Viêm Xoang Gây Hôi Miệng Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả

Viêm xoang gây hôi miệng do xoang bị nhiễm trùng tiết ra chất nhầy có mùi hôi. Tình trạng tắc nghẽn mũi xoang khiến nhầy chảy xuống phía sau cổ họng dẫn đến hơi thở có mùi hôi.

Nguyên nhân khiến viêm xoang gây hôi miệng

Các xoang là những khoảng trống nhỏ trong mũi, chứa đầy không khí. Chúng nằm sau xương gò má và trán. Khi bị nhiễm trùng xoang, niêm mạc lót trong xoang sưng tấy, ngăn cản chất lỏng (dịch hô hấp) chảy xuống mũi và họng đúng cách. Điều này khiến chất lỏng ứ đọng trong xoang, tăng nhiễm trùng và tạo áp lực lên những vùng xung quanh.

Viêm xoang thường do dị ứng và tiếp xúc vi trùng (vi khuẩn, virus hoặc nấm). Ngoài ra những người có hệ thống miễn dịch suy yếu, cảm lạnh trước đó và hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hơn.

Viêm xoang gây hôi miệng
Xoang bị nhiễm trùng tiết ra chất nhầy có mùi hôi, chảy xuống họng dẫn đến hôi miệng

Hôi miệng là một trong những triệu chứng thường gặp của viêm xoang. Trong giai đoạn nhiễm trùng, chất nhầy tiết ra nhiều hơn và có mùi hôi. Khi chảy xuống phía sau cổ họng, dịch nhầy sẽ khiến hơi thở có mùi hôi.

Ngoài ra khi bị nhiễm trùng xoang, vi khuẩn phát triển và bị mắc kẹt trong những hốc mũi. Điều này tạo ra mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến giao tiếp.

Tham khảo thêm: Viêm Xoang Mũi Có Mùi Hôi: Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Giải Pháp Chữa Trị

Nhận biết viêm xoang gây hôi miệng

Có nhiều nguyên nhân gây hôi miệng. Chẳng hạn như vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, khô miệng, bệnh nướu răng… Ở những trường hợp bị viêm xoang, người bệnh có thể ngửi thấy mùi hôi ở hơi thở từ miệng và hơi thở từ mũi.

Mùi hôi do viêm xoang thường nồng nặc và kéo dài. Việc vệ sinh răng miệng chỉ có tác dụng loại bỏ mùi hôi tạm thời.

Ngoài hôi miệng, người bệnh còn có những triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi
  • Dịch mũi đặc, có màu vàng hoặc xanh, mùi hôi khó chịu
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu
  • Có cảm giác nặng ở mặt hoặc đau mặt
  • Chảy dịch mũi sau
  • Giảm hoặc mất vị giác và khứu giác
  • Sốt
  • Chóng mặt.

Viêm xoang gây hôi miệng có sao không?

Về cơ bản, chứng hôi miệng do viêm xoang không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên mùi hôi nồng nạc ảnh hưởng đến giao tiếp, người bệnh khó chịu và tự ti. Điều này có thể gây lo lắng kéo dài và tăng nguy cơ trầm cảm ở một số người.

Hôi miệng do viêm xoang gây khó chịu, ảnh hưởng đến giao tiếp
Hôi miệng do viêm xoang gây khó chịu, ảnh hưởng đến giao tiếp và tâm trạng của người bệnh

Mặt khác, hôi miệng có thể là một dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng xoang nghiêm trọng hoặc kéo dài. Khi không được điều trị, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Viêm xoang mãn tính
  • Biến chứng ở mắt: Viêm mắt, viêm túi lệ, áp xe mí mắt, viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, giảm thị lực
  • Biến chứng nội sọ: Viêm màng não, áp xe não, viêm não, não úng thủy
  • Biến chứng ở tai: Thủng màng nhĩ, viêm tai giữa, điếc tai
  • Nhiễm trùng huyết
  • Viêm họng mãn tính
  • Lệch vách ngăn mũi

Đọc thêm: Viêm Xoang Gây Mất Khứu Giác Và Cách Điều Trị Hiệu Quả Nhất

Điều trị viêm xoang gây hôi miệng

Để điều trị viêm xoang gây hôi miệng, người bệnh cần khắc phục nguyên nhân và khử mùi hôi miệng. Những phương pháp thường được áp dụng:

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Đối với viêm xoang gây hôi miệng, những biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm mùi hôi cho hơi thở. Bao gồm:

  • Vệ sinh răng miệng tốt

Đánh răng 2 lần mỗi ngày (sáng, tối), kết hợp dùng nước súc miệng có thể giảm mùi hôi miệng, ngăn ngừa sâu răng và ngăn vi khuẩn phát triển.

Ở những người bị viêm xoang, vi khuẩn có thể tích tụ trên lưỡi và làm tăng thêm mùi hôi. Để loại bỏ mùi hôi, người bệnh có thể áp dụng biện pháp cạo lưỡi.

  • Rửa sạch bằng nước muối ấm

Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối loãng và ấm là cách tự nhiên giúp giảm hôi miệng hiệu quả. Nước muối có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm nhiễm, làm loãng dịch nhầy. Nhờ vậy mà việc sử dụng có thể giúp ngăn vi khuẩn tích tụ và loại bỏ chất nhầy có mùi hôi.

Ngoài ra nước muối còn có tác dụng giảm đau, tăng tốc độ chữa lành niêm mạc và khử mùi hôi khó chịu. Khi thực hiện, hãy dùng nước muối ấm, loãng, có nồng độ 9%.

Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối loãng và ấm
Súc miệng và rửa mũi bằng nước muối loãng và ấm để ngăn vi khuẩn tích tụ và loại bỏ chất nhầy có mùi hôi
  • Tăng cường chất lỏng

Uống nhiều nước hơn để làm loãng dịch nhầy, tăng khả năng đào thải chất lỏng ứ động và ngăn khô miệng. Điều này có thể giúp giảm viêm xoang gây hôi miệng.

Ngoài ra nước bọt sẽ giữ cho miệng sạch sẽ, ngăn sự phát triển của những loại vi khuẩn có mùi.

Có thể bạn quan tâm: Bị Viêm Xoang Nên Uống Nước Gì? TOP 16 Loại Thức Uống Tốt Nhất

  • Nhai kẹo cao su

Khô miệng làm tăng mức độ nhiễm trùng và hôi miệng do viêm xoang. Việc nhai kẹo cao su sẽ giúp kích thích sản xuất nước bọt, làm sạch miệng, loại bỏ những mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn có mùi hôi.

  • Nhai đinh hương

Đinh hương có mùi thơm nồng và các hoạt chất kháng khuẩn. Ngậm hoặc nhai một vài nhánh đinh hương có thể giúp chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng và giúp hơi thở thơm tho ngay lập tức.

Lưu ý: Không dùng bột hoặc dầu đinh hương vì có thể gây ra tình trạng bỏng.

  • Giấm táo

Hòa giấm táo vào một cốc nước. Dùng dung dịch này để súc miệng và đảo quanh miệng trong 30 giây, sau đó nhổ ra. Giấm táo có thể giúp khử mùi hôi, loại bỏ vi khuẩn và làm sạch khoang miệng.

Súc miệng với giấm táo để khử mùi hôi
Súc miệng với giấm táo để khử mùi hôi, làm sạch khoang miệng, giảm viêm nhiễm
  • Tinh dầu tràm trà

Khi đánh răng, thoa một vài giọt tinh dầu tràm trà lên kem đánh răng, sau đó đánh răng như bình thường. Hoặc trộn một vài giọt tinh dầu tràm trà trong nước ấm, dùng dung dịch này để súc miệng.

Tinh dầu tràm trà có đặc tính sát trùng, khử mùi hôi. Việc sử dụng đúng cách sẽ giúp ngăn vi khuẩn phát triển, giảm chứng viêm xoang gây hôi miệng.

  •  Chanh + mật ong+ quế + baking soda

Lần lượt trộn 1/2 muỗng canh quế, nước ép của 2 quả chanh, 1/2 muỗng cà phê baking soda, 1,5 muỗng cà phê mật ong trong một cốc nước ấm. Dùng dung dịch này để súc miệng 1 – 2 lần mỗi ngày.

Việc kết hợp chanh, mật ong, quế, baking soda sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn, giảm nhiễm trùng và giảm mùi hôi miệng (hiệu quả được giữ tối đa 2 tuần).

2. Điều trị y tế

Viêm xoang gây hôi miệng có thể được khắc phục hoàn toàn khi can thiệp y tế. Dựa trên mức độ nghiêm trọng, người bệnh được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

+ Thuốc

Các thuốc trị viêm xoang được sử dụng để điều trị nhiễm trùng và khắc phục chứng hôi miệng. Đơn thuốc có thể bao gồm những loại thuốc sau:

Dùng các thuốc điều trị viêm xoang để khắc phục viêm nhiễm và giảm mùi hôi miệng
Dùng các thuốc điều trị viêm xoang để khắc phục viêm nhiễm và giảm mùi hôi miệng
  • Kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng khi nhiễm trùng xoang liên quan đến vi khuẩn.
  • Thuốc chống nấm: Thuốc chống nấm được dùng nếu viêm xoang do nấm. Tương tự như vi khuẩn, nhiễm trùng do nấm cũng gây mùi hôi khó chịu, đe dọa đến tính mạng nếu không được chữa sớm.
  • Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: Corticosteroid được đưa trực tiếp vào mũi xoang thông qua thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi. Đây là thuốc chống viêm mạnh, có tác dụng điều trị viêm xoang cấp và mãn tính. Đồng thời giúp giảm viêm xoang gây hôi miệng và giảm đau nhanh chóng.
  • Thuốc chống dị ứng: Người bệnh được dùng thuốc kháng histamin để điều trị dị ứng, viêm xoang gây hôi miệng kéo dài. Thuốc có tác dụng giảm hoạt tính của histamin trên dây thần kinh. Từ đó hạn chế những phản ứng do thụ thể này gây ra như sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi…
  • Thuốc thông mũi: Một loại thuốc thông mũi sẽ được sử dụng để giảm ứ đọng chất nhầy trong hốc xoang, giảm nghẹt mũi.
  • Thuốc ức chế Leukotriene: Nhóm thuốc này được dùng để giảm viêm nhiễm và đau nhức. Đồng thời giúp ức chế tăng sinh Leukotriene, hạn chế tái phát viêm xoang.
  • Thuốc co mạch: Bệnh nhân thường được chỉ định thuốc co mạch để giảm phù nề, chống viêm và giảm tình trạng sưng tấy. Thuốc này cũng giúp tăng khả năng lưu thông dịch hô hấp, giảm ứ đọng trong xoang, hạn chế hôi miệng và viêm xoang gây nghẹt mũi khó thở.

+ Can thiệp phẫu thuật

Những trường hợp sẽ được phẫu thuật gồm:

  • Viêm xoang mãn tính, dùng thuốc không có hiệu quả
  • Có polyp hoặc ung thư mũi xoang

Trong khi phẫu thuật, bác sĩ tiến hành dẫn lưu chất nhầy đặc và có mùi hôi, cắt bỏ khối u hoặc ổ viêm nhiễm và những mô không thể phục hồi.

Tìm hiểu thêm: Mổ Nội Soi Viêm Xoang Là Gì? Quy Trình Và Chi Phí Thực Hiện

Phòng ngừa viêm xoang gây hôi miệng

Những cách dưới đây có thể giúp ngăn ngừa hôi miệng khi bị viêm xoang:

Sớm khám và điều trị bệnh viêm xoang
Sớm khám và điều trị bệnh viêm xoang để ngăn nhiễm trùng dai dẳng tạo ra dịch nhầy có mùi hôi
  • Sớm khám và điều trị bệnh viêm xoang theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Chải răng 2 lần mỗi ngày, vệ sinh răng miệng sạch sẽ sau khi ăn xong.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày. Điều này giúp làm loãng và giải phóng dịch nhầy ứ đọng, ngăn chặn giải phóng khí hôi trong khoang miệng.
  • Ngừng hút thuốc lá. Thuốc lá có thể làm tăng mức độ hôi miệng do viêm xoang.
  • Hạn chế thức uống chứa caffein và cồn để tránh gây khô miệng, mất nước và miệng hôi.
  • Hạn chế ăn những loại thực phẩm có mùi khó chịu. Thay vào đó nên ăn nhiều trái cây và rau xanh để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng và giúp chống lại bệnh tật.
  • Thường xuyên súc miệng và rửa mũi với nước muối sinh lý. Biện pháp này có thể giúp giảm viêm, giảm nhiễm trùng và đau nhức. Đồng thời hạn chế viêm xoang gây hôi miệng.

Viêm xoang gây hôi miệng là một tình trạng thường gặp, xảy ra do nhiễm trùng làm tăng tiết dịch nhầy có mùi hôi, chảy xuống cổ họng. Tình trạng này được điều trị khi dùng thuốc và áp dụng các biện pháp loại bỏ mùi hôi.

Tham khảo thêm: