Xoa bóp bấm huyệt là mẹo chữa đau thượng vị có nguồn gốc từ y học cổ truyền. Nếu thực hiện đều đặn và đúng cách, biện pháp này có thể giảm nhẹ mức độ cơn đau và hỗ trợ cải thiện một số triệu chứng đi kèm như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu,…
Có nên xoa bóp bấm huyệt chữa đau thượng vị?
Đau thượng vị là triệu chứng khá phổ biến ở người trưởng thành, thường xảy ra do dạ dày tăng tiết axit và co bóp quá mức. Đây là dấu hiệu điển hình của các vấn đề ở dạ dày như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng Zolliner-Ellison, viêm dạ dày cấp tính – mãn tính,… Ngoài ra, đau vùng thượng vị cũng có thể xảy ra do thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học.
Có khá nhiều phương pháp được áp dụng để cải thiện tình trạng đau vùng thượng vị. Trong đó, xoa bóp bấm huyệt là mẹo đơn giản được nhiều bệnh nhân áp dụng. Đây là liệu pháp điều trị có nguồn gốc từ y học cổ truyền đã được khoa học công nhận và ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt giúp tăng lưu thông khí huyết, giải phóng khí trệ, tán phong hàn và điều hòa công năng của các tạng phủ. Theo thời gian, tình trạng đau ở vùng thượng vị và các triệu chứng do rối loạn chức năng tỳ vị (chức năng của dạ dày và lá lách) sẽ giảm đi đáng kể.
Hiện tại, xoa bóp bấm huyệt đã được nghiên cứu trên phương diện khoa học. Khoa học công nhận tác động cơ học từ liệu pháp này có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, thư giãn cơ trơn dạ dày và điều hòa nhu động của các cơ quan tiêu hóa khác. Ngoài ra, xoa bóp bấm huyệt thường xuyên còn giúp ổn định hoạt động sản xuất dịch vị và hỗ trợ làm giảm tác động của axit dạ dày lên vùng niêm mạc bị tổn thương.
Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp điều trị an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Bên cạnh sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống, bệnh nhân cũng có thể áp dụng phương pháp này để tăng cường hoạt động tiêu hóa và hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng đau vùng thượng vị.
Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa đau thượng vị
Xoa bóp bấm huyệt là liệu pháp sử dụng bàn tay, ngón tay để tạo ra lực nhằm tác động đến cơ quan tổn thương và các huyệt vị có liên quan. Đây là phương pháp điều trị đơn giản nên bệnh nhân có thể áp dụng tại nhà để giảm nhẹ cơn đau mỗi khi triệu chứng bùng phát.
1. Hướng dẫn xoa bóp giảm đau vùng thượng vị
Trước khi bấm huyệt, bệnh nhân nên thực hiện các kỹ thuật xoa bóp để làm nóng vùng bụng và thư giãn cơ trơn của dạ dày. Xoa bóp có cách thực hiện dễ hơn so với bấm huyệt nên bất cứ ai cũng có thể áp dụng.
Cách xoa bóp giảm đau vùng thượng vị:
- Xoa vuốt vùng bụng: Đặt chồng hai tay lên nhau lên rốn rồi xoay theo chiều kim đồng hồ, khi đến vùng bàng quang thì giảm lực để tránh kích thích hoạt động tiểu tiện. Thực hiện liên tục từ 10 – 15 lần, sau đó đổi chiều. Thủ thuật này có tác dụng điều hòa và thư giãn đường ruột.
- Bóp nắn cơ bụng: Sau khi xoa vuốt, nên dùng hai tay bóp phần cơ bụng và nâng lên một cách nhẹ nhàng. Thực hiện liên tục trong vòng 1 – 2 phút để tăng tuần hoàn máu đến dạ dày, đường ruột và các cơ quan tiêu hóa khác.
- Nhào cơ vùng bụng: Dùng hai tay nhào cơ vùng bụng một cách nhẹ nhàng để tác động sâu hơn đến các cơ quan tiêu hóa. Kỹ thuật này giúp thúc đẩy chức năng tiêu hóa và làm giảm áp lực lên dạ dày.
- Rung cơ: Đặt hai lòng bàn tay vào bụng ở vùng rốn, sau đó rung nhẹ với tần số nhanh để kích hoạt và điều hòa chức năng của tất cả các cơ quan ở ổ bụng.
- Lắc bụng: Đặt tay vào giữa bụng và lắc sang trái – phải để kích thích cơ bụng. Sau đó, cho chân duỗi thẳng và nắm cổ chân lắc mạnh để làm rung gián tiếp cơ bụng. Kỹ thuật này tác động toàn diện đến chức năng tiêu hóa và hoạt động đào thải phân của đại tràng.
Xem ngay: Đau bụng vùng thượng vị kèm tiêu chảy là bị gì và cách điều trị
2. Bấm huyệt chữa đau thượng vị
Sau khi xoa bóp vùng bụng, nên tiến hành bấm huyệt để giảm cơn đau thượng vị triệt để. Các huyệt vị có khả năng cải thiện cơn đau ở vùng bụng trên bao gồm:
- Huyệt Trung quản: Huyệt Trung quản là huyệt vị nằm ở vùng bụng, xác định bằng cách đo thẳng từ rốn lên trên 4 thốn hoặc lấy điểm giao giữa đường ngang của hai bờ sườn và đoạn thẳng từ rốn kéo lên. Huyệt vị này có tác dụng điều thăng giáng, lý trung tiêu, hòa vị khí và hóa thấp trệ nên thường được dùng để chữa chứng đau thượng vị, tiêu chảy, bụng đầy trướng và ăn uống không tiêu.
- Huyệt Quan nguyên: Huyệt Quan nguyên là huyệt nằm bên dưới rốn 3 tấc. Bấm huyệt vị này có tác dụng chữa các chứng tiêu hóa, tiểu tiện và các chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ, nam giới. Khi bấm, nên dùng lực vừa phải vì đây là một trong những huyệt vị nhạy cảm, dễ bị tổn thương.
- Huyệt Thiên xu: Huyệt Thiên xu là huyệt nằm cách rốn 2 thốn đo ngang. Huyệt có tác dụng tiêu trệ, lý khí, hóa thấp và sơ điều đại trường. Huyệt vị này thường được dùng để điều trị đau thượng vị và các chứng bệnh ở đường ruột như nhiễm ký sinh trùng, viêm ruột thừa, tiêu chảy, táo bón, viêm đại tràng cấp, mãn tính,…
- Huyệt Khí hải: Huyệt Khí Hải nằm dưới vùng rốn 1.5 thốn đo thẳng. Huyệt có tác dụng ích nguyên, điều khí, hòa vinh huyết, khử thấp trọc, ôn hạ tiêu và lý kinh đới. Bấm huyệt Khí hải có tác dụng giảm cơn đau ở vùng thượng vị, vùng bụng giữa và bụng dưới. Đồng thời hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt và hoạt động của các cơ quan tiết niệu.
- Huyệt Trung cực: Huyệt Trung cực nằm ở giữa rốn và xương mu. Bấm huyệt vị này có tác dụng lý hạ tiêu, trợ khí hóa, lợi bàng quang, ôn tinh cung và lợi thấp nhiệt. Bấm huyệt từ 30 – 60 giây có tác dụng giảm nhanh cơn đau ở vùng thượng vị và hỗ trợ cải thiện các chứng bệnh liên quan đến tiết niệu, sinh dục.
Sau khi bấm huyệt, nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải để điều hòa chức năng của các tạng phủ. Quá trình xoa bóp bấm huyệt chữa đau thượng vị thường kéo dài từ 20 – 30 phút tùy theo tốc độ thực hiện.
Có thể bạn cần: 13 Cách Giảm Cơn Đau Thượng Vị Nhanh Chóng, An Toàn 2023
Lưu ý khi chữa đau thượng vị bằng xoa bóp bấm huyệt
Chữa đau thượng vị bằng xoa bóp bấm huyệt là phương pháp an toàn và dễ thực hiện. Biện pháp này có thể giảm nhẹ phần nào cơn đau ở vùng thượng vị cùng với một số triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Để đạt hiệu quả tối ưu, nên trao đổi với thầy thuốc để được hướng dẫn cụ thể cách xoa bóp, bấm huyệt và xác định đúng huyệt vị. Thực tế, tác động sai huyệt vị không chỉ làm giảm hiệu quả mà còn gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
- Cách chữa đau thượng vị bằng xoa bóp bấm huyệt chỉ là phương pháp hỗ trợ. Vì vậy, bệnh nhân nên kết hợp với sử dụng thuốc, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt để đạt kết quả tốt nhất. Phụ thuộc hoàn toàn vào mẹo chữa này có thể khiến bệnh tiến triển nặng và phải can thiệp các phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật).
- Khi xoa bóp bấm huyệt, cần tắm rửa sạch sẽ, để cơ thể khô thoáng và yêu cầu người thực hiện cắt ngắn móng tay để hạn chế tình trạng đau, bầm tím và chảy máu.
- Phụ nữ mang thai, người bị cao huyết áp, huyết áp thấp, rối loạn thần kinh, stress, trầm cảm,… nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt.
- Không bấm huyệt khi bụng quá đói, quá no hoặc khi tâm lý không ổn định, bị kích động quá mức.
- Xoa bóp bấm huyệt là phương pháp tận dụng kích thích cơ học để giảm đau vùng thượng vị và một số triệu chứng đi kèm nên hiệu quả thường hạn chế hơn so với sử dụng thuốc. Do đó, bệnh nhân nên thực hiện đều đặn để nhận thấy chuyển biến tích cực.
- Bên cạnh xoa bóp bấm huyệt, bệnh nhân cũng có thể áp dụng một số mẹo chữa tại nhà khác như chườm ấm, dùng trà thảo mộc, nghỉ ngơi, tập thể dục,…
- Ngưng thực hiện xoa bóp bấm huyệt nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như choáng váng, đau đầu, mệt mỏi,… Nếu cần thiết, nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và xử trí.
- Không thực hiện bấm huyệt chữa đau thượng vị trong trường hợp đi kèm với những triệu chứng nặng như nôn ra máu, đại tiện ra phân đen, sốt, ớn lạnh,… Trong trường hợp này, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được cấp cứu bởi đây rất có thể là dấu hiệu của thủng dạ dày, xuất huyết tiêu hóa trên và một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
Nhìn chung, xoa bóp bấm huyệt chữa đau thượng vị là mẹo đơn giản, khá an toàn và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ nên bệnh nhân cần áp dụng đều đặn trong thời gian dài. Đồng thời nên kết hợp với sử dụng thuốc và tổ chức lối sống khoa học, lành mạnh để kiểm soát bệnh triệt để.
Tham khảo thêm:
- Ăn vào là đau thượng vị: Nguyên nhân và cách chữa trị hiệu quả
- Đau vùng thượng vị về đêm là dấu hiệu của bệnh gì?