Viêm tai xương chũm là biến chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa. Bệnh khởi phát khi tình trạng nhiễm trùng ở vùng tai diễn ra kéo dài và không được điều trị dứt điểm. Trẻ em dưới 2 tuổi mắc bệnh được xem là rất nguy hiểm, có thể gây biến chứng sang nội – ngoại sọ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. 

Định nghĩa bệnh viêm tai xương chũm

Xương chũm là một trong những bộ phận quan trọng của tai. Khác với các loại xương khác, xương chũm mềm xốp giống bọt biển và được tạo thành từ các túi khí. Tế bào khí ở xương chũm có tác dụng bảo vệ cấu trúc tinh vi của tai, điều chỉnh áp lực tai và bảo vệ thái dương khi chấn thương.

Viêm tai xương chũm khởi phát khi bệnh viêm tai giữa tiến triển nặng, gây viêm nhiễm lan rộng
Viêm tai xương chũm khởi phát khi bệnh viêm tai giữa tiến triển nặng, gây viêm nhiễm lan rộng

Viêm tai xương chũm là tình trạng tế bào xương chũm bị vi khuẩn hoặc virus tấn công gây viêm nhiễm. Đây được xem là một trong những biến chứng của bệnh viêm tai giữa. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt là những trẻ có đề kháng yếu. Hiện tại, y khoa chia bệnh lý này thành hai loại cơ bản sau đây:

  • Viêm tai xương chũm cấp tính: Bệnh khởi phát do sự tấn công của vi khuẩn và tình trạng nhiễm trùng chỉ xảy ra trong khoảng 1 tuần. Đây là biến chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa cấp tính và rất dễ khởi phát ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Viêm tai xương chũm mạn tính: Tình trạng viêm nhiễm và chảy dịch diễn ra kéo dài trên 3 tháng. Nếu không điều trị sẽ gây ra biến chứng nội sọ và ngoại sọ rất nguy hiểm.

Nguyên nhân gây bệnh viêm tai xương chũm

Nguyên nhân gây ra bệnh thường gặp nhất là không điều trị sớm và dứt điểm bệnh viêm tai giữa. Khi bệnh viêm tai giữa tiến triển sang giai đoạn nặng, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào tế bào không khí của xương chũm và tấn công gây viêm. Ngoài ra, bệnh cũng có thể khởi phát do sự tăng trưởng quá mức của tế bào da cholesteatoma trong tai giữa, gây cản trở quá trình lưu dẫn các chất trong tai.

Thống kê y khoa cho biết, cứ 100 người bị viêm tai giữa thì có từ 2 - 3 người bị viêm tai xương chũm cấp tính. Dưới đây là một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh bạn cần nắm rõ:

  • Người có sức đề kháng yếu kém hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch
  • Người bị viêm tai giữa cấp tính tái phát nhiều lần
  • Bị viêm tai giữa sau chấn thương
  • Trẻ từ 6 - 13 tháng tuổi

Triệu chứng bệnh viêm tai xương chũm

Bệnh viêm tai xương chũm tiến triển qua hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn khác nhau thì biểu hiện của bệnh cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là các triệu chứng điển hình của bệnh mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Viêm tai xương chũm khiến người bệnh bị đau nhức đầu ở mức độ nghiêm trọng
Viêm tai xương chũm khiến người bệnh bị đau nhức đầu ở mức độ nghiêm trọng

+ Viêm tai xương chũm cấp

  • Đau nhức tai ở mức độ nghiêm trọng và đau theo nhịp mạch đập.
  • Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi nhấn vào vùng xương chũm hoặc khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.
  • Bề mặt xương chũm bị phù nề, màng nhĩ nề đỏ và xuất hiện lỗ thủng sát thành ống xương tai.
  • Có khối phồng chứa mủ sau màng nhĩ, dịch mủ có màu vàng hoặc xanh, dịch chảy ra bên ngoài tai.
  • Phát ban ở gần tai, bị đau nhức và sưng tấy ở dái tai. Suy giảm thính lực, ù tai và chóng mặt nhẹ
  • Sốt cao, đau đầu kéo dài, mệt mỏi, suy nhược cơ thể,... Trẻ em sẽ quấy khóc và bỏ ăn.

+ Viêm tai xương chũm mạn

  • Đau tai liên tục và kéo dài trên 30 ngày, cơn đau cũng có thể tái phát theo từng giai đoạn. Cơn đau phát triển lan rộng ra nửa phần đầu bên tai bị bệnh và nhức đầu nặng.
  • Tai bị chảy mủ thường xuyên, mủ có mùi thối như cóc chết, nguy cơ ăn mòn xương gây biến chứng nội sọ. Mủ có thể lan rộng xuống cả vùng cổ.
  • Vùng da ở xương chũm bị căng và sưng đỏ, đau tăng lên khi ấn vào xương chũm. Khả năng nghe suy giảm rõ rệt.
  • Màng tai mở rộng có bờ nham nhở, xuất hiện polyp bên trong hòm nhĩ hoặc cholesteatoma.
  • Khi bệnh tiến triển có thể gây sốt cao, nôn và co giật.

Biến chứng bệnh viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm là bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng cách sẽ khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn và phát sinh biến chứng. Lúc này, vách ngăn giữa các tế bào xương sẽ dần bị phá hủy, hình thành khối xương mủ và ổ mủ sẽ tập trung thành túi mủ.

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh lý này gồm:

  • Áp xe ngoài màng cứng
  • Áp xe đại não và liệt mặt
  • Viêm màng não
  • Viêm tĩnh mạch bệnh
  • Viêm mê nhĩ
  • Nhiễm trùng huyết

Điều trị bệnh viêm tai xương chũm

Viêm tai xương chũm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách. Vì thế, ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh lý, bạn cần đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để xác định chính xác mức độ bệnh trạng.

Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua các xét nghiệm như chụp x-quang, chụp CT, đo thính lực và xét nghiệm máu.

Thăm khám chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm tai xương chũm
Thăm khám chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm tai xương chũm

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, người bệnh cần tiến hành điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp.

Đa số các trường hợp bệnh đều được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y. Các loại thuốc thường được sử dụng là kháng sinh, thuốc kháng viêm và thuốc giảm đau.

  • Thuốc kháng sinh mạnh được sử dụng để điều trị bệnh trong giai đoạn cấp tính nhằm mục đích tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh tồn tại ở cơ quan này. Kháng sinh sẽ được dùng kéo dài từ 4 - 6 tuần để đảm bảo vi khuẩn được tiêu diệt sạch. Người bệnh không được tự ý ngưng kháng sinh khi chưa có chỉ định, gây tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, ảnh hưởng đến quá trình điều trị sau này.
  • Thuốc kháng viêm và giảm đau được kê đơn nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Với những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật để loại bỏ mủ viêm và ngăn ngừa biến chứng. Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn phải dùng kháng sinh theo đơn để phòng ngừa nhiễm trùng sau mổ.

Dựa vào mức độ nhiễm trùng mà phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh ở từng đối tượng sẽ có sự khác nhau. Ví dụ như thủ thuật đặt ống thông khí màng nhĩ, phẫu thuật xương chũm,...

Chăm sóc và phòng ngừa viêm tai xương chũm

Với sự phát triển của nền y học hiện đại thì bệnh viêm tai xương chũm đã dần được kiểm soát và rất ít phát sinh biến chứng. Ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu ban đầu của bệnh, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Dưới đây là một số điều cần lưu ý trong quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh bạn cần nắm rõ:

  • Khi trẻ mắc bệnh sẽ có triệu chứng mệt mỏi và ăn kém. Lúc này, mẹ nên cho bé bú mẹ nhiều hơn để tăng cường đề kháng. Đồng thời, chú ý bồi bổ cho bản thân để tăng cường chất lượng sữa.
  • Với trẻ đã cai sữa, mẹ nên cho bé dùng thức ăn lỏng dễ tiêu hóa như cháo, súp,... Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để hạn chế gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Mẹ cũng nên cho bé ăn thêm trái cây tươi giúp bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, hỗ trợ tăng đề kháng.
  • Vệ sinh tai sạch sẽ và giữ tai luôn khô ráo. Trường hợp bị chảy dịch tai, có thể nhét bông gòn vào tai để hút bớt dịch. Hạn chế tiếp xúc với các môi trường làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng như không khí bị ô nhiễm, nơi chứa nhiều khói thuốc lá, bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp,...
  • Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi mức độ tiến triển của bệnh lý và tình trạng sức khỏe. Điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc.
  • Điều trị sớm bệnh viêm tai giữa cấp tính, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng gây nhiễm trùng lan rộng sang xương chũm. Bệnh nhân bị viêm tai giữa mạn tính cần theo dõi sức khỏe thường xuyên vì tình trạng sức khỏe có thể xấu đi rất nhanh chóng.
  • Tiêm phòng vacxin đầy đủ, điển hình là vacxin phế cầu. Loại vacxin này có thể phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa cấp tính, nhiễm trùng huyết,...

Nên vệ sinh tai sạch sẽ để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công
Nên vệ sinh tai sạch sẽ để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm do vi khuẩn tấn công

Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh viêm tai xương chũm bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Để phòng ngừa bệnh viêm tai xương chũm, bạn cần điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng liên quan đến tai và thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của bản thân.

Câu hỏi liên quan

Bơi lội là một hoạt động thể chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng được khuyến khích tham gia. Một số bệnh lý có thể tăng nặng hơn...

Xem chi tiết

Mổ viêm tai giữa được chỉ định khi bệnh nhân bị nhiễm trùng cấp tính tái đi tái lại, viêm kèm theo ứ dịch, chảy mủ. Ngoài ra, các trường hợp bị viêm tai giữa...

Xem chi tiết

Nhiều trường hợp bị đau đầu thường xuyên nhưng không xác định được nguồn gốc của cơn đau xuất phát từ viêm tai giữa hay do một vấn đề khác về sức khỏe. Khi trao...

Xem chi tiết

Viêm tai giữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ em, theo thống kê của WHO, có hơn 80% trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần trong...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp