Viêm Mũi Dị Ứng Gây Hôi Miệng Và Các Giải Pháp Khắc Phục

Viêm mũi dị ứng gây hôi miệng là một trong những nguyên nhân phổ biến. Hơi thở có mùi tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây ra tâm lý không thoải mái khi giao tiếp, gặp gỡ. Vì vậy, cần phải có biện pháp khắc phục để thoải mái trong sinh hoạt và phòng ngừa các biến chứng lâu dài do viêm mũi dị ứng gây ra.

viêm mũi dị ứng gây hôi miệng
Viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý tai mũi họng có thể gây hôi miệng

Vì sao viêm mũi dị ứng gây hôi miệng?

Không chỉ riêng viêm xoang mà viêm mũi dị ứng cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng. Như đã biết, viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng viêm, xuất tiết do tiếp xúc với các chất dị ứng như thời tiết thay đổi đột ngột, phấn hoa, nấm mốc, hóa chất…

Do không có sự xuất hiện của virus và vi khuẩn nên dịch nhầy thường trong suốt, không có mùi. Tuy nhiên, dị ứng kéo dài lâu ngày có thể gây ra tình trạng chảy dịch mũi sau. Chất nhầy tích tụ ở phía sau mũi và cổ họng là điều kiện thuận tiện để vi khuẩn phát triển gây ra chứng hôi miệng.

Viêm mũi dị ứng gây hôi miệng là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt ở những người bị viêm mũi dị ứng quanh năm. Tình trạng hôi miệng tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng có thể gây ra tâm lý tự ti, không thoải mái khi giao tiếp.

Hơn nữa, hiện tượng chảy dịch mũi sau liên tục ở vùng cổ họng còn là điều kiện phát triển các bệnh lý như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản… Do đó, khi gặp phải tình trạng viêm mũi dị ứng gây hôi miệng, cần có biện pháp cải thiện để bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xem thêm khái niệm: Bệnh Viêm Họng: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Đối Tượng Mắc Bệnh, Chẩn Đoán Và Điều Trị

Nhận biết tình trạng hôi miệng do viêm mũi dị ứng

Hôi miệng đặc trưng bởi tình trạng hơi thở có mùi. Tùy theo nguyên nhân mà mùi hôi có thể khác biệt. Trường hợp do các bệnh tai mũi họng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, khoang miệng thường có mùi tanh kèm theo hơi thở hôi và nóng.

Các dấu hiệu nhận biết viêm mũi dị ứng gây hôi miệng:

  • Khoang miệng và hơi thở có mùi hôi khó chịu
  • Cổ họng khô, ngứa, đôi khi có cảm giác nhầy do dịch tiết hô hấp chảy từ khoang mũi xuống
  • Dịch từ mũi chảy xuống liên tục dẫn đến tình trạng phải nuốt dịch mũi thường xuyên, kèm theo cảm giác buồn nôn, nghẹn vướng ở cổ họng…
  • Bên cạnh tình trạng hôi miệng, niêm mạc mũi thường rất nhạy cảm và dễ bị hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi liên tục… khi tiếp xúc với không khí lạnh, hóa chất, khói thuốc, nấm mốc, mạt bụi, phấn hoa.

Hôi miệng là một trong những ảnh hưởng thường thấy của bệnh viêm mũi dị ứng. Về lâu dài, căn bệnh này còn kéo theo nhiều vấn đề khác như ù tai, mất ngủ, giảm vị giác, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung.

Cách khắc phục viêm mũi dị ứng gây hôi miệng

Hôi miệng do viêm mũi dị ứng là tình trạng không quá nguy hiểm. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hơi thở có mùi kèm theo nghẹt mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi mãn tính… sẽ gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Nếu đang gặp phải tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách cải thiện sau:

1. Vệ sinh răng miệng đúng cách

Nguyên nhân trực tiếp gây hôi miệng ở những người bị viêm mũi dị ứng là do chất nhầy chảy xuống cổ họng liên tục trong thời gian dài. Chất nhầy ứ đọng sẽ tạo điều kiện để nấm mốc, virus, vi khuẩn thường trú bên trong khoang miệng phát triển mạnh.

viêm mũi dị ứng gây hôi miệng
Vệ sinh răng miệng đúng cách giúp làm sạch khoang miệng và cải thiện tình trạng hơi thở có mùi hữu hiệu

Để làm giảm mùi hôi khó chịu, cần vệ sinh răng miệng đúng cách. Bước này sẽ giúp giảm thiểu vi khuẩn trong khoang miệng, từ đó cải thiện tình trạng hơi thở có mùi. Mặt khác, vệ sinh răng miệng thường xuyên còn hạn chế tình trạng vi khuẩn phát triển gây ra bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản…

Cách vệ sinh răng miệng giúp chữa viêm mũi dị ứng và cải thiện tình trạng hôi miệng:

  • Chải răng 2 – 3 lần/ ngày sau bữa ăn để tránh vi khuẩn phát triển. Khi chải răng, nên chú ý làm sạch những vị trí khuất vì đây là nơi tích tụ nhiều mảng bám và vi khuẩn kỵ khí gây hôi miệng.
  • Sử dụng thêm nước súc miệng chứa chiết xuất bạc hà, đinh hương… để khử khuẩn và giảm tình trạng hơi thở có mùi.
  • Nên súc họng 2 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý để làm loãng chất nhầy từ khoang mũi chảy xuống cổ họng. Đồng thời nên kết hợp với làm sạch mũi – xoang nhằm giảm tiết dịch hô hấp, hạn chế chất nhầy chảy xuống cổ họng.
  • Nếu cần thiết, có thể sử dụng thêm các sản phẩm xịt thơm miệng. Các sản phẩm này sẽ hỗ trợ tạo hơi thở thơm mát, gia tăng sự tự tin khi giao tiếp và gặp gỡ.

2. Áp dụng mẹo trị hôi miệng tại nhà

Ngoài vệ sinh răng miệng đúng cách, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng hôi miệng do viêm mũi dị ứng bằng một số mẹo đơn giản tại nhà. Các mẹo này đều khá dễ thực hiện, nguyên liệu dễ tìm, an toàn và mang lại cải thiện rõ rệt nếu kiên trì áp dụng.

viêm mũi dị ứng gây hôi miệng
Sữa chua có khả năng khử mùi tự nhiên giúp cải thiện tình trạng hôi miệng do viêm mũi dị ứng, viêm xoang…

Các mẹo trị hôi miệng tại nhà giúp cải thiện tình trạng hơi thở có mùi do viêm mũi dị ứng:

  • Bổ sung thực phẩm khử mùi tự nhiên: Hôi miệng thực chất là do sự gia tăng của các vi khuẩn thường trú bên trong khoang miệng. Để cải thiện tình trạng này, có thể bổ sung các loại thực phẩm có khả năng khử mùi tự nhiên như thìa là, gừng, dầu dừa, sữa chua, bạc hà, húng quế… Bổ sung các loại thực phẩm này sẽ giúp cải thiện tình trạng hơi thở có mùi một cách tự nhiên, an toàn.
  • Xông mũi thường xuyên: Khi bị viêm mũi dị ứng, niêm mạc mũi thường tăng tiết chất nhầy gây ứ đọng dẫn đến cảm giác nghẹt mũi, khó chịu. Để loại dịch nhầy và hạn chế tình trạng dịch chảy ngược xuống cổ họng, bạn có thể xông mũi bằng nước hoặc kết hợp thêm với các loại thảo dược như bạc hà, lá trầu không, lá ngải cứu…
  • Kiêng một số loại thực phẩm: Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng hôi miệng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, khi bị viêm mũi dị ứng gây hôi miệng, nên kiêng các loại thực phẩm có mùi mạnh như hành tây, tỏi, hành lá, các loại đồ muối chua, các món ăn chứa nhiều muối, đường…
  • Uống nhiều nước: Nên uống đủ 2 lít nước/ ngày để làm ẩm cổ họng, giảm tình trạng tăng tiết dịch tiết hô hấp. Chỉ với thói quen này, tình trạng hôi miệng cùng với các triệu chứng viêm mũi dị ứng sẽ được cải thiện đáng kể.

Có thể bạn quan tâm: TOP 9 Món Ăn Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Và Những Lưu Ý Dành Cho Bạn

3. Điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng

Hôi miệng không phải là tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, hơi thở có mùi sẽ gây ra tâm lý e ngại, không thoải mái khi giao tiếp. Ngoài vấn đề này, viêm mũi dị ứng còn gây ra không ít phiền toái khác như ù tai, giảm khứu giác, mất ngủ, mệt mỏi, giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Chính vì vậy, dù không đe dọa đến sức khỏe, bạn vẫn nên chủ động điều trị dứt điểm chứng viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng có liên quan đến cơ địa nhạy cảm và môi trường sống ô nhiễm, chất lượng không khí kém. Do đó, điều trị cần phải kết hợp nhiều phương pháp và có biện pháp chăm sóc hợp lý.

viêm mũi dị ứng gây hôi miệng
Để dứt điểm tình trạng viêm mũi dị ứng gây hôi miệng, nên điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Các biện pháp điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng:

  • Sử dụng thuốc (thuốc Tây, thuốc Đông Y, thuốc Nam)
  • Phẫu thuật trong trường hợp polyp mũi, lệch vách ngăn, gai vách ngăn
  • Điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, cấy chỉ…
  • Chăm sóc hợp lý bằng chế độ sinh hoạt điều độ, ăn uống cân bằng, hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng, kích ứng và giữ ấm cơ thể.

Viêm mũi dị ứng tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng cản trở nhiều đến sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, tuyệt đối không nên chủ quan khi gặp phải các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi… Trường hợp gặp phải tình trạng viêm mũi dị ứng gây hôi miệng, bạn có thể áp dụng một số mẹo trên để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài viết tham khảo: