Viêm xoang có mủ thường xảy ra trong giai đoạn tiến triển từ viêm xoang cấp đến viêm xoang mạn. Những người có tình trạng này sẽ có dịch mủi hôi chảy ở mũi và sau thành họng kéo dài.
Viêm xoang có mủ là gì?
Viêm xoang có mủ là tình trạng viêm xoang gây ứ đọng và chảy mủ có mùi hôi. Tình trạng này thường gặp trong giai đoạn viêm cấp đang dần chuyển sang mạn tính. Chính vì thế mà viêm xoang có mủ còn được gọi là viêm xoang cấp mủ.
Bệnh viêm xoang cấp mủ xảy ra ở những người bị viêm xoang cấp tái phát nhiều lần và không điều trị. Trong quá trình tiến triển, dịch nhầy ứ đọng trong hốc xoang cùng với vi khuẩn tạo thành dịch mủ kèm theo mùi hôi thối khó chịu.
Những người bị viêm xoang có mủ sẽ có dịch mủ hôi, đặc tiết ra nhiều. Mủ có thể chảy từ mũi hoặc/ và phía sau thành họng dẫn đến kích ứng, đau họng, buồn nôn và thay đổi vị giác.
Tìm hiểu khái niệm: Viêm Xoang Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Làm Sao Để Điều Trị
Nguyên nhân gây viêm xoang có mủ
Viêm xoang có mủ xảy ra trong giai đoạn viêm xoang cấp. Khi tình trạng viêm nhiễm không được điều trị tốt, vi khuẩn nhân lên trong hốc xoang và tạo thành dịch mủ.
Một số nguyên nhân khác:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp không được điều trị khiến vi khuẩn lây lan đến xoang và gây viêm nhiễm. Điều này thường gặp hơn ở những người bị viêm tai giữa, viêm amidan, viêm VA, viêm mũi và viêm họng cấp.
- Chấn thương: Chấn thương cơ học, hỏa khí hoặc do áp lực dẫn đến viêm xoang chảy máu mũi. Khi không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan, tổn thương thanh xoang và niêm mạc nhiều hơn. Từ đó tạo thành dịch mủ ứ đọng trong hốc xong.
- Dị ứng: Viêm mũi dị ứng kéo dài và không được điều trị sẽ làm tăng nguy cơ viêm xoang cấp mủ.
- Hóa chất: Tiếp xúc với hóa chất hoặc những tác nhân gây hại trong môi trường sẽ làm tăng mức độ nhiễm trùng và hình thành túi mủ trong xoang. Chẳng hạn như: Khói bụi, nấm móc, khí hóa chất độc hại…
- Bệnh lý toàn thân: Tình trạng suy nhược cơ thể kéo dài và bệnh đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ viêm xoang có mủ.
- Cấu trúc mũi bất thường: Lệnh vách ngăn mũi, polyp mũi… ngăn chặn dịch hô hấp thoát ra từ xoang. Tình trạng này khiến dịch ứ đọng trong xoang, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm xoang cấp mủ.
Triệu chứng của viêm xoang có mủ
Khi bị viêm xoang có mủ, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu sau:
- Dịch mũi đặc, có màu vàng hoặc màu xanh kèm theo mùi hôi khó chịu
- Chảy nước mũi sau
- Sốt
- Cơ thể mệt mỏi và suy nhược
- Thường xuyên mất tập trung
- Tăng áp tai
- Giảm khứu giác và vị giác
- Đau nhức nghiêm trọng
- Đau đầu, trán, hai bên thái dương, mặt, mũi, hàm trên
- Đau nhức theo từng cơn và có tính chu kỳ
- Đau nhức nhiều hơn vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy. Nguyên nhân là do dịch mủ ứ đọng nhiều trong xoang làm tăng áp lực cho những khu vực xung quanh
- Ấn ngón tay mạnh trước xoang có thể gây đau
- Viêm xoang bướm và viêm xoang sàng sau thường gây đau gáy lên đỉnh đầu, dịch mủ hôi chảy xuống thành họng
- Viêm xoang sàng trước thường gây đau từ thái đương đến đỉnh đầu, đau ở hốc mắt
- Có cảm giác nặng ở mặt
- Ho, thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm
- Nghẹt mũi
- Sổ mũi
- Khó thở hoặc thở khò khè
- Dịch mũi chảy xuống họng dẫn đến kích ứng và viêm họng
- Hôi miệng nặng.
Xem chi tiết: Viêm Xoang Đau Sau Gáy Có Nguy Hiểm Không? Điều Trị Như Thế Nào?
Biến chứng của viêm xoang có mủ
Dịch mủ hôi tích tụ trong hốc xoang là một dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng. Tình trạng này thường kèm theo đau họng, hôi miệng kéo dài khiến người bệnh tự ti, ngại giao tiếp, tăng mức độ lo lăng và trầm cảm. Dịch mủ đặc cũng khiến người bệnh khó thở hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Mặt khác, viêm xoang có mủ không được điều trị có thể dẫn đến những biến chứng dưới đây:
- Nhiễm trùng lan rộng dẫn đến:
- Viêm họng cấp và mãn tính
- Viêm amidan
- Viêm thanh quản
- Viêm khí phế quản
- Viêm xoang mãn tính
- Ảnh hưởng đến mắt
- Viêm dây thần kinh thị giác
- Viêm túi lệ
- Viêm tấy ổ mắt
- Áp xe mí mắt
- Giảm thị lực hoặc mù lòa vĩnh viễn
- Viêm tủy xương
- Viêm mô tế bào
- Ảnh hưởng nội sọ
- Viêm màng não
- Áp xe não
- Ảnh hưởng đến tai
- Viêm tai giữa
- Thủng màng nhĩ
- Nghe kém vĩnh viễn
- Liệt dây thần kinh khứu giác, thị giác và dây thần kinh vận nhãn
- Lệch vách ngăn mũi
- U nhầy xoang
- Suy đa cơ quan
- Nhiễm trùng huyết
Để sớm khắc phục bệnh và ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân bị viêm xoang có mủ cần được khám chữa bệnh sớm và tích cực.
Xem thêm: Dùng Cá Ngựa Điều Trị Viêm Xoang Có Hiệu Quả Không? [Tư Vấn]
Chẩn đoán viêm xoang có mủ như thế nào?
Bệnh nhân được kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh. Trong quá trình này, bác sĩ có thể ấn nhẹ và đặt một số câu hỏi liên quan đến mức độ đau, chảy dịch mủ và các triệu chứng đi kèm.
Sau khi kiểm tra lâm sàng và đánh giá sơ bộ, bác sĩ chỉ định nội soi mũi và chụp cắt lớp vi tính nhằm xác nhận chẩn đoán.
- Nội soi mũi: Hình ảnh xem được khi nội soi mũi có thể giúp đánh giá bên trong mũi xoang. Từ đó phát hiện tình trạng ứ đọng dịch mủ, sưng nề và xung huyết do viêm. Ngoài ra nội soi mũi cũng giúp kiểm tra các khối bất thường trong đường mũi. Điều này mang đến hiệu quả trong việc xác định nguyên nhân gây viêm xoang.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)/ chụp cộng hưởng từ (MRI): Người bệnh được chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ ở vùng đầu và mặt. Những kỹ thuật này có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của vùng mũi và xoang. Từ đó giúp kiểm tra cấu trúc mũi, phát hiện những bất thường nghiêm trọng và định hướng xử lý.
- Xét nghiệm dị ứng: Nếu có nghi ngờ viêm xoang được kích hoạt bởi dị ứng, người bệnh sẽ được xét nghiệm dị ứng trên da. Xét nghiệm này có thể giúp xác định các chất kích hoạt phản ứng quá mức của cơ thể.
- Xét nghiệm vi sinh mũi và xoang: Bệnh nhân bị viêm xoang có mủ nặng và không đáp ứng với điều trị được thực hiện xét nghiệm vi sinh mũi và xoang. Xét nghiệm này bao gồm việc nuôi cấy vi khuẩn từ dịch mũi và xoang. Từ đó xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Tìm hiểu thêm: Chi Phí Mổ Viêm Xoang Mũi Có Đắt Không? Nên Mổ Ở Đâu Tốt Nhất?
Điều trị viêm xoang có mủ
Để điều trị viêm xoang có mủ, người bệnh cần dùng kháng sinh kết hợp thuốc điều trị triệu chứng. Ở những trường hợp nặng sẽ được hút dịch mũi xoang, đôi khi phẫu thuật.
1. Thuốc
Các thuốc thường được chỉ định trong điều trị viêm xoang có mủ:
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng kháng sinh phù hợp để loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng xoang. Khi căn nguyên được loại bỏ, tình trạng nhiễm trùng và ứ đọng dịch mủ sẽ sớm được khắc phục. Những loại kháng sinh thường được sử dụng gồm Amoxicillin, Sulfamethoxazol, Trimethoprim.
- Thuốc giảm đau: Viêm xoang có mủ thường kèm theo đau nhức nhiều. Để làm dịu cơn đau, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng thuốc Acetaminophen. Thuốc này phù hợp với những cơn đau nhẹ và vừa, thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc này thường được dùng để giảm đau và viêm cho những bệnh nhân bị nhiễm trùng xoang. Thuốc kháng viêm không steroid có tác dụng chống viêm, hạ sốt và điều trị những cơn đau ở mức độ vừa.
- Corticosteroid: Thuốc corticosteroid thường được dùng ở dạng xịt mũi. Thuốc này có tác dụng giảm đau và điều trị viêm cho những trường hợp viêm vừa đến nặng. Thuốc nhỏ mũi chứa corticosteroid cũng giúp làm dịu niêm mạc, hạn chế kích ứng và tổn thương.
- Thuốc co mạch: Thuốc co mạch (nhỏ mũi) được dùng để giúp phù nề và sung huyết. Từ đó giúp thông mũi, giảm sưng, tăng lưu thông khí và khả năng thoát dịch của xoang.
- Thuốc thông mũi: Thuốc này được dùng dưới 5 ngày để giảm nghẹt mũi do dịch mủ ứ đọng nhiều.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc này được dùng để giảm các triệu chứng do dị ứng. Khi sử dụng, thuốc kháng histamin nhanh chóng ức chế những phản ứng do histamin gây ra. Bao gồm hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi, sổ mũi…
2. Thông rửa xoang
Chọc rửa xoang – hút xoang nội soi được chỉ định cho những trường hợp viêm xoang cấp mủ gây nghẹt mũi nghiêm trọng và kéo dài. Phương pháp này giúp loại bỏ dịch mủ từ xoang tiết ra, làm sạch đường thở.
Các bước thực hiện gồm:
- Người bệnh ngồi hoặc nằm với đầu ngửa 15 độ
- Bác sĩ sử dụng máy hút mũi hoặc dụng cụ hút mũi để hút dịch mủ viêm
- Bơm nước muối và giữ khoảng 30 giây, sau đó cúi đầu để nước muối sinh lý và dịch mủ còn sót nhanh chóng chảy ra. Cuối cùng lau khô mũi và súc miệng bằng nước muối sinh lý.
- Hoặc đặt kim bơm qua đường mũi vào xoang, bơm nước muối sinh lý vào mũi để đẩy hết lượng dịch mủ trong xoang ra ngoài.
Phương pháp chọc rửa xoang – hút xoang nội soi cần được thực hiện đúng kỹ thuật để tránh lam tổn thương cho niêm mạc và gây đau.
Quan tâm: Tìm Hiểu Phương Pháp Điều Trị Viêm Xoang Bằng Laser
3. Phẫu thuật
Những trường hợp thường được chỉ định phẫu thuật gồm:
- Viêm xoang có mủ gây biến chứng
- Không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn
- Có khối u hoặc bất thường ở cấu trúc mũi cần được loại bỏ.
Người bệnh thường được phẫu thuật nội soi để loại bỏ niêm mạc bị hỏng và không thể phục hồi, giữ lại những niêm mạc khỏe mạnh. Đôi khi người bệnh sẽ được phẫu thuật loại bỏ những nguyên nhân gây viêm xoang kéo dài như polyp mũi, khối u mũi ác tính hoặc điều chỉnh lệch vách ngăn mũi.
4. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Viêm xoang có mủ gây nghẹt mũi, mệt mỏi và khó chịu cho người bệnh. Để cải thiện, người bệnh có thể thử áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà, bao gồm:
- Làm ẩm xoang: Hít hơi nước từ bát nước nóng (biện pháp xông mũi) giúp làm ẩm và làm ấm cho xoang. Điều này giúp giảm đau, làm loãng dịch nhầy và tăng khả năng thoát dịch. Từ đó giúp thông mũi hiệu quả.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nghỉ ngơi và ngủ đủ. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và tăng khả năng phục hồi các xoang bị tổn thương.
- Tránh hỉ mũi: Dịch mủ ứ đọng và sưng dẫn đến nghẹt mũi nghiêm trọng. Tuy nhiên cần tránh hỉ mũi nhiều hoặc ngoáy mũi để không gây xuất huyết.
- Chườm ấm: Chườm ấm lên mũi và xoang ảnh hưởng giúp giảm đau và thông mũi. Biện pháp này nên được thực hiện trong 20 phút, mỗi ngày 3 lần.
- Rửa mũi bằng nước muối: Biện pháp này giúp làm loãng dịch nhầy, làm sạch đường mũi và giảm đau nhức. Ngoài ra việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối còn giúp giảm viêm và kháng khuẩn. Khi thực hiện, hơi nghiêng đầu sang một bên, dùng ống xi-lanh hoặc bình bóp để bơm nước muối vào lỗ mũi trên. Nước muối và dịch mủ viêm sẽ chảy ra từ lỗ mũi bên dưới. Lặp lại tương tự với lỗ mũi còn lại. Biện pháp này nên được áp dụng 4 – 6 lần/ tuần.
Nên đọc: Mách Bạn 11 Phương Pháp Chữa Viêm Xoang Tại Nhà Đơn Giản, Hiệu Quả
Phòng ngừa viêm xoang có mủ
Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm xoang có mủ:
- Nâng cao sức đề kháng và thể trạng bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá, trứng… để tăng cường bổ sung vitamin A, C và D.
- Giữ ấm cơ thể (đặc biệt là vùng đầu, mũi và cổ) khi thời tiết chuyển lạnh.
- Thường xuyên tập thể dục, tối thiểu 30 phút mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng và khả năng chống bệnh.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ cho không gian sống luôn sạch sẽ và thoáng mát.
- Mang khẩu trang khi ra ngoài để tránh chất gây dị ứng, khói bụi, vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác trong môi trường.
- Tránh hút thuốc lá, hóa chất và khí độc hại.
- Nếu có cơ địa dị ứng, hãy tránh xa những tác nhân có thể gây ra phản ứng dị ứng cho bạn. Chẳng hạn như phấn hoa và lông thú cưng.
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để kháng khuẩn và làm sạch đường mũi.
- Tránh tiếp xúc gần với những người có bệnh lý lây nhiễm.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn. Điều này giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm mũi xoang.
- Nếu bị viêm xoang, hãy sớm khám và điều trị để tránh nhiễm trùng lan rộng và ứ đọng dịch mủ viêm.
Bệnh viêm xoang có mủ cần được khám và điều trị sớm để tránh phát triển những biến chứng không mong muốn. Chính vì thế người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Tham khảo thêm:
- Viêm Xoang Gây Đau Mỏi Vai Gáy Là Gì? Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Cách Điều Trị
- Bệnh Viêm Xoang Có Lây Không? Lây Qua Đường Nào? Chuyên Gia Giải Đáp