Viêm dạ dày mạn tính xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm trong thời gian dài. Khác với giai đoạn cấp, bệnh ở giai đoạn mạn tính có triệu chứng mờ nhạt, âm ỉ và dai dẳng. Thực tế cho thấy, đa phần các trường hợp mắc bệnh lý này đều có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu tích cực điều trị và chăm sóc đúng cách.
Viêm dạ dày mạn tính là bệnh gì?
Viêm dạ dày mạn tính (viêm dạ dày mãn tính) là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm kéo dài, tiến triển âm thầm với các triệu chứng mờ nhạt hoặc thậm chí không phát sinh triệu chứng lâm sàng. Mặc dù có triệu chứng nhẹ hơn giai đoạn cấp nhưng viêm dạ dày mạn tính thường tiến triển dai dẳng, khó điều trị dứt điểm và rất dễ tái phát khi có điều kiện thuận lợi.
So với bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày nói chung và viêm dạ dày mạn tính nói riêng có mức độ nhẹ hơn. Nếu chăm sóc và điều trị tốt, bệnh nhân có thể kiểm soát hoàn toàn các triệu chứng của bệnh. Trên thực tế cũng cho thấy, viêm dạ dày mãn tính rất hiếm khi gây ra biến chứng nặng nề.
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mãn tính thực chất là một dạng tổn thương niêm mạc dạ dày có mức độ nhẹ và kéo dài. Do đó ở một số trường hợp, bệnh gần như không có biểu hiện lâm sàng và chỉ “vô tình” được phát hiện khi thăm khám định kỳ.
Viêm dạ dày mạn tính cũng có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Đau ở vùng thượng vị (cơn đau khởi phát chính giữa vùng bụng nằm ở trên rốn và dưới xương ức), đau có mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng dai dẳng.
- Cơn đau do viêm dạ dày mạn tính có thể xuất hiện sau bữa ăn hoặc bùng phát khi đói. Mức độ và tần suất cơn đau có thể tăng lên nếu thường xuyên dùng rượu bia, hút thuốc lá, dùng thức ăn cay nóng, nhiều axit hoặc căng thẳng trong thời gian dài.
- Viêm dạ dày mạn tính còn gây ra một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa,…
- Một số ít trường hợp có thể bị tiêu chảy và táo bón nhẹ.
Đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày có xu hướng xuất hiện nhiều hơn ở một số nhóm đối tượng cụ thể, chẳng hạn như:
- Trường hợp hay ăn đồ chua cay: Các gia vị chua, cay dễ gây kích ứng mạnh lên niêm mạch dạ dày cũng như làm tăng lượng axit khiến dạ dày bị viêm loét.
- Người thường xuyên ăn đồ chiên, nướng: Việc bổ sung quá nhiều đồ chiên nướng sẽ tạo ra gánh nặng cho dạ dày vì những thực phẩm này có chứa hàm lượng chất béo khá lớn, dễ khiến dạ dày bị đầy bụng.
- Người hay ăn đồ nóng hoặc lạnh quá: Dạ dày hoạt động tốt nhất ở nhiệt độ 37 độ C ở cơ thể khỏe mạnh. Vì thế những đồ ăn quá nóng hay quá lạnh đều làm ảnh hưởng tới sự thay đổi hoạt động của dạ dày, dễ gây kích ứng niêm mạc và lâu ngày sẽ dẫn tới viêm.
- Trường hợp thường xuyên dùng bia – rượu: Thói quen dùng bia – rượu có nồng độ cồn cao sẽ khiến lớp niêm mạc dạ dày bị phá hủy nhanh chóng. Vậy nên những trường hợp hay có thói quen này rất dễ bị viêm dạ dày mãn tính.
- Đối tượng hay hút thuốc: Nicotin trong thuốc lá sẽ gây cản trở cho quá trình lưu thông máu tới dạ dày. Niêm mạc lúc này không có đủ lượng máu để nuôi dưỡng nên sẽ không thể tạo ra màng bảo vệ, khiến dạ dày dễ bị tổn thương.
- Người trung niên: Đối tượng càng lớn tuổi thì chức năng dạ dày càng yếu đi, theo số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 52% người mắc bệnh dạ dày mãn tính thuộc độ tuổi trên 60.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter pylori (Hp) được xem là nguyên nhân phổ biến nhất.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm dạ dày mạn tính thường gặp:
1. Do nhiễm xoắn khuẩn Hp (Helicobacter pylori)
Helicobacter pylori là xoắn khuẩn gram âm có khả năng sinh sống trong môi trường axit của dạ dày. Vi khuẩn này tồn tại trong cơ thể của người nhiễm bệnh, thức ăn bẩn, phân, nước, đất,… và có khả năng lây nhiễm qua hoạt động ăn uống (nước bọt). Theo ước tính, có khoảng 70% dân số ở nước ta nhiễm vi khuẩn Hp.
Khi vi khuẩn Helicobacter pylori xâm nhập và sinh sống trong chất nhầy dạ dày, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tập trung một lượng lớn tế bào lympho và bạch cầu trung tính tại niêm mạc. Các tế bào này giải phóng gốc tự do oxy hóa và các interleukin dẫn đến hiện tượng viêm niêm mạc dạ dày trong một thời gian dài.
Ngoài ra, tổn thương ở niêm mạc dạ dày còn bắt nguồn từ hoạt động của vi khuẩn Hp. Để thích nghi với môi trường axit, Helicobacter pylori sản sinh men urease mạnh nhằm tăng độ pH lên khoảng 6.5 (trong khi đó độ pH sinh lý của dạ dày dao động khoảng 2 – 3). Ngoài ra, các chất chuyển hóa của vi khuẩn còn làm suy giảm chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Những tác động này kết hợp với nhau dẫn đến tổn thương thành dạ dày mãn tính.
2. Sử dụng NSAID dài hạn
Ngoài vi khuẩn Hp, viêm dạ dày mạn tính còn có thể xảy ra do sử dụng NSAID (thuốc chống viêm không steroid) dài hạn. Nhóm thuốc này tác động trực tiếp lên tế bào biểu mô của dạ dày và làm suy giảm chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Bên cạnh đó, NSAID còn làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin – thành phần có khả năng tăng chất nhầy bảo vệ dạ dày.
Với những tác động này, sử dụng thuốc chống viêm không steroid dài hạn có thể gây viêm niêm mạc dạ dày mạn tính. Nếu tiếp tục dùng thuốc, ổ viêm ở niêm mạc dạ dày có thể tiến triển dẫn đến hiện tượng loét hoặc thậm chí là xuất huyết tiêu hóa.
3. Do các yếu tố tự miễn
Viêm dạ dày mạn tính do các yếu tố tự miễn được gọi là viêm dạ dày tự miễn. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến sản sinh ra các kháng thể tấn công vào tế bào thành của dạ dày (chủ yếu gặp ở phần thân vị và phình vị). Khác với viêm dạ dày do những nguyên nhân thông thường, viêm dạ dày tự miễn đặc trưng bởi tình trạng tế bào thành bị phá hủy, giảm sản xuất axit, tăng độ pH trong dạ dày và có sự tăng các tế bào ưa crom ở đường ruột.
Viêm dạ dày mạn do các yếu tố tự miễn thường tiến triển chậm và có triệu chứng mờ nhạt nên rất khó phát hiện. Các triệu chứng do bệnh lý này thường xảy ra do thiếu vitamin B12 (bệnh làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 của cơ thể). Ở một số trường hợp, bệnh cũng có thể gây đầy bụng, khó chịu ở vùng thượng vị, ăn uống kém, nhanh no,…
4. Do nhiễm ký sinh trùng, virus
Ngoài vi khuẩn Helicobacter pylori, bệnh viêm dạ dày mạn tính còn có thể bùng phát do một số loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng khác như:
- Helicobacter heilmannii (một loại vi khuẩn khác cùng chi với Helicobacter pylori)
- Vi khuẩn Mycobacterium, nấm Histoplasmosis (gây bệnh viêm dạ dày mạn tính dạng mô hạt)
- Nhiễm virus Herpes hoặc CMV
- Nhiễm giun lươn
Các tác nhân này đều có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày kéo dài và tiến triển dai dẳng.
5. Do ảnh hưởng một số bệnh lý khác
Viêm dạ dày mạn tính cũng có thể là hệ quả do một số bệnh lý khác như:
- Trào ngược dịch mật
- Tăng ure huyết
- Bệnh Crohn
- Bệnh ung thư hạch bạch huyết
- Viêm dạ dày nhiễm lympho
- Viêm dạ dày do thiếu máu nuôi
- Viêm dạ dày do tia xạ
- Viêm dạ dày trong bệnh tạo keo
6. Một số yếu tố thuận lợi
Tương tự như các bệnh lý tiêu hóa khác, nguy cơ mắc bệnh viêm dạ dày mạn tính cũng có thể tăng lên đáng kể nếu có thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh. Các yếu tố này còn có thể đẩy nhanh tốc độ tiến triển của ổ viêm và dẫn đến hiện tượng loét dạ dày.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày mạn tính:
- Thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá lâu năm
- Ăn uống không điều độ, thường xuyên nhịn ăn
- Sử dụng nhiều các loại thực phẩm và thức uống gây hại cho dạ dày
- Thức khuya, ngủ không đủ giấc
- Căng thẳng, lo âu quá mức
- Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, kim loại nặng
Các yếu tố này làm tăng rối loạn nhu động dạ dày và kích thích bài tiết axit quá mức. Từ đó tác động tiêu cực đến niêm mạc dạ dày và hệ quả là gây viêm dạ dày mạn tính.
Viêm dạ dày mãn tính có nguy hiểm không?
Bệnh viêm dạ dày lâu năm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh cũng như dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách. Cụ thể như sau:
Teo niêm mạc dạ dày
Niêm mạc dạ dày có vai trò chính là tiết axit để tiêu hóa thức ăn cũng như bảo vệ dạ dày khỏi những tác động ăn mòn của axit. Tuy nhiên, nếu viêm niêm mạc dạ dày phát triển trong một thời gian dài mà không được xử lý đúng cách thì chúng sẽ mất khả năng phục hồi và bị viêm teo.
Khi niêm mạc dạ dày bị teo sẽ khiến cơ thể thiếu hụt nguồn vitamin B12, thiếu máu và rối loạn tâm thần.
Hẹp môn vị dạ dày
Bệnh loét dạ dày trong thời gian dài sẽ làm cho tổ chức tá tràng trở nên xơ hóa, dẫn tới biến chứng hẹp môn vị. Biên chứng này thường xuất hiện khi vị trí vết loét nằm ở bờ cong nhỏ gần với môn vị.
Đây là vị trí tiếp nối từ dạ dày xuống tá tràng, vậy nên khi môn vị bị thu hẹp có nghĩa là thức ăn bị dồn ép tại dạ dày, chúng không thể di chuyển xuống tá tràng một cách dễ dàng. Thay vào đó thức ăn sẽ gây ra sự ách tắc, bụng chướng lên khiến người bệnh có biểu hiện nôn mửa để giải phóng bớt áp lực của dạ dày.
Ngoài triệu chứng nôn mửa, hẹp môn vị còn khiến người bệnh có biểu hiện khác như: Táo bón, mất nước, cơ thể xanh xao thiếu sức sống,…
Xuất huyết dạ dày
Trường hợp niêm mạc dạ dày bị phá hủy, các mạch máu bị đứt dẫn tới tình trạng chảy máu ồ ạt. Khi mất máu quá nhiều và nhanh mà không được cấp cứu kịp thời thì tính mạng của người bệnh sẽ ở mức báo động đỏ.
Theo một số thống kê chính thức thì nam giới có tỉ lệ xuất huyết dạ dày cao hơn so với nữ giới. Bởi nhóm đối tượng này thường có thói quen sử dụng thuốc lá, rượu – bia nhiều hơn so với chị em phụ nữ.
Nếu người bệnh thấy có các dấu hiệu dưới đây thì cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất vì rất có thể bạn đã bị xuất huyết dạ dày. Cụ thể:
- Da xanh tái, nhợt nhạt.
- Đau bụng âm ỉ hoặc có thể bị đau dữ dội.
- Cơ thể mệt mỏi.
- Đi đại tiện có phân màu đen sẫm hoặc có dính máu tươi.
- Hoa mắt, chóng mặt dễ ngất xỉu.
- Buồn nôn, thậm chí có nôn ra máu.
- Mạch yếu, huyết áp tụt.
- Tay chân lạnh.
Thủng dạ dày
Việc bị viêm dạ dày lâu năm có thể làm xuất hiện các vết loét sâu trong dạ dày. Lâu ngày, dưới sự tác động của môi trường axit đậm đặc có trong dạ dày, tổ chức niêm mạc, các cơ sẽ bị ăn mòn và có thể gây nên tình trạng bục hay thủng dạ dày.
Trường hợp bị thủng dạ dày, dịch vị sẽ tràn ra ngoài, xâm nhập vào các cơ quan khác trong ổ bụng gây ra tình trạng viêm phúc mạc và làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh nếu không được xử lý, cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu giúp bạn nhận biết hiện tượng thủng dạ dày gồm có:
- Các cơ ở thành bụng có dấu hiệu co cứng.
- Tay chân lạnh buốt.
- Các cơn đau xuất hiện đột ngột kèm theo cảm giác như bị vật nhọn đâm vào vùng bụng.
- Tim đập nhanh bất thường.
- Nôn thốc, nôn ra máu.
- Khó đại tiểu tiện.
Ung thư dạ dày
Có thể nói ung thư dạ dày là một trong những biến chứng dạ dày mãn tính nguy hiểm nhất. Chúng là một trong top 5 bệnh lý ung thư phổ biến nhất tại nhiều nước, hàng năm cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Nếu tình trạng viêm mạch bị viêm kéo dài sẽ hình thành nên các ô viêm nhiễm, sản sinh tế bào ung thư. Trường hợp không được phát hiện sớm và điều trị thì người bệnh có thể khó bảo toàn tính mạng. Đặc biệt là khi đã ở giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống rất thấp.
Viêm dạ dày mạn tính có chữa khỏi được không?
Viêm dạ dày mạn tính là bệnh tiêu hóa khá phổ biến bên cạnh viêm dạ dày cấp, loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản. Bệnh lý này có triệu chứng nhẹ, âm ỉ nhưng dai dẳng và kéo dài. Đa phần các trường hợp mắc bệnh lý này đều có thể điều trị dứt điểm nếu sử dụng thuốc và chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên nếu xảy ra do các yếu tố tự miễn hoặc ảnh hưởng của các bệnh mãn tính như bệnh tạo keo, nhiễm lympho,… viêm dạ dày mạn tính gần như không thể chữa trị hoàn toàn. Mục tiêu điều trị trong trường hợp này là kiểm soát tiến triển và duy trì trạng thái không triệu chứng của bệnh lý.
Chẩn đoán bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính không có triệu chứng điển hình nên chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào mô bệnh học. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các bước chẩn đoán bệnh viêm dạ dày mạn tính:
- Thăm khám lâm sàng (khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân, gia đình)
- Nội soi ống tiêu hóa kết hợp với sinh thiết để xác định sự hiện diện của vi khuẩn Hp và xét nghiệm mô bệnh học
- Một số xét nghiệm khác (xét nghiệm máu, phân,…)
Viêm dạ dày mạn tính không chỉ gây ra triệu chứng lâm sàng mà còn có sự thay đổi ở mô bệnh học (viêm dạ dày dạng mô hạt, dạng nhiễm lymphocyte,…). Do đó, xét nghiệm mô bệnh học được xem là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.
Các phương pháp điều trị viêm dạ dày mạn tính
Điều trị viêm dạ dày mạn tính được thực hiện với mục tiêu kiểm soát triệu chứng và kéo dài trạng thái không triệu chứng của bệnh lý. Các phương pháp điều trị được áp dụng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân.
1. Điều trị viêm dạ dày mạn tính (-) với vi khuẩn Hp
Trong trường hợp âm tính với vi khuẩn Hp, điều trị chủ yếu là sử dụng các loại thuốc làm giảm triệu chứng. Bác sĩ sẽ cân nhắc về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải để chỉ định các loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc được sử dụng trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính (-) với vi khuẩn Hp:
- Thuốc trung hòa axit: Thuốc trung hòa axit (Magie hydroxyd, nhôm hydroxyd,…) có khả năng tăng độ pH của dịch vị nhằm giảm mức độ kích thích lên niêm mạc dạ dày. Thuốc được sử dụng sau khi ăn khoảng 1 giờ và trước khi đi ngủ để hạn chế cơn đau bùng phát. Ngoài ra, thuốc còn giúp cải thiện một số triệu chứng đi kèm như ợ chua, đầy hơi và buồn nôn.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày (Rebamipide, Misoprosol) có tác dụng kết hợp với chất nhầy của dạ dày tạo thành màng bảo vệ ổ viêm loét. Thuốc được sử dụng để làm giảm cơn đau và một số triệu chứng đi kèm như nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn mửa,…
- Thuốc ức chế thụ thể H2: Thuốc ức chế thụ thể H2 (Ranitidin, Famotidin,…) có khả năng giảm bài tiết axit dịch vị không toàn toàn. Do tác dụng ngắn nên bệnh nhân cần phải dùng thuốc 2 lần/ ngày. Nhóm thuốc này thường được chỉ định dùng liên tục trong vòng 8 tuần để vùng niêm mạc bị viêm có thời gian hồi phục và tái tạo hoàn toàn.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc ức chế tiết axit dạ dày hiệu quả nhất hiện nay. Thuốc được sử dụng 1 lần/ ngày vào 30 phút trước khi ăn sáng. Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng PPI hoặc thuốc ức chế thụ thể H2.
- Một số loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác như thuốc điều hòa vận động dạ dày (nhóm Domperidone) và thuốc giảm co thắt cơ trơn (Trimebutin và Spasmaverin).
Trong trường hợp viêm dạ dày mạn tính (-) vi khuẩn Hp, các loại thuốc được sử dụng với mục đích giảm triệu chứng và cải thiện mức độ viêm ở niêm mạc. Vì vậy, loại thuốc và liều lượng có thể được cân chỉnh tùy theo biểu hiện lâm sàng và mức độ triệu chứng của từng bệnh nhân.
2. Phác đồ điều trị viêm dạ dày mạn (+) vi khuẩn Hp
Trong trường hợp (+) với vi khuẩn Hp, mục tiêu chính là triệt trừ vi khuẩn nhằm kiểm soát triệu chứng và tiến triển của vùng niêm mạc bị tổn thương. Tùy theo tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các phác đồ sau:
+ Phác đồ 3 thuốc (dùng liên tục trong 10 – 14 ngày):
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) liều chuẩn (dùng 1 lần/ ngày)
- Amoxicillin 1000mg, dùng 2 lần trước khi ăn
- Kết hợp với Clarithromycin 500mg/ Levofloxacin 250mg hoặc Tinidazole 500mg
+ Phác đồ 4 thuốc (dùng trong 10 – 14 ngày, thường dùng cho bệnh nhân dị ứng với kháng sinh penicillin):
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI) liều tiêu chuẩn (dùng 2 lần/ ngày)
- Tripotassium dicitrate Bismuthate 300mg/ 4 lần/ ngày
- Metronidazole 250mg/ 4 lần/ ngày
- Tetracycline 500mg/ 4 lần/ ngày
+ Phác đồ nối tiếp:
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)/ 2 lần/ ngày + Amoxicillin 1000mg/ 2 lần/ ngày dùng trong 5 ngày đầu
- 5 ngày tiếp theo dùng PPI + Metronidazol 500mg + Clarithromycin 500mg/ 2 lần/ ngày
Lựa chọn ưu tiên khi điều trị vi khuẩn Hp là phác đồ 3 thuốc hoặc 4 thuốc. Tuy nhiên nếu không có đáp ứng và nội soi vẫn có sự hiện diện của vi khuẩn, bệnh nhân tiếp tục phải điều trị bằng phác đồ nối tiếp. Để hạn chế nguy cơ kháng kháng sinh, cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không ngưng thuốc hoặc tự ý hiệu chỉnh liều lượng khi chưa có chỉ định.
3. Kết hợp điều trị nguyên nhân
Trong một số trường hợp đặc biệt, viêm dạ dày mạn tính có thể xảy ra do các yếu tố tự miễn và một số bệnh lý khác. Do đó ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tích cực điều trị nguyên nhân để giảm mức độ viêm ở niêm mạc dạ dày.
Nếu xảy ra do dùng NSAID, nên ngưng sử dụng thuốc và thay thế bằng loại thuốc khác. Hoặc có thể dùng các NSAID ít có nguy cơ tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa.
4. Chữa bằng mẹo dân gian
Được biết khi tình trạng viêm dạ dày đã trở nên mãn tính thì các mẹo dân gian chỉ là giải pháp để xoa dịu bớt triệu chứng cũng như hỗ trợ quá trình điều trị chuyên khoa phía trên. Người bệnh có thể tham khảo một số mẹo dân gian chữa bệnh dạ dày lâu năm như sau:
- Gừng: Người bệnh bỏ vài lát gừng tươi vào trà xanh để uống đều đặn vào mỗi sáng và tối. Hoặc có thể giã gừng lấy nước cốt rồi hòa lẫn với 1 muỗng nước cốt chanh, 1 muỗng mật ong và thêm một chút nước ấm để uống.
- Mật ong và nghệ: Hòa 1 muỗng mật ong nguyên chất cùng 1 muỗng bột nghệ thêm chút nước ấm để uống vào các buổi sáng hàng ngày.
- Nha đam: Bỏ vỏ, lọc lấy ruột nha đam rồi đem xay thành nước để uống mỗi ngày.
- Bạc hà: Cho một ít bạc hà khô vào cốc nước sôi đậy kín. Sau 10 phút thì lấy ra uống nhâm nhi như uống trà.
- Đậu rồng: Tách hạt đậu rồng, phơi khô sau đó xây thành bột mịn. Mỗi lần dùng khoảng 1 muỗng bột đậu rồng pha cùng 1 muỗng mật ong thêm nước ấm rồi uống.
- Bắp cải: Sau khi đem bắp cải ngâm muối, rửa sạch để ráo thì mang chần rau với nước sôi. Bạn cho bắp cải vào máy xay nhuyễn, lọc lấy nước uống.
- Lá mơ: Chuẩn bị lá mơ đã rửa sạch và để ráo nước thì giã nát lá mơ lọc lấy nước cốt.
- Mật ong với chuối xanh: Gọt vỏ và thái chuối thành từng lát sau đó đem phơi khô, xay chuối thành bột mịn rồi đem đi bảo quản trong lọ có nắp kín. Mỗi ngày nên lấy 1 muỗng mật ong nguyên chất pha cùng 1 muỗng bột chuối xanh và nước ấm để uống.
5. Phương pháp Đông y chữa viêm dạ dày lâu năm
Các bài thuốc Đông y sử dụng những dược liệu có nguồn gốc tự nhiên để lấy lại cân bằng cho cơ thể cũng như giúp giải quyết phần nào căn nguyên gây bệnh. Đồng thời giúp phòng ngừa bệnh viêm dạ dày tái phát nhiều lần. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y trong điều trị bệnh viêm niêm mạc dạ dày lâu năm:
- Bài thuốc cho người tỳ vị hư hàn
Triệu chứng bệnh: Nôn nhiều, đau vùng thượng vị liên miên, mệt mỏi, đầy bụng, sợ lạnh, tay chân lạnh, cảm thấy đỡ hơn khi chườm nóng và xoa bóp. Quan sát sẽ thấy rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt nhạt, mạch hư tế. Người bệnh còn có hiện tượng đi ngoài phân lỏng, nát hoặc táo bón. Pháp điều trị lúc này là Ôn trung kiện tỳ.
Bài thuốc điều trị: Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm
Thành phần: Nhục quế 8g, Hoàng kỳ 16g, Sinh khương 6g, Hương phụ 8g, Cao lương khương 6g, đại táo 12g, cam thảo 6g. Tất cả dược liệu đem đi sắc uống trong ngày.
- Bài thuốc cho người Can khí phạm vị
Triệu chứng bệnh: Đau hai bên sườn, đau bụng, chướng bụng. Cảm thấy bụng cồn cào, ợ chua, nôn mửa, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Người bệnh thường dễ nóng giận và hay cảm thấy khó chịu. Lúc này để điều trị sẽ cần sơ càn hòa vị.
Bài thuốc: Nhị trần thang gia giảm
Thành phần: Trần bì 8g, Cam thảo 8g, Bán hạ 8g, Phục linh 12g, Hoàng liên 8g, Ngô thù du 8g. Các vị thuốc đem sắc kỹ, uống hàng ngày.
- Bài thuốc cho người Thể vị âm hư
Triệu chứng bệnh: Đau âm ỉ vùng thượng vị, thường bị táo bón, chán ăn, lưỡi khô, đỏ, mạch tế sác, miệng khô. Phương pháp điều trị là tư âm dưỡng vị.
Phương thuốc điều trị: Sa sâm mạch đông thang gia giảm
Thành phần: Mạch môn đông 12g, Sa sâm 12g, Bạch nhược 12g, Ngọc trúc 9g, Cam thảo 6g. Các vị thuốc đem sắc kỹ, uống hàng ngày.
Chế độ ăn uống cho người bị viêm dạ dày
Nếu thói quen ăn uống của bạn chưa tốt bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thay đổi chế độ ăn để giảm kích ứng lên dạ dày. Người dùng cần hạn chế sử dụng những nhóm thức ăn khiến tình trạng bệnh chuyên biến nghiêm trọng hơn như:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Những món ăn có chứa nhiều gia vị như đường và muối.
- Các loại thịt đỏ và đồ ăn đóng hộp cũng nên hạn chế sử dụng với những người bị bệnh dạ dày.
- Rượu – bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga đều không tốt cho sức khỏe.
- Thức ăn cay nóng.
Ngoài ra, người bệnh có thể tận dụng những thực phẩm lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp tái tạo dịch bảo vệ dạ dày, cải thiện tình trạng viêm nhiễm, sưng đau như:
- Rau xanh, trái cây.
- Thực phẩm giàu lợi khuẩn gồm đồ uống lên men và sữa chua,…
- Đạm thực vật có trong ngũ cốc, đậu, nấm,…
- Thịt trắng có trong thịt gà hay cá,…
- Người bệnh cũng nên bổ sung đủ 2 lít nước mỗi ngày để trung hòa axit trong dạ dày.
Nên khám và điều trị bệnh viêm dạ dày mãn tính ở đâu?
Người bị bệnh dạ dày nên tìm tới các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị bệnh được hiệu quả hơn. Các bạn có thể tham khảo một số bệnh viện lớn dưới đây trước khi quyết định thăm khám và chữa bệnh:
- Bệnh viện Bạch Mai: Tọa lạc tại số 78 Giải Phóng – Đống Đa – Thủ đô Hà Nội.
- Bệnh viện Đa khoa Favina: Số 135A Thanh Ấm – thuộc Vân Đình – Ứng Hoà – Hà Nội.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Số 2001B Nguyễn Chí Thanh – thuộc phường 12 – quận 5 – TPHCM.
- Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Tại số 1 Tôn Thất Tùng – thuộc quận Đống Đa – Hà Nội.
Phòng ngừa bệnh viêm dạ dày mạn tính
Viêm dạ dày mạn tính gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, ăn uống, lao động và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Về lâu dài, tổn thương ở niêm mạc có thể tiến triển dẫn đến hình thành ổ viêm loét. Do đó sau khi điều trị, bệnh nhân cần lên kế hoạch chăm sóc để phòng ngừa bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng ngừa viêm dạ dày mạn tính tái phát:
- Phòng ngừa vi khuẩn Helicobacter pylori bằng cách đảm bảo vệ sinh khi nấu nướng, ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác (tránh ăn uống chung, hạn chế hôn môi, sinh hoạt thân mật,…) nếu người thân trong gia đình nhiễm bệnh.
- Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Tránh sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê và các loại thực phẩm kích thích lên niêm mạc ống tiêu hóa như thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, axit, gia vị cay nóng,…
- Cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tránh tình trạng căng thẳng và lo âu quá mức. Ngoài ra, nên tập thói quen ngủ sớm và hạn chế tình trạng thức khuya.
- Dành 30 – 45 phút mỗi ngày để tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng. Tập thể dục thường xuyên không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn hỗ trợ điều hòa hoạt động bài tiết dịch vị và ổn định nhu động của dạ dày.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các nhóm thuốc gây hại lên cơ quan tiêu hóa như corticoid và NSAID. Trong trường hợp được chỉ định dùng thuốc, nên thông báo với bác sĩ tiền sử viêm, loét dạ dày để được cân nhắc dùng loại thuốc ít rủi ro và tác dụng phụ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm vi khuẩn Hp, bệnh tạo keo,…
Viêm dạ dày mạn tính là một trong những bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Dù có triệu chứng mờ nhạt nhưng bệnh có thể tiến triển nặng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách. Để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất, bệnh nhân nên chủ động thăm khám ngay khi phát hiện các biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm: