Phẫu thuật viêm tai xương chũm thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm mãn tính, xuất hiện túi mủ, phá hủy xương hoặc có nguy cơ gặp biến chứng. Có nhiều phương pháp mổ được lựa chọn tùy thuộc vào tình trạng của mỗi cá nhân.
Phẫu thuật viêm tai xương chũm là gì?
Xương chũm còn được gọi là mỏm chũm, phần lồi ra của xương sọ có vị trí nằm ở sau tai. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở khu vực này được gọi là viêm tai xương chũm. Bệnh chủ yếu phát triển ở các trường hợp từng mắc viêm tai giữa cấp tính trước đó. Do hai bộ phận này nằm khá gần nhau nên vi khuẩn, virus có thể lây lan từ khoang tai giữa sang xương chũm và khiến cho các triệu chứng bệnh bùng phát.
Khi bị viêm xương chũm, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu như sốt cao một cách đột ngột, xuất hiện dịch mủ trong tai, đau tai, đau đầu, giảm khả năng nghe, sưng đỏ vùng sau tai. Trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng gây phá hủy xương chũm khiến bệnh nhân bị điếc hoàn toàn và có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm khác, thậm chí là tử vong.
Phẫu thuật viêm tai xương chũm là phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng rộng rãi cho các trường hợp bị nặng. Trong cá mổ, bác sĩ sẽ tiến thành thực hiện các kỹ thuật cần thiết nhằm dẫn lưu ổ mủ và loại bỏ các mô bị hoại tử, giúp phục hồi và bảo tồn tổ chức lành.
Có nhiều phương pháp mổ viêm tai xương chũm đang được tiến hành. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật mổ thích hợp nhất cho từng cá nhân.
Xem thêm: Viêm Tai Giữa: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Các đối tượng được chỉ định phẫu thuật viêm tai xương chũm
Không phải trường hợp nào bị viêm tai xương chũm cũng cần làm phẫu thuật. Trường hợp bị nhẹ, bệnh nhân thường được điều trị bảo tồn bằng phác đồ kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc khác. Phẫu thuật viêm tai xương chũm chỉ được cân nhắc thực hiện khi:
- Viêm tai xương chũm mãn tính và tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc cũng như chất lượng sống của người bệnh.
- Có hình thành túi mủ ở khu vực bị ảnh hưởng
- Viêm tai xương chũm gây phá hủy xương, mất vách ngăn tế bào.
- Bệnh có thể gây biến chứng nếu không được phẫu thuật sớm hoặc đã có biến chứng.
- Người bệnh bị suy giảm thính giác nghiêm trọng, điếc, mất ngủ, nhức đầu thường xuyên hoặc các triệu chứng toàn thân kéo dài.
Thận trọng cân nhắc khi chỉ định mổ viêm xương chũm cho các đối tượng sau:
- Người già, người cao tuổi sức khỏe không đủ để trải qua phẫu thuật.
- Trường hợp mắc nhiều bệnh lý nội khoa nghiêm trọng, có nguy cơ tử vong trong quá trình vô cảm phẫu thuật.
- Người có bệnh lý toàn thân nặng không thể gây mê.
Nên đọc: Viêm Tai Xương Chũm Mạn Tính Hồi Viêm: Triệu Chứng Và Cách Chữa
Những việc cần làm trước khi mổ viêm xương chũm
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ giúp ca phẫu thuật viêm xương chũm diễn ra thuận lợi và an toàn hơn. Dưới đây là những việc cần làm trước khi tiến hành ca mổ:
- Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ về phương pháp phẫu thuật sắp được tiến hành để nắm rõ quy trình thực hiện, lợi ích cùng nguy cơ có thể gặp trong và sau khi mổ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được bác sĩ thông báo rõ về chi phí phẫu thuật viêm xương chũm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến ca mổ, người bệnh hãy đưa ra để được nhân viên y tế tư vấn, giải đáp nhằm yên tâm hơn.
- Đánh giá sức khỏe tổng quát qua thăm khám và các xét nghiệm cần thiết. Chẳng hạn như xét nghiệm công thức máu, chụp xương chũm…
- Thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê, tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các vấn đề khác về sức khỏe.
- Ngừng dùng một số loại thuốc hay thực phẩm có thể ảnh hưởng đến ca phẫu thuật nếu được bác sĩ yêu cầu. Chẳng hạn như thuốc Aspirin, NSAIDs, thuốc ức chế COX-2, Clopidogrel, Ticlopidine, tỏi, nhân sâm và các thực phẩm khó tiêu hóa…
- Nhịn ăn trước thời gian mổ từ 8 – 12 tiếng để làm rỗng dạ dày, đảm bảo dịch và thức ăn từ dạ dày không bị tràn vào phổi sau khi bệnh nhân được gây mê phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần cạo sạch tóc ở khu vực mổ phía sau tai cũng như trên vành tai.
Trong ngày phẫu thuật, trước khi được gây mê để tiến hành ca mổ, bệnh nhân cũng được kiểm tra lại tình trạng sức khỏe toàn thân, huyết áp, nhịp tim một lần nữa. Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân nằm quay đầu cố định trên bàn mổ sao cho bên tai cần phẫu thuật hướng lên trên.
Có thể bạn quan tâm: Chuyên Gia Tư Vấn Cách Vệ Sinh Khi Bị Viêm Tai Giữa Hiệu Quả
Các phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm
Sau khi thăm khám, đánh giá tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân một trong các phương pháp mổ viêm tai xương chũm dưới đây:
1. Mổ mở khoét chũm đơn thuần
Đây là phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm bảo tồn. Bệnh nhân được mổ mở truyền thống nhằm mục đích dẫn lưu ổ mủ ở khu vực tổn thương ra ngoài. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cũng tiến hành nạo bỏ hết cả các mô bị bệnh.
Đối tượng thực hiện:
Phẫu thuật mở khoét chũm đơn thuần được chỉ định sau khi điều trị nội khoa không có kết quả tốt. Đối tượng áp dụng chủ yếu gồm:
- Viêm xương chũm cấp tính hoặc bán cấp, tức tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình và có ổ mủ.
- Trẻ bị viêm tai xương chũm.
2. Mổ khoét rỗng đá chũm bán phần
Một số bệnh nhân bị viêm tai xương chũm được chỉ định phẫu thuật theo cách này. Trong ca mổ, bác sĩ sẽ mở hang chũm cùng với phần xoang chũm nằm ở tầng trên của tai giữa và ống thông hang. Sau đó sẽ tiến hành kiểm tra khu vực bị ảnh hưởng và loại bỏ bệnh tích nếu cần thiết. Trong trường hợp này, màng tai vẫn được bảo tồn.
Đối tượng chỉ định:
- Bệnh nhân bị viêm tai xương chũm cần phẫu thuật vá màng tai thường được mổ khoét rỗng đá chũm bán phần trước. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không chỉ giải quyết được tình trạng viêm ở xương chũm mà còn phục hồi chức năng nghe.
- Viêm tai giữa có cholesteatoma lan đến hang chũm.
BẠN CÓ BIẾT: Mổ Viêm Tai Giữa Khi Nào? Có Nên Mổ Không? Chi Phí Phẫu Thuật Như Thế Nào?
3. Chữa viêm tai xương chũm bằng phương pháp phẫu thuật khoét rỗng đá chũm toàn phần
Trường hợp bị viêm tai xương chũm nặng, tổn thương lan rộng thường được chỉ định mổ khoét rỗng đá chũm toàn phần. Phương pháp này còn được gọi là phẫu thuật tiệt căn xương chũm bởi trong quá trình mổ, toàn bộ phần màng nhĩ, xương đe cùng với xương búa sẽ được cắt bỏ. Phần hang chũm, xoang chũm nằm ở tầng trên tai giữa và ống thông hang cũng được san bằng.
Quá trình đục xương chũm chỉ được giới hạn trong khu vực tam giác đột phá ABC. Hầu hết bệnh nhân được chỉnh hình lại vùng tai giữa, hốc mổ và kết hợp chỉnh hình cửa tai rộng trước khi kết thúc quy trình phẫu thuật viêm tai xương chũm tiệt căn.
Đối tượng thực hiện:
- Viêm tai xương chũm mãn tính nặng, tổn thương ảnh hưởng trên diện rộng.
- Viêm mủ xoang chũm tầng trên tai giữa kết hợp với viêm các xương con.
4. Phẫu thuật viêm xương chũm xuất ngoại ở cổ
Một số bệnh nhân có viêm xương chũm xuất ngoại. Trong lúc phẫu phẫu, bác sĩ cần rạch đường tách sau tai kéo dài xuống phía dưới vượt quá mỏm chũm khoảng 10mm. Điều này cho phép dễ dàng bóc tách mỏm chũm, làm sạch hết các thớ cơ ức đòn chũm. Toàn bộ chũm sẽ được loại bỏ và để lộ phần gờ bám cơ nhị phân ra ngoài.
5. Kỹ thuật mổ viêm tai xương chũm ở trẻ em
Ở trẻ em, hệ thống xương chũm còn chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, nguyên tắc phẫu thuật là không được can thiệp quá sâu.
So với những bệnh nhân trưởng thành, phần hang chũm và ống thông sẽ được mở nông hơn. Bác sĩ sẽ cố gắng lựa chọn phương pháp phẫu thuật tối ưu để bảo tồn xương chũm, khôi phục khả năng nghe cho trẻ.
6. Phẫu thuật chữa viêm xương chũm thể thái dương – gò má
Kỹ thuật phẫu thuật viêm tai xương chũm thể thái dương – gò má có những điểm đáng lưu ý như:
- Vết rạch ra sau tai cần rạch lên cao và dài hơn theo hướng đi về phía trước ở trên ống tai.
- Mở nạo hang chũm cùng với phần ống thông hang.
- Mở rộng xoang chũm về phía mỏm thái dương.
Đọc thêm: Tham Khảo Cách Chăm Sóc Sau Mổ Viêm Tai Giữa Và Lưu Ý Cho Người Bệnh
Theo dõi, chăm sóc sau mổ viêm tai xương chũm
Thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp biến chứng do ảnh hưởng của ca mổ. Chính vì vậy, người nhà cần theo dõi sát và chăm sóc đúng cách, giúp kịp thời phát hiện, xử lý biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân.
- Trong 6 ngày đầu: Đo thân nhiệt thường xuyên và theo dõi toàn trạng. Cho bệnh nhân sử dụng các thức ăn lỏng, nguội, đảm bảo vệ sinh. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân có dấu hiệu chóng mặt, chảy máu vết mổ hoặc liệt mặt…
- Ngày thứ 7, 8: Theo dõi thân nhiệt kết hợp với thay băng vết mổ, rút bấc và cắt chỉ khâu ngoài vết mổ.
- Cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều ở nơi thoáng mát, yên tĩnh và không nên vận động mạnh trong 2 – 4 tuần sau phẫu thuật viêm tai xương chũm.
- Tránh tất cả các hoạt động có thể làm tăng áp lực lên tai mới mổ.
- Nếu có dấu hiệu buồn nôn hoặc nôn ói thì nên nghiêng đầu qua một bên để tránh cho dịch nôn tràn vào phổi.
- Xoa bóp và tập cho người bệnh đi lại, vận động nhẹ nhàng.
- Cho người bệnh uống nhiều nước ấm, nước hoa quả mỗi ngày. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin và đạm để vết mổ nhanh hồi phục. Tránh để bệnh nhân ăn các món cay, nóng, chứa chất kích thích.
- Vệ sinh tai, nhỏ thuốc mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ.
Xem ngay: Tham Khảo Cách Chăm Sóc Sau Mổ Viêm Tai Xương Chũm Hồi Phục Nhanh Nhất
Các tai biến có thể gặp sau phẫu thuật viêm tai xương chũm và cách xử lý
Bên cạnh cảm giác đau và khó chịu ở vết mổ, người mới làm phẫu thuật viêm xương chũm có thể gặp một số tai biến cần được xử trí đúng cách để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tai biến do ảnh hưởng của thuốc gây mê:
- Tụt huyết áp
- Hạ thân nhiệt
- Suy hô hấp
- Dị ứng…
Phương pháp khắc phục, điều trị tùy theo biến chứng gặp phải.
Biến chứng sau phẫu thuật:
- Lộ vành bán khuyến: Khiếm khuyết này sẽ được che phủ bằng các mảnh cân cơ thái dương.
- Lộ dây thần kinh mặt do ảnh hưởng của tổ chức sùi viêm
- Nếu vành bán khuyên bị lộ: Dùng mảnh cân cơ thái dương che phủ.
- Nếu dây thần kinh mặt bị lộ do tổ chức sùi viêm: Hút máy và làm sạch bằng hệ thống nước.
- Nhiễm trùng vết mổ: Điều trị bằng kháng sinh.
Trên đây là những thông tin chi tiết về phương pháp phẫu thuật viêm tai xương chũm. Đây là một ca mổ lớn đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề chắc chắn của bác sĩ. Người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng uy tín để được hỗ trợ nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm
- Bệnh Viêm Tai Xương Chũm Có Cholesteatoma: Triệu Chứng Và Cách Xử Lý
- Viêm Tai Xương Chũm Hài Nhi: Cách Nhận Biết Và Điều Trị Dứt Điểm