại, nếu người bệnh chủ quan trong việc điều trị, bệnh sẽ diễn ra kéo dài sẽ phát sinh nhiều biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể là:

+ Biến chứng của bệnh viêm amidan:

  • Biến chứng gần: Áp xe quanh amidan, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mủ hạch cổ,…
  • Biến chứng xa: Viêm khớp, viêm cơ tim, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu,…

+ Biến chứng của bệnh viêm VA:

  • Biến chứng gần: Viêm tai giữa, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm phế quản, áp xe thành họng, tăng trưởng sọ mặt,…
  • Biến chứng toàn thân: Gây ngủ ngáy hoặc ngưng thở kéo dài. Lâu dần sẽ gây suy tim, ngừng thở và tử vong.

Điều trị

Việc điều trị viêm amidan và viêm VA còn phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh lý. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kết hợp chăm sóc tại nhà. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu nạo VA hoặc cắt amidan.

+ Điều trị viêm amidan: 

  • Viêm amidan cấp tính thường được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp kiểm soát nhanh chóng các triệu chứng của bệnh. Thường dùng là thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt,…
  • Viêm amidan mãn tính tái phát nhiều lần hoặc có nguy cơ phát sinh biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật cắt amidan để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Các phương phát cắt amidan trong y khoa là cắt amidan bằng thòng lọng, dùng dao điện cao tần, dùng dao mổ đơn cực, Forcep lưỡng cực, sóng điện từ, laser, dao siêu âm và thiết bị cắt hút.
Điều trị viêm VA và viêm amidan đúng cách từ sớm để tránh phát sinh biến chứng
Điều trị viêm VA và viêm amidan đúng cách từ sớm để tránh phát sinh biến chứng

+ Điều trị viêm VA: 

  • Viêm VA nếu khởi phát ở mức độ nhẹ, có thể tự điều trị tại nhà bằng cách ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh mũi họng sạch sẽ bằng nước muối, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, dùng xịt họng thảo dược,….
  • Với trường hợp nặng, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị chuyên khoa. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc Tây y như thuốc hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc nhỏ mũi, thuốc kháng sinh,…
  • Nếu bệnh viêm VA diễn ra ở mức độ nặng gây tắc nghẹt mũi, khó thở,… bác sĩ sẽ chỉ định làm phẫu thuật nạo VA.
  • Các phương pháp nạo VA được áp dụng trong y khoa là nạo bằng thìa nạo, nạo dưới sự hướng dẫn của nội soi, nạo bằng thiết bị cắt hút và nạo bằng năng lượng điện sóng cao tần.

Biện pháp phòng ngừa viêm amidan và viêm VA

Viêm amidan và viêm VA khởi phát do bị vi khuẩn và virus tấn công. Nếu tình trạng viêm khởi phát nhiều lần sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và nguy cơ phát sinh biến chứng. Để phòng ngừa bệnh cho trẻ, bố mẹ cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Hình thành cho bé thói quen ăn uống khoa học và hợp lý giúp cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ được nâng cao, tăng khả năng chống lại sự tấn công của tác nhân gây hại.
  • Tập cho bé thói quen vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên để hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày và súc miệng bằng nước muối để diệt khuẩn.
  • Duy trì các thói quen tốt như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi về sinh, không cắn móng tay, giữ ấm cơ thể khi trờ lạnh, không ngậm đồ vật,..
  • Tránh để bé tiếp xúc với các tác nhân gây hại tồn tại bên ngoài môi trường như môi trường ô nhiễm, khu vực nhiều khói bụi, khói thuốc lá,… Tiến hành tiêm phòng vacxin cúm cho trẻ hàng năm.
Bảo vệ hệ hô hấp cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài
Bảo vệ hệ hô hấp cho trẻ bằng cách đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài

Bài viết trên đây là hướng dẫn phân biệt bệnh viêm VA và viêm amidan bạn có thể tham khảo. Hy vọng, chúng sẽ giúp bạn dễ dàng nhận biết các vấn đề sức khỏe thường gặp ở con nhỏ để có thể đưa ra phương án xử lý đúng cách. Ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh lý, không nên tự ý điều trị tại nhà để tránh các rủi ro không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *