Bị viêm xoang có nên đi bơi không là băn khoăn của rất nhiều người. Bởi nguồn nước ở bể bơi chứa không ít các yếu tố nguy cơ như virus, vi khuẩn, tạp chất và hàm lượng Clo cao. Trước băn khoăn này, bài viết đã tổng hợp ý kiến của chuyên gia để bạn đọc được giải đáp một cách chi tiết và chính xác nhất.
Người bị viêm xoang có nên đi bơi không?
Viêm xoang tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng gây ra rất nhiều bất tiện trong cuộc sống. Cũng giống như các bệnh hô hấp trên, nguyên nhân gây viêm xoang vô cùng đa dạng như do virus, vi khuẩn, nấm, dị ứng hoặc kích ứng.
Nước ta với khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nắng – mưa thất thường là điều kiện thuận lợi để bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái phát. Ngoài sử dụng thuốc trị viêm xoang, người bệnh còn phải lưu ý kiêng cữ một số vấn đề khi sinh hoạt và ăn uống để phòng ngừa bệnh tái phát. Đây cũng là lý do rất nhiều người lăn tăn “Bị viêm xoang có nên đi bơi hay không?”.
Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bơi lội có thể là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm xoang và một số bệnh tai mũi họng khác. Nguyên nhân chủ yếu là do hàm lượng Clo quá cao hoặc bể bơi không được làm sạch thường xuyên khiến nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Tuy nhiên, bơi lội không phải là nguyên nhân trực tiếp mà chỉ là yếu tố thuận lợi. Nếu có thể loại trừ các yếu tố nguy cơ như nguồn nước nhiễm bẩn, bơi lội đúng cách với tần suất phù hợp, người bị viêm xoang hoàn toàn có thể nâng cao sức khỏe với bộ môn này.
Bơi lội đều đặn rất tốt cho sự phát triển về chiều cao, gia tăng sự dẻo dai, linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp. Mặt khác, bộ môn này còn giúp tăng cường sức đề kháng, qua đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan…
Từ ý kiến của các chuyên gia, có thể khẳng định người bị viêm xoang hoàn toàn có thể duy trì thói quen bơi lội. Tuy nhiên, do nguồn nước từ bể bơi là yếu tố gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, kích ứng xoang nên khi đi bơi cần phải lưu ý một số vấn đề.
Có thể bạn quan tâm: Bị Viêm Xoang Có Phải Đi Nghĩa Vụ Không? Giải Đáp Từ Chuyên Gia
Một số lưu ý khi bơi lội dành cho người bị viêm xoang
Như đã đề cập, có 2 lý do dẫn đến viêm xoang sau khi bơi lội đó chính là hàm lượng Clo cao và bể bơi không được làm sạch thường xuyên. Vì vậy, bạn có thể hạn chế nguy cơ tái phát viêm xoang bằng cách thực hiện những lưu ý sau đây:
1. Lựa chọn bể bơi có nguồn nước sạch
Bể bơi là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, nấm, virus phát triển. Do đó, những bể bơi không được làm sạch và thay nước hằng ngày có thể tạo ra nguồn nhiễm khuẩn gây bệnh viêm xoang. Để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn hồ bơi có nguồn nước sạch, đáp ứng các tiêu chí vệ sinh và an toàn.
2. Hít thở đúng cách
Người bị viêm xoang nên học thở đúng cách để tránh hít phải nước bể bơi. Dù được thay hằng ngày, bên trong nước bể bơi vẫn chứa các vi sinh vật và tạp chất. Khi đi vào bên trong mũi xoang sẽ khiến cho tình trạng mô xoang phù nề, sưng viêm trở nên trầm trọng hơn.
Trước khi bơi lội, bạn nên học kỹ thuật thở để điều phối hơi thở khi bơi lội. Kiểm soát được hơi thở sẽ giúp hạn chế tình trạng hít phải nước bể bơi vào bên trong khoang mũi. Trường hợp viêm xoang nặng, nên giữ đầu trên mặt nước và lựa chọn cách bơi ngửa để hạn chế nước đi vào khoang mũi.
3. Chuẩn bị vật dụng cần thiết
Các bác sĩ Tai mũi họng khuyến khích bệnh nhân viêm xoang nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết khi bơi lội như khăn lông, kính bơi, mũ bơi, phao bơi, nút tai… để tránh nước đi vào tai, mắt và các cơ quan khác. Những vật dụng cần thiết này sẽ giúp bảo vệ hệ thống tai mũi họng, đồng thời giúp bạn bơi lội một cách thoải mái hơn.
4. Vệ sinh tai mũi họng sau khi bơi lội
Lưu ý quan trọng để có thể phòng ngừa viêm xoang sau khi bơi lội là cần vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối sinh lý. Bước vệ sinh sẽ giúp làm sạch tạp chất và các chất dị ứng, kích ứng từ bể hơi.
Sau đó, nên xì mũi để làm sạch dịch ở bên trong. Sử dụng tăm bông vệ sinh tai và dùng khăn khô lau sạch vành tai. Vệ sinh tai mũi họng sau khi bơi lội sẽ giúp phòng ngừa viêm xoang, viêm tai giữa và các bệnh lý hô hấp trên thường gặp khác.
Đọc thêm: Viêm Xoang Nghẹt Mũi Khó Thở Là Gì? Triệu Chứng Và Cách Chữa Hiệu Quả
5. Một số lưu ý khác
Ngoài những lưu ý quan trọng trên, người bị viêm xoang khi bơi lội còn phải những chú ý những vấn đề sau:
- Chỉ nên bơi lội với tần suất vừa phải 2 – 3 lần/ tuần. Không nên bơi lội mỗi ngày (nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa) vì dễ gây tái phát viêm xoang và các bệnh hô hấp mãn tính.
- Trước khi bơi lội, cần khởi động để làm nóng cơ thể, tránh sặc nước và chuột rút.
- Choàng khăn khô ngay sau khi lên bờ để tránh nhiễm lạnh và nên tắm rửa sạch sẽ ngay sau đó.
- Chỉ nên bơi từ 30 – 45 phút, không nên bơi quá lâu.
- Nếu bị dị ứng với Clo có trong bể bơi, nên bơi lội ở các bãi biển thay vì hồ bơi nhân tạo. Với hàm lượng muối cao, nước biển chứa rất ít vi khuẩn và các chất dị ứng, kích ứng.
Bơi lội mang lại những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Vì vậy, người bị viêm xoang vẫn có thể duy trì thói quen lành mạnh này để nâng cao sức khỏe, cải thiện độ dẻo dai của hệ xương khớp. Tuy nhiên để tránh viêm xoang trở nặng, cần thực hiện một số lưu ý khi bơi lội.
Tham khảo thêm:
- Người Bị Viêm Xoang Nên Uống Nước Gì? TOP 16 Loại Thức Uống Tốt Nhất Hiện Nay
- Bị Viêm Xoang Có Uống Sữa Được Không? Chuyên Gia Tư Vấn