Nội dung chính

Bị viêm loét dạ dày có mổ không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Được biết, đa phần các trường hợp mắc bệnh lý này đều có thể kiểm soát hoàn toàn thông qua lối sống và sử dụng thuốc. Can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) chỉ được cân nhắc khi bệnh đã phát sinh biến chứng.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Bị viêm loét dạ dày có phải mổ không?

Bị viêm loét dạ dày có mổ không? Giải đáp chi tiết

Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến bên cạnh trào ngược thực quản, bệnh trĩ và viêm đại tràng. Bệnh lý này xảy ra khi niêm mạc dạ dày và phần đầu của ruột non bị viêm, loét do dạ dày tăng tiết dịch vị hoặc co bóp quá mức (rối loạn nhu động).

Viêm loét dạ dày tá tràng thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) quá mức, sử dụng rượu bia, hút thuốc lá trong nhiều năm. Ngoài ra, thói quen ăn uống, sinh hoạt và căng thẳng quá mức cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Viêm loét dạ dày đặc trưng bởi tình trạng đau vùng thượng vị (cơn đau xuất hiện ở vùng bụng trên rốn, dưới xương ức), buồn nôn, nôn mửa, chứng ợ, đầy hơi và khó tiêu.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Đa phần các trường hợp bị viêm loét dạ dày đều có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc và điều chỉnh lối sống

Trên thực tế, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh tiêu hóa khá phổ biến và đa phần đều được điều trị nội khoa (các biện pháp không phẫu thuật). Điều trị bệnh chủ yếu là sử dụng thuốc, điều chỉnh lối sống và hạn chế các yếu tố kích thích lên dạ dày. Nếu tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể thuyên giảm nhanh sau 4 – 8 tuần.

Do đó, đa phần các trường hợp bị viêm loét dạ dày tá tràng thường không có chỉ định mổ. Can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) chỉ được áp dụng trong trường hợp bệnh đã phát sinh biến chứng.

Tìm hiểu thêm: Biểu hiện đau thượng vị dạ dày và cách điều trị

Khi nào cần mổ viêm loét dạ dày?

Như đã đề cập, viêm loét dạ dày hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua lối sống và sử dụng thuốc. Vì vậy, phẫu thuật (mổ) chỉ được chỉ định trong những trường hợp đã xuất hiện các biến chứng sau:

1. Biến chứng xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng (chiếm khoảng 15% trường hợp). Xuất huyết là hiện tượng niêm mạc dạ dày bị tổn thương nặng khiến mạch máu bị vỡ và chảy máu. Thống kê cho thấy, hiện tượng này thường xuất hiện ở hang vị do đây là vùng niêm mạc nằm ngang, phải chịu áp lực lớn từ thức ăn và dịch vị.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Phẫu thuật được chỉ định khi viêm loét dạ dày tá tràng đã xuất hiện biến chứng xuất huyết

Xuất huyết dạ dày đặc trưng bởi tình trạng bã nôn có màu cà phê hoặc lẫn máu tươi, đau dạ dày dữ dội, vùng thượng vị nóng rát, cồn cào, lợm giọng, chóng mặt, đại tiện ra phân đen, khát nước,… Đây là tình trạng cấp cứu cần được xử lý sớm để tránh biến chứng. Kỹ thuật nội soi thường được áp dụng trong trường hợp này để xác định vị trí xuất huyết và tiến hành nhanh các biện pháp cầm máu kịp thời.

Đọc thêm: Xuất Huyết Dạ Dày Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Xử Lý

2. Biến chứng hẹp môn vị

Môn vị là phần cuối cùng của dạ dày nằm liền kề với tá tràng. Hẹp môn vị xảy ra khi niêm mạc môn vị dày lên hoặc xuất hiện khối u khiến quá trình lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống đường ruột bị cản trở. Biến chứng này thường xảy ra do loét dạ dày – tá tràng bị chai xơ khiến không gian của môn vị bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn.

Hẹp môn vị khiến cho thức ăn ứ đọng trong dạ dày nhiều giờ liền, dạ dày có xu hướng giãn to và co bóp quá mức. Thống kê cho thấy, có khoảng 5 – 15% trường hợp bệnh nhân gặp phải biến chứng này. Hẹp môn vị đặc trưng bởi một số triệu chứng như đau thượng vị, tính chất đau không thay đổi, nôn nhiều, dịch nôn có màu xanh đen, bụng đầy ứ, khó tiêu,…

Hẹp môn vị là một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh nhân có thể bị rối loạn chuyển hóa điện giải và suy kiệt do lưu thông dạ dày – tá tràng bị tắc nghẽn hoàn toàn. Do đó ngay khi nhận thấy các triệu chứng trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

3. Thủng dạ dày do vết loét tiến triển

Viêm loét dạ dày tá tràng thường tiến triển nặng dần theo thời gian nếu không được điều trị đúng cách. Ban đầu, vết loét chỉ xảy ra ở phần niêm mạc, sau đó ăn mòn đến phần cơ và thanh mạc dạ dày. Khi thanh mạc bị ăn mòn, dạ dày có thể xuất hiện lỗ thủng do vết loét tiến triển. Trong trường hợp thủng dạ dày, bệnh nhân thường có chỉ định mổ để khâu vết thủng hoặc cắt một phần dạ dày nếu cần thiết.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Thủng dạ dày là biến chứng của viêm loét dạ dày cần phải được phẫu thuật xử lý sớm

Thủng dạ dày là biến chứng nặng nề của viêm loét dạ dày tá tràng và có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân nếu không chẩn đoán, xử lý sớm. Lỗ thủng thường xuất hiện ở bờ cong nhỏ dạ dày hoặc mặt trước hành tá tràng. Khi gặp phải biến chứng này, bệnh nhân có thể nhận thấy một số triệu chứng điển hình như đau dữ dội, đột ngột như dao đâm ở vùng thượng vị, vã mồ hôi, tăng nhịp thở, mặt tái nhợt, tụt huyết áp, sờ vào vùng bụng có cảm giác co cứng,…

4. Có nguy cơ ác tính hóa (tiền ung thư)

Viêm loét dạ dày tá tràng có thể làm tăng nguy cơ ác tính hóa tế bào – đặc biệt là những trường hợp nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori và vết loét tiến triển dai dẳng từ 10 năm trở lên. Khi nhận thấy có nguy cơ ác tính hóa cao, bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày để tránh phát triển khối u ác tính và di căn sang các cơ quan lân cận.

Chia sẻ thêm: Cảnh báo những dấu hiệu ung thư dạ dày để phát hiện kịp thời

Viêm loét dạ dày có mổ không? Các phương pháp phẫu thuật phổ biến

Có khá nhiều phương pháp, kỹ thuật mổ viêm loét dạ dày tá tràng. Tùy theo biến chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật sau:

1. Nội soi hoặc phẫu thuật cầm máu

Nội soi cầm máu là kỹ thuật ngoại khoa được áp dụng cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày. Nội soi là phương pháp đưa thiết bị dạng ống nhỏ, dài vào bên trong dạ dày qua đường rạch nhỏ ở ổ bụng. Thông qua camera được gắn ở đầu thiết bị, bác sĩ có thể quan sát rõ niêm mạc dạ dày, xác định vị trí xuất huyết và tiến hành các phương pháp cầm máu như tiêm chất đông máu, sử dụng đầu dò nhiệt, đốt điện, laser, tiếp kẹp mạch máu với vòng cao su,…

Đối với những trường hợp không xác định được vị trí xuất huyết thông qua nội soi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để xác định nguồn gốc hiện tượng xuất huyết, sau đó can thiệp các kỹ thuật cầm máu để tránh bệnh nhân mất máu nhiều. Sau khi nội soi và cầm máu, bệnh nhân cần tích cực điều trị bằng thuốc và tổ chức lại lối sống để ngăn xuất huyết dạ dày tái phát.

Cần biết thêm: Nội soi đại tràng có cần nhịn ăn không? Lưu ý cho người bệnh

2. Cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày

Cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày thường được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ ác tính hóa hoặc xác định ung thư dạ dày trong giai đoạn đầu. Phẫu thuật cắt bỏ được xem là lựa chọn ưu tiên giúp giải quyết triệt để tổ chức tế bào ác tính và ngăn ngừa hiện tượng di căn.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Cắt 1 phần hoặc toàn bộ dạ dày được chỉ định trong trường hợp thủng dạ dày và phát hiện nguy cơ ác tính hóa

Ngoài ra, cắt 1 phần dạ dày cũng được cân nhắc cho bệnh nhân bị thủng dạ dày đến bệnh viện sớm (khoảng 8 giờ kể từ khi dạ dày bị thủng). Phương pháp này thường được áp dụng khi lỗ thủng xuất hiện trên nền loét hành tá tàng xơ chai hoặc thủng dạ dày nghi ngờ ung thư, thủng kết hợp với hẹp môn vị hoặc xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, cắt 1 phần dạ dày chỉ được áp dụng trong trường hợp thủng dạ dày xảy ra ở bệnh nhân từ 30 – 70 tuổi, thể trạng khá và không có các bệnh lý nặng đi kèm.

3. Khâu lỗ thủng dạ dày

Khâu lỗ thủng dạ dày là lựa chọn ưu tiên đối với bệnh nhân bị thủng dạ dày do loét xuất hiện đột ngột (thường do sử dụng thuốc chống viêm liều cao hoặc sử dụng rượu bia mạnh). Phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền, vào viện muộn và đã xuất hiện các triệu chứng viêm phúc mạc.

Đối với những trường hợp khác, bệnh nhân có thể được chỉ định khâu lỗ thủng dạ dày tá tràng qua nội soi ổ bụng hoặc kết hợp khâu lỗ thủng với tạo hình môn vị, nối vị tràng và cắt dây thần kinh X.

4. Cắt dây thần kinh X (dây thần kinh phế vị)

Dây thần kinh X (dây thần kinh phế vị) là dây thần kinh hỗn hợp có chức năng dẫn truyền cảm giác và chi phối khả năng vận động của các tạng nằm ở vùng cổ, ngực và bụng. Trong đó, dây thần kinh phế vị phân nhánh vào dạ dày đến 60%, gan 10% và 30% chi phối các tạng khác.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Cắt dây thần kinh X được cân nhắc trong trường hợp viêm loét dai dẳng và đã phát sinh biến chứng

Dây thần kinh X chi phối nhu động và khả năng bài tiết dịch vị ở dạ dày. Do đó trong trường hợp loét dai dẳng hoặc loét đã phát sinh biến chứng xuất huyết, hẹp môn vị và thủng ổ loét, bác sĩ có thể phẫu thuật xử lý biến chứng kết hợp với cắt dây thần kinh X.

Đừng bỏ qua: Viêm Loét Dạ Dày Có Chữa Khỏi Được Không? Bao Lâu Khỏi?

5. Phẫu thuật nối vị tràng

Nối vị tràng là phương pháp phẫu thuật nhằm nối thông dạ dày và tá tràng khi đường lưu thông bị cản trở hoặc tắc nghẽn. Phương pháp này được thực hiện đồng thời với xử lý hẹp môn vị và cắt dây thần kinh X toàn bộ để đảm bảo quá trình lưu thông diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, phẫu thuật nối vị tràng cũng được cân nhắc trong trường hợp có u ở tá tràng, hang vị và túi thừa tá tràng lớn không thể cắt bỏ.

Biến chứng có thể gặp sau mổ dạ dày

Bị viêm loét dạ dày có mổ không? Câu trả lời đã được giải đáp ở nội dung bài viết trên. Thế nhưng sau mổ có thể xảy ra biến chứng gì? Đây là vấn đề không phải ai cũng nắm rõ, dưới đây là thông tin giải đáp cụ thể vấn đề này.

Những biến chứng sớm xảy ra sau khi mổ viêm loét dạ dày

Những biến chứng điển hình sau khi mổ viêm loét dạ dày tá tràng người bệnh có thể gặp phải như:

  • Chảy máu sau mổ: Đây là biến chứng thường gặp sau 24 giờ phẫu thuật.
  • Chảy máu trong ổ bụng: Với những trường hợp này người bệnh cần nhanh chóng báo cho bác sĩ và truyền máu tươi khẩn cấp. Đồng thời thực hiện mổ lại để cầm máu. Trường hợp chảy máu do mạch máu cần thực hiện thắt khâu.
  • Tắc miệng nối: Biến chứng này thường xảy ra khi thực hiện phẫu thuật khâu lỗ thủng kết hợp với nối vị tràng, cắt đi đoạn dạ dày bị thủng. Để khắc phục biến chứng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng thuốc kháng sinh, hút dịch dạ dày, truyền dịch, hoặc phẫu thuật lại.
  • Rò rỉ miếng nối – mỏm tá tràng: Để khắc phục bác sĩ sẽ chỉ định bạn uống kháng sinh, truyền dịch hoặc bổ sung đạm máu. Với trường hợp bệnh không thuyên giảm, bác sĩ sẽ chỉ định làm sạch khoang phúc mạc, kiểm trị vị trí rò rỉ.
  • Viêm tụy cấp: Triệu chứng của biến chứng này thường không rõ ràng và để cải thiện bác sĩ sẽ hút dịch dạ dày, truyền dịch, uống thuốc kháng sinh, giảm đau.
Viêm tụy cấp là biến chứng sớm gặp sau phẫu thuật
Viêm tụy cấp là biến chứng sớm gặp sau phẫu thuật

Biến chứng muộn sau phẫu thuật

Bên cạnh những biến chứng sớm, người bệnh cũng có thể gặp phải một số biến chứng muộn sau hậu phẫu như:

  • Viêm miệng nối: Triệu chứng là bạn sẽ cảm thấy đau âm ỉ ở vùng bụng và liên tục buồn nôn. Lúc này bạn có thể được chỉ định uống kháng sinh để cải thiện.
  • Hội chứng quai tới: Điều trị nội khoa là phương pháp khắc phục biến chứng này. Tuy nhiên nếu bệnh diễn biến nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật một lần nữa để đảm bảo an toàn tối đa.
  • Lồng quai đi: Đây là biến chứng ít gặp nhưng có thể khiến bệnh nhân bị đau dữ dội vùng thượng vị, nôn ra máu. Để khắc phục, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật lại.
  • Thoát vị trong: Phẫu thuật là phương pháp điều trị bạn được chỉ định để cải thiện bệnh. Tuy nhiên nếu ruột đã bị hoạt tử cần phẫu thuật cắt bỏ.
  • Hội chứng dumping: Người bệnh để cải thiện biến chứng cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Cụ thể người bệnh cần ít ăn bột, đạm và chia nhỏ bữa ăn.
  • Thiếu máu: Để khắc phục bác sĩ sẽ chỉ định bạn uống thuốc kích thích tạo màu như B1, B12, viên sắt,…
  • Mắc bệnh mãn tính khác: Phẫu thuật viêm loét dạ dày tá tràng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như rối loạn tâm thần, phổi, lao,…
  • Bị rối loạn: Người bệnh có thể bị rối loạn quá trình hấp thu mỡ, đường hay đạm,…

Tư vấn thêm: Phác đồ trị viêm loét dạ dày hp mới nhất

Cách chăm sóc người bệnh sau khi mổ viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày có mổ không đã được làm sáng tỏ ở nội dung trên. Ngoài ra việc chăm sóc sau khi mổ là điều người bệnh cần đặc biệt quan tâm. Nó quyết định không nhỏ đến đến thời gian phục hồi, ngăn ngừa các rủi ro, biến chứng có thể xảy ra.

Vì thế người bệnh cần lưu ý những vấn đề trong cách chăm sóc sau:

  • Người bệnh cần uống thuốc theo đúng liều lượng, thời gian như bác sĩ đã chỉ định.
  • Hạn chế vận động mạnh, tuyệt đối không mang vác vật nặng hay luyện tập các môn thể thao cường độ cao.
  • Thường xuyên vệ sinh, kiểm tra xem vết mổ đã lành hay chưa, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hay chảy máu, rách,…
  • Tái khám đúng lịch hẹn bác sĩ đã chỉ định. Việc này giúp bác sĩ dễ dàng theo dõi tiến độ hồi phục vết thương.
  • Uống nước và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày để cơ thể có năng lượng phục hồi tốt hơn, hạn chế viêm loét sau mổ.
  • Luôn giữ tinh thần vui vẻ và lạc quan, việc này cũng giúp hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật.
  • Đến ngay bệnh viện nếu có dấu hiệu đau nhiều sau phẫu thuật hoặc nhiễm trùng.

Lưu ý: 13 Cách Chữa Viêm Loét Dạ Dày Tại Nhà Bằng Mẹo Dân Gian

Các biện pháp giảm nguy cơ mổ viêm loét dạ dày tá tràng

Thống kê cho thấy, rất ít bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng phải can thiệp ngoại khoa. So với điều trị bảo tồn, các phương pháp phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Hơn nữa, phẫu thuật có chi phí cao, mất nhiều thời gian nghỉ dưỡng gây trì hoãn quá trình học tập và làm việc.

Do đó ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bất thường, bệnh nhân nên thăm khám và điều trị sớm để kiểm soát bệnh hoàn toàn. Thực tế cho thấy, viêm loét dạ dày tá tràng có thể được chữa trị dứt điểm thông qua các phương pháp bảo tồn.

viêm loét dạ dày có phải mổ không
Tích cực điều trị bằng thuốc và điều chỉnh lối sống có thể giảm nguy cơ phải mổ viêm loét dạ dày

Để giảm nguy cơ phải can thiệp phẫu thuật khi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh nhân cần:

  • Chủ động thăm khám và điều trị ngay khi phát sinh các triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, nên sử dụng thuốc phác đồ được bác sĩ chỉ định và tái khám thường xuyên để được theo dõi, đánh giá tiến độ phục hồi.
  • Bên cạnh điều trị y tế, cần lên kế hoạch chế độ ăn uống khoa học. Tránh sử dụng rượu bia và các loại thực phẩm, thức uống kích thích lên dạ dày như thực phẩm chứa nhiều axit, món ăn cay nóng, mặn, nước ngọt có gas,…
  • Bổ sung thực phẩm có khả năng chống viêm và trung hòa dịch vị như rau xanh, các loại củ, một số loại trái cây, ngũ cốc, cá,… Ngoài ra, các nhóm thực phẩm lành mạnh còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa tình trạng sụt cân, suy nhược do viêm loét dạ dày tá tràng tiến triển dai dẳng.
  • Thay đổi một số thói quen gây rối loạn nhu động và kích thích dạ dày tăng tiết quá mức như ăn uống thất thường, ăn quá khuya, ăn ít hoặc ăn uống quá mức, vận động ngay sau khi ăn,…
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên kiểm soát các thói quen sinh hoạt ảnh hưởng xấu đến dạ dày như hút thuốc lá, căng thẳng, thức khuya và lo âu quá mức.
  • Dành 20 – 40 phút mỗi ngày để luyện tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng. Hoạt động thể chất đã được chứng minh có hiệu quả điều hòa nhu động và hạn chế tình trạng dạ dày tăng tiết quá mức.

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc “Viêm loét dạ dày có mổ không?” và hướng dẫn kiểm soát bệnh bằng một số biện pháp bảo tồn. Để được tư vấn cụ thể hơn, bệnh nhân nên tìm gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan

Viêm loét dạ dày tá tràng là căn bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở rất nhiều người. Vậy tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không? Cách điều trị nào...

Xem chi tiết

Viêm loét dạ dày tá tràng có lây không là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Được biết, bệnh lý này hầu như không có khả năng lây nhiễm nếu xảy ra thói...

Xem chi tiết

Viêm loét dạ dày có chữa khỏi được không? Bao lâu khỏi? là những thắc mắc thường gặp. Bởi đây là bệnh lý tiêu hóa phổ biến tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và...

Xem chi tiết

Cách chữa

Dinh dưỡng sức khỏe