Đau thượng vị sau ăn thường bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên trong một số trường hợp, triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm túi mật, trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng.
Nhận biết đau thượng vị sau ăn
Được biết, vùng thượng vị dạ dày nằm ở vị trí ngay giữa 2 bên xương sườn, phía trên rốn và dưới xương ức. Đây là khu vực tập trung nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể. Điển hình trong đó phải kể đến là ống thực quản, dạ dày (một phần), gan (một phần), tụy và tá tràng.
Thông thường các triệu chứng đau thượng vị dạ dày là do khó tiêu hoặc rối loạn hoạt động hệ tiêu hóa. Tuy nhiên trong một số trường hợp còn lại, tình trạng này có thể liên quan đến một số vấn đề về bệnh lý cần được điều trị kịp thời. Bởi vậy, người bệnh nên chú ý theo dõi cơ thể mình và tìm hiểu rõ nguyên nhân để có hướng xử lý đúng đắn cho từng trường hợp cụ thể.
Với cơn đau thượng vị sau ăn thường có một số biểu hiện sau đây:
- Xuất hiện các cơn đau bùng phát ngay sau khi ăn hoặc 30 – 60 phút sau đó, mức độ đau từ nhẹ đến nặng tùy theo tình trạng sức khỏe và thể trạng của từng người.
- Cơn đau này nằm ở vị trí vùng bụng giữa, phía trên rốn và dưới xương ức.
- Bên cạnh các cơn đau, người bệnh thường có một số triệu chứng kèm theo như: Buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, ợ nóng,…
Xem thêm: Đau thượng vị nên ăn uống gì để mau khỏi?
Nguyên nhân gây đau thượng vị sau khi ăn
Đau thượng vị thường bùng phát khi bụng đói, sau khi ăn no hoặc có thể xảy ra vào ban đêm. Trong trường hợp xảy ra sau các bữa ăn, nguyên nhân có thể do:
1. Do ăn quá no hoặc quá nhanh
Ăn quá no hoặc ăn quá nhanh đều là những thói quen thiếu khoa học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Dạ dày là cơ quan chịu trách nhiệm làm mềm và tiêu hóa thức ăn. Sau đó, vận chuyển thức ăn để tá tràng hấp thu dinh dưỡng. Tuy nhiên khi dung nạp một lượng lớn thức ăn, dạ dày phải co bóp và tăng bài tiết dịch vị quá mức dẫn đến tình trạng nóng rát, đầy hơi, chướng bụng và đau vùng thượng vị.
Tương tự, ăn quá nhanh cũng khiến cho dạ dày phải tăng sản xuất dịch vị và co bóp mạnh để tiêu hóa thức ăn. Hơn nữa, ăn uống quá nhanh còn khiến thức ăn chưa được nghiền nát hoàn toàn nên khó tiêu hóa hơn so với bình thường. Nếu tiếp tục duy trì những thói quen này, cả dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác đều có thể gặp phải một số vấn đề.
2. Dùng nhiều thức ăn cay nóng, nhiều axit
Đau vùng thượng vị sau khi ăn cũng có thể xảy ra do dùng thức ăn cay nóng (ớt, tiêu, tỏi, mù tạt) và thực phẩm chứa nhiều axit (chanh, me, cóc, nước ngọt có gas, quả dứa,…). Các thực phẩm này đều có thể khiến dạ dày tăng bài tiết dịch vị và gây kích thích lên niêm mạc.
Hơn nữa, axit và gia vị cay nóng còn gây nóng rát toàn bộ vùng niêm mạc thực quản và đường ruột. Ngoài tình trạng đau vùng thượng vị, dùng các món ăn này còn có thể gây đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và táo bón.
Tìm hiểu thêm: Đau bụng đi ngoài sau khi uống rượu bia cảnh báo bệnh gì?
3. Sử dụng rượu bia trong bữa ăn
Rượu bia là thức uống chứa cồn gây ra nhiều tác động xấu đối với sức khỏe – đặc biệt là dạ dày. Cồn trong thức uống này có khả năng kích thích dạ dày tăng tiết axit bất thường, đồng thời làm suy giảm chất nhầy (cơ quan bảo vệ niêm mạc). Đây chính là điều kiện thuận lợi để dịch vị gây kích ứng và làm tổn thương các tế bào biểu mô.
Dưới sự tác động của enzyme tiêu hóa, cồn sẽ chuyển hóa thành acetadehyd – độc tố có hại với tất cae cơ quan trong cơ thể. Lúc này, gan phải sản xuất ezyme để phân giải acetadehyd thành các chất ít độc hơn nhằm đào thải ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên khi dung nạp một lượng lớn rượu bia, gan hoàn toàn không thể chuyển hóa hết acetadehyd và hệ quả là gây tích tụ độc tố trong dạ dày, gan và các cơ quan tiêu hóa khác.
Có thể thấy, rượu bia tác động nhiều đến dạ dày và các cơ quan tiêu hóa. Vì vậy, đau vùng thượng vị cũng có thể bắt nguồn từ thói quen dùng rượu bia trong các bữa ăn.
4. Do mang thai
Đau thượng vị là tình trạng phổ biến ở bà bầu – đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do ảnh hưởng của hormone progesterone, sự giãn nở của tử cung, ăn uống tẩm bổ quá mức,… Đau thượng vị và các triệu chứng đi kèm thường bùng phát mạnh sau khi ăn no.
Đau thượng vị khi mang thai thực chất là phản ứng tạm thời của cơ thể do hormone và sự thay đổi của cơ thể. Do đó sau khi sinh nở, tình trạng này sẽ dần được cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, đau thượng vị sau khi ăn có thể khiến mẹ bầu nôn ói nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu cần thiết, bà bầu nên áp dụng các biện pháp cải thiện để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
5. Biểu hiện của một số bệnh lý
Đau vùng thượng vị là triệu chứng thường gặp của rất nhiều bệnh tiêu hóa. Thực tế cho thấy, triệu chứng này có xu hướng bùng phát sau khi ăn no, khi bụng đói hoặc có thể xảy ra cả vào ban đêm.
Một số bệnh lý có thể gây đau vùng thượng vị sau khi ăn:
- Viêm túi mật: Viêm túi mật là tình trạng nhu mô mật bị viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Túi mật là cơ quan dự trữ mật được gan sản xuất và vận chuyển vào tá tràng trong các bữa ăn nhằm tiêu hóa và hấp thu các vitamin tan trong dầu. Trong trường hợp bị viêm túi mật, cơ quan này có thể gây đau khi co bóp. Do đó, tình trạng đau vùng thượng vị sau các bữa ăn có thể là dấu hiệu của bệnh lý này. Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số triệu chứng khác như đau ở vùng hạ sườn, vàng da, vàng mắt, buồn nôn, nôn mửa, sốt, ớn lạnh,…
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đau vùng thượng vị sau khi ăn là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD là tình trạng dịch vị cùng với thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản và những cơ quan phía trên. Tình trạng này có xu hướng bùng phát sau khi ăn no và khi nằm. Ngoài đau thượng vị, chứng trào ngược còn có thể gây trớ thức ăn, ợ nóng, nóng rát thượng vị, đầy hơi và khó tiêu.
- Viêm loét dạ dày tá tràng: Viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày – tá tràng bị tổn thương và hình thành ổ viêm, loét. Tương tự như trào ngược dạ dày, các triệu chứng của bệnh lý này thường bùng phát mạnh sau khi ăn no. Khi dung nạp thức ăn, dạ dày phải co bóp liên tục. Tuy nhiên, tình trạng này khiến cho thức ăn ma sát với ổ viêm loét và hậu quả là gây đau, ợ nóng, cồn cào, khó chịu, buồn nôn,…
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây đau vùng thượng vị sau khi ăn. Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng này cũng có thể xảy ra do:
- Vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn
- Thần kinh bị căng thẳng
- Hút thuốc lá ngay sau khi ăn
- Mặc quần áo chật, bó sát
- Dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm ngay sau các bữa ăn
Lưu ý: Nếu nghi ngờ đau vùng thượng vị sau khi ăn bắt nguồn từ những nguyên nhân nghiêm trọng, bạn đọc nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Chia sẻ thêm: Đau Bụng Vùng Thượng Vị Buồn Nôn Do Đâu, Phải Điều Trị Thế Nào?
Đau thượng vị sau khi ăn có nguy hiểm không?
Đau vùng thượng vị sau khi ăn là tình trạng khá phổ biến. Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Trong đó, thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học là nguyên nhân phổ biến nhất.
Nếu xảy ra do lối sống, đau thượng vị sau khi ăn thường có mức độ nhẹ, tần suất thấp và có thể dễ dàng cải thiện mà không cần can thiệp các biện pháp y tế. Tuy nhiên, dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác cũng có thể bị tổn thương nặng trong trường hợp tiếp tục duy trì các thói quen xấu.
Không chỉ bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học, đau thượng vị sau bữa ăn cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh tiêu hóa như viêm túi mật, trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu xảy ra do các bệnh lý này, cơn đau ở vùng thượng vị thường đi kèm với một số biểu hiện như ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn. Triệu chứng của các bệnh tiêu hóa có thể thuyên giảm sau khi điều chỉnh lối sống và áp dụng các mẹo chữa tại nhà. Tuy nhiên để kiểm soát bệnh triệt để, bạn đọc cần thăm khám và điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đau thượng vị sau khi ăn không chỉ gây khó chịu mà còn kích thích phản ứng nôn ói. Tình trạng này khiến cho cơ thể sụt cân, suy nhược do giảm hấp thu dinh dưỡng. Theo thời gian, bạn có thể gặp phải tình trạng chán ăn và ăn uống kém do đau thượng vị bùng phát thường xuyên và nặng hơn về mức độ.
Chia sẻ thêm: Đau vùng thượng vị dữ dội là bị gì? Có nguy hiểm không? Cách điều trị
Cách xử lý đau vùng thượng vị sau khi ăn
Đau vùng thượng vị sau khi ăn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể áp dụng các biện pháp đơn giản sau:
1. Áp dụng mẹo giảm đau tạm thời
Đau vùng thượng vị gây ra cảm giác rất khó chịu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể giảm nhẹ cơn đau và một số triệu chứng đi kèm bằng các mẹo giảm đau tạm thời như:
- Chườm ấm: Chườm ấm là biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện đau vùng thượng vị. Đắp túi chườm lên vùng bụng trên từ 10 – 15 phút có thể làm dịu cơ trơn dạ dày, từ đó giúp cải thiện cơn đau do dạ dày tăng tiết axit và co bóp quá mức.
- Uống trà gừng: Trà gừng có tác dụng giảm buồn nôn, nôn mửa và kích thích tiêu hóa. Nếu đau vùng thượng vị xảy ra do ăn quá no, bạn có thể dùng 1 tách trà gừng ấm để cải thiện. Chỉ sau khoảng 20 – 30 phút, cảm giác đau, đầy hơi và chướng bụng sẽ được cải thiện đáng kể.
- Dùng mật ong ấm: Nếu đau thượng vị xảy ra do trào ngược dạ dày, bạn có thể cải thiện bằng cách dùng 1 ly nước mật ong ấm. Với vị ngọt dịu tự nhiên, mật ong có thể làm giảm cảm giác đau và nóng rát ở vùng thượng vị. Đồng thời trung hòa dịch vị, giảm cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
Ngoài các mẹo chữa trên, bạn cũng có thể cải thiện tình trạng đau vùng thượng vị sau khi ăn bằng các cách đơn giản khác như dùng trà bạc hà, trà cam thảo, nghỉ ngơi, uống nước ấm,… Ưu điểm của các mẹo chữa này là độ an toàn cao, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các mẹo giảm đau tạm thời có thể không mang lại hiệu quả.
2. Sử dụng thuốc không kê toa
Nếu các mẹo giảm đau tạm thời không mang lại hiệu quả, nên xem xét sử dụng các loại thuốc không kê toa. Các loại thuốc này có thể dùng mà không cần có toa của bác sĩ và tương đối an toàn ở liều điều trị.
Một số loại thuốc không kê toa có thể được sử dụng để giảm đau thượng vị khi ăn:
- Thuốc kháng axit (antacid): Antacid là nhóm thuốc chữa đau thượng vị được sử dụng rất phổ biến. Thuốc thường được dùng sau bữa ăn từ 1 – 3 giờ đồng hồ nhằm trung hòa dịch vị, giảm kích ứng lên niêm mạc dạ dày – thực quản và giúp cải thiện cơn đau cùng với một số triệu chứng đi kèm. Các loại thuốc này thường được bào chế ở dạng sữa hoặc viên uống, viên nhai.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có tác dụng kết hợp với dịch vị tạo thành lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của dịch vị và thức ăn. Thuốc được sử dụng trước bữa ăn khoảng 1 giờ đồng hồ trước các bữa ăn để ngăn đau vùng thượng vị bùng phát.
Các loại thuốc không kê toa chỉ có tác dụng giảm đau thượng vị và các triệu chứng đi kèm. Thuốc hoàn toàn không có tác dụng cải thiện nguyên nhân gây đau vùng thượng vị sau bữa ăn. Do đó, chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn, tránh tình trạng lạm dụng và phụ thuộc quá mức.
Chuyên gian tư vấn: Đau thượng vị dạ dày uống thuốc gì tốt nhất?
3. Thay đổi lối sống
Đa phần các trường hợp đau thượng vị sau khi ăn đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy để cải thiện và phòng ngừa tình trạng này, bạn cần thay đổi thói quen xấu và thiết lập lối sống khoa học, lành mạnh.
Lối sống khoa học giúp kiểm soát và phòng ngừa đau vùng thượng vị sau bữa ăn:
- Tránh ăn quá no là cách đơn giản để ngăn đau thượng vị bùng phát. Mỗi bữa, chỉ nên dùng một lượng thức ăn vừa đủ để hạn chế tăng áp lực lên dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. Nếu cần thiết, nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ dàng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng trong các bữa ăn.
- Ăn chậm nhai kỹ, không vận động mạnh và nằm ngay sau khi ăn.
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm gây tăng tiết dịch vị và khiến dạ dày co bóp quá mức như món ăn chứa nhiều gia vị, dầu mỡ, axit, thực phẩm khó tiêu hóa và có tiền sử dị ứng.
- Không sử dụng nước ngọt có gas và rượu bia trong bữa ăn.
- Nên dùng các thực phẩm dễ tiêu hóa và có khả năng trung hòa dịch vị như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, sữa chua, trứng, sữa,… để giảm dịch vị dư thừa. Qua đó cải thiện tình trạng đau thượng vị, đầy hơi, buồn nôn và nôn mửa sau các bữa ăn.
- Ngoài điều chỉnh thói quen ăn uống, bạn cũng nên cải thiện một số thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh có thể làm nghiêm trọng chứng đau thượng vị như hút thuốc lá, căng thẳng, ít vận động, thức khuya,…
Nên biết thêm: Triệu Chứng Đau Thượng Vị Khó Thở: Tổng Hợp Các Cách Chữa An Toàn, Hiệu Quả
Đau thượng vị sau ăn – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đau thượng vị sau khi ăn có thể thuyên giảm nhanh sau khi áp dụng một số mẹo tại nhà và tổ chức lại lối sống. Tuy nhiên nếu bắt nguồn từ các bệnh lý tiêu hóa, tình trạng này có thể tiến triển dai dẳng và nghiêm trọng dần theo thời gian.
Do đó, bạn đọc nên tìm gặp bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Đau thượng vị sau khi ăn không thuyên giảm khi áp dụng mẹo tại nhà, dùng thuốc không kê toa và thay đổi lối sống
- Mức độ và tần suất cơn đau nặng dần theo thời gian
- Đau nhiều gây buồn nôn, nôn mửa, cơ thể suy nhược và sụt cân
- Đau thượng vị đi kèm với các triệu chứng có mức độ nặng như đi ra phân đen, nôn ra máu, khó thở, đau ngực,…
Đau vùng thượng vị sau khi ăn có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân. Nếu tình trạng không cải thiện sau khi điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc không kê toa, bạn đọc nên chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là trước các biểu hiện bất thường khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều khó khăn khi điều trị về sau.
Bài viết liên quan:
- Cách bấm huyệt chữa đau thượng vị nhanh chóng
- Đau thượng vị kèm đi ngoài là bị gì và cách điều trị