Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ 2 Tháng Tuổi: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi là nỗi lo lắng của rất nhiều mẹ bỉm sữa. Tình trạng này khiến con thường xuyên bị nôn trớ sau khi ăn, quấy khóc và chậm tăng cân. Tuy nhiên các bà mẹ cần bình tĩnh trong trường hợp này, không nên lo lắng quá mà cần áp dụng ngay các biện pháp xử lý dưới đây.
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi là gì?
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi là tình trạng thức ăn trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản khiến bé bị nôn trớ. Hiện tượng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra rất phổ biến và được phân chia thành 2 nhóm chính là trào ngược sinh lý (GER) và trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Trào ngược dạ dày sinh lý là hiện tượng hết sức bình thường, do dạ dày của bé chưa phát triển hoàn chỉnh để thực hiện các chức năng tiêu hóa một cách trơn tru. Trào ngược sinh lý không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, dù bị nôn trớ thường xuyên nhưng bé vẫn sẽ ăn uống, vui chơi bình thường và tăng cân đều đặn.
Chứng trào ngược dạ dày sinh lý thường sẽ tự khỏi khi bé lớn và cứng cáp hơn nên cha mẹ không cần lo lắng.
Trái lại, nếu bé bị trào ngược dạ dày thực quản thì cha mẹ cần hết sức cảnh giác. Đây là căn bệnh không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của trẻ trong tương lai. Trào ngược bệnh lý ở trẻ sơ sinh không tự khỏi mà cần được điều trị để cải thiện.
Cha mẹ có thể nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ khi hiện tượng nôn trớ thường xuyên đi kèm với các triệu chứng sau:
- Khó chịu khi bú và có thể bị ọc sữa qua miệng hoặc mũi.
- Bé thường xuyên quấy khóc đặc biệt vào ban đêm
- Hấp thu dinh dưỡng kém, chậm tăng cân, thậm chí bị sút cân.
- Thường xuyên bị khò khè.
- Trong một vài trường hợp, bé có thể bị khó thở hoặc viêm phổi.
Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng của trào ngược bệnh lý, cha mẹ cần sớm đưa con tới bệnh viện thăm khám để các bác sĩ xác định nguyên nhân, mức độ bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bé.
Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Tốt Nhất
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi
Tình trạng bé sơ sinh bị trào ngược dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, trào ngược sinh lý là do chức năng của hệ tiêu hóa chưa phát triển toàn diện ở trẻ còn trào ngược bệnh lý thường xuất phát từ nguyên nhân dị ứng hoặc do một số bệnh lý liên quan ở trẻ sơ sinh gây ra.
Chức năng tiêu hóa chưa hoàn thiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ:
- Cơ thắt thực quản dưới (làm nhiệm vụ ngăn thức ăn và dịch vị trong dạ dày trào ngược lên thực quản) và cơ môn vị (van 1 chiều di chuyển thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng) đều yếu, dẫn tới thức ăn thường bị giữ ở dạ dày lâu và dễ gây trào ngược.
- Dạ dày của trẻ nằm ngang chứ chưa nằm dọc như ở người lớn nên thức ăn trong dạ dày rất dễ bị trào ngược lên thực quản và họng.
- Ở trẻ nhỏ, dịch vị dạ dày và men tiêu hóa ở ruột vẫn chưa được sản xuất ổn định, dẫn tới quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra không thật sự hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé dễ bị trào ngược dạ dày, đặc biệt là khi được cho bú no.
Các nguyên nhân bệnh lý gây trào ngược dạ dày:
- Bệnh hẹp môn vị: khi môn vị bị hẹp, quá trình tiêu hóa diễn ra chậm chạp hơn, thức ăn bị giữ lại lâu hơn ở dạ dày dễ gây nên trào ngược. Hẹp môn vị không hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và có thể chữa khỏi được.
- Viêm thực quản: (còn gọi là bệnh thực quản tăng bạch cầu eosin) xảy ra khi trong dạ dày của trẻ tích tụ nhiều bạch cầu, gây nên những tổn thương niêm mạc cho thực quản. Đây là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày hiếm gặp ở trẻ 2 tháng tuổi.
- Chứng dị ứng và không dung nạp thực phẩm: hiện tượng dị ứng rất dễ bắt gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong đó, phổ biến nhất là chứng không dung nạp được các loại protein có trong sữa bò. Đây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ.
Ngoài các nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý, thói quen cho trẻ ăn của cha mẹ cũng có thể là nguyên gây làm khởi phát hoặc trầm trọng hơn chứng trào ngược dạ dày ở trẻ như:
- Đặt trẻ nằm ngửa nhiều khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn và bị ứ đọng lâu trong dạ dày.
- Cho bú khi bé đang quấy khóc nên bé bị nuốt nhiều hơi dẫn đến ợ hơi, trào ngược sau ăn.
- Thường xuyên cho bé bú với tư thế nghiêng bên phải cũng dễ gây ra hiện tượng trào ngược và sặc sữa.
Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Khi Ngủ Có Nguy Hiểm Không? Giải Pháp Điều Trị
Trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Như đã trình bày ở trên, bé bị trào ngược dạ dày sinh lý là hiện tượng hết sức bình thường, nó không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ và thông thường sẽ tự mất đi sau khi trẻ lên 1 tuổi. Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản bệnh lý kéo dài tới sau giai đoạn nhũ nhi (từ 1 tháng tuổi đến 1 năm tuổi) nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng lâu dài cho sức khỏe của bé:
- Biến chứng về tiêu hóa: Trào ngược dạ dày bệnh lý sẽ khiến thực quản bị viêm, viêm loét dạ dày. Lâu ngày dẫn đến hẹp thực quản khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống. Biến chứng nghiêm trọng hơn có thể gặp phải là barrett thực quản – tiềm ẩn nguy cơ cao gây ung thư thực quản.
- Biến chứng về hô hấp: axit dạ dày trào ngược tác động khiến các dây thanh quản ở cổ họng dày lên; dẫn tới việc trẻ thường xuyên có đờm nhớt trong cổ họng, thở khò khè và ho kéo dài. Tình trạng này có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cho trẻ.
- Bệnh răng miệng và tai mũi họng: axit dạ dày trào ngược có thể làm mất cân bằng độ PH trong thực quản và hầu họng dẫn tới các bệnh lý như mòn răng, viêm tai, viêm xoang… Những biến chứng này không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nhai nuốt mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển nhận thức và hành vi của trẻ.
Tham khảo thêm: Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ Sơ Sinh Là Gì? Làm Thế Nào Để Điều Trị Dứt Điểm
Chẩn đoán hiện tượng trào trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi
Để xác định chắc chắn trẻ 2 tháng tuổi có bị trào ngược dạ dày hay không bạn cần đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để làm một số xét nghiệm như sau:
- Đánh giá lâm sàng: Bác sĩ sẽ đánh giá lâm sàng thông qua các dấu hiệu và biểu hiện của trẻ để chẩn đoán xem trẻ có bị trào ngược dạ dày hay không?
- Siêu âm: Siêu âm sẽ giúp phát hiện các bệnh lý gây trào ngược dạ dày thực quản như hẹp môn vị.
- Xét nghiệm máu và phân tích nước tiểu: Phương pháp này nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng nôn ói và chậm tăng cân của trẻ.
- Đo độ pH của thực quản: Để xác định nồng độ axit trong thực quản của trẻ.
- Chụp phim X-quang: Giúp phát hiện các dị tật bẩm sinh của đường tiêu hóa của trẻ nếu có.
Trào ngược dạ dày ở trẻ khi nào cần đưa đi khám bác sĩ?
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay:
- Nôn nhiều lần, nôn ra máu.
- Tiêu chảy, tiêu máu.
- Viêm phổi.
- Chậm tăng cân.
- Trẻ quấy khóc kéo dài trong nhiều giờ.
- Bỏ ăn, bỏ uống.
- Trẻ bị nôn dữ dội sau mỗi lần bú.
- Trẻ lừ đừ, mệt mỏi, cảm giác không được khỏe.
Nên đọc: Chữa Trào Ngược Dạ Dày Ở Đâu Tốt Nhất? Review 18 Địa Chỉ Chất lượng Cho Bạn
Trẻ 2 tháng tuổi bị trào ngược dạ dày cần chăm sóc như thế nào?
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi nếu xảy ra do nguyên nhân sinh lý thì bạn có thể yên tâm bởi đây chỉ là tình trạng suy giảm chức năng hệ tiêu hóa nhất thời trong giai đoạn đầu của trẻ.
Bé có thể tự hết bệnh khi được chăm sóc đúng cách, những lưu ý cha mẹ cần thực hiện để giúp điều trị tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ.
Điều trị trào ngược do sinh lý
Một số cách điều trị chứng trào ngược dạ dày do sinh lý ở trẻ nhỏ có thể kể đến như:
Với trẻ bú mẹ trực tiếp
Người mẹ nên cho trẻ bú vú bên trái trước, sau đó mới bú sang phía còn lại. Do khi lượng sữa trong dạ dày còn ít, trẻ thường phải nằm nghiêng bên phải. Khi dạ dày đã có nhiều sữa hơn, trẻ nên được nằm nghiêng bên trái. Điều này giúp lượng sữa dễ dàng đi xuống dạ dày, không gây ra trào ngược sau khi bé đã bú no. Không nên cho bé bú nằm vì có thể khiến trẻ dễ bị sặc, trớ sữa.
Với trẻ bú bình
Khi trẻ bú bình, phụ huynh lưu ý nên đặt bình sao cho đầu núm vú của bình luôn đầy sữa. Tuyệt đối không cho bé bú khi trẻ đang quấy khóc, khiến trẻ nuốt nhiều hơi xuống dạ dày hơn. Mẹ nên bế bé trong vòng 15-20 phút sau khi bú xong để sữa được tiêu hóa hẳn.
Vỗ ợ hơi
Bằng cách vỗ nhẹ lưng bé, mẹ có thể giúp bé ợ hơi. Thực hiện bằng cách đặt ngực bé áp vào một bên ngực của mẹ. Sau đó ép mặt của bé kê lên vai mẹ, sau đó vỗ nhẹ lưng của bé. Phụ huynh nên đặt bé nằm nghiêng sang phía bên trái, kê gối hơi cao để thức ăn và dịch vị dạ dày không thể trào ngược lên thực quản.
Bài viết xem thêm: Trào Ngược Dạ Dày Uống Sữa Được Không? Nên Dùng Loại Nào Tốt Nhất?
Đối với chứng trào ngược dạ dày do bệnh lý
Nếu như các phương pháp chăm sóc thông thường không mang đến hiệu quả điều trị, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân khác nhau, gây ra triệu chứng trào ngược. Nếu là trào ngược do bệnh lý, trẻ cần được điều trị bằng thuốc. Trong đó chủ yếu là các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa như ranitidine (Zantac) hoặc omeprazole (Prilosec),…. để giúp giảm độ acid trong dạ dày của trẻ.
Tuy nhiên việc sử dụng thuốc điều trị cho trẻ dưới 2 tháng cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, việc điều trị bằng thuốc ở trẻ sơ sinh sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm trùng tương đối cao. Vì lượng axit ở một mức nhất định có vai trò bảo vệ dạ dày khỏi các loại vi khuẩn có trong thực phẩm và đồ uống hàng ngày. Do đó nếu làm giảm axit dạ dày ở trẻ sơ sinh quá mức cũng khiến trẻ dễ bị mắc bệnh đường ruột cao hơn.
Đối với những trường hợp trẻ 2 tháng tuổi bị trào ngược do dị tật hoặc do các bệnh lý nghiêm trọng nào khác, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, điều này thường hiếm khi xảy ra bởi trẻ sơ sinh còn rất yếu. Thay vào đó bác sĩ sẽ điều trị theo hướng bảo tồn hoặc bằng thuốc để giúp khắc phục hiện tượng trào ngược dạ dày một cách tốt nhất.
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi là tình trạng xảy ra rất phổ biến và có thể khắc phục hiệu quả bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu nhận thấy các biểu hiện trào ngược bệnh lý ở trẻ như nôn trớ thường xuyên đi kèm biếng ăn, quấy khóc, chậm tăng cân; cha mẹ cần sớm đưa con đi khám tại các bệnh viện Nhi uy tín và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị bệnh tốt nhất cho con.
Bài viết tham khảo
- Bấm Huyệt Chữa Trào Ngược Dạ Dày: Phương Pháp hay Nên Áp Dụng
- TOP 6 Cách Dùng Đu Đủ Chữa Trào Ngược Dạ Dày Đơn Giản, Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!