Nội dung chính

Viêm đại tràng giả mạc (Clostridium difficile) là một dạng nhiễm khuẩn đường ruột có liên quan đến loạn khuẩn ruột do sử dụng kháng sinh. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng tiêu chảy nhiều lần trong ngày (>20 lần/ ngày) dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. 

Viêm đại tràng giả mạc là gì
Viêm đại tràng giả mạc là gì?

Viêm đại tràng giả mạc (Clostridium difficile) là gì?

Viêm đại tràng giả mạc (viêm đại tràng do Clostridium difficile) là một bệnh nhiễm khuẩn ở ruột già xảy ra do vi khuẩn Clostridium difficile. Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý này là do sử dụng kháng sinh dẫn đến phá vỡ hệ vi sinh bình thường của đường ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium difficile phát triển quá mức. Độc tố từ vi khuẩn gây tổn thương niêm mạc đại tràng, đồng thời khiến đường ruột tăng bài tiết và hình thành các giả mạc màu trắng. Bên cạnh sử dụng kháng sinh, bệnh cũng có liên quan đến suy giảm miễn dịch – đặc biệt là ở người cao tuổi.

Clostridium difficile là vi khuẩn kỵ khí gram dương tồn tại nhiều trong không khí, đất, nước, phân và đường ruột của cơ thể người. Thông thường, nhiễm Clostridium difficile không gây ra bất cứ triệu chứng nào do vi khuẩn bị kiểm soát bởi lợi khuẩn trong đường ruột. Tuy nhiên khi sử dụng kháng sinh, lợi khuẩn có thể bị tiêu diệt. Kết quả là gây loạn khuẩn ruột dẫn đến sự phát triển quá mức của Clostridium difficile.

Viêm đại tràng giả mạc là một trong những dạng viêm đại tràng cấp tính có mức độ nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, trụy tim mạch, suy thận hoặc thậm chí là tử vong. Do đó, bệnh nhân cần phát hiện sớm các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc để tiến hành thăm khám và xử trí trong thời gian sớm nhất.

Nguyên nhân gây viêm đại tràng giả mạc

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm đại tràng giả mạc là do sử dụng kháng sinh dẫn đến loạn khuẩn ruột. Tất cả các loại kháng sinh đều có nguy cơ gây ra bệnh lý này, trong đó thường gặp nhất là:

Sử dụng kháng sinh là nguyên nhân gây loạn khuẩn ruột
Sử dụng kháng sinh là nguyên nhân gây loạn khuẩn ruột
  • Amipicillin, Clindamycin và Cephalosporin là các loại kháng sinh có nguy cơ cao gây viêm đại tràng giả mạc. Trong đó, các kháng sinh Cephalosporin thế hệ II và III như Cefuroxime, Ceftriaxone, Cefotaxime, Ceftazidime,… là thường gặp nhất.
  • Kháng sinh nhóm Fluoroquinolones như Moxifloxacin, Levofloxacin và Ciprofloxacin,…
  • Kháng sinh nhóm beta-lactam kết hợp Clavulanate và Tazobactam

Ngoài kháng sinh, viêm đại tràng do Clostridium difficile cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:

  • Hóa trị: Ở bệnh nhân bị ung thư, hóa trị (thuốc điều trị ung thư) cũng có thể phá hủy sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột, kết quả là gây ra bệnh viêm đại tràng do Clostridium difficile.
  • Bệnh Crohn, loét đại tràng: Vi khuẩn Clostridium difficile rất dễ phát triển ở người mắc bệnh Crohn và loét đại tràng. Nguyên nhân là do người mắc các bệnh lý này dễ bị loạn khuẩn ruột, dẫn đến sự tăng sinh quá mức của trực khuẩn Clostridium difficile.

Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ bị viêm đại tràng giả mạc cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố nguy cơ như:

  • Sử dụng kháng sinh
  • Tuổi tác cao (trên 65 tuổi)
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Vừa thực hiện phẫu thuật đường ruột
  • Can thiệp hóa trị liệu điều trị ung thư
  • Có các bệnh lý ở đại tràng (ung thư đại trực tràng, viêm loét đường ruột mãn tính)

Các nguyên nhân và yếu tố kể trên chính là điều kiện để vi khuẩn Clostridium difficile phát triển và sản sinh độc tố mạnh. Độc tố từ vi khuẩn này khiến niêm mạc đại tràng bị viêm, tổn thương và tăng bài tiết dẫn đến sự hình thành của các giả mạc màu trắng. Giả mạc mềm, nằm trên bề mặt niêm mạc, dễ bong, khi bong để lại ổ viêm, loét hoặc thậm chí có thể gây chảy máu.

Cần biết: Kháng sinh điều trị viêm đại tràng loại nào tốt nhất

Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc viêm đại tràng giả mạc?

Bệnh viêm đại tràng giả mạc tiềm tàng nhiều nguy hại cho sức khỏe. Bởi vậy ngay khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường nghi ngờ bị bệnh, bạn nên đi khám sớm để kịp thời điều trị. Dưới đây là một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Những người đã dùng một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng chống lại vi khuẩn (kháng sinh phổ rộng), sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau cùng một lúc hoặc trong một thời gian dài.
  • Làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe, ví dụ như bệnh viện hoặc nhà chăm sóc trong một thời gian kéo dài.
  • Người cao tuổi, đặc biệt là khoảng trên 65 tuổi.
  • Các đối tượng có tiền sử bệnh viêm ruột (IBD), bệnh liên quan đến thận và ung thư.
  • Người có hệ thống miễn dịch yếu, do tác dụng phụ của điều trị như hóa trị liệu, thuốc steroid hoặc mắc bệnh tiểu đường.
  • Đối tượng đang sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm lượng axit trong dịch vị dạ dày.
  • Người đã từng thực hiện phẫu thuật các cơ quan của hệ thống tiêu hóa.
  • Ngoài ra, phụ nữ là nhóm đối tượng có nhiều khả năng bị mắc viêm đại tràng giả mạc hơn nam giới.

Xem thêm: Triệu chứng viêm đại tràng sigma, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Triệu chứng nhận biết viêm đại tràng giả mạc

Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể bùng phát chỉ trong 1 – 2 ngày sau khi dùng kháng sinh. Tuy nhiên ở một số trường hợp, triệu chứng cũng có thể xảy ra sau vài tuần ngưng dùng thuốc.

điều trị viêm đại tràng giả mạc
Triệu chứng nhất của viêm đại tràng giả mạc là hiện tượng tiêu chảy (có thể đi tiêu đến 20 lần/ ngày)

Các triệu chứng điển hình của bệnh viêm đại tràng giả mạc:

  • Biểu hiện thường gặp nhất là tiêu chảy (có thể đi tiêu đến 20 lần/ ngày)
  • Phân mềm, sệt đến lỏng như nước hoặc như nhầy mũi, mùi đặc trưng và hầu như không có máu, tuy nhiên một số trường hợp phân có thể kèm máu hoặc mủ
  • Đau vùng bụng dưới (chiếm 22%)
  • Sốt (gặp ở 28% trường hợp)

So với các loại viêm đại tràng cấp khác như viêm đại tràng do amip, lỵ trực khuẩn, viêm đại tràng do Clostridium difficile có triệu chứng lâm sàng tương đối hạn chế. Trong đó, tiêu chảy được xem là triệu chứng thường gặp nhất. Các triệu chứng đi kèm chỉ xảy ra ở một số ít bệnh nhân nên không có vai trò chính trong chẩn đoán bệnh.

Có thể bạn cần biết: Viêm đại tràng triệu chứng và cách điều trị thế nào an toàn

Viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm không?

Thực tế, viêm đại tràng giả mạc là một dạng nhiễm khuẩn nặng hơn của tình trạng nhiễm Clostridium difficile. Bởi nếu không có loạn khuẩn ruột, vi khuẩn Clostridium difficile chỉ tồn tại với số lượng hạn chế và gần như không phát sinh bất cứ triệu chứng nào khác thường. Có thể thấy, bệnh lý này gây ra triệu chứng lâm sàng khá hạn chế (phổ biến nhất là tiêu chảy) nên đa phần bệnh nhân đều lầm tưởng với rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc thực phẩm.

Thống kê cho thấy, phần lớn bệnh nhân nhập viện đều đang trong tình trạng nặng, cơ thể suy kiệt và đã phát sinh các biến chứng đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Nếu đến bệnh viện sớm, bệnh nhân sẽ được xử trí và hầu hết đều đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp chủ quan và chậm trễ trong điều trị, viêm đại tràng giả mạc có thể gây ra một số biến chứng như:

viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm không
Bệnh viêm đại tràng giả mạc có nguy hiểm không?
  • Giảm kali huyết do tiêu chảy quá nhiều
  • Hạ huyết áp do mất nước và mất cân bằng điện giải
  • Suy thận
  • Thủng ruột kết
  • Phình giãn ruột
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng
  • Nhiễm khuẩn huyết

Có thể thấy, viêm đại tràng giả mạc gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng. Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện của cơ thể trong thời gian sử dụng kháng sinh để phát hiện và xử trí sớm nếu gặp phải bệnh lý này.

Chia sẻ từ chuyên gia: Polyp Đại Tràng Là Gì? Nguyên Nhân, Chẩn Đoán Và Điều Trị Hiệu Quả

Chẩn đoán bệnh viêm đại tràng do Clostridium difficile

Tương tự như các bệnh viêm đại tràng khác, viêm đại tràng giả mạc được chẩn đoán chủ yếu qua khám lâm sàng và nội soi ống tiêu hóa dưới. Tuy nhiên, một số trường hợp sinh thiết mô khi nội soi có thể cho kết quả âm tính. Đối với bệnh lý này, kết quả âm tính trong nội soi không loại trừ khả năng nhiễm Clostridium difficile. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác.

chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng giả mạc
Chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc được thực hiện thông qua khám lâm sàng, nội soi, xét nghiệm máu,…

Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc:

  • Khám lâm sàng (khai thác triệu chứng lâm sàng, tiền sử dùng thuốc,…)
  • Nội soi ống tiêu hóa kết hợp với sinh thiết
  • Xét nghiệm máu (thường tăng bạch cầu máu ngoại vi >= 20.000 bạch cầu/ ml)
  • Chụp CT bụng (tìm biến chứng vỡ đại tràng và megacolon độc hại)

Các kỹ thuật chẩn đoán được thực hiện nhằm loại trừ viêm đại tràng cấp do những nguyên nhân khác như lỵ amip, lỵ trực khuẩn,… Ngoài ra, chẩn đoán còn giúp bác sĩ đánh giá mức độ tổn thương niêm mạc và phát hiện biến chứng của bệnh, từ đó đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

Lưu ý thêm: Triệu chứng sau khi nội soi đại tràng là gì, kéo dài bao lâu?

Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc

Điều trị viêm đại tràng giả mạc chủ yếu dựa trên kinh nghiệm thực tế của thầy thuốc. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu ngưng kháng sinh đang sử dụng, thay thế kháng sinh nhạy cảm với Clostridium difficile hoặc can thiệp phẫu thuật nếu đã phát sinh biến chứng.

1. Ngưng kháng sinh đang sử dụng

Để ngăn vi khuẩn Clostridium difficile phát triển mạnh, bệnh nhân cần ngưng loại kháng sinh đang sử dụng. Nếu tiếp tục dùng thuốc, tình trạng loạn khuẩn ruột có thể trở nên nghiêm trọng hơn và vi khuẩn Clostridium difficile tiếp tục sản sinh độc tố mạnh gây viêm, loét hoặc thậm chỉ là thủng đường ruột.

Ngưng sử dụng kháng sinh có thể hạn chế sự phát triển của hại khuẩn, từ đó giảm nhẹ một số triệu chứng của bệnh như tiêu chảy và đau bụng. Thống kê cho thấy, có từ 15 – 23% bệnh nhân đáp ứng tốt với biện pháp này.

2. Dùng kháng sinh thay thế

Trong trường hợp vi khuẩn Clostridium difficile vẫn tiếp tục gây ra triệu chứng (mặc dù có giảm về mức độ và tần suất), bác sĩ sẽ thay thế kháng sinh đang sử dụng bằng một loại kháng sinh khác nhạy cảm với hại khuẩn Clostridium difficile. Kháng sinh thay thế thường là Vancomycin hoặc Metronidazole và được sử dụng liên tục trong ít nhất 10 ngày.

Thông thường, kháng sinh được sử dụng bằng đường uống. Tuy nhiên trong trường hợp nặng, dùng kháng sinh đường uống có thể khiến tình trạng loạn khuẩn ruột trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ đinh dùng kháng sinh ở dạng tiêm tĩnh mạch. Khi vi khuẩn Clostridium difficile bị tiêu diệt, hệ vi sinh đường ruột sẽ cân bằng trở lại và hiện tượng viêm ở niêm mạc đại tràng cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Liều lượng dùng kháng sinh trong điều trị viêm đại tràng giả mạc theo từng mức độ:

Thể nhẹ:

  • Bệnh nhân có thể không nhất thiết phải dùng kháng sinh thay thế mà chỉ cần ngưng sử dụng kháng sinh hiện tại
  • Hoặc có thể dùng Metronidazole 400 – 500mg/ 3 lần trong liên tục 10 – 14 ngày

Thể trung bình:

  • Sử dụng Metronidazole 400 – 500mg/ 3 lần/ ngày trong liên tục 10 – 14 ngày

Thể nặng:

  • Lựa chọn ưu tiên là dùng Vancomycin uống ở liều 125mg/ 4 lần/ ngày trong 10 – 14 ngày
  • Nếu không có đáp ứng với Vancomycin, bác sĩ có thể thay thế bằng Fidaxomicin với liều 200mg/ 2 lần/ ngày
  • Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng Vancomycin liều cao (500mg/ 4 lần/ ngày cho qua ống thông mũi dạ dày) + Tiêm tĩnh mạch Metronidaozle 500mg/ 3 lần/ ngày
  • Hoặc dùng IV Immunoglobulin 400mg/ kg + Rifampicin đường uống (300mg/ 2 lần/ ngày)
chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng giả mạc
Điều trị viêm đại tràng giả mạc bao gồm sử dụng kháng sinh thay thế và bù dịch để cân bằng điện giải

Bên cạnh kháng sinh, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng thêm một số loại thuốc để làm giảm triệu chứng như:

  • Thuốc ức chế nhu động (giảm tiêu chảy và đau bụng)
  • Bù dịch để cân bằng điện giải, tránh mất nước
  • Bổ sung lợi khuẩn (probiotic) để cân bằng hệ vi sinh đường ruột và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile

Sau khi sử dụng thuốc và kháng sinh thay thế, các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên để tránh nguy cơ tái nhiễm, bệnh nhân cần duy trì sử dụng kháng sinh trong suốt thời gian được chỉ định.

Bác sĩ chia sẻ: Đơn thuốc điều trị viêm đại tràng hiện nay

3. Phẫu thuật

Rất ít trường hợp viêm đại tràng do Clostridium difficile phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể cân nhắc can thiệp ngoại khoa đối với những trường hợp đã phát sinh biến chứng như sốc nhiễm trùng, thủng đường ruột, megacolon giãn > 10cm,…

Hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc đã xuất hiện biến chứng đều được xử lý bằng cách cắt đại tràng kết hợp với sử dụng thuốc. Phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến chứng và chi phí cao. Do đó, bệnh nhân cần chủ động đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các biểu hiện bất thường để được thăm khám và điều trị sớm. Thống kê cho thấy, đa phần các bệnh nhân nhiễm Clostridium difficile đều có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, tỷ lệ tử vong thấp (khoảng 0.6 – 3.5%).

4. Điều trị bệnh bằng phương pháp cấy ghép phân (FMT)

Ngoài 3 cách chữa phía trên, đối với các trường hợp bị viêm đại tràng giả mạc nặng, bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị bằng phương pháp cấy ghép phân. Cụ thể, các phân sẽ được lấy từ đối tượng hiến tặng có tình trạng sức khỏe bình thường để cấy ghép cho người bệnh. Phương pháp được thực hiện nhằm mục đích khôi phục lại trạng thái cân bằng hệ vi sinh vật có lợi trong đại tràng và đẩy lùi các triệu chứng bệnh.

Xem ngay: Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Nguyên nhân và cách chữa trị

Gợi ý địa chỉ chữa viêm đại tràng giả mạc uy tín

Để được chẩn đoán chính xác mức độ bệnh và điều trị đúng phương pháp, điều quan trọng nhất là bạn phải lựa chọn thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Dưới đây là một số địa chỉ tốt người bệnh có thể tham khảo:

Bệnh viện Đại học Y HN

Địa chỉ: Tại số 01 Tôn Thất Tùng, Q.Đống Đa, TP. HN

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là bệnh viện thuộc tuyến Trung ương nên được rất nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn để khám viêm đại tràng giả mạc. Tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi và nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa.

Đặc biệt là bệnh viện có Trung tâm nội soi riêng để thực hiện các kỹ thuật nội soi tiên tiến nhằm chẩn đoán chính xác và chữa trị tốt nhất cho người bệnh. Ngoài ra, với máy phóng đại nhuộm màu hiện đại cho ánh sáng dải tần hẹp sẽ giúp phát hiện kịp thời những tổn thương đại tràng, đồng thời tầm soát ung thư sớm.

Bệnh viện Bạch Mai

Địa chỉ: Nằm ở số 78 đường Giải Phóng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội

Bệnh viện Bạch Mai cũng là bệnh viện tuyến Trung ương, nổi tiếng tại thủ đô và cả toàn miền Bắc. Đặc biệt Khoa Tiêu hóa của bệnh viện là địa chỉ thăm khám và chữa trị nội khoa uy tín các bệnh lý về Tiêu hóa nói chung, cũng như viêm đại tràng giả mạc nói riêng.

Khoa được trang bị đầy đủ các máy móc thiết yếu trong thăm khám đại tràng như: Nội soi, siêu âm đại tràng… Bên cạnh đó, còn có nhiều thiết bị hiện đại khác, gồm: Chụp cắt lớp vi tính CT-scan, chụp Cộng hưởng từ MRI ổ bụng,… nhằm phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm.

Bệnh viện Nhân dân 115

Địa chỉ: Nằm tại số 527 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM

Khoa Nội Tiêu hóa trực thuộc Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị chuyên thực hiện các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thuộc chuyên khoa Nội Tiêu hóa – Gan mật. Bởi vậy đây là địa chỉ uy tín được nhiều bà con khu vực phía Nam tin tưởng và lựa chọn.

Khoa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại như: Hệ thống nội soi các loại, máy siêu âm, máy CT đa lát cắt, máy chụp Cộng hưởng từ 1.5 Tesla,… Điều này nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ trong công tác thăm khám và chữa trị bệnh.

Có thể bạn cần: Chữa viêm đại tràng ở bệnh viện nào tốt nhất?

Chăm sóc và phòng ngừa bệnh viêm đại tràng giả mạc

Đa phần bệnh nhân bị viêm đại tràng giả mạc đều đáp ứng tốt với điều trị và hồi phục nhanh. Tuy nhiên, vi khuẩn Clostridium difficile có thể thường trú trong đường ruột và gây tái phát bệnh khi có điều kiện thuận lợi. Thống kê cho thấy, có khoảng 15 – 30% trường hợp tái phát bệnh chỉ sau vài tháng điều trị.

So với lần khởi phát đầu tiên, viêm đại tràng giả mạc tái phát có nguy cơ tử vong cao hơn do vi khuẩn có khả năng kháng một số loại kháng sinh. Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần lên kế hoạch chăm sóc để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và hỗ trợ phòng ngừa bệnh tái phát.

chẩn đoán và điều trị viêm đại tràng giả mạc
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là biện pháp đơn giản để ngăn ngừa lây nhiễm Clostridium difficile

Các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa bệnh viêm đại tràng giả mạc:

  • Hạn chế lây nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile bằng cách sử dụng găng tay cao su khi tiếp xúc với nguồn nước, đất, cát,… Ngoài ra, nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Chú ý rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với đất cát, nguồn nước và trước khi ăn. Nên dùng xà phòng rửa sạch tay với nước vì các chế phẩm cồn bôi tay không tiêu diệt được bào tử Clostridium difficile.
  • Cách phòng ngừa viêm đại tràng giả mạc tốt nhất là hạn chế sử dụng kháng sinh – nhất là Clindamycin và kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ II, III. Ngoài ra, cần tránh tình trạng tự ý dùng kháng sinh (kể cả các loại kháng sinh khác). Tình trạng này làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc và gây khó khăn khi điều trị nếu Clostridium difficile tái phát trở lại.
  • Bổ sung các thức ăn mềm, lỏng và dễ tiêu hóa để giảm áp lực lên đường ruột – đặc biệt trong giai đoạn điều trị. Ngoài ra, nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ và probiotic để tái thiết lập hệ vi sinh đường ruột và ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn có hại.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chiên xào, nướng, món ăn chứa nhiều chất béo và gia vị. Các loại thực phẩm này đều khiến triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, ổ viêm, loét ở đại tràng chậm lành hoặc thậm chí tiến triển theo chiều hướng xấu.
  • Trong thời gian điều trị, nên chú ý uống nhiều nước (2.5 lít nước/ ngày), đồng thời cần dùng thêm nước khoáng để cung cấp natri và kali cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng nước trái cây, rau củ,… để bù chất lỏng và bổ sung thêm vitamin, chất khoáng thiết yếu.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, caffeine và thức uống chứa nhiều đường.
  • Người cao tuổi (trên 65 tuổi) có nguy cơ tái phát viêm đại tràng giả mạc rất cao. Do đó bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần chú ý ngủ nghỉ đúng giờ và tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để cải thiện hệ miễn dịch. Chức năng đề kháng được cải thiện có thể duy trì sự cân bằng của hệ vi sinh đường ruột và ngăn chặn tình trạng vi khuẩn Clostridium difficile phát triển quá mức.

Viêm đại tràng giả mạc (viêm đại tràng do Clostridium difficile) là một dạng nhiễm khuẩn đường ruột khá phổ biến trên lâm sàng. Bệnh lý này có tiến triển nhanh và dễ để lại biến chứng nặng nề nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, bệnh nhân cần chú ý các biểu hiện trong thời gian dùng kháng sinh và chủ động đến bệnh viện ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan

Khám viêm đại tràng tốt ở đâu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi thăm khám tại những cơ sở uy tín giúp quá trình chữa trị diễn ra thuận lợi, an...

Xem chi tiết

Viêm đại tràng đau ở đâu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi đại tràng (ruột già) chạy dọc xung quanh ổ bụng nên triệu chứng đau thường xuất hiện ở nhiều...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp