Viêm amidan cấp ở trẻ em cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để tình trạng nhiễm trùng diễn ra kéo dài có thể phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Viêm amidan cấp ở trẻ em là gì?
Amidan là bộ phận nằm bên trong khoang họng, có chức năng bảo vệ vùng mũi họng khỏi sự xâm nhập của mầm bệnh. Thực chất, amidan chính là tổ chức lympho, hoạt động bằng cách tiết ra kháng thể để chặn đứng sự tấn công của tác nhân gây hại. Cơ quan này hoạt động mạnh mẽ ở trẻ từ 4 – 10 tuổi và hoạt động kém dần từ độ tuổi dậy thì. Viêm amidan xảy ra khi amidan bị quá tải do sự tấn công ồ ạt của vi khuẩn. Khi bệnh lý này khởi phát ở trẻ em sẽ tiến triển qua hai giai đoạn là cấp tính và mãn tính.
Viêm amidan cấp ở trẻ em là tình trạng amidan bị viêm do nhiễm trùng. Quan sát sẽ thấy khối amidan bị sưng viêm và phù nề, gây ra hàng loạt các triệu chứng khó chịu như đau rát cổ họng, ho khan, cảm giác vướng víu bên trong cổ họng, sốt cao,… Nếu tình trạng viêm diễn ra kéo dài trên 10 ngày sẽ tiến triển sang giai đoạn viêm amidan mãn tính.
Chuyên gia cho biết, bệnh viêm amidan cấp thường khởi phát ở trẻ em trên 5 tuổi và không nguy hiểm như bệnh viêm amidan mãn tính. Nhưng nếu bố mẹ chủ quan không điều trị cho bé, tình trạng viêm nhiễm sẽ diễn ra kéo dài, tiến triển sang giai đoạn mãn tính và có nguy cơ phát sinh các biến chứng như áp xe quanh amidan, áp xe phế quản, nhiễm trùng lây lan, sốt thấp khớp,…
- Xem Thêm: Trường Hợp trẻ bị viêm amidan mãn tính, cách điều trị như thế nào
Triệu chứng viêm amidan cấp ở trẻ em
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, các triệu chứng của bệnh viêm amidan cấp ở trẻ khá giống với bệnh cảm cúm thông thường nên phụ huynh rất dễ nhầm lẫn. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện một cách đột ngột, điển hình nhất là tình trạng đau họng kèm sốt. Bố mẹ có thể nhận biết bệnh thông qua các dấu hiệu sau đây:
- Sưng tấy tại amidan, quan sát sẽ thấy chúng bị bao phủ bởi một lớp màu trắng. Tình trạng này khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu, khó thở hoặc thở khò khè.
- Trẻ bị sốt cao, có thể lên đến 39 – 40 độ. Lúc này, trẻ sẽ có dấu hiệu mệt mỏi và khó chịu. Với trẻ sơ sinh thì sẽ quấy khóc.
- Viêm sưng amidan gây ra tình trạng đau cổ họng, khiến trẻ gặp khó khăn khi nuốt nước bọt hoặc nuốt thức ăn. Lúc này, trẻ sẽ không muốn ăn, bỏ bữa, bỏ bú,…
- Có dịch tiết chảy ra từ mũi và họng. Dịch có thể lỏng hoặc đặc, màu trắng hoặc màu vàng.
- Trẻ bị ho khan hoặc ho có đờm, miệng có mùi hôi, sưng hạch bạch huyết ở cổ,…
Nếu bệnh viêm amidan cấp khởi phát kèm theo các triệu chứng bất thường như phát ban, nhiễm trùng thứ phát,… thì khả năng cao là do liên cầu khuẩn. Đây là dạng bệnh nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị đúng cách càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây viêm amidan cấp ở trẻ
Viêm amidan cấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Đa phần trẻ em đều mắc phải bệnh lý này ít nhất 1 lần trong đời. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng viêm amidan cấp tính thường diễn ra kéo dài trong khoảng 10 ngày hoặc ngắn hơn. Hai nguyên nhân gây bệnh ở trẻ thường gặp nhất là:
- Do virus: Khoảng 70% trường hợp viêm amidan cấp khởi phát ở trẻ em là do virus gây ra. Thường gặp là rhodevirus, adenovirus, coronavirus. Ít gặp hơn là virus cúm, virus herpes, epstein barr. Bệnh viêm amidan cấp khởi phát do virus thường khá lành tính, có thể phục hồi chỉ sau khoảng 1 tuần mà không cần điều trị
- Do vi khuẩn: Amidan là nơi trú ngụ của nhiều mầm bệnh như vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng,… Một số nghiên cứu đã chỉ ra, trong amidan trẻ em tồn tại hơn 100 loại vi khuẩn gây hại. Các chủng vi khuẩn này thường sống cộng sinh trong cơ thể người. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ sinh sôi và phát triển gây hại. Bệnh viêm amidan cấp khởi phát ở trẻ em cũng có thể là do nhiễm trùng, thường gặp nhất là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Viêm amidan cấp do vi khuẩn cũng được xếp vào nhóm bệnh lành mạnh. Nhưng nếu bệnh lây nhiễm sang trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cơ thể trẻ sẽ không thể chống chọi lại tác động của vi khuẩn và gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.
Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh ở trẻ bố mẹ cần lưu ý là:
- Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi
- Sống trong môi trường ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi hoặc hóa chất độc hại
- Cơ địa dị ứng hoặc có sức đề kháng yếu
- Trẻ đang mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp
Cách điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em
Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh lý, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn điều trị đúng cách. Việc điều trị viêm amidan cấp ở trẻ em nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Các phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến hiện nay là:
Điều trị tại nhà
Trường hợp bệnh khởi phát do virus thì không cần dùng thuốc để điều trị vì kháng sinh không có tác dụng đối với dạng nhiễm trùng này. Lúc này, bố mẹ nên chú trọng đến việc chăm sóc và chế độ dinh dưỡng hàng ngày của trẻ. Cụ thể là:
- Nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, ngủ nhiều giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi. Bố mẹ nên hạn chế cho bé tham gia các hoạt động vui chơi hoặc la hét quá sức.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước ấm để phòng ngừa mất nước và cấp ẩm cho niêm mạc họng giúp làm dịu cổ họng.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ đúng cách giúp loại bỏ bớt tác nhân gây hại tồn tại bên trong vòm họng. Nên cho bé súc họng bằng nước muối 2 lần/ngày
- Phòng ngủ của trẻ nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm giúp duy trì độ ẩm lý tưởng, tránh tình trạng khô niêm mạc khiến triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Với trẻ trên 4 tuổi, mẹ có thể cho bé sử dụng viên ngậm để cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra. Hướng dẫn bé dùng thuốc xịt họng và thuốc súc miệng giúp đẩy nhanh tốc độ làm lành tổn thương tại nêm mạc.
- Hạn chế cho bé tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, khói thuốc lá, hóa chất độc hại và các tác nhân dễ gây dị ứng.
- Xem Thêm: các cách chữa amidan tại nhà cho trẻ hiệu quả phụ huynh nên biết
Hạ sốt và giảm đau
Nếu bệnh viêm amidan cấp tính khởi phát kèm theo sốt cao và đau, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc để cải thiện. Được dùng phổ biến là acetaminophen và paracetamol. Một số điều bố mẹ cần lưu ý khi cho trẻ dùng thuốc điều trị bệnh là:
- Thuốc acetaminophen chỉ có tác dụng từ 4 – 6 tiếng, không cho bé dùng quá 5 lần/ngày và không tự ý cho bé dưới 3 tháng tuổi dùng thuốc.
- Thuốc Ibuprofen có tác dụng trong 6 tiếng, không dùng cho bé dưới 6 tháng tuổi, liều lượng điều trị còn phụ thuộc vào cân nặng của trẻ.
- Thuốc aspirin không được khuyên dùng cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra hội chứng reye rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
Lưu ý: Chỉ nên cho trẻ dùng thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt khi thật sự cần thiết, nếu đã có dấu hiệu hạ sốt thì phải ngưng sử dụng.
Ngoài việc dùng thuốc, mẹ cũng có thể tiến hành hạ sốt cho bé bằng một số mẹo dân gian sau đây:
- Dùng nước ấm lau người cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Hoặc dùng khăn ấm buộc vào bắp chân của trẻ.
- Cỏ mực đem rửa sạch, ngâm nước muối rồi giã nhuyễn. Vắt lấy nước cốt, pha với nước ấm và một ít muối rồi cho bé uống. Bã cây cỏ mực có thể tận dụng để đắp lên trán, nách, bẹn,…
- Diếp cá đem rửa sạch, ngâm nước muối rồi giã nhuyễn. Lọc lấy nước cốt rồi cho bé uống. Nên cho bé sử dụng nhiều lần trong ngày cho đến khi hạ sốt.
Điều trị nhiễm khuẩn
Trường hợp trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng tình trạng sốt vẫn còn thì khả năng cao là do nhiễm khuẩn. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc kê đơn bằng kháng sinh để trị bệnh cho bé. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị. Loại kháng sinh thường được kê đơn điều trị nhiễm khuẩn trong viêm amidan cấp là penicillin, clindamycin và cephalosporin.
Bố mẹ nên cho bé dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Không tự ý cho con ngưng thuốc khi chưa đủ liều lượng để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Tuy nhiên, việc dùng kháng sinh điều trị bệnh cho bé có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, tiêu chảy, đau đầu,…
Cắt amidan cho trẻ có nên không?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, amidan có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể khởi sự xâm nhập của tác nhân gây hại từ môi trường. Vì thế, trẻ bị viêm amidan không nên vội vã cắt amidan để tránh gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Phương pháp này chỉ được tiến hành đối với những trường hợp sau đây:
- Viêm amidan tái phát nhiều lần, từ cấp tính dần tiến triển sang mãn tính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng và có nguy cơ phát sinh biến chứng như thấp khớp, ảnh hưởng đến van tim,…
Phòng ngừa viêm amidan cấp cho trẻ
Viêm amidan cấp là bệnh lý viêm đường hô hấp thường gặp ở trẻ. Nếu để bệnh tái phát nhiều lần sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và phát sinh biến chứng. Để phòng ngừa bệnh cho trẻ, bố mẹ cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Với những trẻ phải sinh hoạt trong môi trường điều hòa, nên giữ cho nhiệt độ ở mức ổn định và điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với thân nhiệt của trẻ. Khi dùng quạt, không để quạt phả trực tiếp vào cơ thể trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, không gian sinh hoạt và khu vui chơi của trẻ giúp hạn chế tối đa việc trẻ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vào những thời điểm giao mùa trong năm hoặc khi có dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp, nên có các biện pháp bảo vệ trẻ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
- Mẹ có thể vệ sinh thân thể trẻ bằng cách cho trẻ tắm nước ấm nhưng không tắm quá 30 phút. Không nên để trẻ chơi đùa gây đổ mồ hôi nhiều. Khi trẻ bị đổ mồ hôi, nên lau khô và thay quần áo để cơ thể trẻ luôn khô thoáng và sạch sẽ.
- Theo dõi sức khỏe răng miệng của trẻ thường xuyên, tập cho trẻ thói quen đánh răng và súc miệng mỗi ngày. Với những trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến vùng tai mũi họng, cần thăm khám và điều trị triệt để. Ví dụ như viêm xoang, viêm lợi, viêm mũi,…
- Thực đơn ăn uống hàng ngày của trẻ cần cân bằng các nhóm dưỡng chất, giúp quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn. Chế biến món ăn dưới dạng mềm lỏng giúp trẻ dễ ăn hơn, hạn chế gây áp lực cho việc nhai nuốt.
- Hạn chế cho trẻ tiêu thụ các loại thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị bệnh như thực phẩm cứng giòn, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chứa arginine, nước ngọt có gas,…
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm amidan cấp ở trẻ em, bạn có thể tham khảo. Hy vọng, chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc chăm sóc sức khỏe con nhỏ và phòng ngừa bệnh cho bé. Nếu trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách, tránh phát sinh biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm:
- Trẻ Bị Sưng Viêm Amidan Có Mủ – Tình Trạng Chớ Nên Xem Thường
- Trẻ Bị Viêm Sưng Amidan Sốt Mấy Ngày: Cách Hạ Sốt Và Điều Trị