Trào ngược dạ dày ăn rau gì, hoa quả gì là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi nếu bổ sung đúng cách, nhóm thực phẩm này có thể mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe và hỗ trợ giảm nhẹ một số triệu chứng do trào ngược axit dạ dày gây ra.
Bị trào ngược dạ dày ăn rau gì? Các loại rau củ quả tốt cho người bệnh
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong đó, rau xanh, các loại củ và hoa quả là nhóm thực phẩm lành mạnh tốt cho hệ tiêu hóa nói chung và chứng trào ngược nói riêng.
Nhóm thực phẩm này cung cấp cho cơ thể chất xơ cùng với vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào. Các thành phần dinh dưỡng trong rau củ và hoa quả có tác dụng nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và cải thiện chức năng tiêu hóa. Nếu bổ sung đúng cách, bệnh nhân có thể giảm nhẹ một số triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra như ợ nóng, ợ chua, đau rát, nóng vùng thượng vị, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,…
Dưới đây là một số loại rau xanh và củ tốt cho người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản:
1. Rau mơ (lá mơ lông)
Rau mơ là loại rau ăn quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Loại rau này có thể được ăn sống cùng với các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng hoặc dùng để chế biến món ăn như thông thường. Rau mơ không chỉ là thực phẩm thông thường mà còn có tác dụng điều trị một số bệnh tiêu hóa thường gặp như đau dạ dày, trào ngược dạ dày và viêm đại tràng.
Theo kinh nghiệm dân gian, rau mơ có vị đắng, tính mát, tác dụng sát trùng và thanh nhiệt. Dùng các món ăn từ loại rau này có thể cải thiện tình trạng trào ngược, giảm hiện tượng nóng rát và đầy hơi, chướng bụng do sử dụng thực phẩm khó tiêu hóa, món ăn cay nóng và dễ gây dị ứng. Ngoài ra, lá mơ lông còn là loại rau giàu dinh dưỡng với hàm lượng chất xơ cao cùng với nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết.
Để cải thiện bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh nhân có thể dùng lá mơ ăn sống kèm theo các món ăn chính hoặc bổ sung các món ăn từ loại rau này như lá mơ chiên trứng, cá kho lá mơ,… Bên cạnh tác dụng giảm chứng trào ngược, món ăn từ rau mơ còn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm đường ruột.
Xem thêm: Mẹo Dân Gian Dùng Cây Rau Mương Chữa Trào Ngược Dạ Dày Cực Hay
2. Súp lơ xanh
Súp lơ xanh (bông cải xanh) là một trong những loại rau tốt cho bệnh nhân bị trào ngược axit dạ dày. Có thể nói, đây là loại rau chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Trung bình 91g bông cải xanh có thể cung cấp cho cơ thể 1.5g đường, 6g tinh bột, 2.5g đạm, 2.4g chất xơ cùng với vitamin C, A, E, D và khoáng chất thiết yếu.
Với hàm lượng chất xơ cao, súp lơ xanh có tác dụng trung hòa dịch vị và giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới khi ăn. Điều này mang đến tác động tích cực đối với chứng trào ngược dạ dày và trào ngược dịch mật. Bên cạnh đó, chất xơ trong loại rau này còn thúc đẩy nhu động ruột và hỗ trợ cải thiện chức năng tiêu hóa.
Đặc biệt, súp lơ xanh có chứa hoạt chất sulforaphane có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp) – tác nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, bông cải xanh cũng là một trong số ít loại rau chứa Omega 3 và Omega 6. Trong đó, Omega 3 có khả năng kháng viêm và chống oxy hóa, góp phần không nhỏ giúp giảm viêm loét ở niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng.
3. Rau mồng tơi
Rau mồng tơi được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày – đặc biệt là với người mắc các vấn đề tiêu hóa nói chung và trào ngược dạ dày nói riêng. Không giống với các loại rau xanh khác, mồng tơi chứa chất nhầy tự nhiên có tác dụng bảo vệ niêm mạc thực quản và dạ dày. Với tác dụng này, rau mồng tơi có thể làm dịu các triệu chứng do trào ngược axit gây ra như ợ nóng, nóng rát thượng vị, ợ chua, ợ hơi,…
Ngoài ra, chất nhầy và chất xơ trong loại rau này còn giúp tăng nhu động ruột, phòng ngừa táo bón và ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa. Thực tế cho thấy, thêm rau mồng tơi vào chế độ dinh dưỡng có thể đẩy lùi các triệu chứng bất thường ở hệ tiêu hóa một cách rõ rệt.
Mặc dù là loại rau dân dã nhưng mồng tơi cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Trong đó phải kể đến vitamin nhóm B, C, A, E, canxi, sắt, chất đạm, chất béo, chất xơ,… Đây là loại rau chứa hàm lượng sắt cao nên rất thích hợp với bệnh nhân bị sụt cân, suy nhược do trào ngược dạ dày bùng phát thường xuyên.
Nên đọc: Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Ăn Trứng Không? Giải Đáp Từ Chuyên Gia
4. Cần tây tốt
Cần tây là loại rau tốt cho sức khỏe nói chung và bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản nói riêng. Tương tự như các loại rau xanh khác, cần tây cung cấp cho cơ thể lượng nước và chất xơ dồi dào. Loại rau này có độ pH kiềm giúp trung hòa dịch vị dư thừa, từ đó giảm tần suất và mức độ của chứng trào ngược axit dạ dày.
Ngoài ra, cần tây còn là nguồn cung cấp sắt, vitamin C, vitamin A và canxi cho cơ thể. Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng, loại rau này giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và chức năng của các cơ quan tiêu hóa. Bên cạnh đó, thêm các món ăn và thức uống từ cần tay vào chế độ ăn hằng ngày còn giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng, hỗ trợ cải thiện tình trạng thừa cân – béo phì.
Ngoài các vitamin và khoáng chất thông thường, cần tây còn chứa hơn 10 chất chống oxy hóa như axit phenolic, quercetin, axit ferulic, polyphenol, flavonoid,… Các chất chống oxy hóa trong rau cần tây có tác dụng chống lại tác hại của gốc tự do, bảo vệ tế bào và giảm viêm. Vì vậy, bổ sung loại rau này thường xuyên còn góp phần cải thiện hiện tượng viêm, phù nề ở thực quản do ảnh hưởng của chứng trào ngược.
5. Nha đam
Nha đam (lô hội) là loại thực phẩm quen thuộc được sử dụng để chế biến các thức uống và món ăn thanh nhiệt. Phần thịt của nha đam chứa hàm lượng nước và chất xơ dồi dào rất tốt cho bệnh nhân bị chứng trào ngược. Bổ sung các món ăn từ loại thực phẩm này có thể ngăn ngừa hiện tượng trào ngược sau bữa ăn, đồng thời làm dịu một số triệu chứng của bệnh như ợ nóng, ợ hơi, đầy bụng, nóng rát thượng vị và đau dạ dày.
Lớp gel tự nhiên trong cây nha đam có vai trò như chất bảo vệ niêm mạc dạ dày thực quản. Vì vậy, tăng cường bổ sung thực phẩm này vào chế độ dinh dưỡng mang đến nhiều lợi ích đối với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày và trào ngược dịch mật. Ngoài ra, nha đam còn cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất thiết yếu như magie, crom, natri, canxi, kali, vitamin B12, vitamin B9,…
Xem chi tiết: Bỏ Túi TOP 7 Cách Trị Trào Ngược Dạ Dày Bằng Nha Đam Hiệu Quả
6. Cà rốt
Cà rốt là loại thực phẩm lành mạnh mang đến nhiều lợi ích đối với bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài hàm lượng chất xơ cao, loại củ này còn cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất cần thiết như protein, Omega 3, Omega 6, vitamin K, kali, vitamin B6, vitamin A, vitamin H,… Do đó, bệnh nhân bị chứng trào ngược nên bổ sung các món ăn và thức uống từ cà rốt để cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Ngoài ra, cà rốt còn giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm táo bón và hạn chế hiện tượng trào ngược dịch vị lên thực quản. Một số hợp chất thực vật trong loại củ này như beta-carotene, alpha carotene, lycopene, lutein, polyacetylene, anthocyanin,… được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Vì vậy bên cạnh những lợi ích kể trên, cà rốt còn giúp giảm viêm niêm mạc đường tiêu hóa và phòng ngừa các bệnh mãn tính thường gặp.
Cà rốt loại củ quen thuộc được sử dụng để chế biến món ăn và thức uống. Do đó, bệnh nhân có thể đa dạng thực đơn ăn uống với nước ép cà rốt, sinh tố cà rốt, cà rốt hầm, súp cà rốt, cà rốt xào,… Khi chế biến món ăn từ loại củ này, nên tránh dùng nhiều dầu mỡ và gia vị để hạn chế làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản dưới.
7. Khoai lang
Khoai lang là loại củ chứa hàm lượng tinh bột cao. Do đó, các món ăn từ khoai lang giúp tạo cảm giác nhanh no và mang đến cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào. Như đã biết, tinh bột là một trong những thành phần giúp hấp thu dịch vị dư thừa tốt. Dùng khoai lang luộc/hấp và các món ăn từ loại củ này có thể giảm tình trạng trào ngược axit, khó tiêu và đầy hơi.
Ngoài tinh bột, khoai lang còn chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C, D, vitamin nhóm B, mangan, kali,… Với hàm lượng dinh dưỡng đa dạng và dồi dào, loại củ này được khuyến khích bổ sung vào chế độ nhằm cải thiện sức khỏe và chức năng của các cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, bổ sung khoai lang còn giúp kiểm soát cân nặng, hạn chế tình trạng thừa cân và béo phì.
Tuy nhiên để tránh tác động xấu đến chứng trào ngược dạ dày, bệnh nhân cần tránh dùng khoai lang chiên. Thay vào đó, nên dùng khoai lang luộc, hấp, nướng hoặc dùng để chế biến các món ăn giàu dinh dưỡng như súp, canh, bánh.
Tham khảo thêm: Review TOP 9 món ăn cho người bị trào ngược dạ dày bạn nên thử
8. Quả bơ
Bơ là loại quả có nguồn gốc từ Mexico. Với hương vị thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao, loại quả này dần trở nên phổ biến và hiện nay đã được sử dụng rộng rãi.
Bơ là một trong những loại trái cây tốt cho hệ tiêu hóa nói chung và bệnh trào ngược dạ dày nói riêng. Đầu tiên phải nói đến kết cấu của quả bơ. Loại quả này có kết cấu mềm, mịn nên dễ tiêu hóa và dễ nuốt. Vì vậy, bệnh nhân bị chứng khó nuốt và nuốt vướng có thể dùng các món ăn và thức uống từ quả bơ để giảm tình trạng kể trên. Bơ còn chứa nhiều chất xơ và chất béo không bão hòa tốt cho hệ tiêu hóa.
Quả bơ được ví như “siêu thực phẩm” với hàm lượng dinh dưỡng cao và đa dạng. Loại quả này cung cấp cho cơ thể nhiều khoáng chất và vitamin cần thiết như vitamin B9, vitamin K1, đồng, kali, vitamin C, B, E cùng với nhiều hợp chất chống oxy hóa như Persenone A, B và carotenoid. Đối với bệnh nhân bị chứng trào ngược, bổ sung bơ vào chế độ ăn có thể cải thiện sức khỏe và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ hơi, đau dạ dày, nóng rát vùng thượng vị,…
9. Đu đủ
Đu đủ là loại quả có mặt trong danh sách các loại trái cây tốt cho người bị đau dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản. Loại quả này có thể được dùng ăn trực tiếp như các loại trái cây thông thường. Hoặc có thể sử dụng để chế biến thức uống và món ăn giàu dinh dưỡng như sinh tố đu đủ, đu đủ hầm, canh đu đủ,…
Ngoài chất xơ và các loại vitamin, khoáng chất, đu đủ còn chứa enzyme papain có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa protein trong các loại thực phẩm. Do đó, bổ sung đu đủ vào chế độ ăn có thể hỗ trợ hoạt động tiêu hóa của dạ dày và đường ruột. Qua đó giảm tình trạng trào ngược dạ dày và cải thiện chứng đầy hơi, chướng bụng, táo bón,…
ĐỪNG BỎ LỠ: Bỏ túi TOP 6 cách dùng đu đủ chữa trào ngược dạ dày hiệu quả, dễ thực hiện
10. Thanh long
Thanh long là loại trái cây tốt cho người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản. Loại quả này cung cấp ít calo nhưng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào. Vì vậy, bệnh nhân bị trào ngược nên bổ sung quả thanh long vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện khả năng tiêu hóa, giảm trào ngược và kiểm soát cân nặng.
Ngoài ra theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, trái thanh long còn có tác dụng chỉ khái (trị ho), nhuận phế, giải độc, nhuận trường và tăng sinh lực. Từ lâu, loại quả này đã được dùng để chữa chứng các bệnh về tiêu hóa và cải thiện sức khỏe người bị suy nhược, mệt mỏi.
11. Quả dừa
Dừa là loại trái cây khá đặc biệt. Loại quả này chứa nước và cơm dừa thay vì thịt như các loại trái cây thông thường. Nước dừa chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào có thể cải thiện sức khỏe và cân bằng điện giải.
Ngoài ra, với độ pH kiềm, nước dừa còn giúp trung hòa dịch vị dư thừa, làm dịu niêm mạc thực quản và giảm tình trạng ợ nóng, nóng rát thượng vị. Đặc biệt, axit lauric trong loại quả này còn có tác dụng kháng nấm, virus và chống khuẩn mạnh. Dùng nước dừa thường xuyên có thể phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm ở đường tiêu hóa, đồng thời hỗ trợ giảm chứng trào ngược và nâng cao thể trạng của bệnh nhân.
Ngoài cách dùng nước dừa trực tiếp, bệnh nhân cũng có thể dùng nước dừa để nấu nước dùng khi chế biến súp, canh hoặc lẩu. Bên cạnh đó, có thể sử dụng dầu dừa hoặc các món ăn từ cơm dừa để cải thiện sức khỏe và hỗ trợ làm giảm chứng trào ngược axit dạ dày.
BẠN CÓ BIẾT: Bị Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Uống Nước Dừa Không? Chuyên Gia Tư Vấn
Các loại quả cần tránh khi bị trào ngược dạ dày
Thông thường các loại củ quả đều rất có lợi đối với sức khỏe của mỗi người. Nhưng với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày, các triệu chứng của bệnh có thể tiến triển nặng hơn nếu bạn sử dụng những thực phẩm hoa quả không thích hợp. Theo đó người bệnh cần tránh một số loại sau.
1. Những loại quả chứa lượng axit lớn
Để có thể hạn chế tốt tình trạng trào ngược dạ dày, bạn cần tránh dùng những loại quả có chứa lượng axit lớn như: Chanh, cam, dâu tây, nho,… Bởi lượng axit này sẽ gây ra các kích ứng tới niêm mạc dạ dày và thực quản.
Với những bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng viêm loét hoặc phù nề thực quản, việc dùng những loại quả này sẽ gây ra các cơn đau rát rất khó chịu. Bên cạnh đó, các loại quả có chứa axit còn kích thích dạ dày tiết ra nhiều dịch vị và phải co bóp nhiều hơn dẫn tới trào ngược axit cùng các thức ăn lên thực quản.
2. Những hoa quả có tính nóng
Bệnh nhân cũng cần chú ý không sử dụng những loại quả có tính nóng như: Vải, nhãn, chôm chôm, mít, sầu riêng,… Những quả này tuy có hương vị thơm ngon nhưng lại dễ gây ra tình trạng nóng trong, khó tiêu, đầy hơi và kích thích trào ngược dạ dày bùng phát mạnh hơn.
3. Hoa quả cứng, khó tiêu hóa
Xoài xanh, cóc, ổi là những loại quả khó tiêu hóa và có thể làm bệnh trào ngược dạ dày chuyển biến xấu hơn. Vì vậy, bệnh nhân cũng cần tránh sử dụng, thay vào đó hãy ăn các loại quả mềm dễ tiêu như: Dưa lưới, bơ, đu đủ,….
Đối với những bệnh nhân đã gặp phải biến chứng viêm loét và phù nề thực quản, sử dụng các loại quả chứa axit có thể gây đau rát và khó chịu. Ngoài ra, dùng các loại quả này còn kích thích dạ dày tăng tiết dịch vị và co bóp quá mức dẫn đến trào ngược axit cùng với thức ăn lên thực quản, khoang miệng.
Có thể bạn quan tâm: Bị Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Ăn Sữa Chua Không? Giải Đáp
Lưu ý khi dùng rau củ và trái cây
Rau củ và trái cây là nhóm thực phẩm tốt cho bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên để tránh các rủi ro và tác dụng phụ khi sử dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên dùng quá nhiều trái cây và rau xanh. Bổ sung với liều lượng cao có thể gây đầy hơi, chướng bụng và khiến tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tránh ăn trái cây ngay sau bữa ăn. Để ngăn chặn tình trạng trào ngược bùng phát, bệnh nhân nên dùng hoa quả sau bữa ăn từ 1 – 2 giờ đồng hồ. Dùng vào thời điểm này còn giúp hấp thu dịch vị dư thừa, giảm cảm giác đói và cồn cào.
- Cần ngâm rửa rau xanh và trái cây kỹ trước khi ăn. Trừ các loại thực phẩm có thể dùng sống, nên nấu chín rau củ để giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
- Lựa chọn hoa quả, củ và rau xanh có nguồn gốc – xuất xứ rõ ràng. Tránh chọn mua các loại thực phẩm mập mờ về nguồn gốc, chất lượng kém không đảm bảo an toàn,…
- Nên đa dạng cách chế biến rau xanh, củ và các loại hoa quả để kích thích vị giác, giảm tình trạng chán ăn và ăn uống kém. Tuy nhiên, nên tránh dùng quá nhiều dầu mỡ và gia vị khi chế biến.
- Ngoài hoa quả, rau xanh và các loại củ, bệnh nhân cần đa dạng chế độ ăn với các nhóm thực phẩm lành mạnh khác như ngũ cốc, thịt, cá, trứng, các loại đậu, nấm,…
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị trào ngược dạ dày ăn rau gì?”. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể nắm bắt rõ vấn đề này và dễ dàng xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
Bài viết tham khảo
- Người Bị Trào Ngược Dạ Dày Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Tốt Cho Sức Khỏe?
- TOP 9 Cách Trị Trào Ngược Dạ Dày Tại Nhà Hiệu Quả Bất Ngờ