Bệnh Hen Suyễn Và Viêm Mũi Dị Ứng Có Khác Nhau Không?
Bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng là bệnh về đường hô hấp thường gặp, có liên quan đến các tác nhân gây dị ứng. Tuy nhiên, đây là hai bệnh khác nhau, mặc dù có liên quan mật thiết với nhau nhưng lại có biểu hiện không giống nhau. Cần hiểu rõ sự khác nhau giữa hai căn bệnh này để có cách phòng ngừa và điều trị phù hợp.
Bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng có khác nhau không?
Bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng đều là bệnh hay xảy ra trong điều kiện thời tiết lạnh, nhiệt độ chênh lệch lớn, cộng thêm nhiều yếu tố thuận lợi như khói bụi, ô nhiễm môi trường…Theo Ths.Bs Cù Tuấn Anh, hen suyễn và viêm mũi dị ứng đều xảy ra trên niêm mạc, có quá trình viêm giống nhau và đều có sự tác động của các tác nhân gây dị ứng.
Thế nhưng, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị khác nhau. Chúng ta không nên nhầm lẫn cho rằng bệnh hen suyễn là viêm mũi dị ứng mặc dù hai bệnh có liên quan mật thiết với nhau và có thể tác động lên nhau. Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh nên sớm điều trị, tránh tình trạng bệnh biến chứng chuyển sang hen. Người bị viêm mũi dị ứng thì nên tầm soát hen và ngược lại.
Việc xác định được hen suyễn và viêm mũi dị ứng có khác nhau không sẽ giúp chúng ta biết cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa tái phát khi mắc một trong hai bệnh này. Viêm mũi dị ứng và hen suyễn đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, cần sớm được thăm khám để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng.
Tìm hiểu thêm: [MỚI NHẤT] Tham Khảo Phác Đồ Điều Trị Viêm Mũi Dị Ứng Của Bộ Y Tế
Phân biệt hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Điểm chung của hen suyễn và viêm mũi dị ứng đó chính là điều liên quan đến vấn đề dị ứng. Đều xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng lại với các tác nhân gây dị ứng, đồng thời cũng là những vấn đề thuộc hô hấp. Bởi lẽ, mũi và phế quản đều cùng thuộc hệ hô hấp. Thế nhưng, viêm mũi dị ứng xảy ra ở niêm mạc mũi còn hen suyễn gây ra các vấn đề về phế quản. Có thể phân biệt như sau:
1. Hen suyễn
Hen suyễn (hen phế quản – Asthma) là bệnh mãn tính của hệ hô hấp, xảy ra khi đường phế quản bị thu hẹp lại do các tác nhân gây dị ứng. Thường gặp là phấn hoa, nấm mốc, bụi, thú nuôi trong nhà, khói, bụi nước, thuốc lá, rượu, không khí lạnh. Hoặc một số thuốc chữa bệnh hay các kích thích cảm xúc.
Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đường hô hấp bị thu hẹp lại. Người bệnh sẽ gặp phải những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho nhiều. Nếu tình trạng nghiêm trọng thì được gọi là lên cơn hen. Bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể làm ngừng hô hấp và dẫn đến tử vong.
Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:
- Thở dồn dập và khò khè
- Ho từng cơn tạo ra đờm trong
- Có dấu hiệu thắt ngực, khó thở, thở ra nhiều
- Nhịp tim nhanh, trong cuống phổi có tiếng
- Người xanh xao vì thiếu oxy
- Có thể bị đau ngực hoặc mất tri giác
Hen suyễn là bệnh xuất hiện phổ biến ở trẻ em, tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở người lớn, nhất là người cao tuổi. Bệnh có thể tái phát thường xuyên, gây ra những cơn ho dai dẳng về đêm. Bệnh có thể gây tử vong hoặc dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, khí phế thũng…
Hen suyễn được chia làm nhiều loại gồm: Hen suyễn dị ứng, suyễn do tập thể dục, ho hen suyễn, hen suyễn nghề nghiệp, hen suyễn ban đêm… Bệnh không thể điều trị dứt điểm được, chỉ có thể điều trị triệu chứng, kiểm soát bệnh, không làm bệnh tiến triển nặng và phòng ngừa tái phát. Để chẩn đoán chính xác bệnh thì cần thực hiện tầm soát hen và COPD. Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định chẩn đoán hình ảnh qua chụp X-quang phổi, xét nghiệm công thức máu…
2. Viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng (Allergic rhinitis) gây viêm ở lớp lót niêm mạc trong mũi và hầu họng. Đây là một dạng rối loạn dị ứng, xảy ra khi niêm mạc mũi xoang tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên có trong không khí như nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật… Đôi khi cũng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với các loại thực phẩm, virus, vi khuẩn hay sự thay đổi đột ngột của thời tiết, sự bất thường về cấu trúc giải phẫu mũi.
Khi niêm mạc mũi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch sẽ sinh ra kháng thể IgE. Kháng thể này gắn kết với một số tế bào đặc biệt và dị nguyên, làm giải phóng histamin, gây ra các triệu chứng của bệnh. Viêm mũi dị ứng là yếu tố khởi phát cơn hen, có khoảng 27% cơn hen ở trẻ do viêm mũi dị ứng gây ra.
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm mũi dị ứng có thể kể đến như:
- Hắc xì (nhảy mũi), có thể hắc xì từ một đến vài chục cái
- Sổ mũi (chảy mũi), nước mũi trong, khó cầm lại được
- Đôi khi chỉ là khụt khịt mũi, có trường hợp dịch mũi chảy ra sau họng, khiến bệnh nhân phải ho, hắng
- Khi có nhiễm trùng, nước mũi thường đặc hôi, có màu vàng hoặc xanh
- Nghẹt mũi một bên hoặc luân phiên, tăng lên khi có máy lạnh hoặc máy quạt
- Nhức đầu, ngứa mũi, ngứa mắt, chảy nước mắt, ngứa trong họng
- Phù mí mắt, cảm giác đầy tai, khàn tiếng, viêm tai giữa
Một số trường hợp viêm mũi dị ứng co suyễn đi kèm. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng có thể kéo lên cơn suyễn, khiến bệnh nhân khò khè, ho, khó thở, gia tăng nhiều vào ban đêm. Viêm mũi dị ứng được chia thành 2 loại chính là viêm mũi dị ứng theo mùa và viêm mũi dị ứng quanh năm.
Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng, nhất là những người bị hen suyễn, chàm da, thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, hóa chất nhiều… Hiện vẫn chưa có biện pháp điều trị dứt điểm hoàn toàn. Nguyên tắc điều trị chỉ là làm giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Mối quan hệ giữa hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Như vậy, với thắc mắc bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng có khác nhau không thì câu trả lời là có, đây là hai bệnh khác nhau. Trong khi viêm mũi dị ứng xảy ra ở mũi và hầu họng thì hen suyễn xảy ra ở phế quản. Các triệu chứng của hai bệnh này cũng hoàn toàn khác nhau, có thể phân biệt được.
Tuy nhiên, điểm chung của hen suyễn và viêm mũi dị ứng là đều xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh phải ứng lại các chất dị ứng. Vì đều là những vấn đề cùng thuộc hệ hô hấp nên chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các thống kê cho thấy, đa số người bị hen suyễn có bị viêm mũi dị ứng, con số được thống kê lên đến 80%. Và có đến 30% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen suyễn.
Ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng là sự giãn mạch gây nghẹt mũi còn ở bệnh nhân hen suyễn là sự co thắt phế quản trong phổi. Viêm mũi dị ứng là yếu tố gây khởi phát cơn hen, bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh hen. Đồng thời, bệnh nhân viêm mũi dị ứng cũng có nguy cơ bị hen suyễn cao gấp 3 lần người bình thường.
Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh hen suyễn có thể che đậy triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Chính vì thế, khi bị hen suyễn, người bệnh nên kiểm tra mình có bị viêm mũi dị ứng hay không. Các triệu chứng thường gặp của viêm mũi dị ứng là sổ mũi, hắt hơi, ngứa mắt, ngứa mũi, thở bằng miệng khi ngủ, ngủ ngáy, hay bị rối loạn giấc ngủ…
Ngược lại, viêm mũi dị ứng thường làm cho việc kiểm soát hen suyễn trở nên khó khăn hơn. Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh thường bị nghẹt mũi, phải chuyển từ thở mũi sang thở miệng, làm ảnh hưởng đường thở nên dễ gây bệnh hen suyễn. Do đó, nếu mắc một trong hai bệnh thì phải điều trị phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh bệnh còn lại.
Hỏi đáp: Hắt Hơi Ngừa Mũi Liên Tục Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Phòng Ngừa
Điều trị hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Như đã đề cập, viêm mũi dị ứng và hen suyễn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Người bị viêm mũi dị ứng hay hen suyễn điều cần sớm phát hiện và điều trị để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh còn lại. Đặc biệt, các triệu chứng của bệnh hen suyễn rất dễ che đậy triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
Việc điều trị song song giữa viêm mũi dị ứng và hen suyễn khi cả hai bệnh kết hợp sẽ rất vất vả. Vì vậy, nếu gặp phải các triệu chứng như hắt hơi thường xuyên, sổ mũi, chảy nước mũi kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị để ngừa chứng ngưng thở khi ngủ và nguy cơ xuất hiện bệnh hen suyễn.
Khi bị viêm mũi dị ứng, người bệnh cần điều trị, phòng ngừa để tránh biến chứng, tránh chuyển sang hen hoặc làm nặng bệnh hen. Khi điều trị bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng thì cần tránh các tác nhân gây kích thích như mạt nhà, phấn hoa, khói bụi, nấm mốc, lông thú, thức ăn gây dị ứng. Trong trường hợp nhiều dị nguyên, phơi nhiễm kéo dài, không thể kiểm soát môi trường thì dễ gây triệu chứng nặng. Bệnh nhân cần được điều trị bằng các thuốc đặc hiệu, thuốc ngừa cơn, cắt cơn hơn.
Đối với bệnh viêm mũi dị ứng thì cần thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Đồng thời dùng các thuốc kháng dị ứng, thuốc xịt mũi. Nếu các triệu chứng nặng, việc điều trị đặc hiệu thất bại thì cần cân nhắc đến liệu pháp miễn dịch đặc hiệu như chích dưới da và nhỏ dưới lưỡi.
Riêng với bệnh hen suyễn, người bệnh cần được theo dõi thường xuyên. Bệnh hen suyễn rất nguy hiểm, khi bệnh nhân lên cơn hen đột ngột có thể gặp phải nguy cơ tử vong cao. Người bệnh cần hạ liều định kỳ 3 tháng một lần theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau một thời gian điều trị, nếu đáp ứng tốt thì trẻ con có thể không cần dùng thuốc đặc trị nữa.
Phòng ngừa hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Hen suyễn và viêm mũi dị ứng là những bệnh có thể khởi phát khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên. Bệnh có thể phòng ngừa bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với các dị nguyên được cho là có thể gây dị ứng như thức ăn, phấn hoa có mật độ cao, khói bụi, khói thuốc lá, lông chó mèo, các loại sợi bông, sợi nhân tạo của đệm, thảm, chăn trải nhà…
- Nếu có điều kiện, gia đình nên trang bị máy lọc không khí để giúp làm sạch không khí. Trường hợp gia đình dùng máy lạnh, không khí khô thì nên dùng máy tạo ẩm để giúp làm ẩm niêm mạc mũi.
- Người bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng cần tránh các thức ăn có nhiều gia vị, thức uống lên men, rau cải ngâm giấm, nước uống gia khát hay các thực phẩm đóng hộp.
- Tránh hút thuốc lá, không ngồi gần những người hút thuốc lá. Việc hút thuốc, ngửi khói thuốc sẽ làm tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường sử dụng các thực phẩm lành mạnh. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
- Để tránh bệnh trái pháp, người bệnh nên tập thể để kiểm soát cơn hen.
- Nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, sớm thăm khám khi gặp các vấn đề như ho nhiều về đêm, ho khi gặp dị nguyên, khò khè tái đi tái lại nhiều lần, bị cảm hơn 10 ngày mới khỏi…
Trên đây là một số thông tin giúp bạn giải đáp thắc mắc bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng có khác nhau không. Nhìn chung, đây là hai bệnh khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau, có thể tác động qua lại lẫn nhau. Khi mắc một trong hai bệnh này, bạn nên sớm điều trị và phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc bệnh còn lại.
Tham khảo thêm:
- Tổng Hợp Các Bài Thuốc Nam Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Hiệu Quả, Lành Tính Dành Cho Bạn
- Viêm Amidan Là Gì? Biến Chứng Như Thế Nào? Cách Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!