Viêm VA cấp là tình trạng nhiễm trùng cấp tính của VA. Bệnh có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, dễ tiến triển thành mãn tính và gây ra nhiều biến chứng nếu không được điều trị sớm.
Viêm VA cấp là gì?
Viêm VA cấp là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm cấp tính của VA (Végétations Adénoides) – tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng. Tình trạng này khởi phát đột ngột, khiến khu vực ảnh hưởng có mủ hoặc xuất tiết.
VA có vị trí ở cửa mũi sau. Cùng với các amidan khác (amidan khẩu cái, amidan vòi và amidan đáy lưỡi) tạo thành vòng bạch huyết Waldeyer, bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Tuy nhiên VA có thể bị viêm do vi khuẩn hoặc virus. Khi bị viêm VA, những khối sùi vòm họng bắt đầu hình thành, làm cản trở hoặc chặn đường hô hấp. Điều này khiến ngươi bệnh bị ngạt mũi, khó thở, thường xuyên há miệng để thở. Ngoài ra tình trạng viêm cấp còn gây chảy nước mũi kéo dài và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Khi không được điều trị, viêm VA cấp sẽ chuyển sang viêm VA mãn tính.
- Đọc Thêm: Viêm VA mãn tính có nguy hiểm không, cách chữa trị
Giai đoạn phát triển của viêm VA cấp
Viêm VA gây ra sự quá phát của VA. Dựa theo mức độ che lắp cửa mũi, tình trạng này được chia thành 4 độ, bao gồm:
- VA phì đại độ I: Che lắp < 25% cửa mũi sau
- VA phì đại độ II: Che lắp < 50% cửa mũi sau
- VA phì đại độ III: Che lắp < 75% cửa mũi sau
- VA phì đại độ IV: Che lắp > 75% cửa mũi sau
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nhiễm vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm VA cấp. Trong điều kiện thuận lợi, vi khuẩn trong họng phát triển quá mức hoặc xâm nhập vào VA từ môi trường bên ngoài. Sau đó gây viêm nhiễm.
Bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt là những trẻ nhỏ có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Có thể trạng yếu
- Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc suy yếu
- Suy dinh dưỡng hoặc còi xương thấp bé
- Sinh thiếu tháng
- Đang bị cúm , sởi hoặc những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc khói bụi
- Sống trong môi trường ô nhiễm
- Thường xuyên ăn đồ lạnh
- Không giữ ấm cơ thể đúng cách khi chuyển mùa
- Dùng kháng sinh bừa bãi.
Triệu chứng của bệnh viêm VA cấp
Viêm VA cấp có những triệu chứng bắt đầu đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đáp ứng tốt với kháng sinh, các triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:
- Sốt cao từ 40 – 41 độ C, thường kèm theo co thắt thanh môn và co giật
- Co thắt thanh quản
- Đau tai
- Có phản ứng màng não. Tình trạng này thường diễn biến nhẹ hơn ở trẻ sơ sinh
- Ù tai
- Nghe kém
- VA lớn che kín cửa sau mũi dẫn đến ngạt mũi hoàn toàn, cần phải thở bằng miệng. Những trẻ lớn hơn thường không có dấu hiệu ngạt mũi hoàn toàn nhưng thở ngáy, đặc biệt là vào ban đêm
- Chảy nước mũi nhiều. Nước mũi trong ở giai đầu, sau đó chuyển sang màu xanh hoặc vàng kèm theo mùi tanh
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Thường xuyên há miệng để thở
- Thở nhanh, nhịp không đều
- Bỏ ăn, bỏ bú
- Ngủ ngáy
- Xuất hiện những đợt ngưng thở khi ngủ (hội chứng ngưng thở khi ngủ)
- Nói giọng mũi kín
- Mệt mỏi
- Thường xuyên quấy khóc hoặc cáu gắt
- Ngủ không sâu giấc và thường xuyên tỉnh dậy
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu
- Sưng hạch góc hàm
- Nếu nuốt dịch mủ hoặc đờm, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đầy hơi, ăn uống khó tiêu hoặc tiêu chảy
- Người lớn bị viêm họng sau lưỡi gà, nghe kém và ù tai.
- Xem thêm: Viêm VA độ 3 có phải cấp độ nguy hiểm không
Trong quá trình thăm khám có thể nhận thấy những dấu hiệu sau:
- Xuất hiện các khe đọng dịch mũi
- Hốc mũi đầy mủ nhầy
- Khó hoặc không thể khám vòm họng qua mũi
- Niêm mạc mũi sưng nề và đỏ ửng
- Niêm mạc họng đỏ
- Dịch mủ chảy từ mũi xuống họng ở thành sau họng
- Nhìn thấy VA ở nóc vòm sau khi hút sạch mũi nhầy trong hốc mũi kết hợp đặt thuốc làm co niêm mạc (thực hiện ở trẻ lớn hơn)
- Khám tai thấy màng nhĩ mất bóng, trở nên xám đục, tắc vòi nhĩ khiến màng nhĩ hơi lõm vào
- Sờ thấy hạch nhỏ ở góc hàm và rãnh cảnh, hơi đau
- Không bị viêm quanh hạch
- Nội soi thấy tổ chức VA ở vòm mũi, họng có mủ nhầy phủ lên, sưng đỏ và to
Bệnh viêm VA cấp có nguy hiểm không?
Bệnh viêm VA cấp nếu không được điều trị tốt sẽ chuyển sang viêm VA mãn tính. Ngoài ra bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng. Việc không đều trị sẽ gây ra những biến chứng dưới đây:
- Viêm tai giữa
- Viêm phế quản
- Viêm xoang
- Viêm mũi họng
- Viêm đường tiêu hóa
- Viêm cầu thận cấp
- Thấp khớp cấp
- Viêm hạch gây áp xe
- Viêm ổ mắt
- Viêm thanh quản và khí quản
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- Rối loạn phát triển khối xương mặt
Bệnh viêm VA cấp được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ tiến hành quan sát vùng mũi họng, kiểm tra hạch bạch huyết cổ, các triệu chứng cơ năng và toàn thân. Điều này có thể giúp đánh giá sơ nét về tình trạng.
Sau khám lâm sàng, bệnh nhân được xét nghiệm công thức máu để kiểm tra nhiễm trùng. Viêm VA cấp nếu do vi khuẩn sẽ có số lượng bạch cầu tăng cao. Đôi khi người bệnh được khám thực thể kết hợp sinh thiết để loại trừ khối u, polyp cửa mũi sau.
Viêm VA được chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:
- Áp xe thành sau họng
- Khối u, polyp cửa mũi sau
- Ngạt mũi do viêm xoang hoặc do những bệnh lý vách ngăn
- V.A to ở trẻ khỏe mạnh
Xem ngay: Bệnh Viêm Amidan Có Nên Ăn Hải Sản Không? Chuyên Gia Chia Sẻ
Điều trị viêm VA cấp
Đối với viêm VA cấp tính, người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng và nhiễm trùng bằng kháng sinh. Đồng thời nâng cao thể trạng để thúc đẩy phục hồi sức khỏe.
Phương pháp điều trị cụ thể:
- Hút mũi và sát trùng nhẹ: Điều trị đầu tiên thường bao gồm hút mũi và dùng thuốc sát trùng nhẹ (ephedrin 1%, argyron 1%). Phương pháp này giúp trẻ dễ thở hơn.
- Khí dung mũi: Khí dung mũi với corticoid và kháng sinh để điều trị viêm nhiễm do vi khuẩn và giảm nhẹ các triệu chứng. Đây là một phương pháp điều trị tại chỗ. Trong đó máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù được sử dụng để đưa thuốc vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp. Từ đó giúp giảm nhanh tình trạng viêm nhiễm.
- Kháng sinh toàn thân: Nếu bị viêm VA nặng, có nguy cơ hoặc đang gặp biến chứng, người bệnh được chỉ định kháng sinh toàn thân để điều trị nhiễm trùng. Thuốc giúp loại bỏ nhanh loại vi khuẩn gây bệnh. Thông thường kháng sinh phổ rộng sẽ được dùng liều cao trong thời gian đầu.
- Nâng cao thể trạng: Bệnh nhân có thể được kê đơn vitamin C dạng uống hoặc được yêu cầu tăng cường bổ sung vitamin từ chế độ dinh dưỡng. Tốt nhất nên uống đủ nước, ăn đủ chất và lành mạnh, ăn nhiều trái cây và rau củ. Điều này giúp nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Từ đó tăng tốc độ phục hồi sức khỏe.
- Nạo VA: Hiếm khi viêm VA cấp được chỉ định nạo VA. Tuy nhiên phương pháp này sẽ được áp dụng cho những trường hợp viêm cấp tính kéo dài. Trong khi điều trị, bác sĩ tiến hành nạo VA “nóng” hoặc sờ vòm để giải phóng mủ. Bệnh nhân sẽ được kê đơn kháng sinh trước và sau khi điều trị.
- Tham Khảo Thêm: Tổng hợp các loại Thuốc chữa trị bệnh viêm VA tốt nhất
Phòng ngừa bệnh viêm VA
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sau đó kết hợp bú mẹ và chế độ ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng.
- Những trẻ lớn hơn nên được xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng, sử dụng các thuốc bổ hoặc những loại tăng cường miễn dịch. Điều này giúp nâng cao sức đề kháng và hệ miễn dịch, phòng ngừa suy dinh dưỡng và giảm nguy cơ viêm VA.
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi.
- Vệ sinh răng miệng và mũi họng tốt. Có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc họng để tăng khả năng kháng viêm và loại bỏ vi khuẩn vùng mũi họng.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài để giảm hít phải khói bụi.
- Tránh hít khói thuốc lá thụ động hoặc hút thuốc lá để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Khi có viêm nhiễm mũi họng, cần đến bệnh viện để được điều trị đúng và kịp thời.
Bệnh viêm VA cấp có nhiều triệu chứng nghiêm trọng, dễ tái diễn nhiều lần. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ. Chính vì thế bệnh lý này cần được điều trị đúng và kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
- Viêm Amidan Ở Trẻ Em: Triệu Chứng Và Cách Chữa An Toàn
- Viêm Amidan Có Nên Ngậm Nước Muối? Điều Cần Lưu Ý