Viêm xoang xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Vậy bệnh viêm xoang có lây không? Lây qua đường nào? Dưới đây là thông tin cần thiết giúp bạn nắm rõ vấn đề này và phòng ngừa hiệu quả.
Tổng quan về bệnh viêm xoang
Xoang là những túi hốc rỗng, nằm sau trán, gò má, mũi và ở giữa mắt. Chúng chứa đầy khí, có chức năng sản xuất chất nhầy làm sạch đường mũi, đẩy dị nguyên ra xa để bảo vệ cơ thể.
Tuy nhiên các chất gây dị ứng, sự xâm nhập của virus hoặc vi khuẩn có thể khiến niêm mạc sưng nề, tăng tiết dịch hô hấp nhưng không thoát ra được. Khi ứ đọng trong những hốc xoang, dịch nhầy tạo điều kiện cho vi khuẩn/ virus phát triển mạnh. Đồng thời làm tắc lỗ thông xoang dẫn đến viêm xoang nghiêm trọng.
Có 4 nhóm xoang nằm ở mỗi bên mặt gồm: Xoang trán, xoang sàng, xoang bướm và xoang hàm. Mỗi người có thể có thể có một hoặc nhiều xoang bị viêm đồng thời (còn được gọi là viêm đa xoang).
Viêm xoang gây đau nhức nhiều vị trí kèm theo nghẹt mũi, hôi miệng, ho và các triệu chứng khác. Thông thường người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kết hợp chăm sóc và làm sạch mũi xoang. Những trường hợp viêm xoang mãn tính và không đáp ứng tốt có thể cần phải phẫu thuật.
Tham khảo thêm: Mách Bạn TOP 15 Thuốc Chữa Viêm Xoang Tốt Nhất Trên Thị Trường
Bệnh viêm xoang có lây không?
Bệnh viêm xoang có lây không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Về cơ bản, bệnh viêm xoang không có tính chất lây nhiễm. Tuy nhiên vi khuẩn và các loại virus gây viêm xoang cấp (như cúm, parainfluenza, rhinovirus) có thể lây lan thông qua tiếp xúc gần.
Nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn ở những người có các tình trạng sau:
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
- Phụ nữ mang thai
- Những người có thể trạng suy yếu, mới ốm dậy
- Người cao tuổi
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý ở đường hô hấp.
Những người có hệ miễn dịch và sức đề kháng mạnh hoàn toàn có khả năng chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ viêm nhiễm. Đối với viêm xoang do bất thường ở cấu trúc mũi, dị ứng, sức đề kháng/ hệ miễn dịch suy yếu, việc tiếp xúc gần sẽ không lây nhiễm.
Viêm xoang lây qua đường nào?
Các nguyên nhân gây viêm xoang (vi khuẩn và virus) có thể lây lan từ người sang người thông qua những con đường sau:
- Dùng chung vật dụng có nhân với người bệnh, chẳng hạn như khăn tắm, bàn chải đánh răng, ống hút, bát đũa…
- Nói chuyện với người bệnh với khoảng cách gần nhưng không mang khẩu trang
- Hít phải giọt bắn của người bệnh khi họ hắt hơi, ho…
- Tiếp xúc với dịch nhầy tiết ra từ mũi và họng của người bệnh, do người bệnh khạc nhổ hoặc xì mũi.
Khi bị lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus, người bệnh có những dấu hiệu như sốt, ớn lạnh, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi… Khi không được điều trị, các tác nhân sẽ lây lan, làm ảnh hưởng đến những hốc xoang dẫn đến viêm nhiễm.
Có thể bạn quan tâm: Mẹ Bầu Bị Viêm Xoang Là Gì? Dấu Hiệu Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả
Biện pháp phòng ngừa viêm xoang
Để phòng ngừa viêm xoang, bạn cần giữ gìn vệ sinh vùng mũi họng, nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Cụ thể:
- Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn và nước. Có thể dùng dung dịch sát khuẩn (cồn > 60 độ) nếu không có xà phòng. Đặc biệt nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, những vùng đang có dịch bệnh hoặc khi phải tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng và kích ứng.
- Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nếu có cơ địa quá mẫn cảm. Một số tác nhân gây viêm mũi dị ứng kéo dài và dẫn đến viêm xoang gồm phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc, bụi bẩn…
- Không hút thuốc lá, không hít khói thuốc lá thụ động.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng 2 lần mỗi ngày và điều trị viêm (nếu có). Điều này có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang hàm.
- Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng nồng độ 0,9%. Biện pháp này giúp phòng ngừa và giảm viêm, loại bỏ vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng trong mũi xoang.
- Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng nếu có thời tiết hanh khô. Thiết bị này giúp giảm nguy cơ khô mũi và kích ứng bằng cách cung cấp độ ẩm cho không khí.
- Nếu bị cảm cúm hoặc có các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, hãy sớm chữa trị theo chỉ định của bác sĩ để ngăn viêm nhiễm lân lan đến xoang.
- Hãy giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
- Nâng cao thể trạng và sức đề kháng bằng cách vận động thể chất thường xuyên, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống lành mạnh. Đặc biệt nên ăn nhiều rau củ, sữa chua và trái cây. Những loại thực phẩm này giúp tăng cường bổ sung lợi khuẩn, vitamin và các chất chống oxy hóa. Từ đó làm tăng khả năng chống bệnh của cơ thể khi tiếp xúc với những tác nhân gây nhiễm trùng.
Những thông tin nêu trên đã giải đáp bệnh viêm xoang có lây không? Lây qua đường nào? Những cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Nhìn chung, một số nguyên nhân gây viêm xoang có thể lây từ người sang người. Chính vì thế, bạn cần nâng cao thể trạng và tránh tiếp xúc gần với người bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm.
Tham khảo thêm:
- TOP 12 Cây Thuốc Xông Điều Trị Viêm Xoang Cực Hiệu Quả Bạn Nên Thử
- Bị Viêm Xoang Sàng Sau Có Mổ Được Không? Quy Trình Thực Hiện