Viêm Phế Quản Mạn Tính Ở Người Già Và Cách Trị Hiệu Quả

Viêm phế quản mạn tính ở người già thường có liên quan đến thói quen hút thuốc lá, thuốc lào và sinh sống, làm việc trong môi trường ô nhiễm… Ở giai đoạn mãn tính, bệnh có triệu chứng khá mờ nhạt nên rất dễ bị bỏ qua. Nếu không điều trị kịp thời, ống phế quản có thể bị phù nề nặng gây khó thở, thở khò khè, thậm chí là suy hô hấp.

Viêm Phế Quản Mạn Tính Ở Người Già
Người già là đối tượng có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính do hệ miễn dịch suy giảm

Viêm phế quản mạn tính ở người già là gì?

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng ống phế quản bị viêm, phù nề trong một thời gian dài. Khác với giai đoạn cấp, giai đoạn mạn tính có triệu chứng mờ nhạt hơn nhưng tính chất thường dai dẳng, khó dứt. Khi có điều kiện thuận lợi, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gia tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Viêm phế quản mạn tính thường gặp ở người cao tuổi và người sinh sống, làm việc trong môi trường ô nhiễm. Người già có hệ miễn dịch suy giảm nên rất dễ mắc phải các bệnh hô hấp mãn tính. Tuy triệu chứng không quá rầm rộ nhưng tái phát thường xuyên, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Trước ảnh hưởng của môi trường, các bệnh hô hấp mãn tính nói chung và viêm phế quản nói riêng có xu hướng tái phát nhiều lần, triệu chứng dai dẳng, khó dứt điểm. Để bảo vệ sức khỏe, nên trang bị kiến thức cần thiết nhằm chủ động trong quá trình điều trị và chăm sóc.

Xem thêm: 5 Cách Trị Viêm Phế Quản Cho Bé Tại Nhà Bố Mẹ Nên Biết

Biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi có biểu hiện tương tự như các đối tượng khác. Giai đoạn mạn tính được xác định khi các triệu chứng kéo dài trên 2 tuần và tái phát thường xuyên (ít nhất 2 lần/ năm).

viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Ho có đờm dai dẳng, khó thở, thở khò khè… là dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi

Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi:

  • Ho dai dẳng, thường là ho có đờm
  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Đờm ứ nhiều ở cổ họng
  • Thở khò khè, hơi thở nông

Viêm phế quản mạn tính tiến triển lâu ngày có thể gây ra các triệu chứng thứ phát như mệt mỏi, buồn ngủ, cơ thể xanh xao, giảm khả năng tập trung… Về lâu dài, chức năng hô hấp sẽ suy giảm đáng kể khiến cho sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nên biết: Bệnh Viêm Thanh Khí Phế Quản Cấp: Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị

Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính ở người già

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính. Tuy nhiên ở người cao tuổi, bệnh lý này chủ yếu bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Hơn 80% trường hợp viêm phế quản mạn tính có liên quan đến thói quen hút thuốc lá, thuốc lào
  • Thói quen hút thuốc lá, thuốc lào: Thống kê cho thấy, trên 80% người cao tuổi bị viêm phế quản là do thói quen hút thuốc lá, thuốc lào. Các hóa chất trong khói thuốc sẽ khiến cho lông chuyển của tế bào niêm mạc phế quản giảm vận động. Từ đó gây ra tình trạng tăng tiết nhầy, phù nề và sưng viêm.
  • Hệ miễn dịch giảm: Khi bước vào giai đoạn lão hóa, hệ miễn dịch sẽ hoạt động kém hơn so với giai đoạn trước. Vì vậy, các chất dị ứng, kích ứng, virus, vi khuẩn… có thể trú ngụ bên trong phế quản lâu ngày gây phì đại, sưng viêm.
  • Tiếp xúc với khói bụi, hóa chất: Không chỉ riêng người cao tuổi, người trẻ tiếp xúc nhiều với hóa chất, khói bụi cũng có nguy cơ cao bị viêm phế quản. Các chất dị ứng, kích ứng sẽ khiến cho niêm mạc phế quản bị phù nề, xuất tiết dẫn đến tình trạng khó thở, ho có đờm, khạc đờm…
  • Bị viêm phế quản cấp nhiều lần: Các đợt nhiễm khuẩn phế quản cấp tái phát nhiều lần có thể là nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính. Khi ống phế quản bị nhiễm khuẩn lâu ngày sẽ xuất hiện tình trạng phì đại, xuất tiết và co thắt.
  • Sinh sống ở vùng có khí hậu lạnh, ẩm: Những người sinh sống ở vùng có khí hậu ẩm, lạnh sẽ có nguy cơ cao phát triển bệnh viêm phế quản mãn tính. So với vùng có khí hậu ấm, thời tiết lạnh khiến niêm mạc hô hấp trở nên nhạy cảm hơn. Phế quản vì vậy dễ bị kích thích bởi các chất dị ứng, kích ứng có trong không khí.
  • Yếu tố cơ địa: Ngoài những nguyên nhân kể trên, viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi còn liên quan đến những yếu tố cơ địa như thiếu IgA, nhóm máu A, cơ địa dị ứng, tiền sử mẫn cảm với thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Đọc ngay: Bệnh Viêm Phế Quản Có Lây Không? Lây Qua Đường Nào?

Viêm phế quản mạn tính ở người già và biến chứng có thể gặp phải

Viêm phế quản mãn tính tuy không gây ra triệu chứng rầm rộ như giai đoạn cấp nhưng có thể đưa đến nhiều biến chứng. Ở giai đoạn này, triệu chứng có tính chất dai dẳng, mức độ không quá nghiêm trọng nhưng khó dứt, dễ tái phát.

Hiện tượng phù nề, sưng viêm các ống phế quản lâu ngày có thể gây suy hô hấp và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bên cạnh đó, tình trạng viêm dai dẳng còn gây ứ đọng chất nhầy, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây ra các đợt viêm phế quản cấp tính.

viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Bệnh viêm phế quản mãn tính ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày

Người bệnh phải đối mặt với nhiều phiền toái do tình trạng ho dai dẳng. Hơn nữa khi chức năng hô hấp suy giảm, cơ thể dễ mệt mỏi do thiếu oxy, dễ bị mất ngủ, khó ngủ, giảm khả năng tập trung, trí nhớ…

Các cơ quan hô hấp có mối liên hệ mật thiết. Vì vậy, tình trạng phế quản viêm dai dẳng có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp khác như viêm phổi, tràn khí màng phổi, bệnh đường thở phản ứng (RAD), khí phế thũng, chứng Cor Pulmonale, biến chứng đa hồng cầu…

Tham khảo thêm: Triệu chứng của bệnh viêm phế quản co thắt. Cách điều trị hiệu quả

Chẩn đoán viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi không có triệu chứng điển hình. Dấu hiệu thường gặp nhất là ho có đờm dai dẳng kèm theo thở khò khè và tức ngực. Nếu không chú ý, các biểu hiện của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề hô hấp khác.

Viêm phế quản mạn tính không có triệu chứng điển hình và xét nghiệm cận lâm sàng đôi khi cũng không có giá trị cao. Do đó, bệnh lý này chủ yếu được chẩn đoán loại trừ.

Một số kỹ thuật được sử dụng trong chẩn đoán bệnh viêm phế quản mạn tính:

  • Khám lâm sàng (hỏi bệnh, khai thác tiền sử cá nhân, gia đình…)
  • Kiểm tra chức năng phổi
  • Chụp X-Quang phổi
  • Chụp CT phổi

Sau khi có kết quả chẩn đoán, viêm phế quản mạn tính sẽ được chia thành 3 dạng lâm sàng:

  • Viêm phế quản mạn tính đơn thuần: Đây là dạng nhẹ nhất với triệu chứng điển hình là ho nhiều kèm theo khạc đờm. Dịch đờm thường có màu trong suốt hoặc vàng (nếu xảy ra hiện tượng bội nhiễm).
  • Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn: Viêm phế quản mạn tính tắc nghẽn xảy ra khi các phế quản bị thu hẹp về diện tích và ứ đọng nhiều chất nhầy. Các triệu chứng đặc trưng là khó thở, thở khò khè kèm theo ho, khạc đờm dai dẳng.
  • Viêm phế quản mạn tính nhầy mủ: Với dạng viêm phế quản này, bệnh nhân sẽ có biểu hiện khạc đờm mủ do bội nhiễm. Đi kèm theo đó là các đợt kịch phát do phế quản co thắt thường xuyên.

Chia sẻ thêm: Viêm Phế Quản Bội Nhiễm Là Gì? Cách Chữa Trị

Điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính ở người già

Dù triệu chứng không rầm rộ như giai đoạn cấp tính nhưng viêm phế quản mạn tính khó điều trị dứt điểm. Triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Khi điều trị viêm phế quản, ngoài tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân cần phải lên kế hoạch chăm sóc hợp lý để nâng cao sức khỏe nói chung và chức năng hô hấp nói riêng. Nếu chỉ phụ thuộc vào thuốc, bệnh có xu hướng tái đi tái lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các phương pháp điều trị viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi:

1. Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng để cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính. Dựa trên biểu hiện lâm sàng cũng như cơ địa và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định những loại thuốc sau:

viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
  • Thuốc giãn phế quản: Thuốc giãn phế quản có tác dụng cường beta 2 adrenergic với khả năng giãn ống phế quản, cải thiện khả năng hô hấp. Nhóm thuốc này thường được dùng ở dạng khí dung để cải thiện tình trạng khó thở, thở khò khè. Một số loại thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm Salmeterol, Salbutamol, Fenoterol…
  • Kháng sinh: Trường hợp có bội nhiễm sẽ được chỉ định dùng kháng sinh. Bác sĩ thường ưu tiên dùng kháng sinh có phổ kháng khuẩn mạnh như kháng sinh nhóm macrolid và cephalosporin thế hệ II, III…
  • Thuốc long đờm: Ở người bị viêm phế quản mạn tính, tình trạng ho có đờm thường kéo dài dai dẳng. Vì vậy, các loại thuốc long đờm như Bixolon, Acemuc… có thể được sử dụng để cải thiện triệu chứng.
  • Thuốc chống viêm: Corticoid đường uống (Methylprednisolon, Prednisolon) có thể được dùng để giảm viêm, chống phù nề. Do nguy cơ cao nên nhóm thuốc này chỉ được dùng ngắn ngày trong trường hợp thật sự cần thiết.
  • Liệu pháp oxy: Liệu pháp oxy được chỉ định trong trường hợp suy hô hấp. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ thở oxy cho đến khi sức khỏe ổn định và nồng độ oxy trong máu trở lại chỉ số cân bằng.

Tìm hiểu thêm: Bị bệnh viêm phế quản uống thuốc gì?

2. Phục hồi chức năng phổi

Viêm phế quản mạn tính khiến cho chức năng hô hấp suy giảm. Tình trạng này không thể khôi phục bằng thuốc, do đó bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp để phục hồi chức năng phổi.

Các kỹ thuật được thực hiện để phục hồi chức năng phổi:

  • Tập thở
  • Thực hiện các bài tập thể dục tốt cho hệ hô hấp
  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

Phục hồi chức năng phổi sẽ giúp cải thiện triệu chứng thở khò khè, khó thở một cách triệt để. Mặt khác, phương pháp này cũng giúp cho quá trình dẫn lưu chất nhầy diễn ra thuận lợi, tránh tình trạng tái phát sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các phương pháp phục hồi chức năng phổi cho hiệu quả khá chậm nên cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài.

Xem thêm: Viêm Khí Quản Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị

3. Thay đổi lối sống

Viêm phế quản mạn tính có mối liên hệ mật thiết với thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, hóa chất… Do đó, bên cạnh các phương pháp chính, bệnh nhân nên thay đổi lối sống để đẩy lùi triệu chứng triệt để và cải thiện chức năng hô hấp lâu dài.

viêm phế quản mãn tính ở người cao tuổi
Người cao tuổi nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi viêm phế quản và các bệnh hô hấp mãn tính khác

Hướng dẫn thay đổi lối sống cho người cao tuổi bị viêm phế quản mạn tính:

  • Cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và ngực. Tránh tiếp xúc với gió lạnh, hạn chế tắm khuya và tắm vào sáng sớm.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế hít phải khói bụi, hóa chất. Nếu làm việc trong môi trường có nhiều chất kích ứng, nên mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang chuyên dụng.
  • Làm sạch không gian sống thường xuyên để giảm các chất dị ứng, kích ứng có trong không khí. Cân nhắc sử dụng máy lọc không khí nếu sinh sống ở khu vực có chỉ số bụi mịn cao.
  • Uống nhiều nước để làm ẩm niêm mạc hô hấp và giảm độ đặc của dịch nhầy. Ngoài nước lọc, nên bổ sung thêm các loại nước ép cũng như trà nóng để làm dịu cổ họng, giảm ho, ngứa, đờm ứ…
  • Sức đề kháng giảm là điều kiện thuận lợi để bệnh tái đi tái lại. Do đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học để kiểm soát triệu chứng, hạn chế tình trạng tái phát.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với bề mặt của các vật dụng công cộng.
  • Cai thuốc lá, thuốc lào và hạn chế đồ uống chứa cồn.
  • Người cao tuổi nên chủ động tiêm vaccine ngừa cúm, ngừa viêm phổi…

Viêm phế quản mạn tính ở người già là bệnh lý rất phổ biến. Dù triệu chứng không quá rầm rộ hay tiến triển nhanh như giai đoạn cấp nhưng về lâu dài, cả chức năng hô hấp và sức khỏe tổng thể đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần phải có kế hoạch điều trị và chăm sóc hợp lý để kiểm soát bệnh hiệu quả.

Bài viết liên quan: