Hướng Dẫn Cách Phân Biệt Viêm Họng Và Viêm Phế Quản
Viêm phế quản và viêm họng đều là những bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đồng thời gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho người bệnh. Các triệu chứng thường rất giống nhau nên khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, nếu biết cách phân biệt viêm họng và viêm phế quản sẽ giúp cho việc chẩn đoán, điều trị cũng như phòng ngừa bệnh tốt hơn.
Khi thời tiết trở lạnh, cơ thể chúng ta rất dễ bị mắc các chứng viêm nhiễm đường hô hấp chẳng hạn như viêm họng cấp, viêm phế quản…Điều đáng nói là các bệnh lý này đều có những triệu chứng rất giống nhau chẳng hạn như đau rát họng, ho kéo dài, sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, cơ thể mệt mỏi…
Chính vì dấu hiệu bệnh giống nhau nên nhiều người bị nhầm lẫn bệnh, nhưng ít ai biết được việc nhầm lẫn này lại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: Sử dụng sai thuốc điều trị khiến bệnh không khỏi mà còn nặng thêm, thậm chí gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc uống sai thuốc còn gây ra nhiều tác dụng phụ như đau bụng tiêu chảy, mệt mỏi, da mặt xanh xao tái nhợt, nôi ói.
Điểm giống nhau giữa viêm họng và viêm phế quản
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hai bệnh lý viêm họng và viêm phế quản thường giống nhau về nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng bộc phát ra bên ngoài và cách phòng ngừa bệnh, cụ thể như sau:
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
Theo số liệu thống kê, có đến 80% trường hợp viêm họng và viêm phế quản là do nhiễm virus, những loại virus phổ biến được kể đến như Rhinovirus, Virus adenovirus, Parainfluenza, virus cúm, Herpes, virus đại thực bào đường hô hấp, Corona virus…Ngoài ra còn rất nhiều các loại vi khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu hay nấm ký sinh khác.
Những người thường xuyên hút thuốc lá, tiếp xúc với bụi bẩn, chất độc hóa học, hay có cơ địa dễ bị dị ứng thời tiết, phấn hoa, lông thú, mạt cưa thường có nguy cơ mắc bệnh viêm họng và viêm phế quản cao hơn những người bình thường. Ngoài ra, nếu như cơ thể đang mắc hai bệnh lý này mà tiếp xúc với các yếu tố nêu trên sẽ khiến cho các triệu chứng bệnh ngày càng trầm trọng hơn nhiều.
Tìm Hiểu Thêm: Trẻ Hay Bị Viêm Họng Tái Đi Tái Lại Có Nguy Hiểm Không? Và Những Lưu ý Dành Cho Bố Mẹ
2. Triệu chứng điển hình của bệnh
Đều là hai bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp nên viêm phế quản và viêm họng có khá nhiều triệu chứng tương đồng, cụ thể như:
- Ho, có thể là ho khan hoặc ho có đờm, triệu chứng ho kéo dài dai dẳng lâu ngày, nhất là về đêm hoặc khi gặp thời tiết lạnh, các dị nguyên gây dị ứng.
- Tức ngực, khó thở, thở khò khè rất khó chịu, điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên thở bằng miệng, mất ngủ, suy nhược cơ thể.
- Cơ thể mất năng lượng, mệt mỏi, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 38.5 độ C, thân nhiệt tăng, người nóng ran, mặt đỏ ửng.
3. Cách phòng ngừa viêm nhiễm bệnh
Viêm phế quản và viêm họng đều có khả năng lây nhiễm từ người sang người thông qua việc tiếp xúc với nước bọt hoặc các đồ dùng cá nhân. Do đó để phòng ngừa bệnh lây lan cho người khác, đồng thời hạn chế viêm nhiễm tái đi tái lại chúng ta cần thực hiện tốt những điều sau:
- Người bệnh cần chủ động giữ khoảng cách với những người trong nhà cũng như ngoài xã hội. Không nên dùng chung các đồ dùng sinh hoạt cá nhân như dạo cạo râu, khăn mặt, chén bát, đũa muỗng.
- Đánh răng súc miệng sạch sẽ ngày hai lần, sử dụng thêm các loại nước súc họng để giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi vùng hầu họng.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, cố gắng tập luyện thể thao, nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng.
- Giữ ấm vùng cổ họng khi có gió lạnh, khi ra đường cần bịt khẩu trang cẩn thận để tránh tiếp xúc với bụi bẩn, khói khí độc, phấn hoa hay các tác nhân dị ứng khác.
- Vệ sinh tay sạch sẽ, không nên ngậm tay, mút tay. Nên rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi ra đường về bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn 70 độ.
- Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bệnh, chúng ta nên thăm khám sớm nhất có thể. Đối với trẻ nhỏ nên tiêm phòng vacxin đầy đủ để giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại bệnh tật.
Điểm khác nhau giữa viêm phế quản và viêm họng
Đều là những bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, đồng thời có khá nhiều triệu chứng giống nhau khiến nhiều người nhầm lẫn. Nhưng trên thực tế hai căn bệnh này hoàn toàn khác nhau về vị trí nhiễm bệnh, phân loại bệnh, mức độ nguy hiểm và cách điều trị, cụ thể:
1. Vị trí nhiễm bệnh, phân loại bệnh
Sự khác biệt đầu tiên của hai bệnh lý này đó chính là vị trí nhiễm bệnh, viêm họng thuộc đường hô hấp trên, còn viêm phế quản thuộc đường hô hấp dưới. Cụ thể như sau:
- Bệnh viêm họng: Viêm họng tức là vùng niêm mạc họng bị tổn thương bởi các yếu tố độc hại tấn công chẳng hạn như virus, vi khuẩn, môi trường ô nhiễm, chế độ ăn uống không khoa học. Bệnh được phân thành nhiều loại khác nhau, cụ thể đó là: Viêm họng cấp, viêm họng mãn tính, viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm họng hạt, viêm họng giả mạc. Mỗi dạng sẽ có đặc trưng khác nhau, nhưng triệu chứng chung vẫn là đau rát cổ họng, ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, niêm mạc họng bị sưng đỏ, phù nề, xuất huyết.
- Viêm phế quản: Bệnh xảy ra khi các ống dẫn khí ở trong phổi (hay còn được gọi là các tiểu phế quản) bị viêm nhiễm và tạo ra quá nhiều dịch nhầy. Điều này khiến cho quá trình thở gặp nhiều khó khăn, điển hình là triệu chứng tức ngực, thở khò khè, các cơn ho kéo dài dai dẳng. Lúc đầu bệnh ở thể cấp tính, sẽ được điều trị khỏi trong khoảng 2 tuần. Nhưng nếu để bệnh tiến triển thành thể mãn tính sẽ rất khó chữa, có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần.
Dù thuộc đường hô hấp trên hay dưới thì các bệnh lý này đều gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống người bệnh, do đó cần chủ động thăm khám sớm.
Tham Khảo Ngay: Các Loại Thuốc Trị Viêm Họng An Toàn Và Hiệu Quả Nhất Thị Trường Hiện Nay
2. Triệu chứng riêng biệt từng bệnh
Để phân biệt viêm họng và viêm phế quản ngoài những triệu chứng tương đồng kể trên, hai bệnh lý này có khá nhiều triệu chứng riêng biệt khác nhau, chẳng hạn như:
- Bệnh viêm họng: Người bệnh thường xuyên bị đau rát cổ họng, khô họng, vướng víu khó nuốt, khó nói, niêm mạc họng bị xung huyết, sưng đỏ, có nhiều trường hợp khạc đờm, ho quá nhiều nên xuất hiện máu tươi trong dịch đờm. Hai bên góc hàm hoặc dưới cổ nổi hạch nhỏ, cứng, khi sờ vào sẽ có cảm giác đau nhức.
- Bệnh viêm phế quản: Các triệu chứng như đau họng, nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, chảy nước mũi thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn cấp tính, mới khởi phát. Còn khi tiến triển đến thể mãn tính các triệu chứng tăng dần, người bệnh thường xuyên có cảm giác ớn lạnh, đổ mồ hôi, tức ngực, đau cơ. Do phế quản nằm sâu bên trong hầu họng nên cần phải dùng các dụng cụ thăm khám thì mới thấy rõ được các triệu chứng thực thể.
3. Biến chứng, mức độ nguy hiểm
Cả hai chứng bệnh này nếu không được can thiệp sớm và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. So sánh về mức độ nguy hiểm thì bệnh viêm phế quản thường tiến triển nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm hơn bệnh viêm họng. Cụ thể:
- Bệnh viêm họng: Một số biến chứng thường gặp đối người bệnh viêm họng như: Hơi thở nặng mùi, mắc bệnh viêm xoang, áp xe phổi, viêm tai giữa, viêm thận, viêm tim.
- Viêm phế quản: Người bệnh viêm phế quản thường đối mặt với một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm giãn phế quản, viêm phế quản mãn tính, suy hô hấp dẫn đến loạn nhịp tim, tổn thương não, suy thận, đe dọa tính mạng người bệnh.
Mặc dù cả hai bệnh đều gây ra nhiều biến chứng nặng nề, nhưng nếu so sánh tính cấp bách thì bệnh viêm phế quản thường mang tính chất nguy hiểm hơn, có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người. Như vậy có thể nói, dù đang mắc phải bệnh lý nào, người bệnh cũng nên chủ động thăm khám, để có hướng xử lý sớm, đúng cách, tránh để lâu gặp nhiều vấn đề rắc rối, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Phương pháp chẩn đoán cũng là một trong những yếu tố giúp chúng ta phân biệt viêm họng và viêm phế quản. Hai chứng bệnh này xuất hiện ở vị trí hoàn toàn riêng biệt nên việc chẩn đoán bệnh cũng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Viêm họng: Thuộc bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên nên bệnh viêm họng thường dễ chẩn đoán hơn. Chỉ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng bên ngoài như sốt cao, ho nhiều, cơ thể mệt mỏi, nghẹt mũi, sổ mũi, kém ăn, nổi hạch ở góc hàm. Kết hợp các triệu chứng cận lâm sàng như niêm mạc họng sưng đỏ, phù nề, xuất huyết là bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh. Nếu bệnh chuyển biến nặng, do các vi khuẩn gây ra thì bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm máu hoặc phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn để tìm ra căn nguyên chính xác.
- Viêm phế quản: Bệnh lý này lại thuộc đường hô hấp dưới nên việc chẩn đoán bệnh khá phức tạp hơn. Ngoài những triệu chứng lâm sàng như khó thở, ho nhiều, ho dai dẳng, thở khò khè, sốt cao, tức ngực thì bác sĩ cần sử dụng ống nghe để kiểm tra hơi thở của bệnh nhân, đồng thời tiến hành chụp X-quang ngực, xét nghiệm đờm, kiểm tra đánh giá chức năng phổi thì mới đưa ra được nguyên nhân, mức độ bệnh một cách chính xác nhất.
Xem Thêm: Phương Pháp Chữa Đau Họng Bằng Diện Chẩn Mới Nhất Được Bộ y Tế Công Nhận
5. Phương pháp điều trị bệnh
Điều quan trọng nhất trong việc phân biệt viêm họng và viêm phế quản đó chính là dựa vào phương pháp điều trị. Cần dựa vào nguyên nhân cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh mới có thể đưa ra được cách chữa trị chính xác. Đồng thời mỗi bệnh lý khác nhau bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh hoàn toàn khác nhau.
Bệnh viêm họng:
Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn thì người bệnh cần uống kháng sinh mới chấm dứt được các triệu chứng cũng như loại bỏ hoàn toàn tác nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể. Ngoài ra bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng viêm, long đờm, giảm ho, kẹo ngậm đau họng, nước súc họng để hỗ trợ điều trị bệnh. Một số thuốc dùng để chữa trị bệnh viêm họng được kể đến như:
- Thuốc kháng sinh: Bao gồm Peniciline V, Benzathin-Peniciline G, Peniciline A. Trường hợp bệnh nhân dị ứng với nhóm Peniciline có thể dùng Zithromax, Dynabac, Rulide, Amoxicillin để thay thế, liều dùng thường được chỉ định trong khoảng 5 – 7 ngày.
- Thuốc kháng viêm: Để điều trị tình trạng viêm loét họng, đồng thời tránh trường hợp viêm nhiễm lây lan sang các vùng lân cận, bệnh nhân viêm họng cần uống một số thuốc kháng viêm như Ibuprofen, Dexamethasone, Betamethasone…
- Giảm đau, hạ sốt: Người bệnh gặp triệu chứng sốt cao không thuyên giảm, đau rát cổ họng quá mức cần được uống thuốc giảm đau, hạ sốt nhanh để tránh trường hợp co giật có thể xảy ra rất nguy hiểm. Một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau phổ biến được kể đến như Aspirin, Paracetamol.
- Thuốc long đờm: Nếu cổ họng tiết dịch đờm quá nhiều khiến người bệnh có cảm giác vướng mắc khó chịu, lúc này cần uống một số thuốc long đờm như Exomuc, Ambroxol, Acemuc, Mucosolvan…
- Thuốc súc họng: Ngoài uống thuốc, người bệnh cần súc họng thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, tạp chất trong cổ họng thì bệnh mới nhanh khỏi. Một số loại thuốc súc họng phổ biến được kể đến như Orafar, Nutridentiz, Betadine, Eludril Classic.
- Thuốc tăng sức đề kháng: Người bệnh viêm họng thường có thể trạng yếu, hệ miễn dịch bị suy giảm. Do đó cần được bổ sung năng lượng, tăng cường sức đề kháng bằng các loại Vitamin C. Ngoài thuốc thì chúng ta có thể bổ sung lượng Vitamin C qua rau củ, các loại sinh tố, nước ép trái cây tươi.
Bệnh viêm phế quản:
Theo ghi nhận có khoảng 80 – 90% bệnh nhân viêm phế quản do virus gây ra, vì vậy không phải dùng kháng sinh điều trị. Bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng để kê đơn thuốc cần thiết, cụ thể người bệnh cần sử dụng một số loại thuốc sau:
- Thuốc ho: Khi bị viêm phế quản người bệnh thường đối mặt với những cơn ho dai dẳng kéo dài, nhất là vào ban đêm khiến cơ thể thường xuyên mất ngủ. Lúc này cần uống một số loại thuốc làm giảm triệu chứng ho như Dextromethorphan và Codeine.
- Thuốc giãn phế quản: Nhóm thuốc này có tác dụng làm thông thoáng đường thở từ đó giúp người bệnh dễ thở hơn. Một số thuốc phổ biến như Albuterol, Theophylline, Metaproterenol.
- Thuốc kháng viêm: Đối với loại thuốc này thường ở hai dạng đó là dạng xịt và dạng tiêm, thuốc có tác dụng mạnh nên được chỉ định điều trị ngắn ngày. Phổ biến nhất là hai loại Budesonide và Beclomethasone.
- Thuốc long đờm: Đờm quá nhiều khiến cổ họng bị mắc nghẹn, khó thở, trường hợp này cần sử dụng một số loại thuốc long đờm như Guaifenesin, Natri Benzoat, Carbocysteun.
- Thuốc chống virus: Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn và ức chế sự phát triển của các loại virus nguy hiểm tấn công gây viêm nhiễm. Một số thuốc đặc trưng nhất được kể đến như Oseltamivir, Zanamivir, Rimantadine.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Trường hợp viêm phế quản gây triệu chứng đau nhức, sốt cao người bệnh cần sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như Panadol, Aspirin, Anacin, Ibuprofen.
- Thuốc kháng sinh: Có khá ít trường hợp cần sử dụng kháng sinh, tuy nhiên nếu nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, người bệnh cần có thuốc kháng sinh điều trị thì bệnh mới khỏi hoàn toàn. Một số thuốc kháng sinh phổ biến nhất dành cho người người bệnh viêm phế quản đó là Beta Latam, Quinolone, Penicillin, Amoxicillin, Macrolide, Ampicillin.
Trên đây là hướng dẫn cách phân biệt viêm họng và viêm phế quản để tránh nhầm lẫn triệu chứng giữa hai bệnh lý, quý bạn đọc có thể tham khảo để nắm rõ hơn. Tốt nhất khi thấy dấu hiệu nghi ngờ bệnh chúng ta cần chủ động thăm khám ngay để có sự tư vấn hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên khoa, từ đó có phương pháp điều trị đúng đắn, hợp lý, hiệu quả nhất.
Thông Tin Hữu Ích Dành Cho Bạn:
- Cách Phân Biệt Viêm Họng Và Viêm Amidan Người Bệnh Tránh Nhầm Lẫn
- Bệnh Viêm Họng Mãn Tính Có Gây Ung Thư Không? Và Những Điều Cần Phải Biết
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!