Mục tiêu chính của sử dụng các loại thuốc trị trào ngược dạ dày là kiểm soát triệu chứng, làm lành biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc mang lại hiệu quả cao nhất trong điều trị bệnh lý này. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số loại thuốc hỗ trợ tùy theo triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải.
TOP 6+ thuốc trị trào ngược dạ dày an toàn, tốt nhất
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là chứng bệnh tiêu hóa phổ biến bên cạnh viêm loét dạ dày – tá tràng. GERD xảy ra khi dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên phần thực quản hoặc thậm chí là phổi, thanh quản và khoang miệng. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra GERD, trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là suy yếu cơ vòng thực quản dưới (LES).
Tương tự như các bệnh tiêu hóa khác, trào ngược dạ dày thực quản có mối liên hệ mật thiết với thói quen ăn uống và sinh hoạt. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh lý này có thể thuyên giảm sau khi tổ chức lại lối sống. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát triệu chứng và làm lành biến chứng của bệnh (nếu có) một cách triệt để.
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc chính mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên để gia tăng hiệu quả và kiểm soát bệnh hoàn toàn, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc dùng kèm.
Bài viết xem thêm: Trào Ngược Dạ Dày Có Nguy Hiểm Không? Làm Thế Nào Để Điều Trị
Dưới đây là các nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản:
1. Thuốc ức chế bơm proton (PPI) – Nhóm thuốc chính điều trị trào ngược dạ dày
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là nhóm thuốc chính được sử dụng phổ biến trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản và một số bệnh tiêu hóa có liên quan đến chứng tăng tiết axit (viêm loét dạ dày tá tràng, chứng chậm tiêu chức năng, xuất huyết tiêu hóa trên, hội chứng Zollinger-Ellison,…). Tác dụng chính của thuốc là ức chế bơm proton, từ đó ngăn dạ dày bài tiết dịch vị.
Hiện tại, PPI là nhóm thuốc mang lại hiệu quả nhanh và mạnh nhất trong việc ức chế bài tiết axit dạ dày. Chính vì vậy, PPI được sử dụng để ngăn trào ngược dịch vị cùng với thức ăn lên thực quản. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các mô thực quản bị tổn thương có thời gian hồi phục và làm lành hoàn toàn.
Trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, thuốc ức chế bơm proton thường được sử dụng liều cao trong vòng 12 tuần. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số loại thuốc dùng kèm để kiểm soát hoàn toàn hiện tượng trào ngược. Thuốc thường được sử dụng trước khi ăn từ 30 – 60 phút để đạt hiệu quả tốt nhất.
Một số loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Omeprazole
- Pantoprazole
- Lansoprazole
- Rabeprazole
- Esomeprazole
Ở một số trường hợp GERD dương tính với vi khuẩn Hp, PPI thường được sử dụng với kháng sinh để đảm bảo hiệu quả tiệt trừ vi khuẩn. Bởi đa phần các loại thuốc kháng sinh đều hoạt động kém trong môi trường axit.
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, cần đánh giá nguy cơ mắc loãng xương khi sử dụng thuốc dài ngày – đặc biệt là với người cao tuổi. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ như tiêu chảy, ợ nóng, nghẹt mũi, nhức đầu,…
Có thể bạn quan tâm: Tham Khảo Bài Thuốc Đông Y Chữa Trào Ngược Dạ Dày Hiệu Quả
2. Thuốc ức chế GABA (Baclofen)
Các loại thuốc ức chế GABA có thể được sử dụng phối hợp với PPI trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, loại thuốc đầu tiên được sử dụng là Baclofen. Thuốc có tác dụng phong bế các dây thần kinh có khả năng kiểm soát cơ.
Các nghiên cứu cho thấy, Baclofen ngăn cản tình trạng giãn thoáng qua của cơ vòng thực quản dưới (LES). Do đó, loại thuốc này thường được sử dụng để ngăn hiện tượng trào ngược ở người bị trào ngược dạ dày thực quản không có đáp ứng với các loại thuốc khác.
Các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc ức chế GABA:
- Tiền sử dị ứng, quá mẫn với các loại thuốc ức chế GABA
- Tiền sử động kinh/ rối loạn co giật
- Có cục máu đông hoặc tiền sử đột quỵ
- Làm tăng nguy cơ phát triển u nang buồng trứng
Thuốc Baclofen mang lại hiệu quả tốt trong việc ngăn các cơn trào ngược ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, loại thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ ở hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy trong thời gian sử dụng thuốc Baclofen, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như động kinh, ảo giác, nhịp tim không đều, chóng mặt, mất ngủ,…
Tham khảo thêm: Review TOP 9 Thuốc Trào Ngược Dạ Dày Của Mỹ Được Đánh Giá Cao
3. Thuốc kháng histamine H2 điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Thuốc kháng histamine H2 (thuốc đối kháng thụ thể histamine H2) là một trong những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc histamine ở thụ thể H2, từ đó làm giảm hoạt động sản xuất axit của dạ dày. Tuy nhiên, hiệu quả ức chế bài tiết axit của nhóm thuốc này kém hơn so với thuốc ức chế bơm proton (PPI) nên hiện nay ít được sử dụng.
Tuy nhiên, thuốc kháng histamine H2 có thể được sử dụng trong trường hợp trào ngược dạ dày có triệu chứng nhẹ hoặc các triệu chứng xảy ra không liên tục. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng được cân nhắc sử dụng vào buổi tối trước khi ngủ để ngăn hiện tượng trào ngược dạ dày vào ban đêm. Mặc dù có hiệu quả kém hơn so với thuốc ức chế bơm proton nhưng thuốc kháng histamine H2 có hiệu quả tốt đối với ngăn tiết axit vào ban đêm.
Không chỉ được sử dụng trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, thuốc kháng histamine H2 cũng được dùng trong loét dạ dày tiến triển, duy trì loét tá tràng với liều thấp trong trường hợp ổ loét đã lành hoàn toàn,… Nhóm thuốc này chủ yếu được sử dụng trong thời gian ngắn để hạn chế tối đa rủi ro và các tác dụng không mong muốn.
Các loại thuốc kháng histamine H2 được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Nizitadine
- Ranitidine
- Famotidine
- Cimetidine (loại thuốc có nhiều tác dụng phụ nhất trong các loại thuốc kháng histamine H2)
Trong thời gian sử dụng, thuốc kháng histamine H2 có thể gây ra một số tác dụng như táo bón, tiêu chảy, đau đầu và chóng mặt. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng có thể gây tăng hormone prolactin do tác dụng kháng androgen. Hệ quả là gây ra tình trạng tiết sữa ở nữ giới không do mang thai/ sinh nở và chứng vú to ở nam giới.
4. Antacids (thuốc trung hòa axit)
Thuốc trung hòa axit là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý có liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày, đau dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Các loại thuốc này thường chứa muối nhôm hoặc muối magnesium. Để tăng hiệu điều trị trào ngược, các hoạt chất trung hòa axit thường được kết hợp với hoạt chất Alginate.
Hầu hết các loại thuốc trung hòa axit đều được bào chế ở dạng hỗn dịch uống để mang lại hiệu quả nhanh chóng. Ngay sau khi uống, thuốc phản ứng với axit dạ dày tạo thành một lớp gel acid alginic có độ pH trung tính để ngăn hiện tượng trào ngược.
Đối với những trường hợp nặng, dịch vị cùng với thức ăn có thể trào ngược lên ngay cả khi có sử dụng thuốc. Trong trường hợp này, lớp gel acid alginic có vai trò bảo vệ niêm mạc, tạo cảm giác mát và dễ chịu. Các loại thuốc trung hòa axit + alginic thường được sử dụng ngắn hạn để làm giảm các triệu chứng của GERD như ợ hơi, ợ nóng, nóng rát thượng vị, đau dạ dày,…
Thuốc trung hòa axit chủ yếu cho tác dụng tại chỗ nên hầu như không gây ra tác dụng toàn thân khi sử dụng. Tuy nhiên, dùng thuốc trong thời gian dài có thể làm tăng nồng độ magie và nhôm trong máu, từ đó dẫn đến các rủi ro và tác dụng ngoại ý. Chính vì vậy, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn và cần kết hợp với lối sống khoa học để tránh phụ thuộc thuốc quá mức.
Xem thêm: Điểm Danh TOP 10+ Thuốc Trị Trào Ngược Dạ Dày Của Nhật Bản Tốt Nhất Hiện Nay
5. Thuốc tăng co bóp thực quản (Prokinetic)
Thuốc tăng co bóp thực quản (thuốc hỗ trợ vận động/ Prokinetic) thường được sử dụng phối hợp trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến, bao gồm Metoclopramide, Domperidone, Cisapride, Prucalopride, Itopride, Mosapride,…
Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách tăng nhu động của ống tiêu hóa – đặc biệt cơ thắt môn vị và tâm vị của dạ dày. Từ đó giúp dạ dày tiêu hóa nhanh thức ăn, hỗ trợ giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới (LES) và ngăn chặn hiệu quả hiện tượng trào ngược.
Thuốc tăng co bóp thực quản được sử dụng để cải thiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, chướng bụng và nặng vùng thượng bị do chậm làm rỗng dạ dày. Thuốc thường được sử dụng cùng với PPI nhằm kiểm soát triệu chứng và phục hồi biến chứng viêm xước, loét thực quản do trào ngược dạ dày gây ra.
Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, mất kinh, tiết sữa, rối loạn kinh nguyệt,… trong thời gian sử dụng. Tuy nhiên, các triệu chứng này có thể thuyên giảm hoàn toàn sau khi ngừng thuốc.
6. Một số nhóm thuốc khác
Ngoài những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến, bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể được chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như:
- Thuốc tạo màng bọc (thuốc bảo vệ niêm mạc): Thuốc bảo vệ niêm mạc (Misoprostol, Bismuth, Sucraflate,…) có tác dụng kết hợp với acid dạ dày tạo thành màng bọc bảo vệ niêm mạc. Tuy nhiên nhóm thuốc này chủ yếu được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, ít khi được chỉ định đối với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp GERD dương tính với vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp). Tương tự như viêm loét dạ dày dương tính với vi khuẩn HP, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phác đồ 3 hoặc 4 thuốc (bao gồm PPI + 2 loại kháng sinh). Để tránh hiện tượng kháng thuốc, kháng sinh thường được sử dụng đều đặn trong 7 – 14 ngày (tùy trường hợp). Các loại kháng sinh thường được sử dụng gồm có Amoxicillin, Clarithromycin, Tinidazole,…
Đọc thêm: TOP 12 Thuốc Trị Trào Ngược Dạ Dày Cho Bà Bầu Hiệu Quả Nhất
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày
Sử dụng các loại thuốc điều trị trào ngược dạ dày có thể kiểm soát các triệu chứng khó chịu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để làm lành biến chứng viêm xước, loét và phù nề thực quản. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng cách có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng ngoài ý muốn.
Chính vì vậy khi sử dụng thuốc trị trào ngược dạ dày, bệnh nhân cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đối với những loại thuốc không kê toa, chỉ sử dụng trong thời gian ngắn (khoảng 3 – 5 ngày). Sau thời gian này, nên sắp xếp đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và tư vấn các phương án điều trị phù hợp.
- Chủ động thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, lịch sử dùng thuốc và tình trạng sức khỏe để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Sử dụng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không tự ý hiệu chỉnh liều hoặc ngưng dùng thuốc mà chưa tham vấn y khoa.
- Chú ý các biểu hiện của cơ thể trong thời gian sử dụng và thông báo với bác sĩ để được tư vấn cách xử trí.
- Không tự ý phối hợp các loại thuốc – kể cả viên uống bổ sung và TPCN. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tương tác và dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thực tế cho thấy, chế độ ăn khoa học có thể kiểm soát phần nào các triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh căng thẳng và tập thể dục thường xuyên để hỗ trợ quá trình điều trị.
Trào ngược dạ dày là bệnh lý gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, nếu để bệnh kéo dài thậm chí còn gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Qua thông tin chia sẻ về các loại thuốc trị trào ngược dạ dày trên đây, hy vọng chúng tôi đã giúp bạn đọc có thêm nhiều thông tin hữu ích.
Lưu ý rằng người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc. Để sớm đẩy lùi bệnh và hồi phục sức khỏe, bạn nên đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bài viết xem thêm
- Trào Ngược Dạ Dày Ăn Rau Gì? Giải Đáp Từ Chuyên Gia
- Xét Nghiệm Trào Ngược Dạ Dày: Chi Phí, Địa Chỉ Khám Bệnh Và Một Số Lưu Ý