Nội dung chính

Viêm họng hạt ở trẻ em là một bệnh lý phổ biến, thường gặp, nhất là vào mùa lạnh hoặc thời tiết thay đổi thất thường. Bệnh gây ra các triệu chứng điển hình như sốt cao, đau rát cổ họng, xuất hiện các hạt nhỏ trên niêm mạc họng và lưỡi, khiến cho trẻ luôn có cảm giác vướng mắc dẫn đến tình trạng biếng ăn, quấy khóc nhiều, suy nhược cơ thể. Việc nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nguy hiểm sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách xử lý cũng như phòng ngừa bệnh cho con một cách tốt nhất.

Viêm họng hạt ở trẻ em là gì? Nguy hiểm không?

Trẻ bị viêm họng hạt tức tình trạng bệnh viêm họng kéo dài quá lâu không được chữa trị hoặc điều trị không dứt điểm dẫn đến thể mạn tính. Lúc này các tổ chức Lympho ở thành sau họng hoạt động quá mức dẫn đến tình trạng bị tổn thương, viêm nhiễm phù nề, sưng đỏ, phình to, xuất hiện các hạt nhỏ trên niêm mạc họng với kích thước lớn nhỏ khác nhau, thường to bằng hạt đậu.

Viêm họng hạt ở trẻ em
Viêm họng hạt ở trẻ em nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Các hạt nhỏ này sẽ khiến cho trẻ có cảm giác ngứa ngáy, đau rát cổ họng rất khó chịu, do đó trẻ thường xuyên ho, khạc nhổ để giảm bớt triệu chứng. Tuy nhiên điều này lại gây ra nhiều vấn đề như tình trạng viêm loét ngày càng thêm trầm trọng, khàn tiếng, khó nhai nuốt, biếng ăn, bỏ bú gây suy nhược cơ thể, sụt cân nghiêm trọng, việc điều trị bệnh cũng trở nên khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí hơn.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ, mà bệnh viêm họng hạt kéo dài quá lâu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng con trẻ. Một số biến chứng mà trẻ có thể gặp phải khi bị viêm họng hạt đó là:

  • Biến chứng tại chỗ như áp xe họng, áp xe thành sau họng, sưng nề họng gây đau nhức.
  • Biến chứng gần như viêm VA, viêm amidan, viêm mũi họng cấp, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa.
  • Biến chứng xa như viêm phổi, viêm cầu thận, nhiễm trùng huyết, thấp tim, viêm màng ngoài tim, những biến chứng này rất nguy hiểm, nếu không được xử lý đúng cách có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Tìm Hiểu Thêm: 10 Loại Thuốc Xịt Họng Giảm Ho Cho Bé Hiệu Quả Nhất Hiện Nay

Trẻ bị viêm họng hạt nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bệnh viêm họng hạt ở trẻ bộc phát, việc nắm rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp cho việc thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh từ đó có hướng điều trị đúng cách, hiệu quả. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây bệnh, các bậc cha mẹ nên tham khảo và nắm rõ hơn, cụ thể:

Trẻ bị viêm họng hạt
Khói thuốc lá cũng có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm liên quan đến hầu họng
  • Do virus, vi khuẩn, nấm: Đây được xem là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp gây nên tình trạng viêm họng hạt ở trẻ. Trẻ nhỏ thường có sức đề kháng kém, do đó rất dễ bị các tác nhân độc hại như vi khuẩn, virus xâm nhập, tấn công gây viêm nhiễm, tổn thương vùng niêm mạc họng. Điều này khiến cho các tổ chức Lympho trong hầu họng phải làm việc quá mức và liên tục, cuối cùng bị phình to và tạo nên các hạt gọi là viêm họng hạt.
  • Do bệnh lý: Theo ghi chép và thống kê thì những trẻ đã hoặc đang mắc các bệnh lý liên quan đến bộ phận tai mũi họng như viêm mũi họng cấp, viêm xoang, viêm amidan, viêm phổi, viêm phế quản, trào ngược dạ dày…thường có nguy cơ mắc bệnh viêm họng hạt cao hơn so với những trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra trẻ nhỏ sinh non, suy dinh dưỡng, còi xương cũng rất dễ mắc phải chứng bệnh này.
  • Yếu tố môi trường: Một số yếu tố như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, thường xuyên nằm máy lạnh, tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, hóa chất độc hại. Điển hình là thời tiết thay đổi thất thường nhất là thời điểm giao mùa khiến cho cơ thể trẻ không kịp thích nghi với môi trường. Hệ miễn dịch yếu kém sẽ rất dễ bị cảm lạnh và bị các yếu tố độc hại kể trên tấn công gây viêm nhiễm vùng hầu họng.
  • Ăn uống không khoa học: Nếu như cha mẹ thường xuyên cho con trẻ ăn uống các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, có gia vị cay nóng, uống nước đá, nước ngọt có ga, ăn kem lạnh sẽ khiến cho niêm mạc họng của trẻ dễ bị tổn thương gây viêm nhiễm. Hoặc nếu như trường hợp đang mắc các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, khi tiếp xúc với những yếu tố này sẽ khiến triệu chứng bệnh ngày càng thêm trầm trọng hơn.
  • Vệ sinh cá nhân kém: Việc lười đánh răng, súc miệng sẽ khiến cho cho kẽ răng và khoang miệng tồn đọng những thức ăn đã tiêu thụ. Điều này khiến cho các vi khuẩn, virus dễ dàng tấn công gây bệnh, đồng thời gây ra tình trạng hôi miệng. Ngoài ra thói quen mút tay, ngậm tay, lười rửa tay sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn cũng khiến hầu họng dễ bị nhiễm bệnh.

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị viêm họng hạt

Tùy vào mức độ nặng nhẹ, nguyên nhân chính gây bệnh viêm họng hạt và thể trạng sức khỏe của trẻ mà các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài khác nhau. Tuy nhiên, theo ghi nhận hầu hết trẻ em bị viêm họng hạt thường có những triệu chứng điển hình sau đây:

Bé bị viêm họng hạt
Ho, sốt cao, đau rát họng là những triệu chứng điển hình của trẻ khi bị viêm họng hạt
  • Trẻ thường xuyên có cảm giác ngứa ngáy, đau rát cổ họng, khạc nhổ để tống khứ đờm ra bên ngoài. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi thường không biết cách khạc nhổ nên trẻ thường quấy khóc, la hét, nôn ói, ít ngủ.
  • Cơ thể sốt cao trên 38.5 độ C, người nóng bừng, có cảm giác ớn lạnh, trẻ mất thăng bằng, chóng mặt đi đứng không vững, thậm chí có nhiều trẻ sốt quá cao gây co giật.
  • Trẻ ho nhiều, có thể là ho có đờm hoặc ho khan, khàn tiếng, thay đổi giọng nói, kèm theo dấu hiệu khô họng, khát nước, thường xuyên uống nước.
  • Hắt xì hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi thường xuyên, lúc đầu nước mũi loãng, có màu trắng trong, nhưng về sau dịch mũi sẽ đặc quánh có màu vàng hoặc xanh nhạt.
  • Bề mặt đáy lưỡi, vòm họng có nhiều các hạt nhỏ li ti như hạt đậu với màu đỏ/hồng khác nhau.
  • Khi nhìn kỹ vào bên trong sẽ thấy niêm mạc họng bị phù nề, sưng đỏ, xuất huyết, amidan sưng to.
  • Do niêm mạc họng bị sưng to nên trẻ có cảm giác vướng mắc khó chịu, dẫn đến tình trạng biếng ăn, bỏ ăn, bỏ bú, suy nhược cơ thể, người mệt mỏi.
  • Nhìn kỹ sẽ thấy các hạch bạch huyết sưng to ở dưới cổ, hai bên góc hàm hoặc sau tai. Khi đè mạnh sẽ có cảm giác đau, khi bệnh được cải thiện các hạch này sẽ tự động xẹp xuống.
  • Một số trường hợp viêm họng hạt quá nặng có thể gây triệu chứng khó thở, ho ra máu, khạc đờm có lẫn dịch máu đỏ tươi.

Không như người lớn, trẻ nhỏ khi bị bệnh cơ thể thường mệt mỏi, biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc do đó rất dễ nhận biết các dấu hiệu bất thường. Lúc này cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám, từ đó sớm biết nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời đúng đắn, tránh để lâu gây nguy hiểm đến sức khỏe của con trẻ.

Đọc Thêm: Bệnh Viêm Mũi Họng Cấp ở Trẻ Em Có Nguy Hiểm Không? Chuyên Gia Đưa Ra Một Số Lời Khuyên Cho Bố Mẹ

Phương pháp điều trị viêm họng hạt ở trẻ em

Bé bị viêm họng hạt tức là tình trạng viêm họng mãn tính quá phát khiến cho cơ thể gặp nhiều triệu chứng nghiêm trọng và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngay từ khi con trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, các bậc cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám, tư vấn và có phác đồ điều trị hợp lý.

Để điều trị dứt điểm viêm họng hạt ở trẻ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm và một số thuốc có liên quan. Ngoài ra, cha mẹ cần cải thiện triệu chứng tại nhà cho trẻ bằng việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

Trẻ em bị viêm họng hạt thường được điều trị theo 4 phương pháp cơ bản dưới đây:

Sử dụng thuốc Tây y điều trị viêm họng hạt

Viêm họng hạt ở trẻ thường do vi khuẩn gây ra, do đó bác sĩ cần kê đơn thuốc kháng sinh để loại bỏ và ức chế các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, trong phác đồ điều trị còn bao gồm một số thuốc khác như giảm đau, giảm ho, hạ sốt, long đờm, chống viêm, thuốc hỗ trợ điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, chẳng hạn như:

Trẻ em bị viêm họng hạt
Viêm họng hạt do vi khuẩn, trẻ cần phải uống kháng sinh thì mới loại bỏ được bệnh
  • Thuốc kháng sinh: Hai loại kháng sinh phổ biến được dùng để điều trị viêm họng hạt cho trẻ đó chính là Amoxicillin và Penicillin. Trường hợp trẻ nhỏ bị dị ứng với một trong các thành phần thuốc Penicillin, có thể dùng một số loại khác như Clindamycin, Azithromycin…để thay thế. Liều dùng thường chỉ định trong vòng 3 ngày, sau đó tái khám lại. Không nên lạm dụng kháng sinh cho trẻ vì có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt.
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Khi bị viêm họng hạt, trẻ thường có triệu chứng sốt cao, đau rát cổ họng. Nếu như sốt cao trên 38.5 độ C bác sĩ sẽ chỉ định cho uống thuốc hạ sốt, giảm đau chẳng hạn như Tatanol, Hapacol Child, Hapacol 80, Hapacol 250 hương cam…Dựa vào từng độ tuổi, cân nặng mà đơn thuốc của mỗi trẻ sẽ khác nhau. Tuyệt đối không được dùng Aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi.
  • Thuốc giảm ho: Viêm họng hạt gây ra triệu chứng ho nhiều, ho dai dẳng về đêm khiến cơ thể trẻ bị suy nhược. Một số thuốc giảm ho có thể dùng cho trẻ được kể đến như Atussin, Eugica, Methorfar…Cũng tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn cho phù hợp.
  • Thuốc long đờm: Nhóm thuốc long đờm được chỉ định cho trẻ nhỏ trong quá trình điều trị viêm họng hạt được kể đến như Bisolvon, N-acetylcystein.
  • Thuốc chống viêm: Nhóm thuốc này nhằm mục đích tiêu viêm, chống viêm nhiễm lây lan sang các bộ phận lân cận khác. Một số thuốc điển hình như Alphachymotrypsin, Prednisolon, Dexamethason…
  • Thuốc điều trị trào ngược dạ dày: Trường hợp viêm họng do trào ngược dạ dày gây ra, bệnh nhân cần sử dụng thuốc điều trị dứt điểm chứng trào ngược thì bệnh viêm họng hạt mới khỏi được. Nhóm thuốc này bao gồm Misoprostol, Esomeprazole, Rabeprazole…

Trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu, rất dễ gặp ngộ độc nếu như sử dụng thuốc quá liều. Ngoài ra, các loại kháng sinh, giảm đau có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe về sau của trẻ. Do đó các bậc phụ huynh cần lưu ý cho trẻ uống thuốc theo đúng liều lượng mà bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho trẻ uống tại nhà để tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Điều trị viêm họng hạt bằng các thủ thuật xâm lấn

Trường hợp bệnh quá nặng, sử dụng thuốc Tây y không đem lại kết quả hoặc trẻ gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm amidan, áp xe amidan, lúc này bác sĩ sẽ xem xét và áp dụng phương pháp phẫu thuật đốt hạt. Hiện nay phương pháp đốt hạt bao gồm các thủ thuật như:

  • Đốt bằng tia Laser.
  • Đốt hạt bằng điện.
  • Đốt hạt ở họng bằng nito lỏng.
  • Cắt bỏ hạt, cắt amidan bằng phương pháp nội soi.

Phương pháp này tuy mang lại hiệu quả cao nhưng không thích hợp với những trẻ trong độ tuổi quá nhỏ. Sau khi phẫu thuật cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ đúng cách để tránh vết thương nhiễm trùng, để lại di chứng hoặc bệnh tái phát.

Tham Khảo Ngay: Top 7 Loại Kẹo Ngậm Đau Họng Cho Trẻ Em An Toàn Và Lành Tính Nhất

Mẹo dân gian chữa bệnh viêm họng hạt cho trẻ

Trường hợp bệnh ở thể nhẹ, mới khởi phát, cha mẹ có thể áp dụng một số cách chữa viêm họng hạt tại nhà bằng các loại thảo dược thiên nhiên để giúp giảm nhanh các triệu chứng cho trẻ. Các mẹo này thường an toàn, lành tính nên phù hợp với trẻ nhỏ. Cụ thể như:

Viêm họng hạt ở trẻ em
Quất hấp đường phèn giúp làm giảm nhanh triệu chứng viêm họng hạt ở trẻ
  • Quất hấp mật ong: Mẹo trị viêm họng hạt cho trẻ bằng quất hấp đường phèn chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, vì mật ong có thể gây dị ứng và ngộ độc. Vì vậy bạn có thể thay thế mật ong bằng đường phèn để đảm bảo an toàn cho con. Mẹ lấy khoảng 5 quả quất chín, rửa sạch, cắt đôi, bỏ phần hạt, cho vào chén, thêm 2 – 3 muỗng mật ong vào và chưng cách thủy. Mỗi lần dùng chỉ nên cho bé uống 2 muỗng nhỏ, nên uống 3 lần mỗi ngày.
  • Lá hẹ hấp đường phèn: Cách làm này khá đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao. Lấy một nắm lá hẹ tươi, nếu hẹ nhà trồng càng tốt, đem rửa sạch, cắt ngắn thành từng khúc khoảng 2cm. Cho hẹ vào chén, thêm vào đó vài cục đường phèn và đem đi hấp cách thủy. Mỗi lần lấy 2 – 3 muỗng nhỏ cho bé uống, mỗi ngày uống 3 lần, sau khoảng vài ngày bạn sẽ thấy triệu chứng ho, đau rát họng ở trẻ giảm bớt.
  • Lá húng chanh hấp đường phèn: Mẹ lấy khoảng 15 lá húng chanh, 4 quả quất còn xanh, 2 muỗng đường phèn. Húng chanh rửa sạch, quất cũng rửa sạch bổ đôi cho cả 2 nguyên liệu vào chén, thêm vào đó 2 muỗng đường phèn và đem đi chưng cách thủy. Cách uống tương tự như trên, mỗi lần uống 2 muỗng, mỗi ngày uống 3 lần, kiên trì trong vài ngày để mang lại hiệu quả cao.

Cải thiện các triệu chứng bệnh tại nhà cho trẻ

Ngoài uống thuốc và áp dụng các mẹo dân gian chữa viêm họng hạt cho trẻ, các bậc cha mẹ nên chú ý đến việc chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách thì bệnh mới nhanh khỏi. Để giúp làm giảm các triệu chứng nhanh chóng, cha mẹ nên chú ý những vấn đề sau:

  • Chườm mát cho trẻ bằng nước ấm nếu như trường hợp trẻ sốt liên tục trên 38.5 độ C.
  • Cho trẻ uống nhiều nước ấm, nếu như trẻ mất nước cần uống Oresol nhằm mục đích bù nước, tuy nhiên cần cho trẻ uống đúng liều lượng khuyến cáo.
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng bằng các món ăn mềm, dễ nuốt để tránh tạo áp lực cho niêm mạc họng.
  • Hạn chế cho trẻ la hét quá nhiều, quá to trong quá trình điều trị bệnh.
  • Có thể sử dụng máy xông hơi, máy tạo độ ẩm trong nhà để tránh tình trạng trẻ bị khô họng, khó thở.

Biện pháp phòng ngừa viêm họng hạt ở trẻ

Ngoài nguyên nhân do vi khuẩn, virus tấn công thì viêm họng hạt ở trẻ khởi phát cũng có thể do chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động không khoa học. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh cho trẻ hoặc hạn chế bệnh tái phát bằng cách thực hiện tốt những vấn đề sau:

Trẻ bị viêm họng hạt
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là biện pháp phòng ngừa viêm họng hạt tốt nhất ở trẻ
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ vào mùa lạnh, nhất là vùng hầu họng.
  • Khi ra đường cần bịt khẩu trang cẩn thận hoặc khi tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất độc hại, các dị nguyên gây dị ứng.
  • Khuyến khích trẻ thực hiện vấn đề vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kết hợp súc họng bằng nước muối ấm hàng ngày.
  • Nếu trường hợp gia đình có người mắc bệnh viêm họng hạt hoặc các chứng bệnh liên quan đến vùng hầu họng thì cần cách ly trẻ. Tránh không để trẻ tiếp xúc gần với người bệnh hoặc sử dụng chung các đồ vật cá nhân như chén đũa, khăn mặt.
  • Không nên để trẻ thường xuyên ăn các đồ ăn cay nóng, thô cứng, thực phẩm chế biến sẵn.
  • Hạn chế cho trẻ uống nước ngọt có ga, đồ uống ướp lạnh, nước đá, kem lạnh.
  • Nếu như mắc các chứng bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa hoặc hệ hô hấp thì cần thăm khám và điều trị triệt để.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là khoáng chất, các nhóm Vitamin để tăng cường sức đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật.
  • Tiêm phòng đầy đủ các mũi vacxin cho trẻ nhằm mục đích tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại được các tác nhân gây bệnh. Đây cũng được xem là phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
  • Nên cho trẻ đến các trung tâm y tế lớn để thăm khám sức khỏe định kỳ, trường hợp nếu không may mắc bệnh sẽ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh viêm họng hạt ở trẻ tuy không quá nguy hiểm, không trực tiếp đe dọa đến tính mạng của con trẻ. Nhưng nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng đời sống của trẻ. Do đó các bậc cha mẹ nên trang bị những kiến thức cơ bản nhất về bệnh để giúp cho quá trình chăm sóc, nuôi dạy con được tốt hơn.

Có Thể Bạn Muốn Biết:

Câu hỏi liên quan

Theo các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cho biết, tình trạng viêm họng mãn tính kéo dài không chỉ gây ra nhiều triệu chứng bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng...

Xem chi tiết

Đang bị bệnh viêm họng có tiêm vacxin được không là thắc mắc của khá nhiều người. Như chúng ta đã biết một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tật...

Xem chi tiết

Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng cho biết, việc nắm rõ vấn đề viêm họng hạt có lây không? Có nguy hiểm không? Đâu là con đường lây nhiễm bệnh? Sẽ...

Xem chi tiết

Viêm họng là một trong những căn bệnh viêm nhiễm về đường hô hấp trên rất phổ biến. Theo các bác sĩ chuyên khoa, bệnh có khả năng lây lan nhanh chóng cho người khác,...

Xem chi tiết

Uống nước đá có bị viêm họng không là thắc mắc muốn biết của khá nhiều người. Bởi vì có nhiều ý kiến cho rằng uống nước đá nhiều sẽ làm cổ họng bị tổn...

Xem chi tiết

Bị đau họng nhưng không ho không sốt có thể là do chúng ta uống quá nhiều đồ lạnh, đặc thù công việc nói quá to, quá nhiều, thường xuyên hoặc do bệnh cảm lạnh,...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp