Nội dung chính

Việc biết cách chăm sóc cho trẻ bị viêm tai giữa tại nhà khoa học có thể giúp hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị. Để bé mau khỏi bệnh, cha mẹ cần hiểu rõ cách vệ sinh tai mũi họng hằng ngày cho bé, xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng phù hợp, tích cực dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và luôn theo dõi sát trẻ để đề phòng phát sinh các triệu chứng nặng.

Tổng quan về bệnh viêm tai giữa ở trẻ em

Trẻ em là nhóm đối tượng có tỷ lệ mắc viêm tai giữa cao do hệ miễn dịch yếu, nhất là trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi. Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị nhiễm trùng tai giữa, phổ biến nhất là tình trạng nhiễm virus, vi khuẩn. Bệnh thường phát triển sau khi bé bị viêm đường hô hấp trên. Ngoài ra, trẻ còn bị viêm tai giữa do tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm hoặc lấy rái tai không đúng cách.

Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Tai Giữa
Trẻ bị viêm tai giữa được chăm sóc đúng cách sẽ bớt mệt mỏi và nhanh hồi phục sức khỏe hơn

Khi trẻ bị viêm tai giữa, khoang tai nằm sau lớp màng nhĩ bị tổn thương và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho bé như:

  • Sốt
  • Đau tai
  • Ù tai
  • Nghe kém
  • Hay quấy khóc, khó ngủ
  • Bứt rứt khó chịu, thường xuyên dùng tay kéo tai
  • Chán ăn, bú kém hoặc bỏ ăn
  • Có thể bị rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn trớ, ho, hắt hơi, chảy nước mũi…

Viêm tai giữa ở trẻ được chia thành các giai đoạn cấp tính, bán cấp và mãn tính. Dù ở mức độ nhẹ hay nặng thì bé cũng cần được chăm sóc và điều trị tích cực để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm như điếc vĩnh viễn, tổn thương não, liệt mặt, nhận thức kém.

Tìm hiểu thêm: Viêm Tai Giữa Cấp Tính Là Gì? Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Điều Trị

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa

Việc chăm sóc đúng cách có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phục hồi sức khỏe của trẻ. Điều này cũng giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu nguy cơ phát sinh các biến chứng nguy hiểm cho bé.

Để bệnh viêm tai giữa ở trẻ em nhanh khỏi, khi chăm sóc cho bé cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Cho trẻ dùng thuốc và tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em không được kiểm soát tốt có thể khiến nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương sâu cho các bộ phận nhỏ trong khoang tai giữa, đồng thời lây lan đến tai trong, tai ngoài, đường hô hấp trên hoặc não bộ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình điều trị và còn khiến cho con bạn gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm nhất là các tai biến ở não như viêm màng não, áp xe não…

Do vậy, nếu được chỉ định điều trị nội trú tại nhà, phụ huynh cần cho con dùng thuốc đầy đủ đúng theo đơn của bác sĩ. Cần tuân thủ chính xác về liều lượng và thời điểm sử dụng để bệnh tình của bé nhanh có tiến triển tốt mà không gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

Không tự ý tăng/giảm liều dùng thuốc, nhất là với kháng sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng không ngừng dùng thuốc điều trị khi thấy bệnh của bé đã thuyên giảm. Việc không trừ bỏ tận gốc mầm mống của nhiễm trùng có thể khiến các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ nhanh chóng bùng phát trở lại, thậm chí còn nghiêm trọng hơn trước. Chưa kể đến việc con bạn bị nhờn thuốc và phải thay đổi loại khác có tác dụng mạnh nhưng ẩn chứa nhiều tác dụng phụ hơn.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần đưa con đến cơ sở y tế tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để đánh giá kết quả. Căn cứ vào khả năng đáp ứng của từng bé, bác sĩ có thể giữ nguyên hoặc thay đổi thuốc điều trị viêm tai giữa ở trẻ em nhằm phù hợp với tình trạng bệnh của con bạn trong các giai đoạn. Tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ cho bé khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ.

ĐỪNG BỎ LỠ: TOP 9 Thuốc Nhỏ Viêm Tai Giữa Tốt Nhất Chuyên Gia Khuyên Dùng

2. Chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp

Nhắc đến cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa, nhiều mẹ còn khá băn khoăn về vấn đề nên cho bé ăn gì, uống gì hoặc kiêng cữ những thực phẩm nào để con yêu bớt mệt mỏi, có sức đề kháng tốt và mau khỏi bệnh hơn.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa qua chế độ ăn uống hàng ngày
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng sẽ giúp trẻ bị viêm tai giữa nhận được đủ lượng dưỡng chất cần thiết

Khi xây dựng chế độ ăn uống hàng ngày cho bé trong thời gian điều trị viêm tai giữa, cha mẹ cần lưu ý:

  • Bữa ăn của bé phải có đầy đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm tinh bột, đường, protein, chất béo lành mạnh.
  • Ưu tiên các thực phẩm giàu dinh dưỡng mà bé thích ăn
  • Chế biến món ăn theo sở thích của trẻ nhưng tốt nhất là các dạng hấp, luộc, hầm nhừ để con dễ ăn, không phải nhai mạnh và tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Hạn chế cho bé ăn các món chiên, rán, bánh kẹo ngọt, thực phẩm dai hoặc cứng.
  • Trẻ chán ăn, ăn uống kém không nên cố gắng ép bé. Thay vì vậy, mẹ có thể cho con ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để bé nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Cho bé uống nhiều nước ấm, nước hoa quả tươi.
  • Tăng lượng chất lỏng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bằng cách tăng lượng cữ bú.

Xem chi tiết: Trẻ Bị Viêm Tai Giữa Kiêng Gì Và Nên Ăn Gì Tốt? Chuyên Gia Giải Đáp

3. Vệ sinh tai – mũi – họng cho trẻ bị viêm tai giữa đúng cách

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa, công tác vệ sinh tai, mũi, họng cho bé cần được đặc biệt lưu tâm. Đây là những bộ phận gần kề và có sự liên thông với nhau nên rất dễ lây lan nhiễm trùng qua lại. Cha mẹ cần làm sạch tai mũi họng cho con thường xuyên để ngăn chặn vi khuẩn, virus lan rộng gây biến chứng, đồng thời hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng viêm tai giữa tốt hơn.

Hướng dẫn cách vệ sinh tai, mũi, họng cho bé bị viêm tai giữa:

  • Dùng tăm bông hoặc khăn ẩm lau nhẹ nhàng bên ngoài tai. Không chọc ngoáy vào sâu hoặc tác động quá mạnh dễ gây thủng màng nhĩ và khiến tai bé bị tổn thương, chảy máu.
  • Trường hợp viêm tai giữa có mủ, mẹ cần vệ sinh tai cho con thường xuyên hơn. Chú ý để lỗ tai thông thoáng cho dịch mủ chảy ra ngoài một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Tuyệt đối không dùng bông bịt kín lỗ tai trẻ khiến mủ tồn đọng lại bên trong gây ứ dịch và khiến bệnh phát triển nghiêm trọng hơn.
  • Xịt rửa mũi cho trẻ mỗi ngày với nước muối sinh lý để làm sạch dịch nhầy và tiêu diệt vi khuẩn từ tai giữa xâm nhập vào nếu có. Mỗi ngày thực hiện từ 2 – 3 lần và tốt nhất nên dùng nước muối đã được làm ấm.
  • Trẻ sơ sinh bị viêm tai giữa cần được rơ lưỡi làm sạch khoang miệng mỗi ngày. Nếu con bạn đã lớn thì hướng dẫn bé đánh răng và súc miệng với nước muối pha loãng vài lần trong ngày.

Cùng với việc vệ sinh đúng cách, cha mẹ cần bảo vệ tai mũi họng của bé bằng cách tránh đưa con đến những nơi đông người ồn ào, có dịch cúm hoặc nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá. Chú ý đeo khẩu trang cho bé mỗi khi ra khỏi nhà.

Đọc thêm: Chuyên Gia Tư Vấn Cách Vệ Sinh Tai Khi Bị Viêm Tai Giữa Hiệu Quả

4. Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm tai giữa có sốt

Tình trạng nhiễm trùng khiến hầu hết các bé bị sốt do viêm tai giữa. Do sức đề kháng còn non yếu, hệ miễn dịch của bé thường phản ứng mạnh mẽ để chống lại virus, vi khuẩn dẫn đến tăng thân nhiệt, thường là từ 38,5 độ C trở lên. Trẻ bị sốt cao có thể gây co giật và tổn thương não bộ rất nguy hiểm.

Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Tai Giữa Có Sốt
Trường hợp bị sốt do viêm tai giữa, cha mẹ cần theo dõi thân nhiệt của bé thường xuyên

Cách chăm sóc cho trẻ bị viêm tai giữa để bé nhanh hạ sốt như sau:

  • Chuẩn bị sẵn nhiệt kế trong nhà và theo dõi chặt chẽ, đo thân nhiệt của trẻ thường xuyên.
  • Cho bé uống thuốc Paracetamol với liều lượng từ 10 – 15 mg/kg trọng lượng cơ thể khi con bạn bị sốt từ 38,5 độ C trở lên. Mỗi liều cách nhau từ 4 – 6 tiếng và chỉ cho bé dùng thuốc khi tiếp tục bị sốt trở lại.
  • Kết hợp cho bé dùng thuốc hạ sốt với lau mát, chườm nước ấm ở các vị trí như hai bên nách, vùng bẹn hay cổ để thân nhiệt giảm nhanh hơn.
  • Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoải mái, có thể thấm hút mồ hôi tốt. Không  để bé đắp chăn hoặc mặc quần áo kín mít.
  • Tránh dùng thuốc Ibuprofen để giảm sốt cho trẻ.
  • Khuyến khích con bạn uống nước thường xuyên hoặc tăng lượng cữ bú của bé để ngăn ngừa và hạ sốt nhanh hơn khi bị viêm tai giữa.
  • Đưa con bạn đi gặp bác sĩ nếu bé bị sốt cao không hạ, sốt kéo dài quá 72 tiếng hoặc gây nôn ói nhiều.

Đọc thêm: TOP 8 Cách Chữa Viêm Tai Giữa Cho Bé Tại Nhà Giúp Bệnh Nhanh Khỏi

5. Theo dõi sát và đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu nặng

Khi được dùng thuốc điều trị viêm tai giữa tại nhà, không phải bé nào cũng có đáp ứng tốt. Một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng hơn và gây biến chứng nếu không được xử lý sớm.

Vì vậy, nếu trong nhà có trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ nên sắp xếp công việc để có thời gian ở bên cạnh chăm sóc bé nhiều hơn. Tránh để bé ngủ riêng hoặc ở nhà một mình trong thời gian dài, nhất là khi con bạn còn nhỏ và đang bị sốt.

Hãy theo dõi, quan sát bé thường xuyên và đưa con đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Bé bị đau đầu, đau tai dữ dội, liên tục
  • Sốt cao không hạ dù đã dùng thuốc hạ sốt.
  • Nôn ói nhiều hoặc tiêu lỏng nhiều lần trong ngày.
  • Có dấu hiệu mất nước
  • Quấy khóc liên tục, không ăn, không bú sữa trong thời gian dài.
  • Mê man, mất ý thức.
  • Triệu chứng viêm tai giữa không thuyên giảm sau 2 ngày điều trị.

Trên đây là những cách chăm sóc trẻ viêm tai giữa đúng cách, giúp con yêu của bạn mau khỏi bệnh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, đừng ngại ngần trao đổi với bác sĩ đang điều trị cho bé để được tư vấn, hướng dẫn thêm.

Có thể bạn quan tâm

Câu hỏi liên quan

Mổ viêm tai giữa được chỉ định khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái đi tái lại, viêm kèm theo ứ dịch, chảy mủ. Ngoài ra, các trường hợp bị viêm tai giữa...

Xem chi tiết

Bơi lội là một hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng được khuyến khích tham gia. Một số bệnh lý có thể tăng nặng hơn...

Xem chi tiết

Nhiều trường hợp bị đau đầu thường xuyên nhưng không xác định được nguồn gốc của cơn đau xuất phát từ viêm tai giữa hay do một vấn đề khác về sức khỏe. Khi trao...

Xem chi tiết

Viêm tai giữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, theo thống kê của WHO, có hơn 80% trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần trong...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa