Dùng thuốc đau thượng vị dạ dày mang lại hiệu quả nhanh, dễ sử dụng và tiện lợi. Tùy theo mức độ cơn đau và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc, thuốc ức chế bơm proton (PPI),… Đau thượng vị uống thuốc gì? Để hiểu rõ về các loại thuốc, bạn đọc hãy theo dõi bài viết được chia sẻ dưới đây.
Khi nào sử dụng thuốc đau thượng vị dạ dày?
Đau thượng vị là tình trạng những cơn đau khởi phát ở vùng bụng phía trên rốn. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề về đường tiêu hóa như khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, ăn quá no,… Tuy nhiên trong một số trường hợp đây có thể là biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày hay hội chứng Zollinger-Ellison,…
Thông thường nếu như đau thượng vị do khó tiêu, chế độ ăn uống không điều độ hay rối loạn tiêu hóa có thể tự hết sau một vài tiếng nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống. Tuy nhiên nếu đau thượng vị do bệnh lý, triệu chứng này sẽ không tự thuyên giảm, ngược lại nó có thể tiến triển xấu thành mãn tính, dai dẳng và khó điều trị.
Lúc này việc sử dụng thuốc chữa các cơn đau thượng vị chỉ được chỉ định khi triệu chứng đau thượng vị dạ dày khởi phát do một số vấn đề sức khỏe như: Khó tiêu chức năng, viêm loét thực quản, trào ngược dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày tá tràng. Với những trường hợp khởi phát cơn đau do nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ khám và chỉ định phương pháp điều trị riêng mà không dùng thuốc.
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị đau thượng vị phụ thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Vì thế khi uống thuốc, bạn cần thăm khám và xác định bệnh lý rõ ràng, tránh tự ý dùng thuốc khi không rõ nguyên nhân.
Nên biết thêm: Đau Thượng Vị Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Nhanh Khỏi Bệnh? Giải Đáp Chi Tiết
Đau thượng vị uống thuốc gì? Top các thuốc chữa bệnh hiệu quả nhất
Đau thượng vị dạ dày là triệu chứng tiêu hóa khá phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành. Tình trạng này đề cập đến cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị – vùng bụng nằm dưới xương ức, trên rốn và giữa hai xương sườn. Đau thượng vị có thể xảy ra do thói quen ăn uống, sinh hoạt, tác dụng phụ của thuốc hoặc cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý tiêu hóa.
Đau vùng thượng vị gây ra cảm giác khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ăn uống, giấc ngủ và chất lượng cuộc sống. Do đó, việc kiểm soát triệu chứng này là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Trên thực tế, có rất nhiều biện pháp được áp dụng để giảm đau vùng thượng vị như dùng thuốc, điều chỉnh lối sống, phẫu thuật,… Trong đó, sử dụng thuốc được nhiều bệnh nhân lựa chọn vì có cho hiệu quả nhanh và dễ sử dụng.
Dưới đây là một số nhóm thuốc được dùng để chữa đau vùng thượng vị dạ dày:
1. Thuốc kháng axit (antacid)
Thuốc kháng axit (thuốc trung hòa axit dạ dày) là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị đau thượng vị. Nhóm thuốc này được bào chế ở nhiều dạng như viên uống, viên nhai, dạng sữa, siro,… Thuốc có tác dụng trung hòa nhanh dịch vị dạ dày (giảm độ pH bên trong dạ dày), từ đó làm giảm tác động của pepsin và HCl lên niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng.
Như đã biết, dịch vị dạ dày có độ pH dao động từ 1.5 – 2.5 để có thể làm mềm và tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi dịch vị tăng tiết quá mức, một lượng axit có thể kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến đau vùng thượng vị kèm theo nóng rát, cồn cào, đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng và ợ chua. Với cơ chế trung hòa dịch vị, nhóm thuốc này có khả năng giảm nhanh cơn đau ở vùng thượng vị và một số triệu chứng đi kèm.
Thuốc kháng axit được sử dụng để điều trị đau vùng thượng vị do nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng quá mức, do dùng rượu bia, thức ăn cay nóng, nhiều gia vị. Ngoài ra, thuốc cũng có tác dụng giảm đau và cải thiện các triệu chứng do viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản và các bệnh lý gây tăng tiết dịch vị.
Cách dùng thuốc:
- Dùng trước khi ăn hoặc sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ
- Thuốc làm tăng độ pH của dịch vị nên ảnh hưởng đến sinh khả dụng của một số loại thuốc khác. Để tránh tương tác, nên dùng cách nhau khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ
Thuốc kháng axit là nhóm thuốc điều trị đau thượng vị được sử dụng rất phổ biến và có thể dùng mà không cần kê toa. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, chỉ sử dụng thuốc trong thời gian ngắn (khoảng 3 – 7 ngày). Lạm dụng thuốc quá mức có thể gây tích lũy nhôm, magie trong máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
2. Đau thượng vị uống thuốc gì? Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có thể được dùng trong một số trường hợp đau thượng vị dạ dày. Nhóm thuốc này cũng có tác dụng trung hòa dịch vị nhưng hiệu quả kém và không rõ rệt bằng antacid. Tác dụng chính của thuốc là kết hợp với màng nhầy bên trong dạ dày nhằm tạo ra hàng rào vững chắc giúp bảo vệ niêm mạc khỏi tác động của dịch vị và chất kích thích có trong thức uống, thực phẩm.
Thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc – đặc biệt là với ổ viêm loét ở dạ dày, từ đó làm giảm cơn đau và một số triệu chứng đi kèm như buồn nôn, nôn mửa, nóng rát và cồn cào ở vùng thượng vị. Hiện tại, nhóm thuốc này được sử dụng phổ biến trong trường hợp bị đau thượng vị dạ dày do dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản.
Đa phần các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày đều cho hiệu quả tại chỗ nên ít gây ra tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc ngắn hạn nếu không có chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày được sử dụng phổ biến bao gồm Misoprostol, Bismuth và Sucralfate.
Có thể bạn cần: Có nên xoa bóp bấm huyệt chữa đau thượng vị?
3. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý ở dạ dày, thực quản và tá tràng. Nhóm thuốc này có tác dụng chính là giảm bài tiết dịch vị dạ dày thông qua cơ chế ức chế bơm proton. Hiện tại, PPI là nhóm thuốc giảm tiết dịch vị cho hiệu quả kéo dài và mạnh nhất. Do đó, nhóm thuốc này thường được ưu tiên dùng trong điều trị các bệnh dạ dày có gây tổn thương thực thể (viêm, loét) nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp niêm mạc phục hồi và tái tạo.
Thuốc ức chế bơm proton được dùng để giảm đau vùng thượng vị trong trường hợp viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản, hội chứng Zollinger-Ellison hoặc tăng tiết dịch vị do stress,… Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được dùng phối hợp với kháng sinh trong điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp). Thuốc được dùng trước bữa ăn từ 30 – 60 phút.
Mặc dù mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau và làm lành ổ viêm, loét nhưng thuốc ức chế bơm proton có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột (do cơ chế giảm bài tiết dịch vị). Ngoài tác dụng tiêu hóa thức ăn, dịch vị còn giúp tiêu diệt virus, nấm và các loại ký sinh trùng. Khi dịch vị giảm sản xuất, các tác nhân nhiễm trùng có thể sống sót, sau đó di chuyển xuống đường ruột và gây viêm nhiễm cơ quan này.
Các loại thuốc ức chế bơm proton được sử dụng phổ biến bao gồm Pantoprazole, Omeprazole, Esomeprazole, Rabeprazole và Lansoprazol. Nhóm thuốc này gây ra không ít tác dụng phụ trong thời gian sử dụng nên cần tham vấn y khoa trước khi dùng.
4. Thuốc kháng histamine H2
Thuốc kháng histamine H2 là một trong những nhóm thuốc được sử dụng để điều trị đau thượng vị dạ dày. Tương tự như thuốc ức chế bơm proton (PPI), nhóm thuốc này cũng có tác dụng giảm bài tiết dịch vị nhưng hiệu quả kém và tác dụng ngắn hơn. Tuy nhiên, thuốc kháng histamine H2 có hiệu quả tốt hơn PPI trong việc giảm tiết axit vào ban đêm nên thường được dùng để giảm đau thượng vị về đêm.
Cơ chế của thuốc là đối kháng có chọn lọc với histamine ở thụ thể H2 của tế bào thành. Nhờ vậy có thể ức chế được 70% hoạt động bài tiết dịch vị dạ dày trong vòng 24 giờ. Nhóm thuốc này được dùng để chữa đau thượng vị dạ dày do loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản và stress. Ngoài ra, thuốc kháng histamine H2 còn có hiệu quả phòng ngừa xuất huyết dạ dày do viêm dạ dày có liên quan đến stress.
Các loại thuốc kháng histamine H2 được dùng phổ biến bao gồm Cimetidine, Rantidine, Famotidon, Nizitidine,… Trong thời gian sử dụng, nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, táo bón và tăng tiết hormone prolactin không do sinh nở (biểu hiện là tiết sữa ở nữ giới và chứng vú to ở nam giới).
Tham khảo thêm thông tin: Top 15+ Thuốc Trị Đau Dạ Dày Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay
5. Thuốc tăng nhu động dạ dày – ruột (Prokinetic)
Thuốc tăng nhu động dạ dày – ruột (Prokinetic) bao gồm Domperidone, Metoclopramide, Mosapride,… Nhóm thuốc này thường được dùng trong điều trị đau thượng vị do trào ngược dạ dày thực quản. Thuốc có tác dụng tăng cường cơ thắt của tâm vị, môn vị và rút ngắn thời gian tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Qua đó hỗ trợ làm giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới và ngăn hiện tượng dịch vị trào ngược.
Với tác dụng ngăn trào ngược, thuốc tăng nhu động dạ dày – ruột có thể phòng ngừa cơn đau ở vùng thượng vị, triệu chứng trớ thức ăn, ợ nóng, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn và nôn mửa. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để giảm chứng nôn mửa ở người mắc hội chứng Mallory Weiss. Tuy nhiên, nhóm thuốc này không được dùng cho người bị động kinh, chảy máu dạ dày, đường ruột, người bị u tế bào ưa crom và người bị tắc ruột cơ học.
Đừng bỏ qua: Những lưu ý khi giảm đau thượng vị nhanh nhất
6. Thuốc giảm đau chống co thắt – đau thượng vị uống thuốc gì?
Thuốc giảm đau chống co thắt (Trimebutin, Spasmaverin,…) được dùng để cải thiện cơn đau ở vùng thượng vị do thực quản và dạ dày co thắt quá mức. Thuốc được dùng phổ biến trong điều trị đau thượng vị và các triệu chứng do viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng để điều trị triệu chứng đau do rối loạn chức năng đường mật và tiêu hóa.
Thuốc giảm đau chống co thắt tương đối an toàn ở liều điều trị nên được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc cho người bị liệt dạ dày, liệt ruột, phụ nữ mang thai và cho con bú. Trong thời gian sử dụng, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như nhức đầu, tiêu chảy, táo bón và khô miệng.
7. Thuốc kháng dopamin cải thiện cơn đau vùng thượng vị
Thuốc kháng dopamine (thuốc kháng thụ thể D2) thường được chỉ định khi đau thượng vị như Butyrophenol, Promethazin, Domperidon, Metoclopramid,… Thuốc có tác dụng giảm nhanh các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, đau thượng vị sau khi ăn.
Thuốc dopamine hoạt động bằng cách đối kháng với dopamine nhằm tăng trương lực cơ thắt tâm vị, đồng thời kích thích nhu động ruột, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Nhờ vậy người bệnh sẽ nhanh chóng cải thiện các cơn đau vùng thượng vị.
Thuốc kháng thụ thể D2 thường được bác sĩ chỉ định điều trị đau thượng vị do trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Với khả năng rút ngắn thời gian làm rỗng dạ dày, thuốc có thể giảm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, từ đó hạn chế trào ngược, nôn trớ thức ăn.
Thuốc kháng dopamine thường ít gây ra tác dụng phụ trong thời gian sử dụng. Tuy nhiên nếu người bệnh sử dụng liên tục trong thời gian dài với liều cao, thuốc có thể gây mất kinh, ngực to ra, rối loạn kinh nguyệt, chảy sữa, tăng prolactin huyết thanh.
Vì thế hiện nay nhóm thuốc này thường được chỉ định dùng với liều thấp trong một thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm: Top 6 Thuốc Dạ Dày Hàn Quốc Được Đánh Giá Cao Nhất
8. Các loại thuốc khác
Ngoài những loại thuốc kể trên, bệnh nhân bị đau thượng vị dạ dày cũng có thể được chỉ định thêm một số loại thuốc khác như:
- Thuốc ức chế GABA (Baclofen): Được dùng trong điều trị đau thượng vị do trào ngược dạ dày thực quản. Nhóm thuốc này có tác dụng phong bế dây thần kinh điều khiển cơ vòng thực quản dưới. Thuốc có thể ngăn hiện tượng giãn cơ vòng thực quản dưới, từ đó phòng ngừa chứng trào ngược và các triệu chứng khó chịu như đau thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, ợ nóng,…
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng khi đau thượng vị dạ dày xảy ra do nhiễm vi khuẩn Hp. Phác đồ tiệt trừ vi khuẩn thường phối hợp giữa 2 loại kháng sinh với 1 loại thuốc ức chế tiết dịch vị (thường là thuốc ức chế bơm proton). Kháng sinh được chỉ định trong 10 – 14 ngày tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
- Thuốc ức chế thần kinh X (Atropin): Thuốc có tác dụng ức chế dây thần kinh X (Dây thần kinh phế vị). Dây thần kinh này có chức năng điều khiển hoạt động co bóp ống tiêu hóa và bài tiết dịch vị của dạ dày. Với khả năng ức chế dây thần kinh X, thuốc có thể giảm đau thượng vị và các triệu chứng đi kèm do hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày tá tràng,… Chống chỉ định thuốc cho người bị phì đại tuyến tiền liệt và bệnh nhân đã gặp phải biến chứng hẹp môn vị.
- Một số loại thuốc khác: Tùy theo nguyên nhân gây đau thượng vị dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác như thuốc an thần, vitamin A, C, U, thuốc ức chế tiết gastrin,…
Tư vấn từ chuyên gia: 5+ Phác Đồ Thuốc Điều Trị Vi Khuẩn Hp Theo Bộ Y Tế 2023
Lưu ý khi dùng thuốc đau thượng vị dạ dày
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị đau thượng vị dạ dày được áp dụng phổ biến. Ngoài tác dụng giảm cơn đau, thuốc còn giúp kiểm soát các triệu chứng đi kèm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi tổn thương thực thể ở thực quản, dạ dày và tá tràng.
Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi dùng thuốc, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng thuốc. Tránh tự ý sử dụng khi chưa tham vấn y khoa. Bởi tình trạng này có thể khiến quá trình điều trị bị gián đoán hoặc thậm chí gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
- Nếu không có toa của bác sĩ, chỉ sử dụng thuốc trong thời gian ngắn. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc quá mức.
- Chủ động thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe, các bệnh lý đi kèm, tiền sử dị ứng thuốc, lịch sử dùng thuốc và các vấn đề có liên quan để được cân nhắc sử dụng loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế nếu có ý định phối hợp nhiều loại thuốc với nhau – kể cả TPCN, thuốc nam và thuốc Đông y.
- Dùng thuốc theo đúng liều lượng và tần suất được chỉ định. Nếu không nhận thấy cải thiện, nên thông báo với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều. Không tự ý tăng hoặc giảm liều khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường trong thời gian dùng thuốc.
- Ngoài sử dụng thuốc, bệnh nhân cần điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học để ổn định chức năng tiêu hóa. Từ đó giúp kiểm soát và điều trị triệt để tình trạng đau vùng thượng vị dạ dày.
Trên đây là những thông tin về các loại thuốc đau thượng vị dạ dày hiệu quả và an toàn. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về các loại thuốc được sử dụng phổ biến và chú ý một số vấn đề quan trọng trong thời gian điều trị. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng trao đổi trực tiếp với dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa.
Tin tức liên quan:
- Đau vùng thượng vị khó thở là bị gì?
- Đau tức thượng vị lan ra sau lưng điều trị như thế nào?