Bơi lội là một hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng được khuyến khích tham gia. Một số bệnh lý có thể tăng nặng hơn sau khi bơi. Vậy người đang bị viêm tai giữa có nên đi bơi không?
Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là bệnh lý được đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm, tiết dịch ở niêm mạc tai giữa. Tình trạng này có thể kéo dài trong một vài tuần hoặc trong nhiều năm tùy theo mức độ bệnh. Kèm theo đó là các triệu chứng bất thường khác có thể xuất hiện khi bị viêm tai giữa như đau tai, sốt nhẹ hoặc sốt cao, nhức đầu, nặng tai hoặc ù tai, mất thăng bằng.
Bệnh viêm tai giữa được chia thành hai dạng chính gồm cấp tính và mãn tính. Trong đó, viêm tai giữa cấp chủ yếu phát triển do nhiễm virus, vi khuẩn sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp cấp. Người bệnh thường bị sốt, đau nhói ở tai, đỏ màng nhĩ nhưng các triệu chứng thường không kéo dài quá lâu. Viêm tai giữa mãn tính được xem là hậu quả của việc điều trị bệnh chậm trễ, không đúng cách hoặc không chữa trị tận gốc trong giai đoạn cấp khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần và gây ra những tổn thương vĩnh viễn cho khoang tai giữa.
Suy giảm thính giác được xem là hậu quả rõ ràng nhất của bệnh viêm tai giữa. Nguyên nhân là do nhiễm trùng gây tổn thương đến màng nhĩ hoặc các xương nhỏ làm nhiệm vụ truyền dẫn âm thanh trong tai giữa. Trường hợp nặng, người bệnh còn bị thủng màng nhĩ dẫn đến điếc, mất khả năng nghe hoàn toàn. Ngoài ra, nhiễm trùng từ tai giữa có thể lây lan đến các vùng lân cận gây viêm màng não, viêm dây thần kinh mặt, viêm xoang, viêm amidan, áp xe não… Trong đó có không ít biến chứng nguy hiểm, gây nguy cơ tử vong cao.
Bệnh viêm tai giữa được điều trị tại khoa Tai mũi họng của bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa. Các phương pháp bảo tồn được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp với can thiệp dao kéo và được chỉ định mổ viêm tai giữa để tái tạo màng nhĩ, chỉnh hình tai, loại bỏ dịch mủ tích tụ cùng các mô bị bệnh, khôi phục chức năng nghe.
Song song với quá trình điều trị viêm tai giữa, người bệnh cũng cần duy trì một lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần duy trì các hoạt động thể chất lành mạnh và tạm thời ngừng các thói quen có thể gây bất lợi cho quá trình điều trị, giúp bệnh nhanh chóng được chữa khỏi và không còn cơ hội tái phát trở lại.
Tìm hiểu thêm: Viêm Tai Giữa Tái Đi Tái Lại: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Khắc Phục
Bị viêm tai giữa có nên đi bơi không?
Bơi lội là một thể thao được nhiều người ưa thích, không chỉ ở trẻ em mà còn bao gồm cả người lớn. Thường xuyên đi bơi sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển về chiều cao, kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe xương khớp, tim mạch và nâng cao thể trạng toàn diện. Ngoài ra, bơi lội còn là phương thức đang được nhiều người áp dụng để giảm stress, giải phóng toàn bộ cơ thể khỏi cảm giác căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Đặc biệt, trong những ngày hè nóng nực, các hồ bơi luôn đông kín người. Với những lợi ích tuyệt vời mà bơi lội mang lại, không ít người đã lựa chọn bơi lội làm hoạt động thể chất được duy trì thường xuyên để rèn luyện sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải lúc nào bôi lội cũng mang lại tác dụng tốt. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn không nên đi bơi nếu đang gặp các vấn đề về sức khỏe như viêm âm đạo, đang trong kỳ kinh nguyệt, nhiễm trùng đường hô hấp, cao huyết áp, động kinh, mới sử dụng thức uống chứa cồn.
Vậy bị viêm tai giữa có đi bơi được không?
Bệnh nhân bị viêm tai giữa cũng nằm trong nhóm đối tượng được khuyến cáo không nên đi bơi. Hoạt động bơi lội không chỉ làm tăng nguy cơ gây viêm tai giữa mà còn có thể khiến triệu chứng bệnh bùng phát và gây nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng hơn đối với những đối tượng đang mắc bệnh.
Tham khảo thêm: Tham Khảo Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Tai Giữa Giúp Bệnh Nhanh Khỏi
Vì sao người bị viêm tai giữa không nên đi bơi?
Sau khi đã có lời giải đáp cho vấn đề “viêm tai giữa có được đi bơi không?”, hẳn nhiều người cũng khá thắc mắc về lý do bản thân được khuyến cáo không nên tham gia hoạt động bơi lội trong thời gian bị viêm tai giữa.
Như đã đề cập ở trên, bơi lội có thể làm tăng nặng tình trạng nhiễm trùng, tổn thương ở tai giữa. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Do ứ đọng nước trong tai:
Trong quá trình bơi lội, nước rất dễ dàng xâm nhập vào trong lỗ tai. Chất lỏng ứ đọng trong lỗ tai và khó thoát ra ngoài tạo ra môi trường ẩm ướt. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho virus, vi khuẩn, nấm phát triển mạnh mẽ về số lượng. Chúng không chỉ khiến tai giữa bị tổn thương nghiêm trọng hơn mà còn làm tăng nguy cơ bị viêm tai ngoài hoặc kích thích nhiễm trùng lan rộng ảnh hưởng đến tai trong và não bộ.
- Nguồn nước không đảm bảo vệ sinh:
Nguồn nước ở các hồ bơi công cộng đông người và đặc biệt là nước trong các ao, hồ, sông đều không đảm bảo vệ sinh. Vi khuẩn cùng các tác nhân gây bệnh có thể theo nước đi vào trong tai và khiến các triệu chứng bệnh viêm tai giữa bùng phát mạnh hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa ở người khỏe mạnh.
- Do kích ứng hóa chất xử lý nước hồ bơi:
Hồ bơi công cộng được nhiều người lựa chọn khi tham gia bơi lội. Đa số các hồ bơi đều nằm ngoài trời nên có nhiều bụi bẩn. Kèm theo đó là mồ hôi, mỹ phẩm, đờm dãi hay thậm chí là nước tiểu thải ra từ những người tham gia bơi lội khiến cho nước bị ô nhiễm, ẩn chứa nhiều vi khuẩn.
Để đảm bảo cho nguồn nước trong hồ luôn trong xanh, một lượng lớn hóa chất đã được sử dụng để xử lý, khử trùng và ổn định nước trong bể bơi. Những chất này không chỉ gây hại cho da mà còn gây kích ứng niêm mạc tai, màng nhĩ vốn đang bị tổn thương, từ đó làm tăng nặng tình trạng viêm tai giữa.
Xem thêm: Bệnh Viêm Tai Giữa Có Lây Không? Cách Nhận Biết Và Phòng Ngừa
Trẻ bị viêm tai giữa có tắm được không?
Dù không được khuyến khích bơi nhưng bệnh nhân bị viêm tai giữa vẫn cần được tắm gội thường xuyên để giữa cho cơ thể luôn sạch sẽ, thoải mái. Nếu không tắm rửa, thay quần áo mỗi ngày, mồ hôi cùng bụi bẩn tích tụ sẽ khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh và từ tóc hay từ nên ngoài da xâm nhập vào tai giữa. Điều này khiến cho tình trạng nhiễm trùng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Việc tắm gội hàng ngày là cần thiết không chỉ với người lớn mà cả ở những trẻ bị viêm tai giữa. Khi tắm cho bé, các mẹ nên sử dụng nước ấm và tắm nhanh cho con ở nơi kín gió. Chú ý cẩn thận, tránh để nước chảy vào trong tai.
Trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em gây sốt, mẹ có thể dùng khăn nhúng nước ấm lau mát cho con thường xuyên để bé nhanh hạ nhiệt. Không để bé tắm bằng nước lạnh.
Nếu không may để nước chảy vào tai trong quá trình tắm, hãy hướng dẫn bé nghiêng bên tai có nước xuống phía dưới để nước tự chảy ra ngoài. Sau đó dùng khăn mềm hoặc tăm bông nhẹ nhàng lau khô bên ngoài cửa tai và ống tai ngoài. Tuyệt đối không được đưa đầu tăm bông đi sâu vào trong dễ gây thủng màng nhĩ, tổn thương, chảy máu tai.
Đọc thêm: Viêm Tai Giữa Thủng Màng Nhĩ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Bệnh nhân viêm tai giữa khi nào mới được đi bơi?
Trong thời gian đang điều trị viêm tai giữa, bệnh nhân được khuyến cáo không nên đi bơi. Bất cứ môi trường nào như hồ công cộng, ao, sông hay suối thì đều ẩn chứa vi khuẩn và các tác nhân có hại trong nước gây ảnh hưởng không tốt đến vùng tai bị tổn thương.
Để đảm bảo an toàn, người bệnh chỉ nên đi bơi sau khi được bác sĩ khẳng định viêm tai giữa đã khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, do đã có tiền sử mắc bệnh trước đó nên viêm tai giữa rất dễ tái phát trở lại. Dù đã hết bệnh nhưng bạn cũng không nên đi bơi quá thường xuyên hoặc ngâm mình trong nước quá lâu.
Khi đi bơi, nên chọn những hồ có điều kiện vệ sinh sạch sẽ, số lượng người bơi ít. Không nên ngụp lặn trong nước và thực hiện tốt các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa tái phát viêm tai giữa trở lại.
Tham khảo thêm: Phẫu Thuật Viêm Tai Xương Chũm Là Gì? Một Số Lưu Ý Cho Bạn
Cách phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa khi đi bơi
Để phòng tránh viêm tai giữa khi tham gia bơi lội, bạn cần chú ý những vấn đề sau:
- Đảm bảo chắc chắn tai bạn khỏe mạnh và không có bất cứ vấn đề gì khi đi bơi.
- Ưu tiên lựa chọn những hồ bơi có nguồn nước sạch, được khử trùng đúng cách mà có hạn chế lượt người bơi.
- Tránh bơi ở những nơi có nguồn nước ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh như ao hồ, sông, suối có nước tù đọng.
- Trang bị và sử dụng nút bịt tai, mũ bơi chuyên dụng trong quá trình bơi lội để tránh không cho nước mang theo cả vi khuẩn, bụi bẩn hay hóa chất. Đây là biện pháp bảo hộ cần thiết giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ bị viêm tai giữa cho những người ưa thích bộ môn bơi lội.
- Trong quá trình bơi, nếu thấy nước chảy vào tai, bạn nên nghiêng đầu có tai bị thấm nước xuống dưới để đưa chất lỏng ra ngoài ngay. Động tác này cũng nên được tiến hành sau mỗi lần bơi xong.
- Khi bơi, tốt nhất bạn nên giữ tai luôn ở trên bề mặt nước. Tránh ngụp, lặn khiến nước có cơ hội chảy vào trong tai.
- Vệ sinh và lau khô bên ngoài cửa tai bằng khăn mềm sau mỗi lần bơi. Tránh ngoáy tai bằng tăm bông khiến cho vi khuẩn cùng với táy tai dễ bị đẩy sâu vào bên trong và gây viêm tai giữa.
- Súc họng và vệ sinh mắt mũi bằng nước muối sinh lý sau mỗi lần bơi để tránh cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập từ các cơ quan này vào trong tai giữa.
- Trường hợp từng bị viêm tai giữa trước đây, bạn nên đi khám bác sĩ định kỳ để sớm phát hiện và điều trị nếu không may bệnh tái phát trở lại. Riêng các trường hợp bị viêm tai giữa mãn tính thì tuyệt đối không nên tham gia bơi lội.
Những thông tin bài viết cung cấp chính là câu trả lời cho vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc “bị viêm tai giữa có nên đi bơi không?”. Người bệnh được khuyến cáo cần tuyệt đối kiêng bơi ở ao, hồ, sông, biển trong thời gian đang được điều trị. Tuy nhiên, việc tắm rửa hàng ngày thì vẫn nên duy trì đều đặn để cơ thể sạch sẽ với điều kiện không tắm quá lâu hoặc để nước chảy vào tai.
Kết thúc quá trình điều trị viêm tai giữa, nếu bạn muốn bơi trở lại thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các mặt lợi hại nhằm đưa ra sự lựa chọn đúng đắn khi có ý định tiếp tục tham gia môn thể thao này.
Có thể bạn quan tâm
- Bị Viêm Tai Giữa Có Nên Ăn Thịt Gà Không? Những Điều Cần Lưu Ý
- TOP 5 Cách Chữa Viêm Tai Giữa Tại Nhà Cực Hiệu Quả Cho Bạn