Thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng histamine H2, kháng sinh,… là các loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng thông dụng. Mục tiêu ngắn hạn của sử dụng thuốc là kiểm soát triệu chứng và tiệt trừ vi khuẩn Hp. Về lâu dài, thuốc giúp điều hòa hoạt động bài tiết axit và làm lành ổ viêm, loét ở niêm mạc dạ dày, tá tràng.
9 loại thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng thông dụng
Nguyên nhân viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày và phần đầu ruột non xuất hiện ổ viêm, loét do dạ dày tăng tiết dịch vị hoặc co bóp quá mức. Nguyên nhân gây ra bệnh lý này thường là do nhiễm vi khuẩn Hp, lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), sử dụng rượu bia kéo dài,… Bệnh ảnh hưởng nhiều đến người trưởng thành hơn so với trẻ nhỏ.
Ổ viêm, loét ở niêm mạc dạ dày và tá tràng rất dễ bị kích thích bởi thức ăn, stress, căng thẳng,… Ban đầu, bệnh chỉ gây ra cơn đau ở vùng thượng vị đi kèm với một số triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và ợ hơi. Tuy nhiên nếu không can thiệp điều trị, cơn đau có thể bùng phát với tần suất thường xuyên và nặng dần hơn về mức độ.
Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh tiêu hóa thường gặp và hoàn toàn có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ ổ viêm loét và nguyên nhân gây bệnh (âm tính hay dương tính với vi khuẩn Hp) để chỉ định loại thuốc phù hợp với từng bệnh nhân. Mục tiêu của điều trị bằng thuốc là kiểm soát triệu chứng vầ nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời tiệt trừ vi khuẩn (nếu có) và phục hồi hoàn toàn ổ viêm, loét ở niêm mạc dạ dày/ tá tràng.
Một số loại thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng được sử dụng phổ biến hiện nay:
1. Thuốc trung hòa axit (thuốc kháng axit dạ dày)
Thuốc trung hòa axit (thuốc kháng axit dạ dày/ thuốc kháng toan) là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và một số bệnh lý có liên quan. Nhóm thuốc này được bào chế ở dạng viên uống, viên nhai, siro hoặc dạng sữa để tăng khả năng hấp thu. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến thường là Phosphate nhôm (Phosphalugel) và Hydroxyd nhôm + Hydroxyd magnesi (Maalox, Mylanta,…).
Tác dụng chính của nhóm thuốc này là trung hòa axit tạo ra muối trung tính. Ngay sau khi sử dụng, thuốc làm tăng độ pH của dạ dày lên 3 trong khi độ pH thông thường dao động từ 1.5 – 2. Với khả năng trung hòa axit nhanh chóng, thuốc kháng toan có tác dụng giảm nhanh cơn đau và cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc kháng axit dạ dày còn có tác dụng hoạt động phân giải protein của pepsin, điều hòa nhu động dạ dày và tăng trương lực cơ vòng thực quản dưới (LES). Với những tác dụng này, thuốc kháng toan còn được sử dụng để giảm triệu chứng do trào ngược dạ dày gây ra và cải thiện cơn đau dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau (stress, uống rượu bia,…).
Lưu ý đặc biệt khi sử dụng:
- Cách dùng: Dùng trước khi ngủ và sau khi ăn từ 1 – 2 giờ đồng hồ để cải thiện và phòng ngừa cơn đau bùng phát.
- Thuốc kháng axit làm cản trở sự hấp thu của các loại thuốc khác nên cần tránh sử dụng cùng lúc. Để tránh hiện tượng tương tác, nên dùng cách nhau ít nhất 2 giờ đồng hồ
- Tránh sử dụng trong thời gian dài (trừ khi có chỉ định của bác sĩ) do nguy cơ tích lũy magie và nhôm trong máu, đồng thời làm tăng nguy cơ loãng xương và rối loạn tiêu hóa.
Thuốc kháng axit dạ dày được đánh giá là nhóm thuốc tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ như đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng,…
Nên biết: Top 15 Cây Thuốc Nam Chữa Viêm Loét Dạ Dày Dễ Kiếm
2. Thuốc giảm đau chống co thắt
Thuốc giảm đau chống co thắt (Spasmaverin, Trimebutin,…) được sử dụng để giảm cơn đau do dạ dày co thắt quá mức. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn có tác dụng giảm một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản như buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và khó tiêu.
Thuốc giảm đau chống co thắt tác động trực tiếp đến cơ trơn của ống tiêu hóa, điều hòa nhu động của đường ruột và dạ dày. Do đó, nhóm thuốc này có hiệu quả giảm cơn đau và các triệu chứng do rối loạn chức năng co bóp của cơ quan tiêu hóa. Đối với bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng, thuốc được dùng trước bữa ăn để ngăn cơn đau dạ dày bùng phát sau khi ăn no.
Thuốc giảm đau chống co thắt có phạm vi chỉ định tương đối rộng và có thể dùng cho người 12 tuổi trở lên nhưng cần thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Ngoài ra, người có tiền sử mẫn cảm các nhóm thuốc này cũng nên sử dụng nhóm thuốc này.
Tác dụng thường gặp:
- Hôi miệng, khô miệng.
- Nhức đầu.
- Tiêu chảy, táo bón.
Thực tế, rất hiếm trường hợp gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giảm đau chống co thắt. Với hiệu quả tốt và độ an toàn cao, nhóm thuốc này được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm loét dạ dày và các bệnh lý tiêu hóa thường gặp khác.
Chia sẻ thêm: Viêm Loét Dạ Dày Khi Mang Thai: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
3. Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng – Bảo vệ niêm mạc
Thuốc bảo vệ niêm mạc được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản và dự phòng loét dạ dày tá tràng khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Nhóm thuốc này có khả năng kết hợp với dịch nhầy trong lòng dạ dày tạo thành màng bảo vệ niêm mạc và ngăn chặn sự ăn mòn của dịch vị lên ổ viêm, loét.
Với tác dụng bảo vệ niêm mạc, thuốc có thể cải thiện cơn đau, làm dịu cảm giác nóng rát và khó chịu ở vùng thượng vị. Ngoài ra, một số loại thuốc bảo vệ niêm mạc còn có tác dụng trung hòa axit nhưng hoạt tính kém hơn so với thuốc kháng toan.
Các loại thuốc bảo vệ niêm mạc được sử dụng phổ biến hiện nay:
- Sucralfate: Sucralfate được sử dụng phổ biến để trong điều trị loét dạ dày và ngăn ngừa loét do stress kéo dài. Sau khi dung nạp, Sucralfate kết hợp với albumin và fibrinogen tạo thành màng bảo vệ niêm mạc và ổ viêm loét khỏi tác động của axit, pepsin, dịch mật,… Nhóm thuốc này có độ an toàn cao và chỉ gây ra táo bón nhẹ trong thời gian sử dụng.
- Bismuth: Bismuth thường được sử dụng trong điều trị viêm loét dạ dày dương tính với vi khuẩn Hp. Ngoài tác dụng bảo vệ niêm mạc, thuốc còn có khả năng ức chế sự phát triển của hại khuẩn. Tuy nhiên, loại thuốc này chống chỉ định với bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận.
- Misoprostol: Misoprostol ít được sử dụng hơn so với hai loại thuốc trên. Thuốc có tác dụng ức chế bài tiết axit và bảo vệ niêm mạc tương tự như chất prostaglandin E1 nội sinh nên thường được sử dụng để phòng ngừa loét dạ dày do dùng NSAID dài hạn.
Hầu hết các loại thuốc bảo vệ niêm mạc đều cho tác dụng tại chỗ, hiếm khi phát sinh triệu chứng toàn thân. Do đó, nhóm thuốc này được sử dụng khá phổ biến trong điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và viêm loét dạ dày nói riêng.
Có thể bạn cần: Viêm Loét Dạ Dày Có Chữa Khỏi Được Không? Bao Lâu Khỏi?
4. Thuốc ức chế tiết gastrin
Thuốc ức chế tiết gastrin (Somatostatin) được sử dụng trong trường hợp loét dạ dày tá tràng có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa cao. Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế tiết gastrin – hormone chi phối hoạt động bài tiết dịch vị. Thuốc ức chế tiết gastrin được bào chế ở dạng tiêm truyền nên chỉ được sử dụng trong điều trị nội trú.
Chống chỉ đinh nhóm thuốc này cho phụ nữ mang thai, người đang cho con bú và phụ nữ sắp sinh, đang trong giai đoạn chuyển dạ. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, đỏ bừng mặt và buồn nôn – thường xảy ra do tiêm thuốc quá nhanh.
5. Thuốc ức chế thần kinh X (thần kinh phế vị)
Thuốc ức chế thần kinh phế vị (Atropine) có tác dụng ức chế hoạt động bài tiết dịch vị và giảm co thắt ống tiêu hóa. Nhóm thuốc này được sử dụng trong trường hợp loét dạ dày – hành tá tràng, tiêu chảy cấp – mãn tính và hội chứng ruột kích thích.
Thuốc ức chế thần kinh X tác động lên cả hệ thần kinh trung ương và ngoại biên nên rủi ro cao, ít được sử dụng trên lâm sàng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng. Không sử dụng nhóm thuốc này cho người đã xuất hiện biến chứng hẹp môn vị, phì đại tuyến tiền liệt, trẻ em và người cao tuổi (do nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ của thuốc).
Tác dụng phụ thường gặp (do cơ chế kháng acetylcholine):
- Giảm tiết dịch ở phế quản.
- Sốt.
- Khát.
- Khô miệng.
- Khó nuốt.
- Sợ ánh sáng, giảm khả năng điều tiết của mắt.
Đọc ngay: 12 cách chữa hội chứng ruột kích thích bằng Đông y an toàn, hiệu quả nhất 2023
6. Thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng – Ức chế bơm proton (PPI)
So với thuốc ức chế gastrin và dây thần kinh phế vị, PPI là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến hơn. Thuốc có tác dụng ức chế bài tiết axit dạ dày nhanh và kéo dài nên được sử dụng trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược thực quản và hội chứng Zollinger-Ellison. Đối với trường hợp dương tính với vi khuẩn Hp, thuốc còn có vai trò hỗ trợ hiệu quả của kháng sinh và hạn chế tình trạng kháng thuốc.
PPI ức chế men H+/ K+ ATPase, qua đó ức chế khả năng bơm H+ (hay còn gọi là bơm proton) của tế bào viền dạ dày. Kết quả là làm giảm sản xuất HCl trong dịch vị. HCl chính là tác nhân chính có khả năng ăn mòn niêm mạc và khiến ổ viêm, loét tiến triển nặng. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc giảm đi rõ rệt nếu dùng với các loại thuốc kháng toan. Do đó, nên tránh sử dụng đồng thời hai nhóm thuốc này.
Thuốc ức chế bơm proton có hiệu quả ức chế tiết axit dạ dày nhanh và kéo dài (có hồi phục). Thuốc được sử dụng 1 – 2 lần/ ngày liên tục trong 4 – 8 tuần (tùy vị trí và mức độ loét). Trong trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng dương tính với vi khuẩn Hp, nhóm thuốc này thường được phối hợp với kháng sinh và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Một số loại thuốc ức chế bơm proton được sử dụng phổ biến:
- Thuốc thế hệ I: Pantoprazole 40mg, Lansoprazole 15mg, 30mg, Dexlansoprazole 15mg, 30mg và Omeprazole 20mg.
- Thuốc thế hệ II: Esomeprazole 20mg, 40mg và Rabeprazole 10mg, 20mg.
Thuốc ức chế bơm proton được đánh giá có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc ức chế tiết gastin và thuốc ức chế dây thần kinh phế vị. Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng loại thuốc này là các triệu chứng rối loạn tiêu hóa do dịch vị dạ dày giảm mạnh trong thời gian dài. Ngoài ra, sử dụng thuốc dài hạn còn có thể gây xơ gan, giảm hấp thu canxi dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương – đặc biệt là ở người cao tuổi.
7. Thuốc kháng histamine H2
Thuốc kháng histamine H2 có tác dụng tương tự như thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có hiệu quả kháng axit kém và tác dụng ngắn hạn nên ít được sử dụng phổ biến bằng PPI. Hơn nữa, thuốc kháng histamine H2 cũng có nguy cơ cao hơn so với thuốc ức chế bơm proton (PPI).
Tuy nhiên, thuốc kháng histamine H2 có khả năng giảm tiết dịch vị mạnh vào ban đêm nên thường được sử dụng cho bệnh nhân bị đau dạ dày và trào ngược nhiều về đêm. Thuốc hoạt động bằng cách đối kháng chọn lọc với histamine ở thụ thể H2, từ đó làm giảm khả năng sản sinh dịch vị của tế bào viền.
Các loại thuốc kháng histamine H2 được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm Famotidin, Ranitidin và Cimetidin. Trong đó, Cimetidin ít được sử dụng hơn do nguy cơ và rủi ro cao hơn so với 2 loại thuốc còn lại. Ngoài ra, bệnh nhân cần tránh sử dụng nhóm thuốc này nếu bị suy thận và suy gan có mức độ từ vừa đến nặng.
Tác dụng phụ thường gặp:
- Chóng mặt.
- Đau đầu.
- Táo bón, tiêu chảy.
- Chứng vú to ở nam giới và tiết sữa không do sinh đẻ (do tác dụng kháng androgen dẫn đến tăng tiết hormone prolactin).
8. Kháng sinh – Trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp
Đối với những trường hợp bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp, kháng sinh có vai trò là nhóm thuốc đặc hiệu. Kháng sinh có tác dụng ức chế hoạt động và tiêu diệt hại khuẩn, từ đó giúp ngăn chặn tiến triển của ổ viêm loét và tạo điều kiệm để niêm mạc dạ dày, tá tràng phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên, thuốc kháng sinh hoạt động kém trong môi trường axit nên cần phải dùng phối hợp với 1 loại thuốc ức chế tiết axit (có thể dùng thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng histamine H2, một số trường hợp còn phối hợp với Bismuth để tăng hiệu quả kháng khuẩn). Vi khuẩn Hp có khả năng kháng thuốc cao nên cần dùng đồng thời 2 loại kháng sinh cùng lúc.
Hiện nay, có khá nhiều phác đồ thuốc điều trị vi khuẩn hp được áp dụng. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh lý, tiền sử dị ứng và lịch sử dùng thuốc của từng bệnh nhân để chỉ định phác đồ phù hợp. Phác đồ tiệt trừ vi khuẩn Hp cần được dùng liên tục trong 10 – 14 ngày hoặc hơn để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn, tránh tình trạng tái nhiễm.
Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị vi khuẩn Hp:
- Amoxicillin (được sử dụng phổ biến nhất).
- Clarithromycin (được dùng thay thế trong đường trường bệnh nhân dị ứng với kháng sinh penicillin).
- Tetracycline, Metronidazole/ Tinidazole (được dùng chủ yếu trong phác đồ nối tiếp/ cứu vãn).
Sử dụng kháng sinh có thể làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột và dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Tình trạng này thường nghiêm trọng hơn khi dùng đồng thời với các loại thuốc ức chế bài tiết dịch vị (thông thường, dịch vị có vai trò tiêu diệt vi khuẩn có hại trong thực phẩm). Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện bất thường trong thời gian dùng kháng sinh để kịp thời phát hiện và xử lý.
9. Một số loại thuốc hỗ trợ
Song song với các loại thuốc điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc hỗ trợ tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân.
Các loại thuốc hỗ trợ thường được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, bao gồm:
- Thuốc an thần (dành cho bệnh nhân bị căng thẳng, rối loạn lo âu do viêm loét dạ dày tiến triển dai dẳng).
- Các viên uống bổ sung vitamin như vitamin C và U giúp tăng cường miễn dịch, phục hồi và tái tạo ổ loét. Vitamin A có tác dụng tăng hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày và vitamin nhóm B (B1, B6) có tác dụng điều hòa hoạt động co thắt của cơ vòng môn vị.
Hiện nay ngoài tân dược, nhiều bệnh nhân còn lựa chọn điều trị viêm loét dạ dày tá tràng bằng các chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược. Thực tế, một số loại thảo dược đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ ức chế vi khuẩn Hp, đẩy nhanh tốc độ làm se vết loét và trung hòa axit dạ dày. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Nên biết: Phác Đồ Trị Viêm Loét Dạ Dày HP Mới Nhất 2023
Những lưu ý khi uống thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng
Thuốc là cách điều trị rất quan trọng đối với người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Sử dụng thuốc sẽ giúp kiểm soát tốt những biểu hiện của bệnh và loại trừ vi khuẩn Hp nếu có. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh khi dùng thuốc cần lưu ý như sau:
- Chỉ dùng các loại thuốc đã được bác sĩ kê toa. Không tự ý uống thuốc khi chưa được bác sĩ cho phép, đặc biệt là thuốc kháng sinh có thể gây ra hiện tượng kháng thuốc và làm quá trình điều trị khó khăn hơn. Sử dụng thuốc tùy ý còn khiến tăng nguy cơ gặp phải các rủi ro ở người bệnh.
- Bạn cần thông báo với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe thực tế, các tiền sử dị ứng thuốc để các bác sĩ kê đơn thích hợp. Nếu bạn muốn kết hợp nhiều loại thuốc, cần tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của bác sĩ.
- Bệnh nhân cần uống theo đúng liều lượng phù hợp. Không tự ý điều chỉnh lượng thuốc hoặc ngưng thuốc bất chợt khi chưa được chỉ định.
- Nếu trong quá trình dùng thuốc xảy ra những biểu hiện bất thường, người bệnh cần chú ý nhanh chóng thông báo với các bác sĩ để có cách xử lý thích hợp.
- Ngoài việc sử dụng thuốc, bệnh nhân cũng cần chú ý có chế độ sinh hoạt và ăn uống phù hợp, khoa học. Nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh hút thuốc lá hay dùng các chất kích thích gây hại cho cơ thể.
Trên đây là những thông tin về thuốc trị viêm loét dạ dày tá tràng. Tuy nhiên bạn đọc cần hết sức lưu ý rằng một số loại thuốc có thể tiềm ẩn những tác dụng phụ, gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Do đó, để khắc phục được bệnh hiệu quả, bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám cẩn thận.
Bài viết khác:
- Viêm loét dạ dày có mổ không? Khi nào nên mổ? Giải đáp chi tiết
- Bệnh viêm loét dạ dày trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị