Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch vị cùng với thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản hoặc thậm chí là thanh quản và khoang miệng. Bệnh có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh chế độ ăn và sử dụng thuốc. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh nhân cần phải can thiệp nội soi và phẫu thuật.
Định nghĩa trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease/ GERD) là hội chứng bao gồm các biểu hiện xảy ra do dịch vị dạ dày trào ngược lên vùng thực quản hoặc xa hơn là khoang miệng, thanh quản và phổi. Như đã biết, dịch vị dạ dày có độ pH axit., do đó khi trào ngược lên thực quản, hiện tượng này thường gây kích ứng niêm mạc dẫn đến đau dạ dày, nóng rát thượng vị, ợ, buồn nôn,…
Hiện tượng trào ngược đôi khi chỉ là phản ứng sinh lý khi ăn quá no, vận động mạnh ngay sau khi ăn hoặc dùng nhiều thực phẩm chứa gia vị cay nóng, rượu bia. Tuy nhiên, hiện tượng này được xác định là bệnh lý khi xảy ra với tần suất thường xuyên và mức độ nặng dần theo thời gian.
Xem thêm: Trào Ngược Dạ Dày Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Dứt Điểm
Nguyên nhân trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý có liên quan mật thiết với thói quen ăn uống và sinh hoạt. Trong đó, cơ chế chính gây bệnh là sự mất cân bằng giữa yếu tố phá hủy và yếu tố bảo vệ thực quản.
Yếu tố bảo vệ thực quản bao gồm cơ vòng thực quản dưới (LES), nhu động thực quản và dịch nhầy thực quản. Các yếu tố này ngăn dịch vị trào ngược lên dạ dày, đồng thời giảm tác động của thức ăn trong quá trình nuốt lên niêm mạc thực quản. Tuy nhiên ở người bị GERD, các yếu tố bảo vệ thực quản thấp hơn so với các yếu tố phá hủy (dịch vị dạ dày và rối loạn chức năng cơ vòng thực quản dưới). Sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ và yếu tố phá hủy thực quản bắt nguồn từ 2 nhóm nguyên nhân chính:
Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Gây Ho: Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Điều Trị
Nguyên nhân tại thực quản
Thông thường, thực quản có chức năng tự bảo vệ bằng cách đóng – mở LES vào những thời điểm cụ thể. Điều này giúp cho thức ăn và dịch vị không thể trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Do đó, GERD có thể xảy ra khi thực quản có một số vấn đề như:
- Suy yếu cơ thắt thực quản dưới (LES):
LES là phần cơ nằm dưới cùng của thực quản và là điểm nối giữa thực quản – dạ dày. Thông thường, LES giãn ra trong vài giây để nuốt thức ăn. Sau khi kết thúc hoạt động ăn uống, cơ thắt thực quản dưới sẽ đóng lại để ngăn dịch vị và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên dịch vị. Do đó, khi cơ quan này bị suy yếu và không đóng kín hoàn toàn, dịch vị có thể trào ngược lên trên khoang miệng, thanh quản hoặc thậm chí là phổi.
Suy yếu cơ thắt thực quản dưới thường bắt nguồn từ thói quen ăn uống (ăn uống quá mức, vận động mạnh/ nằm sau khi ăn, uống nhiều rượu bia, ăn quá nhanh,…) hoặc do một số thói quen sinh hoạt (stress, hút thuốc lá, căng thẳng quá mức,…). Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng của rối loạn mô liên kết xơ cứng bì và tác động của hormone thai kỳ.
- Thoát vị hoành:
Cơ hoành là cơ quan có vai trò phân chia khoang ngực và bụng với chức năng chính là tăng thể tích lồng ngực và tạo điều kiện cho hoạt động hô hấp diễn ra thuận lợi. Thoát vị hoành là tình trạng một phần trên của dạ dày và cơ thắt thực quản dưới (LES) nằm phía trên cơ hoành. Điều này khiến cho dịch vị và thức ăn dễ dàng trào ngược lên phía trên thực quản và khoang miệng.
- Rối loạn cơ thắt thực quản (nhu động thực quản):
Tương tự như dạ dày và đường ruột, thực quản cũng có nhu động. Nhu động thực quản là tình trạng thực quản co bóp để đẩy nước, thức ăn xuống bên dưới dạ dày. Khi thực quản rối loạn nhu động (co bóp bất thường), lượng axit trong thực quản tăng lên dẫn đến viêm và kích ứng niêm mạc.
Nguyên nhân tại dạ dày
Ngoài nguyên nhân do thực quản, GERD cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân tại dạ dày. Các nguyên nhân thường gặp nhất, bao gồm:
- Chậm làm rỗng dạ dày (thức ăn ứ đọng tại dạ dày trong thời giàn dài):
Do một số nguyên nhân khác nhau (stress, ăn uống, sinh hoạt), chức năng tiêu hóa của dạ dày có thể bị suy giảm. Tình trạng này khiến cho dịch vị và thức ăn trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột non. Kết quả là làm tăng áp lực dạ dày và tạo điều kiện thuận lợi để thức ăn cùng với dịch vị trào ngược lên thực quản.
- Tăng áp lực ổ bụng đột ngột:
Áp lực ổ bụng tăng cao đột ngột (mang thai, hắt hơi, ho, gắng sức,…) đều có thể gây sức ép lên dạ dày dẫn đến tình trạng trào ngược thực quản. Đây cũng là lý do vì sao bệnh thường xảy ra ở phụ nữ mang thai – đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ.
Đọc thêm: Bị Trào Ngược Dạ Dày Khi Mang Thai Do Đâu? Cách Nhận Biết Và Điều Trị
Đối tượng trào ngược dạ dày
Nguy cơ bị trào ngược dạ dày thực quản có thể tăng lên đáng kể ở các đối tượng sau:
- Những người có chế độ ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, thường xuyên dùng rượu bia và nước ngọt có gas.
- Người có thói quen vận động mạnh/ nằm ngay sau khi ăn hoặc ăn uống quá mức.
- Những người làm công việc sáng tạo, thường xuyên bị căng thẳng, Stress.
- Những người nghiện hút thuốc lá.
- Người bị thừa cân – béo phì.
- Phụ nữ đang mang thai.
Xem chi tiết: Bệnh Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Cách Nhận Biết Và Điều Trị
Triệu chứng trào ngược dạ dày
Các triệu chứng thường gặp của trào ngược dạ dày:
- Có cảm giác đau và nóng rát ở vùng thượng vị – đặc biệt là sau khi ăn no. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn sau khi dùng rượu bia, thức ăn cay nóng và chứa nhiều gia vị.
- Axit trào ngược lên thực quản kích thích đến sợi dây thần kinh ở thực quản gây ra cảm giác đau và tức ngực. Bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau thắt và đè nén ở ngực xuyên ra cánh tay và lưng.
- Trớ thức ăn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng.
- Buồn nôn và nôn mửa (ít gặp).
- Đầy bụng, nuốt khó, nuốt đau và tăng tiết nước bọt.
- Miệng có cảm giác đắng hoặc chua.
- Trào ngược dạ dày kéo dài có thể gây phù nề niêm mạc dẫn đến khàn giọng, ho khan và khó nuốt.
Đọc thêm: Trào Ngược Dạ Dày Bị Khó Thở Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị
Biến chứng trào ngược dạ dày
Nếu chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, bệnh lý này có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Khàn giọng, ho khan: Khàn giọng là tình trạng khá phổ biến ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng xảy ra khi axit gây kích ứng và làm viêm tấy dây thanh. Ngoài khàn giọng, bệnh nhân cũng có thể bị đau họng và ho khan do hít phải dịch dạ dày. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hen suyễn hoặc xơ phổi.
- Khó nuốt: Hiện tượng trào ngược kéo dài có thể gây phù nề niêm mạc thực quản dẫn đến chứng khó nuốt. Với cơ chế lành thương của cơ thể, vùng niêm mạc bị viêm sau khi hồi phục có thể để lại sẹo. Hậu quả là gây chít hẹp thực quản và tăng mức độ khó nuốt dần theo thời gian.
- Viêm loét, thực quản: Tiếp xúc với axit dạ dày thường xuyên có thể khiến niêm mạc thực quản bị viêm, loét. Theo thời gian, ổ viêm loét có thể tiến triển nặng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa trên và thủng thực quản.
- Barrett thực quản: Barrett thực quản là tình trạng tế bào của thực quản biến đổi có cấu trúc tương tự như tế bào ruột. Đây là một trong những dấu hiệu tiền ung thư thường gặp ở bệnh nhân bị GERD dai dẳng, kéo dài. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng có thể chuyển sang giai đoạn ung thư.
Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe, trào ngược dạ dày thực quản còn tác động đến chất lượng cuộc sống – đặc biệt là giấc ngủ. Tư thế nằm ngủ làm tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới, dẫn đến hiện tượng trào ngược dịch vị lên khoang miệng gây ra cảm giác khó chịu và thức giấc giữa đêm.
Nên đọc: Trào Ngược Dạ Dày Gây Viêm Lưỡi, Trắng Lưỡi Và Cách Điều Trị
Chẩn đoán trào ngược dạ dày
Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ có chỉ định các kỹ thuật sau:
- Thăm khám lâm sàng: Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên trong chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, chứng ợ và trớ thức ăn được xem là triệu chứng điển hình của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể khai thác những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc lá, thói quen ăn uống, sinh hoạt, stress,…
- Bảng câu hỏi: Sau khi khám lâm sàng, bệnh nhân cần trả lời bảng câu hỏi được bác sĩ cung cấp. Điểm số từ bảng câu hỏi này cho phép bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định.
- Nội soi thực quản dạ dày: Nội soi là phương tiện có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý tiêu hóa.
- Đo axit thực quản 24 giờ: Đo axit thực quản 24 giờ là kỹ thuật đưa ống thông y tế (catheter) vào mũi, sau đó di chuyển xuống thực quản để đo lại các đợt trào ngược. Sau 24 giờ thực hiện, kết quả từ kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán.
- Các kỹ thuật chẩn đoán khác: Ngoài ra, chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản còn bao gồm các kỹ thuật khác như đo độ rỗng của dạ dày, đo vận động thực quản, chụp X-Quang cản quang và test truyền axit.
Đọc thêm: Trào Ngược Dịch Mật: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Điều trị trào ngược dạ dày
Các phương pháp điều trị trào ngược dạ dày thực quản:
Thuốc trị trào ngược dạ dày
Bên cạnh thay đổi lối sống, bệnh nhân cần dùng thêm một số loại thuốc để cải thiện các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, sử dụng thuốc còn giúp ngăn ngừa/ phục hồi biến chứng viêm xước và loét thực quản do hồi lưu dạ dày thực quản.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản:
- Thuốc trung hòa axit (antacid): Antacid được sử dụng để trung hòa axit dạ dày, từ đó cải thiện một số triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản như ợ nóng, ợ chua, ợ hơi, nóng rát và đau vùng thượng vị. Các loại thuốc trung hòa axit (Calci carbonate, Bicarbonat natri, muối nhôm, magie,…) thường được sử dụng mỗi khi triệu chứng bùng phát.
- Thuốc tạo màng bọc: Ngoài antacid, thuốc tạo màng bọc (Bismuth, Misoprostol và Sucralfate) cũng được sử dụng phổ biến trong điều trị trào ngược dạ dày. Sau khi được dung nạp, thuốc tạo một lớp màng bảo vệ niêm mạc tiêu hóa nhờ vậy có thể ngăn hiện tượng trào ngược. Khi bị kích thích mạnh, axit cũng có thể trào ngược ngay cả khi dùng thuốc. Tuy nhiên, lớp màng bọc có vai trò bảo vệ và giảm mức độ kích ứng của dịch vị lên thành thực quản.
- Thuốc kháng histamine H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI): Cả hai nhóm thuốc này đều có tác dụng ức chế tiết axit dạ dày. Khi axit giảm, áp lực lên cơ vòng thực quản sẽ được giảm đi đáng kể và kết quả là hạn chế được hiện tượng trào ngược dịch vị, thức ăn lên thực quản. Tuy nhiên, PPI có hiệu quả mạnh và kéo dài hơn nên được dùng trong trường hợp có tăng tiết axit. Trong khi đó, thuốc kháng H2 hiệu quả tốt vào ban đêm nên thường được sử dụng để vào buổi tối để ngăn trào ngược khi ngủ.
- Thuốc kháng dopamine: Thuốc kháng dopamine (Metoclopramide, Domperidon,…) có tác dụng ức chế các thụ thể dopamin ở não, từ đó tăng biên độ mở rộng của cơ thắt môn vị và tăng trương lực cơ thắt tâm vị sau bữa ăn. Sử dụng thuốc giúp đẩy nhanh thời gian làm rỗng dạ dày, qua đó giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới và cải thiện các triệu chứng do GERD.
- Thuốc giảm đau: Hiện tượng dịch vị trào ngược lên thực quản có thể gây đau vùng thượng vị và đau thắt ở vùng ngực. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng để cải thiện. Nhóm thuốc này có thể giảm nhanh các cơn đau ngực không do tim và cải thiện một số triệu chứng khác như căng thẳng, rối loạn lo âu. Các loại thuốc thường được sử dụng gồm có Trazodone, Amitriptyline, Imipramine, Nortriptyline, Desipramine,…
Xem chi tiết: Top 6+ Thuốc Trị Trào Ngược Dạ Dày Tốt Nhất Bác Sĩ Khuyên Dùng
Nội soi và phẫu thuật
Trong trường hợp GERD không có cải thiện khi điều trị bằng các phương pháp bảo tồn, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng nội soi và phẫu thuật. Ngoài ra, phương pháp này cũng được thực hiện khi bệnh nhân đã gặp phải các biến chứng như tổn thương thực quản lan tỏa, Barrett thực quản, viêm thực quản nặng và hẹp thực quản lành tính.
Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, các kỹ thuật có thể được áp dụng bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi qua đường miệng (TIF).
- Phẫu thuật tạo nếp gấp đáy vị (bao gồm 3 kỹ thuật là phẫu thuật Nissen, phẫu thuật Belsey Mark IV, phẫu thuật Toupet).
- Thủ thuật Stretta.
- Nội soi khâu tăng cường cơ thắt thực quản dưới.
Điều trị bằng nội soi và can thiệp phẫu thuật gây ra không ít biến chứng như chấn thương dạ dày, nhiễm trùng, viêm phổi và tràn khí màng phổi. Chính vì vậy, các biện pháp này chỉ được cân nhắc thực hiện trong những trường hợp cần thiết.
Tham khảo thêm: Hướng Dẫn Bạn Xoa Bóp Bấm Huyệt Trị Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà
Thay đổi thói quen, lối sống
Để kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản, nên thay đổi các thói quen sau:
- Cần ăn chậm nhai kỹ và tránh ăn quá no để làm giảm áp lực lên dạ dày, cơ vòng thực quản dưới. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chia nhỏ bữa ăn để giảm tần suất và mức độ của các triệu chứng.
- Sử dụng gối nằm chuyên dụng và nên nằm nghiêng bên trái để ngăn trào ngược vào buổi tối.
- Ngồi thẳng lưng nhằm giảm áp lực lên ổ bụng. Trong trường hợp thừa cân – béo phì, nên xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để kiểm soát cân nặng.
- Không nên uống nước trong bữa ăn. Thói quen này tạo điều kiện thuận lợi để dịch vị và thức ăn trào ngược lên dạ dày. Thay vào đó, nên uống 1 cốc nước nhỏ sau khi ăn khoảng 15 – 20 phút.
- Không ăn tối quá muộn và nên giảm lượng thức ăn vào bữa tối để tránh trào ngược dạ dày khi ngủ.
- Nên đứng hoặc đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn để dạ dày nhanh chóng tiêu hóa thức ăn. Từ đó làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới (LES) và ngăn trào ngược, ợ nóng. Tuy nhiên, cần tránh vận động mạnh và nằm sau bữa ăn.
- Tuyệt đối không sử dụng đồ uống chứa cồn và tránh hút thuốc lá.
- Stress làm trầm trọng hơn triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản và một số bệnh tiêu hóa khác. Vì vậy, bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp giúp kiểm soát stress như ngồi thiền, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc,…
- Tập thể dục hằng ngày để giảm căng thẳng thần kinh và điều hòa nhu động thực quản – dạ dày – đường ruột. Ngoài ra, hoạt động thể chất đều đặn còn giúp điều tiết hoạt động sản xuất axit, từ đó giảm áp lực lên cơ vòng thực quản và tăng thời gian vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống đường ruột. Thực tế, tập thể dục mang đến nhiều cải thiện tích cực với bệnh nhân mắc các bệnh tiêu hóa nói chung và trào ngược dạ dày nói riêng.
- Dùng các thức ăn mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa để giảm áp lực lên dạ dày. Thói quen này không ít tốt cho chức năng tiêu hóa mà còn hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày tá tràng.
Tìm hiểu thêm: TOP 9 Cách Chữa Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà Đơn Giản Hiệu Quả
Phòng tránh trào ngược dạ dày
Dù không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nhưng trào ngược dạ dày tác động nhiều đến giấc ngủ, hiệu suất lao động và học tập. Hơn nữa, bệnh lý này còn tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và hô hấp. Do đó nên có các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với độ tuổi và mức độ tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, cần chú ý thay đổi các thói quen xấu như ăn quá nhanh, ăn uống quá mức, ăn khuya,…
- Không dùng rượu bia, thuốc lá, hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn và nước ngọt có gas.
- Tập thể dục thường xuyên là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa trào ngược thực quản và các bệnh lý tiêu hóa thường gặp khác.
- Thực hiện các biện pháp kiểm soát stress.
- Giảm cân nếu bị thừa cân – béo phì. Béo phì làm tăng áp lực lên ổ bụng dẫn đến dạ dày tiêu hóa chậm, từ đó gây tăng chèn ép lên cơ vòng thực quản và dẫn đến trào ngược.
Trào ngược dạ dày thực quản ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nặng nề như chít hẹp thực quản, Barrett thực quản,… Chính vì vậy, cần chủ động thăm khám ngay khi có các biểu hiện bất thường để kịp thời kiểm soát và ngăn chặn bệnh chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Có thể bạn quan tâm
- Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Ăn Trứng Không? Giải Đáp Từ Chuyên Gia
- Trào Ngược Dạ Dày Ở Trẻ 2 Tháng Tuổi: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị