Mất ngủ kéo dài là “cơn ác mộng” khiến nhiều người mệt mỏi, cơ thể suy nhược, dễ cáu gắt, chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. Nhiều trường hợp, bệnh nhân còn phải đối mặt với một số bệnh lý tim mạch, huyết áp,… khi tình trạng mất ngủ không được xử lý triệt để. Do vậy, việc sớm tìm hiểu nguyên nhân mất ngủ lâu ngày và kịp thời có biện pháp can thiệp là yếu tố quyết định rất lớn đến sức khoẻ mỗi người.
Như thế nào được coi là mất ngủ kéo dài?
Một người được xem là mất ngủ kéo dài khi bị rối loạn giấc ngủ, khó vào giấc thậm chí liên tục “thức trắng đêm” trong 2 tuần liên tiếp. Khi đó, người bệnh thấy rõ các triệu chứng như trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm, thậm chí thức từ 1-2h sáng và không thể tiếp tục ngủ… gây nên tình trạng mệt mỏi, cơ thể uể oải.
Các số liệu thống kê cho thấy, có tới 30% dân số thế giới bị mất ngủ kéo dài. Trong đó, mọi đối tượng đều có thể gặp phải tình trạng này nhưng tỷ lệ cao vẫn ở nhóm trung niên và người cao tuổi. Một số thống kê tại Mỹ đã chỉ ra mất ngủ kéo dài đang có xu hướng trẻ hoá khi số lượng người trẻ trong độ tuổi từ 24-35 bị mất ngủ dài ngày nhiều hơn trong một vài năm trở lại đây.
Nên xem thêm: Chứng Mất Ngủ Người Lớn Tuổi Và Cách Xử Lý An Toàn Từ Gốc
Mất ngủ lâu ngày do đâu? Có phải là bệnh lý không?
Theo các chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, nguyên nhân bị mất ngủ dài ngày rất đa dạng. Đa số các trường hợp bị mất ngủ do vấn đề sinh lý (thói quen sinh hoạt, ăn uống, dùng thuốc) và sẽ tự hết sau một khoảng thời gian. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài do bệnh lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe.
Nguyên nhân sinh lý
Thực tế, có nhiều bệnh nhân bị mất ngủ dài ngày do tác động của những vấn đề sau:
- Tác dụng phụ của thuốc
Nhóm các loại thuốc điều trị huyết áp cao, parkinson, trầm cảm, thậm chí thuốc chứa corticoid… đều có thể gây nên hiện tượng mất ngủ. Trong thời gian sử dụng những loại thuốc này nếu gặp phải tình trạng đau đầu và mất ngủ trong một thời gian kéo dài bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp.
- Căng thẳng, tress
Những áp lực từ công việc, cuộc sống hiện đại gây nhiều căng thẳng, stress. Điều này khiến không ít người mệt mỏi, lo âu, thường xuyên suy nghĩ đến những điều tiêu cực… hậu quả là làm phát sinh tình trạng mất ngủ. Trong đó, nguyên nhân mất ngủ kéo dài do căng thẳng, stress thường gặp hơn ở người trẻ.
- Thói quen sử dụng rượu bia, đồ uống có cafein
Các chất kích thích khiến cho hệ thần kinh trung ương luôn trong trạng thái tỉnh táo. Nếu thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, cafe, đồ uống chứa cafein sẽ gây ra chứng rối loạn giấc ngủ, trằn trọc, không thể vào giấc…
- Thói quen xấu trong sinh hoạt
Thói quen thức đêm, ngủ ngày vô tình khiến chiếc đồng hồ sinh học của cơ thể bị đảo lộn và thiết lập một “trật tự mới”. Điều này gây nên tình trạng mất ngủ, khó ngủ, không thể vào giấc, thậm chí thức tới 3-4h sáng sau đó “ngủ gà ngủ gật” ban ngày, cơ thể mệt mỏi uể oải.
Bài đọc thêm: Chứng Mất Ngủ Ở Người Trẻ Tuổi: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị Đúng Cách, Kịp Thời
Mất ngủ kéo dài do bệnh lý
Các chuyên gia cho biết, không phải bệnh nhân nào cũng mất ngủ do vấn đề sinh lý. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài và trở thành mãn tính có thể do nhiều bệnh lý khác nhau gây nên:
- Nhóm bệnh dị ứng
Thống kê cho thấy, trong nhóm các bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài có tới 25% mắc các bệnh dị ứng. Trong đó, những người bị dị ứng đường hô hấp trên thường xuyên nghẹt mũi, khó thở hoặc những bệnh nhân bị mề đay, rôm sảy, dị ứng thời tiết bị ngứa ngáy liên tục… Các triệu chứng này thường xảy ra vào ban đêm và gần sáng từ đó gây khó ngủ, lâu dần dẫn tới mất ngủ triền miên.
- Nhóm bệnh về cơ xương khớp
Các bệnh lý thoái hoá xương khớp, thoát vị đĩa đệm, gout… có xu hướng gây đau nhức vào ban đêm khiến người bệnh trằn trọc, khó ngủ. Với những người đã ngủ từ 9-10h tối, khi cơn đau xuất hiện vào rạng sáng sẽ bị đánh thức và khó ngủ trở lại.
- Mắc bệnh tuyến giáp
Bởi vai trò sản sinh hormone và kiểm soát hoạt động trao đổi chất của cơ thể, tuyến giáp cũng ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ mỗi người. Khi tuyến này bị tổn thương, hoạt động trao đổi chất tới các tế bào và mô bị “trì trệ” làm người bệnh có cảm giác bồn chồn, kích thích. Từ đó việc đi vào giấc ngủ tự nhiên cũng trở nên khó khăn hơn, nếu kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
- Trào ngược dạ dày
Thống kê của Viện Lão Khoa Trung ương cho thấy, trào ngược dạ dày là nguyên nhân chủ yếu khiến nhóm bệnh nhân từ 45-54 tuổi bị mất ngủ kéo dài. Khi gặp các triệu chứng ợ hơi, ngạt thở, ho nhiều khi nằm vào ban đêm người bệnh sẽ khó ngủ, thậm chí sẽ mất ngủ triền miên trong khoảng thời gian dài.
- Sự thay đổi nội tiết
Với nhóm bệnh nhân trên 50 tuổi, tỷ lệ nữ giới bị mất ngủ luôn cao hơn nam giới bởi tác động của quá trình thay đổi nội tiết tố. Lúc này, chị em thường căng thẳng, lo âu, bốc hỏa, ngủ không ngon giấc, chất lượng giấc ngủ giảm sút…
- Bệnh về tâm thần
Một khảo sát đã cho thấy có tới 95% bệnh nhân gặp các rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu sau chấn thương, tâm thần phân liệt bị mất ngủ dài ngày. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến tâm lý như ngủ gặp ác mộng cũng khiến nhiều người không thể tròn giấc.
Ngoài những bệnh lý trên, tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, bệnh về tiền liệt tuyến… cũng có thể gây nên tình trạng mất ngủ. Song những căn nguyên này liên quan nhiều đến yếu tố tuổi tác khi nhóm bệnh nhân chủ yếu là người trung niên từ 45 tuổi trở lên.
- Đọc Thêm: Biểu Hiện Mất Ngủ Kinh Niên Là Gì? Cách Điều Trị Bệnh Mất Ngủ Kinh Niên Khỏi Hẳn
Bị mất ngủ triền miên có nguy hiểm không?
Không đơn thuần làm đảo lộn cuộc sống, gây nên tình trạng uể oải mỗi khi thức giấc, mất ngủ kéo dài còn kéo theo hàng loạt hệ lụy về sức khỏe, thậm chí là tính mạng:
- Cản trở công việc, tiềm ẩn rủi ro: Mất ngủ dài ngày làm giảm chất lượng công việc, học tập đặc biệt là đối với những người làm nghề lái xe, vận hành máy móc. Mỗi năm tại Hoa Kỳ có tới 6000 người thiệt mạng do lái xe trong tình trạng thiếu ngủ.
- Suy giảm miễn dịch: Thiếu ngủ, mất ngủ khiến hệ thống miễn dịch bị “gián đoạn”, hoạt động không hiệu quả. Điều này khiến khả năng “chống chọi” với virus, vi khuẩn của “hàng rào” miễn dịch giảm sút, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh.
- Tăng nguy cơ béo phì: Những người ngủ ít hơn 5 tiếng/ngày có nguy cơ béo phì cao gấp 2 lần những người khác. Bởi ở nhóm đối tượng này tình trạng lo lắng thường xuyên tăng cao, cơn đói nhanh đến hơn và có xu hướng ăn nhiều hơn dẫn tới béo phì.
- Sa sút trí tuệ: Mất ngủ kéo dài khiến nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo âu, rối loạn tâm lý và gần như trầm cảm. Không ít trường hợp giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ nghiêm trọng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Người ngủ ít hơn 5h/đêm sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường cao gấp 4 lần người bình thường.
Ngoài ra, tình trạng mất ngủ triền miên khiến cơ thể mệt mỏi làm giảm ham muốn tình dục khiến đời sống vợ chồng kém mặn nồng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng “tinh binh” và trứng, từ đó tăng nguy cơ hiếm muộn, khó thụ thai.
Các biện pháp can thiệp đẩy lùi mất ngủ dài ngày
Khi phải đối mặt với tình trạng mất ngủ dài ngày, trước hết người bệnh cần chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu sau thời gian dài áp dụng mà chứng mất ngủ không được cải thiện hãy tham khảo một vài gợi ý dưới đây:
Mẹo trị mất ngủ lâu ngày từ dân gian
Ưu điểm của các mẹo dân gian trị mất ngủ là đơn giản, dễ thực hiện và tương đối tiết kiệm. Đặc biệt, các biện pháp này an toàn, cho hiệu quả cao trong điều dưỡng, cải thiện sức khỏe tinh thần… Một số trị mất ngủ lâu ngày từ dân gian người bệnh có thể áp dụng gồm:
- Dùng gối lá đinh lăng: Người bệnh thu hái lá đinh lăng đem sao khô, để nguội rồi dùng để làm ruột gối. Kê gối đinh lăng ngủ mỗi đêm sẽ giúp vào giấc nhanh chóng, giấc ngủ ngon và sâu hơn.
- Sử dụng các loại trà thảo mộc: Trong dân gian có rất nhiều nguyên liệu được xem như “tiên dược” cho giấc ngủ, giúp an thần, cải thiện tâm trạng. Trong đó, người bệnh có thể tham khảo một số loại trà như trà tâm sen, trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà lạc tiên, trà mật ong… Nên ưu tiên sử dụng vào buổi tối trước khi đi ngủ 30 phút để cảm nhận hiệu quả rõ rệt.
- Ngâm chân nước thảo mộc: Thông qua biện pháp ngâm chân các huyệt vị được tác động, thúc đẩy lưu thông máu, giải tỏa căng thẳng từ đó đem lại giấc ngủ ngon. Nếu bị chứng mất ngủ kéo dài “quấy rầy”, trước khi đi ngủ bạn có thể ngâm chân với nước ngải cứu, lá lốt, gừng, sả… và thêm vài hạt muối.
- Xem Thêm: Mách Bạn 16 Mẹo Dân Gian Trị Mất Ngủ Cực Kỳ Dễ Áp Dụng Mà Hiệu Quả Bất Ngờ
Hỗ trợ điều trị bằng tân dược
Nếu chứng mất ngủ kéo dài do bệnh lý, rối loạn tinh thần gây nên sẽ được điều trị bằng Tây y để kiểm soát triệu chứng, ngăn chặn diễn tiến xấu của bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc Tây y chữa mất ngủ chỉ được sử dụng khi bác sĩ kê đơn, người bệnh không được tự ý mua và điều trị mất ngủ tại nhà.
Phổ biến nhất là:
- Nhóm thuốc Barbiturat: Là thuốc trị mất ngủ ở liều trung bình, tuy nhiên tác dụng phụ của thuốc là hôn mê, thậm chí gây tử vong nếu lạm dụng. Do vậy, các loại thuốc thuộc nhóm Barbiturat rất ít khi được chỉ định.
- Nhóm Benzodiazepin: Thuốc được sử dụng tương đối phổ biến cho các bệnh nhân bị mất ngủ dài ngày nhờ khả năng gây buồn ngủ nhanh, ổn định tinh thần, chống co giật. Tuy nhiên nếu lạm dụng thuốc có thể gây nghiện, lệ thuộc thuốc, nhiều trường hợp bị nhờn thuốc.
- Các thuốc trị mất ngủ thế hệ mới: Nhóm thuốc chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và dùng tại nhà để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Chế độ ăn uống cho bệnh nhân mất ngủ dài ngày
Ngoài việc sử dụng thảo dược và các loại thuốc hỗ trợ điều trị, bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài cũng cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Trong thực đơn hằng ngày hãy chú ý những điều sau:
- Nhóm thực phẩm nên tăng cường: Gồm những nguyên liệu có lợi cho tinh thần và giấc ngủ như rau bina, chuối, các loại hạt, đậu nành, rau cải xoong, cần tây, thịt gà, pho mát, sữa… Đặc biệt là các bộ phận của cây sen như hạt, tim sen, củ sen… sẽ cho hiệu quả dưỡng tâm an thần rất tốt.
- Nhóm thực phẩm nên hạn chế: Gồm các thực phẩm là “khắc tinh” của giấc ngủ như đồ ăn ngọt, bánh kẹo, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp,… cùng các loại đồ uống có ga, chất kích thích, thức uống chứa cafein…
Đọc thêm: 15+ Bài Thuốc Chữa Mất Ngủ Kinh Niên Hiệu Nghiệm Nhất
Làm sao để ngăn ngừa mất ngủ kéo dài?
Để tình trạng mất ngủ dài ngày “một đi không trở lại”, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp trên mỗi người cũng nên chủ động thực hiện những điều sau:
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh bằng việc ngủ đúng giờ, hạn chế thức khuya để não bộ được nghỉ ngơi, tinh thần thư giãn.
- Trị dứt điểm các bệnh lý gây mất ngủ, tránh tình trạng để bệnh kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, mất ngủ triền miên.
- Hạn chế dùng điện thoại vào buổi tối trước khi đi ngủ để bảo vệ vỏ đại não trước sự tấn công của ánh sáng xanh gây mất ngủ.
- Tạo ra không gian thoáng đãng, thư giãn, không bị quá sáng, nhiệt độ vừa phải để dễ dàng vào giấc hơn.
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng, tập các bài tập giúp thư giãn cơ thể và hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
Mất ngủ kéo dài hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu người bệnh chủ động tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời can thiệp. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là cần duy trì tâm lý thoải mái, tích cực, tránh lo âu muộn phiền. Khi những điều này được đảm bảo tình trạng mất ngủ sẽ tự động được đẩy lùi, cơ thể sẽ thêm dẻo dai và tràn đầy sức sống.
- Đừng Bỏ Lỡ: Bị Mất Ngủ Nên Ăn Gì Để Có Lại Giấc Ngủ Ngon? Bổ Sung Ngay 17 Loại Thực Phẩm Sau Vào Bữa Ăn Của Bạn