Sôi bụng, xì hơi nhiều có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ – đặc biệt là trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Tình trạng này thường xảy ra do thói quen ăn uống, sinh hoạt hoặc ảnh hưởng của căng thẳng thần kinh. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý tiêu hóa.
Nguyên nhân gây sôi bụng, xì hơi nhiều (bệnh lý + sinh lý)
Sôi bụng là tình trạng bụng phát ra âm thanh do tăng nhu động một cách đột ngột. Tình trạng này thường đi kèm với triệu chứng xì hơi (trung tiện) nhiều. Ở một số trường hợp, sôi bụng, xì hơi cũng có thể xuất hiện đồng thời với các biểu hiện khác như buồn nôn, ợ nóng, đi ngoài, đau bụng, ợ hơi, ợ chua,…
Có rất nhiều nguyên nhân gây sôi bụng và xì hơi nhiều, bao gồm cả nguyên nhân sinh lý và nguyên nhân bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân có thể xảy ra:
1. Ảnh hưởng của hormone thai kỳ
Khi mang thai, nội tiết tố trong cơ thể sẽ có sự thay đổi đột ngột. Cụ thể trong thai kỳ, hormone estrogen sẽ sụt giảm đáng kể, thay vào đó là sự gia tăng đột ngột của hormone progesterone và prolactine. Tuy nhiên, hormone progesterone gia tăng quá mức có thể khiến nhu động ruột bị rối loạn.
Do đó trong thời gian mang thai, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng xì hơi nhiều, sôi bụng kèm theo một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác như đau bụng, tiêu chảy, táo bón,… Ngoài ra, hormone progesterone tăng mạnh còn gây trào ngược thực quản và một số vấn đề tiêu hóa thường gặp khác.
Đọc thêm: Đau Dạ Dày Khi Mang Thai: Những Thông Tin Quan Trọng Cho Mẹ Bầu
2. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm đối tượng có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa do chức năng tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh. Tình trạng cũng có thể xảy ra do dị ứng sữa, ăn uống thiếu khoa học hoặc ăn uống quá mức. Rối loạn tiêu hóa đặc trưng bởi tình trạng trẻ xì hơi, chướng bụng, tiêu chảy, đi ngoài và sôi bụng. Ngoài ra, trẻ còn có thể gặp phải một số triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân hoặc chậm tăng cân.
3. Hội chứng đại tràng kích thích (viêm đại tràng co thắt)
Hội chứng đại tràng kích thích là tình trạng rối loạn chức năng ruột già mãn tính. Ở người mắc hội chứng này, đại tràng tăng/ giảm nhu động bất thường nhưng hoàn toàn không xuất hiện tổn thương thực thể như viêm, loét, khối u, chảy máu,…
Viêm đại tràng co thắt là bệnh tiêu hóa có đặc tính dai dẳng và tái đi tái lại nhiều lần. Trong đó, xì hơi, sôi bụng và bụng đầy trướng là các triệu chứng điển hình của bệnh lý này. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ giữa các đợt tiêu lỏng và đại tiện táo.
4. Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một dạng viêm ruột mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm tại nhiều vị trí ở tá tràng và đại tràng. Một số trường hợp nặng còn có thể bị viêm ở thực quản, dạ dày và trực tràng. Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, một số giả thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến hệ miễn dịch, gen và chế độ dinh dưỡng.
Bệnh Crohn có triệu chứng khá đa dạng, bao gồm tiêu chảy, sôi bụng, xì hơi, chán ăn và đau vùng bụng dưới. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị đi ngoài ra máu, sốt và mệt mỏi. Do đó trong một số trường hợp, sôi bụng kèm xì hơi nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh Crohn.
Chia sẻ thêm: Đau Dạ Dày Ở Trẻ Em – Đừng Chủ Quan Vì Có Thể Gặp Nguy Hiểm
5. Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là bệnh tiêu hóa dưới khá phổ biến nhưng chưa tìm được nguyên nhân chính xác. Bệnh lý này xảy ra khi trực tràng bị viêm, loét, sau đó lan dần ra toàn bộ đại tràng. Dù chưa tìm được nguyên nhân cụ thể nhưng các chuyên gia nhận thấy, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), tự miễn, di truyền và chế độ dinh dưỡng.
Viêm loét đại tràng có thể gây đau bụng kèm xì hơi, sôi bụng và mót rặn (có cảm giác buồn đại tiện nhưng không đi được, thường xuyên phải rặn nhưng không ra phân). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng hơn như tiêu máu (phân có mủ, chất nhầy, sốt, sụt cân,…).
Cần biết thêm: Bệnh học viêm loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
6. Viêm dạ dày – ruột
Viêm dạ dày – ruột là một trong những bệnh lý có thể gây sôi bụng kèm xì hơi nhiều. Bệnh lý này xảy ra khi dạ dày và đường ruột bị viêm, kích ứng do nhiễm virus, ký sinh trùng và vi khuẩn trong thức uống và thực phẩm. Triệu chứng chính của viêm dạ dày – ruột là cảm giác sôi bụng, xì hơi nhiều, tiêu chảy và nôn mửa.
Ngoài các triệu chứng điển hình, bệnh cũng có thể gây đau dạ dày, đau đầu, buồn nôn, sốt và đau quặn bụng. Sau một thời gian dài nôn mửa và tiêu chảy, bệnh nhân có thể bị mất nước và gặp phải một số biểu hiện như khát nước, khô miệng, mệt mỏi và suy nhược.
7. Bệnh Celiac
Bệnh Celiac (hội chứng không dung nạp gluten) là bệnh lý tương đối phổ biến. Ở người mắc bệnh lý này, đường ruột không có khả năng hấp thu gluten – thành phần dinh dưỡng có nhiều trong lúa mì, lúa mạch,… Khi dung nạp gluten, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể để tấn công và kết quả là gây viêm mô lót ở tá tràng (ruột non).
Vì vậy khi dung nạp các loại thực phẩm chứa gluten, bệnh nhân có thể bị sôi bụng, tiêu chảy, xì hơi nhiều, phân có màu xám, mùi hôi và thường đi kèm với hiện tượng nổi bọt. Tương tự như bệnh Crohn, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Celiac vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh lý này có thể tăng lên đáng kể nếu tiền sử gia đình mắc bệnh lý này hoặc tiền sử cá nhân bị tiểu đường type 1, hội chứng Turner và hội chứng Down.
8. Dị ứng, mẫn cảm với thức ăn
Trong một số trường hợp, hiện tượng xì hơi nhiều và sôi bụng cũng có thể là dấu hiệu dị ứng, mẫn cảm với thức ăn. Dị ứng thức ăn là tình trạng hệ miễn dịch nhạy cảm với một số loại protein trong thực phẩm và có xu hướng phản ứng lại bằng cách sản xuất kháng thể để tấn công. Kháng thể được giải phóng vào máu, sau đó hoạt hóa các yếu tố gây viêm và chất trung gian hóa học. Kết quả là gây kích ứng và viêm đường ruột.
Ở một số trường hợp, dị ứng thức ăn cũng có thể gây ra biểu hiện ngoài da (nổi mề đay, phát ban) và một số triệu chứng hô hấp (ngứa mũi, chảy nước mũi, khó thở,…). Ngoài xì hơi và sôi bụng, dị ứng thức ăn còn gây tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng và buồn nôn, nôn mửa.
Xem ngay: Những biến chứng của đau dạ dày phổ biến
9. Do sử dụng một số loại thực phẩm
Tình trạng sôi bụng và xì hơi nhiều cũng có thể là hệ quả do sử dụng một số loại thực phẩm và thức uống như:
- Món ăn chứa gia vị cay nóng (tỏi, gừng, ớt, tiêu, mù tạt,…)
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Món ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Dung nạp một lượng lớn chất xơ và probiotic
- Dùng nước ngọt có gas và rượu bia
Ngoài ra, tình trạng này còn có thể xảy ra do một số thói quen thiếu lành mạnh như ăn quá nhanh, nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn. Các thói quen này đều gây rối loạn nhu động ruột dẫn đến đầy hơi, xì hơi nhiều, sôi bụng và tiêu hóa kém.
Tư vấn thêm: Nguyên tắc khi lựa chọn thực phẩm cho người đau dạ dày
10. Căng thẳng thần kinh
Nhu động dạ dày và đường ruột bị chi phối bởi hệ thần kinh não – ruột. Cơ quan này giúp dạ dày và đường ruột tăng nhu động sau bữa ăn để tiêu hóa, đồng thời đào thải phân ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên nếu thường xuyên bị căng thẳng, hệ thần kinh não – ruột có thể bị rối loạn dẫn đến nhu động ruột bất thường.
Thực tế cũng cho thấy, căng thẳng thần kinh quá mức có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, trào ngược thực quản và viêm đại tràng co thắt. Các bệnh lý này đều có thể gây ra tình trạng sôi bụng, bụng đầy trướng, xì hơi nhiều, ăn uống kém và rối loạn đại tiện.
11. Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Trong một số trường hợp, sôi bụng kèm xì hơi nhiều có thể là tác dụng phụ khi dùng kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid, thuốc an thần, thuốc chống ho cơ chế thần kinh hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Các loại thuốc này có thể gây rối loạn nhu động ruột (gián tiếp hoặc trực tiếp). Từ đó làm phát sinh tình trạng đầy hơi, sôi bụng, tiêu chảy/ táo bón, xì hơi nhiều và khó tiêu. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh còn có thể gây loạn khuẩn ruột và dẫn đến viêm đại tràng giả mạc.
12. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên, tình trạng sôi bụng và xì hơi nhiều còn có thể xảy ra một số nguyên nhân khác như:
- Hút thuốc lá thường xuyên
- Thức khuya
- Ăn uống quá mức (đặc biệt là dùng nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường, đạm,…)
- Hội chứng không dung nạp lactose
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng xì hơi và sôi bụng. Tuy nhiên, đa phần tình trạng này đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Chỉ có một số ít trường hợp xảy ra do ảnh hưởng của các bệnh lý. Bên cạnh những nguyên nhân được đề cập trong bài viết, sôi bụng kèm xì hơi nhiều cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân ít gặp hơn.
Đọc ngay: Viêm Loét Dạ Dày Tái Phát: Nguyên Nhân Và Cách Phòng
Cách xử lý sôi bụng, xì hơi nhiều hiệu quả
Sôi bụng, xì hơi nhiều gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, học tập và lao động. Như đã đề cập, đa phần trường hợp gặp phải các triệu chứng này đều xảy ra do lối sống. Do đó, tình trạng sôi bụng và xì hơi nhiều có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh lối sống và áp dụng một số mẹo cải thiện tại nhà.
Tuy nhiên nếu triệu chứng đi kèm với các dấu hiệu bất thường khác hoặc tiến triển dai dẳng, kéo dài, nên sắp xếp thời gian đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và can thiệp các phương pháp điều trị trong thời gian sớm nhất.
Các biện pháp xử lý tình trạng xì hơi và sôi bụng hiệu quả:
1. Áp dụng mẹo xử lý tạm thời
Nếu tình trạng xì hơi, sôi bụng xảy ra thường xuyên gây ra cảm giác khó chịu và nhiều phiền toái trong cuộc sống, bạn có thể áp dụng một số mẹo xử lý tạm thời như:
- Massage vùng bụng: Massage là liệu pháp sử dụng tay để tạo kích thích cơ học lên cơ quan cần điều trị. Đối với chứng sôi bụng và xì hơi, massage giúp điều hòa nhu động ruột và cải thiện các triệu chứng một cách rõ rệt. Để giảm nhanh tình trạng này, bạn nên dùng tay xoa nhẹ vùng bụng theo chiều kim đồng hồ và ngược lại khoảng 10 – 20 lần.
- Dùng trà hoa cúc: Trà hoa cúc có tác dụng làm dịu hệ thần kinh và cải thiện tình trạng tăng nhu động dạ dày – đường ruột. Uống 1 tách trà hoa cúc ấm có thể giảm nhanh tình trạng đầy hơi, chướng bụng, xì hơi, sôi bụng, buồn nôn và đau dạ dày. Loại trà này cũng đã được chứng minh có tác dụng giảm triệu chứng của viêm đại tràng co thắt và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Trà bạc hà: Tương tự như trà hoa cúc, trà bạc hà có tác dụng giảm sinh khí trong đường ruột và cải thiện tình trạng buồn nôn, đau bụng, táo bón,… Do đó, dùng 1 tách trà bạc hà có thể kiểm soát nhanh tình trạng sôi bụng và xì hơi nhiều. Với phụ nữ mang thai, trà bạc hà còn giúp cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn mửa do ốm nghén.
Các mẹo xử lý tạm thời mang lại hiệu quả khá rõ rệt đối với những trường hợp nhẹ. Tuy nhiên nếu xảy ra do nguyên nhân bệnh lý, triệu chứng có thể không thuyên giảm khi áp dụng các mẹo kể trên.
Lưu ý: Đau dạ dày kiêng thức ăn gì để đảm bảo sức khỏe
2. Điều chỉnh lối sống
Phần lớn các trường hợp bị sôi bụng và xì hơi nhiều đều bắt nguồn từ lối sống thiếu khoa học. Do đó bên cạnh việc áp dụng các mẹo xử lý tạm thời, bạn nên điều chỉnh lối sống để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Xây dựng lối sống khoa học giúp kiểm soát tình trạng sôi bụng kèm xì hơi nhiều:
- Không sử dụng các loại thực phẩm và thức uống có thể gây sôi bụng, xì hơi, bụng đầy trướng như rượu bia, thức uống chứa caffeine, nước ngọt có gas, món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, dầu mỡ,…
- Thay đổi một số thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn uống quá mức, ăn quá nhanh và nằm/ vận động ngay sau khi ăn.
- Bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như cá, thịt, ngũ cốc, rau xanh, củ, trái cây,… để điều hòa hoạt động tiêu hóa và giảm tình trạng rối loạn nhu động đường ruột.
- Tránh sử dụng thực phẩm chứa gluten, thực phẩm có tiền sử dị ứng và các loại sữa chứa lactose (chủ yếu là sữa có nguồn gốc từ động vật). Dung nạp các loại thực phẩm này có thể làm trầm trọng tình trạng chướng bụng, sôi bụng và xì hơi.
- Giảm căng thẳng bằng cách cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên và ngủ đúng giờ, đủ giấc.
- Không hút thuốc lá và sử dụng chất kích thích. Ít người biết rằng, nicotine trong khói thuốc làm thoái hóa các tế bào thần kinh ở đường ruột, đồng thời làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến dạ dày – tá tràng – đại tràng. Do đó, duy trì thói quen hút thuốc lá có thể khiến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tránh ngồi quá lâu, thay vào đó nên đi lại nhẹ nhàng từ 5 – 10 phút sau mỗi 2 giờ. Ngoài ra, nên tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn để giảm cân nếu bị thừa cân – béo phì.
Thay đổi lối sống có thể giảm nhẹ và phòng ngừa tình trạng sôi bụng, xì hơi nhiều tái phát. Ngoài ra đối với những trường hợp bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lý, lối sống khoa học cũng là một trong những yếu tố góp phần kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển dai dẳng, kéo dài.
3. Thăm khám khi cần thiết
Ngoài các nguyên nhân thông thường, sôi bụng kèm xì hơi nhiều cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh tiêu hóa như hội chứng đại tràng kích thích, bệnh Crohn, bệnh Celiac,… Do đó nếu triệu chứng kéo dài hoặc đi kèm với các biểu hiện có mức độ nặng, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Đa phần các bệnh lý gây xì hơi, sôi bụng đều có thể kiểm soát thông qua sử dụng và điều chỉnh một số thói quen. Tuy nhiên nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng khiến quá trình điều trị gặp nhiều bất lợi và tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng nề. Do đó, cần chủ động tìm gặp bác sĩ trong những trường hợp cần thiết.
Sôi bụng, xì hơi nhiều là triệu chứng tiêu hóa phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu triệu chứng kéo dài hoặc đi kèm với những biểu hiện khác lạc, nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Tìm hiểu bị đau dạ dày có nên uống sữa không?
- Tổng hợp 7 loại sữa bột dành cho người đau dạ dày