Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp, đặc trưng bởi các triệu chứng như đau thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng... Bệnh nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị có thể chuyển biến thành mạn tính, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Định nghĩa viêm xung huyết hang vị dạ dày
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là một bệnh lý tổn thương dạ dày cấp tính, xuất hiện vô cùng phổ biến hiện nay. Đây là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày bị viêm, khiến các mạch máu giãn nở do ứ máu nhiều, gây ra tình trạng xung huyết hang vị dạ dày. Bệnh có thể xuất hiện sau khi dùng thuốc (thường là thuốc giảm đau chống viêm không steroid), dùng rượu bia, hóa chất, chất kích thích như cà phê, ớt...
Dạ dày có hình dạng chữ J, được chia làm 5 phần là tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và môn vị. Trong đó, hang vị có kích thước 3 - 5cm, nằm ngang, là một đoạn của dạ dày, ở vị trí bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị. Chức năng chính là hỗ trợ cắt thức ăn thành từng mảnh nhỏ để cơ thể có thể dễ dàng chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Hang vị dạ dày rất dễ bị viêm nhiễm, phổ biến là tình trạng viêm hang vị dạ dày, viêm xung huyết hang vị dạ dày và viêm trợt hang vị dạ dày. Trong đó, viêm xung huyết hang vị dạ dày có liên quan mật thiết đến tình trạng đau dạ dày. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột (cấp tính) hoặc tiến triển, kéo dài (mạn tính). Nếu không được sớm phát hiện và điều trị, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh.
[Mẹo hay nên biết]: 20 Cách Giảm Đau Dạ Dày Nhanh, An Toàn, Hiệu Quả
Nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày
Có rất nhiều nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ thúc đẩy sự phát triển của căn bệnh này. Thông thường, bệnh không xuất hiện chỉ do một nguyên nhân nào đó mà có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố nguy cơ. Việc xác định được nguyên nhân gây bệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc điều trị và phòng ngừa tái phát.
Một số nguyên nhân gây viêm xung huyết hang vị dạ dày phổ biến có thể kể đến như:
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Đây là loại vi khuẩn gây bệnh dạ dày thường gặp, chiếm 90% nguyên nhân gây bệnh viêm xung huyết hang vị nói riêng và các bệnh lý về dạ dày nói chung. Vi khuẩn HP sau khi xâm nhập vào dạ dày sẽ giải phóng các chất độc gây viêm loét, thậm chí có thể gây biến chứng xuất huyết ổ loét ở hang vị dạ dày.
- Do tác dụng phụ của thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid (dexamethason, prednisolon...), thuốc giảm đau không steroid, thuốc giảm đau (aspirin)... có thể gây viêm xung huyết hang vị dạ dày.
- Do căng thẳng, stress kéo dài: Căng thẳng, mệt mỏi, áp lực từ công việc, cuộc sống khiến cơ thể tiết ra nhiều cortisol giúp điều chỉnh căng thẳng, cân bằng cảm xúc. Tuy nhiên, chúng lại có tác động xấu đến hệ tiêu hóa, có thể làm tăng tiết axit HCL trong dạ dày, giảm sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.
- Do thói quen ăn uống, sinh hoạt: Mặc dù không trực tiếp gây viêm loét dạ dày nhưng đây là yếu tố nguy cơ phổ biến thúc đẩy sự phát triển của bệnh. Việc tiêu thụ quá nhiều các thực phẩm như đồ ăn chua cay, nước ngọt có gas, thực phẩm chứa nhiều axit... tạo điều kiện cho các tác nhân gây viêm hoạt động, gây bệnh. Ngoài ra, bệnh còn liên quan đến một số thói quen như để cơ thể quá đói hoặc quá no, ăn uống vội vàng, không nhai kỹ, vừa ăn vừa xem điện thoại...
Viêm xung huyết hang vị dạ dày cũng có thể xuất hiện, hay tái phát ở người dùng rượu bia quá nhiều, đặc biệt là khi đói. Người bị mất ngủ triền miên, giờ giấc sinh hoạt thường xuyên bị đảo lộn, người thường xuyên hút thuốc lá hoặc phải tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá...
Triệu chứng của bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Dựa theo triệu chứng, bệnh được chia làm 3 cấp độ là viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ, viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ vừa và viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nặng. Mỗi cấp độ bệnh sẽ biểu hiện những triệu chứng khác. Dù mắc bệnh ở cấp độ nào thì người bệnh cũng cần sớm thăm khám tại các phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa Tiêu Hóa để được chẩn đoán và điều trị.
Có thể nhận biết viêm xung huyết hang vị dạ dày thông qua các triệu chứng dưới đây:
- Đau, nóng rát thượng vị: Thường là tình trạng đau bụng cồn cào ở vùng trên rốn, dưới xương ức. Đau cồn cào, quặn thắt hoặc âm ỉ, nóng rát thượng vị, nhất là về đêm. Đau tăng lên khi ăn no, khi thay đổi thời tiết về đêm, khi thời tiết trở lạnh, có thể lan lên ngực, vai và sau lưng.
- Ợ chua, ợ hơi, chướng bụng, buồn nôn: Đây là những triệu chứng phổ biến ở người mắc bệnh về dạ dày, dễ bị bỏ qua. Các triệu chứng đầy bụng, đầy hơi, ợ chua xuất hiện khi hang vị bị viêm khiến hoạt động tiêu hóa thức ăn trì trệ, thức ăn không được phân giải gây ứ đọng, buồn nôn, trào ngược, chướng bụng khó chịu.
- Người mệt mỏi, tiều tụy, da xanh xao, xám xịt: Viêm xung huyết hang vị dạ dày khiến người bệnh thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng, không muốn ăn. Thêm vào đó, dạ dày hoạt động kém hiệu quá, thức ăn không được chuyển hóa bình thường, dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng trong thời gian dài. Hậu quả là cơ thể suy nhược, người mệt mỏi, tiều tụy, sụt cân, da xanh xao, kém sức sống.
Ở người mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày, khi thăm khám, nội soi sẽ thấy trên niêm mạc hang vị có các vết hồng ban đặc trưng, khác biệt với vùng niêm mạc khác. Trường hợp mắc bệnh cấp độ vừa và nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đi ngoài ra máu, nôn, buồn nôn, tụt huyết áp, chóng mặt, da tái xanh, thường xuyên bị choáng váng, thậm chí ngất xỉu...
[Giải đáp chi tiết]: Nguyên Nhân Gây Đau Dạ Dày Buồn Nôn Và Cách Điều Trị
Biến chứng của viêm xung huyết hang vị dạ dày
Khi bị viêm xung huyết hang vị dạ dày mức độ nhẹ, bệnh thường không gây triệu chứng rõ ràng, ít ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống người bệnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan, không sớm thăm khám và điều trị, bệnh sẽ ngày càng tiến triển, diễn biến xấu và gây biến chứng nghiêm trọng.
Ngoài gây đau thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh, bệnh còn có thể gây ra các nguy cơ sau:
- Xuất huyết dạ dày: Là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh dạ dày. Xảy ra ở người mắc viêm xung huyết hang vị dạ dày vừa và nặng, khiến người bệnh nôn ra máu, đi ngoài phân đen (phân lẫn máu) rất nguy hiểm.
- Thủng dạ dày: Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh, thường gây nôn, cứng bụng, đau bụng dữ dội... Nếu có các triệu chứng này, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy cơ tử vong.
- Ung thư dạ dày: Trường hợp viêm xung huyết niêm mạc hang vị dạ dày do vi khuẩn HP gây ra, nếu không được điều trị, bệnh dễ gây nguy cơ biến chứng thành ung thư. Các dấu hiệu ung thư dạ dày dễ bị nhầm lẫn với các bệnh dạ dày thông thường, cần hết sức thận trọng.
Chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh dạ dày, người bệnh cần nhanh chóng đến phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa Tiêu Hóa để được chẩn đoán và điều trị. Có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh, trong đó, phổ biến và hiệu quả hơn hết là nội soi dạ dày.
Nội soi dạ dày giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, giúp tìm thấy được vị trí, mức độ xung huyết có niêm mạc hang vị. Ngoài ra, khi cần, có thể thực hiện sinh thiết xét nghiệm tế bào để xác định tế bào lạ, nhuộm Gram để xác định Helicobacter hoặc test ureaza hoặc phản ứng sinh học phân tử (PCR)...
Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang để chẩn đoán viêm xung huyết hang vị dạ dày. Phương pháp này giúp tìm thấy được vị trí viêm loét, tuy nhiên, cần thận trọng với trường hợp viêm xung huyết hang vị dạ dày nặng vì thuốc cản quang có thể gây viêm phúc mạc ổ bụng.
Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày
Để điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày, người bệnh cần được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán, xác định tình trạng bệnh và mức độ tổn thương. Bệnh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, thường là:
1. Điều trị bằng Tây Y
Tây Y thường điều trị bằng các loại thuốc chống viêm, giảm tăng tiết acid dạ dày, thuốc kháng sinh (trường hợp nhiễm khuẩn HP), kết hợp với lối sống, chế độ ăn uống khoa học, hợp lý. Các thuốc điều trị thường được sử dụng có thể kể đến như:
- Thuốc trung hòa acid dịch vị: Có tác dụng chống viêm, cầm máu tại chỗ, giảm các triệu chứng đau thượng vị, ợ hơi, buồn nôn, thường được chỉ định là Pepsane, Phosphalugel, Gastropulgite...
- Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: Có tác dụng giảm lượng acid dư thừa, ngừa viêm loét tại hang vị dạ dày, thường được chỉ định là Cimetidine, Ranitidine, Famotidine...
- Kháng sinh: Được chỉ định đối với trường hợp viêm do nhiễm khuẩn Hp, được dùng kết hợp với nhóm thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc kháng thụ thể Histamin H2, thường được chỉ định là Amoxicillin, Levofloxacin, Clarithromycin...
- Thuốc bảo vệ niêm mạc hang vị dạ dày: Tạo thành chất kết dính bao phủ bề mặt niêm mạc dạ dày giúp bảo vệ dạ dày trước tác động của acid trong dịch vị dạ dày, thường được chỉ định là Sucralfat, Bismuth subcitrat...
Đối với các bệnh về dạ dày, việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc để sử dụng hoặc thay đổi liều dùng của thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Thuốc Tây Y có hiệu quả điều trị triệu chứng nhanh nhưng kèm theo rất nhiều rủi ro và tác dụng phụ, cần hết sức thận trọng khi sử dụng.
2. Thay đổi lối sống, thói quen, chế độ ăn uống
Bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị, thói quen, lối sống, chế độ dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh. Do đó, khi bị viêm xung huyết hang vị dạ dày, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền, mỗi ngày nên ngủ đúng giờ, đủ giấc, tốt nhất từ 7 - 8 tiếng.
- Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh ngọt, bánh mỳ hoặc một ly sữa ấm để giúp giảm đau, giảm sự kích thích của dịch vị dạ dày, có thể giảm đau bằng cách chườm ấm bụng.
- Tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày, ăn các món mềm, dễ tiêu hóa, bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho cơ thể.
- Uống nhiều nước, ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no, không để bụng quá đói, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa.
- Khi ăn no thì cần nghỉ ngơi, chỉ nên ngồi hoặc đi lại, tránh hoạt động mạnh. Không ăn đêm sát giờ đi ngủ, hạn chế sử dụng các thực phẩm dễ gây kích thích dạ dày.
- Dùng thuốc và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.
Phòng tránh viêm xung huyết hang vị dạ dày
Để phòng ngừa viêm xung huyết hang vị dạ dày nói riêng và các bệnh về dạ dày nói chung, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, tăng cường ăn nhiều rau xanh trái cây, ăn chậm nhai kỹ, ăn đúng giờ, tránh ăn quá no hoặc quá đói.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm chua cay nóng, thức ăn khô cứng nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều chất xơ già, khó tiêu hóa.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, đúng cách để nâng cao sức khỏe, có thể tập yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ... tùy theo sở thích.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức khuya, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, giữ tinh thần thư giãn, thoải mái, lạc quan.
- Không hút thuốc, hạn chế uống nhiều cà phê, trà đặc, tránh uống nước ngọt có gas, hạn chế sử dụng các loại rượu bia, nhất là khi đói.
- Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau như aspirin, corticoid cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
Nhìn chung, viêm xung huyết hang vị dạ dày là bệnh về tiêu hóa thường gặp, bệnh sẽ không nguy hiểm khi được chăm sóc và điều trị đúng cách. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về căn bệnh này.
Xem thêm: Bị Viêm Xung Huyết Hang Vị Dạ Dày Ăn Gì, Kiêng Gì Tốt?