Nội dung chính

Canh đu đủ sườn non, cải thìa xào nấm đông cô, cháo gà, trứng chiên lá mơ lông,… là các món ăn cho người trào ngược dạ dày thực quản. Các món ăn này không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn hỗ trợ giảm chứng trào ngược và ổn định hoạt động tiêu hóa. 

món ăn cho người bị trào ngược dạ dày
Dùng các món ăn cho người bị trào ngược dạ dày có thể cải thiện sức khỏe và chức năng tiêu hóa

9 món ăn cho người trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh tiêu hóa khá phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này là do cơ vòng thực quản dưới (LES) bị suy yếu khiến dịch vị cùng với thức ăn trào ngược lên những cơ quan phía trên. Chứng trào ngược đặc trưng bởi các triệu chứng như ợ nóng, đau dạ dày, nóng rát thượng vị, đầy hơi, khó tiêu,…

Tương tự như các bệnh lý tiêu hóa khác, trào ngược dạ dày chịu tác động trực tiếp từ chế độ dinh dưỡng. Xây dựng thực đơn ăn uống hợp lý có thể đẩy lùi các triệu chứng của bệnh, đồng thời hỗ trợ cải thiện sức khỏe và kích thích vị giác. Ngược lại, tiếp tục duy trì các thói quen ăn uống thiếu khoa học có thể làm tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa và khiến triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh.

Để cải thiện sức khỏe và giảm nhẹ chứng trào ngược, bệnh nhân có thể bổ sung các món ăn sau:

1. Canh mướp mồng tơi

Canh mướp mồng tơi là món ăn cho người trào ngược dạ dày và người mắc các chứng bệnh tiêu hóa thường gặp như viêm đại tràng, loét dạ dày, khó tiêu,… Món ăn này có nguyên liệu chính là mồng tơi, mướp kết hợp với cua đồng hoặc tôm tùy theo sở thích của từng người. Đây là món ăn dễ thực hiện, hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng.

Đặc biệt, món canh mướp mồng tơi chứa hàm lượng chất xơ cao giúp trung hòa dịch vị, giảm áp lực lên dạ dày – đường ruột và hỗ trợ ngăn ngừa chứng trào ngược bùng phát. Chất nhầy tự nhiên trong mồng tơi còn có tác dụng làm dịu niêm mạc thực quản và dạ dày, qua đó giúp cải thiện tình trạng nóng rát thượng vị, ợ nóng, ợ chua và đầy hơi, chướng bụng.

món ăn cho người bị trào ngược dạ dày
Canh mướp mồng tơi là món ăn thích hợp cho người bị trào ngược dạ dày thực quản

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 bó mồng tơi, 1 quả mướp hương nhỏ, 50g tôm khô (hoặc dùng cua đồng) và gia vị vừa đủ
  • Rửa sạch tôm khô và ngâm với 1 ít nước ấm trong 10 – 15 phút để tôm mềm, sau đó vớt ra để ráo nước
  • Rửa sạch mướp, gọt vỏ và cắt thành miếng vừa ăn. Đồng thời nhặt rau mồng tơi, ngâm rửa sạch với muối pha loãng và cắt thành khúc từ 3 – 4cm
  • Cho dầu vào nồi, phi thơm hành và tôm rồi đổ 1 lít nước vào
  • Đến khi nước sôi cho mướp vào nấu khoảng 3 – 4 phút, kế tiếp cho mồng tơi vào đậy kín nắp đến khi sôi lần nữa
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn và tắt bếp
  • Dùng món canh này thường xuyên rất tốt cho hệ tiêu hóa

Tham khảo thêm: Mẹo Dân Gian Dùng Cây Rau Mương Chữa Trào Ngược Dạ Dày Cực Hay

2. Trứng chiên lá mơ lông

Trứng chiên lá mơ lông là món ăn giàu dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hóa, ít gây ra tình trạng đầy hơi và chướng bụng. Không chỉ cung cấp vitamin, đạm và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, món ăn này còn có tác dụng giảm chứng trào ngược và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.

Lá mơ lông (mơ tam thể) vừa loại rau ăn vừa là vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Theo dân gian, rau mơ có tác dụng sát trùng, thanh nhiệt, giải độc và có vị đắng, tính mát. Với chứng trào ngược dạ dày, lá mơ giúp giảm hiện tượng nóng rát thượng vị, đồng thời hỗ trợ trung hòa axit dạ dày và thúc đẩy chức năng tiêu hóa. Vì vậy, thay vì chế biến trứng chiên thông thường, bệnh nhân có thể thực hiện món trứng chiên lá mơ lông để hỗ trợ quá trình điều trị.

món ăn cho người bị trào ngược dạ dày
Trứng chiên lá mơ lông có thể hỗ trợ giảm chứng trào ngược và ổn định hoạt động tiêu hóa

Hướng dẫn thực hiện món trứng chiên lá lông:

  • Chuẩn bị 1 nắm lá mơ lông, 2 quả trứng gà, dầu ăn và gia vị
  • Rửa sạch lá mơ lông, để ráo nước và cắt nhỏ
  • Đập trứng gà, khuấy đều và cho lá mơ lông vào
  • Sau đó, nêm nếm gia vị và đánh đều đến khi gia vị tan hoàn toàn
  • Cho 1 ít dầu vào chảo, đợi dầu nóng rồi đổ hỗn hợp trứng gà + lá mơ lông vào chiên nhỏ lửa đến khi chín hoàn toàn
  • Dùng trứng chiên lá mơ lông ăn cùng cơm nóng

3. Cháo gà nấm hương

Chứng trào ngược dễ bùng phát khi dùng các món ăn chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì vậy, bệnh nhân có thể chế biến món cháo gà nấm hương để bồi bổ sức khỏe, đồng thời hạn chế tình trạng trào ngược, đầy hơi và chướng bụng. So với các loại thịt đỏ, thịt gà chứa hàm lượng đạm vừa phải và dễ tiêu hóa hơn.

Món cháo gà nấm hương cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bổ sung món ăn này 1 lần/ tuần còn giúp phục hồi sức khỏe và giảm tình trạng suy nhược, sụt cân do trào ngược dạ dày tiến triển dai dẳng. Cháo gà nấm hương còn thích hợp với người bị đau dạ dày, loét dạ dày, khó tiêu chức năng,…

thức ăn tốt cho người trào ngược dạ dày
Cháo gà nấm hương là món ăn dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng giúp bồi bổ sức khỏe cho bệnh nhân bị trào ngược

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 1 nắm gạo nếp, 1 chén gạo tẻ, 300g thịt gà, 200g xương gà, 30g nấm hương, hành ngò và gia vị
  • Rửa sạch gà, sau đó cho thịt và xương vào nồi đun sôi với nước
  • Đến khi thịt chín thì gắp ra để nguội rồi xé sợi, tiếp tục ninh xương gà thêm 15 – 20 phút
  • Vo gạo tẻ và gạo nếp, gắp xương gà ra ngoài rồi ninh nhừ gạo với nước dùng (nên đun nhỏ lửa và khuấy thường xuyên để tránh cháo bị khê)
  • Trong thời gian chờ cháo chín, rửa sạch nấm hương và ngâm với nước ấm. Sau đó, thái nhỏ thành miếng vừa ăn. Ngoài ra, đem hành ngò rửa sạch và thái nhỏ
  • Cho 1 ít dầu vào chảo, cho hành tím vào phi thơm rồi thêm nấm vào đảo đều, cho gà vào đảo thêm 1 – 2 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp
  • Khi cháo chín, cho toàn bộ gà nấm vào khuấy đều, nêm nếm lại vừa ăn rồi cho hành ngò vào
  • Hoặc có thể nêm nếm cháo (nên nêm nhạt), sau đó múc ra tô, thêm thịt gà + nấm + hành ngò vào ăn khi còn nóng

Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Có Nên Ăn Trứng Không? Gợi Ý Các Món Ăn Dễ Chế Biến

4. Rau xào thập cẩm

Rau xào thập cẩm là món ăn dễ chế biến và có thể dễ dàng biến tấu, thay đổi nguyên liệu tùy theo sở thích. Món ăn này có nguyên liệu chính là các loại rau xanh và củ quả nên rất phù hợp với bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản.

Khi chế biến món rau xào thập cẩm, bệnh nhân nên cân đối giữa lượng rau xanh, củ, nấm với các loại thịt/ hải sản để cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng. Đồng thời tránh tình trạng món ăn quá giàu đạm gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra với món ăn này, nên sử dụng lượng dầu vừa phải và nêm nếm nhạt để tránh gây kích thích lên dạ dày – thực quản.

thức ăn tốt cho người trào ngược dạ dày
Rau xào thập cẩm là món ăn dễ chế biến, hương vị thơm ngon và tốt cho chức năng tiêu hóa

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị thịt heo nạc 100 – 200g (có thể thay thế bằng tôm, mực, thịt bò) cùng với các loại rau củ như súp lơ, đậu cô ve, nấm hương, cà rốt, ớt chuông,… và gia vị
  • Rửa sạch thịt, cắt miếng vừa ăn và ướp với 1 ít bột nêm, tiêu và nước mắm
  • Nấm đông cô đem rửa sạch, ngâm với nước ấm cho mềm rồi xắt thành từng lát mỏng
  • Các loại rau củ còn lại đem ngâm rửa sạch, để ráo và cắt miếng vừa ăn
  • Đun sôi 1 lít nước, sau đó đem rau củ chần sơ qua và vớt ra ngâm với nước đá để giữ độ giòn
  • Cho tỏi, hành tím vào phi với dầu, kế tiếp cho thịt vào xào đến khi săn lại thì cho nấm và rau củ vào đảo đều đến khi chín
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp và dùng khi còn nóng

5. Canh đu đủ nấu sườn tốt cho bệnh trào ngược dạ dày

Canh đu đủ nấu sườn là một trong những món ăn cho người trào ngược dạ dày thực quản. Món canh này có hương vị ngọt thanh, giàu dinh dưỡng và rất dễ tiêu hóa. Hơn nữa, canh đu đủ còn có tác dụng thanh nhiệt, làm mát cơ thể vào những ngày nắng nóng./

Đu đủ là loại trái cây tốt cho người bị trào ngược dạ dày. Ngoài cách dùng trực tiếp, bệnh nhân cũng có thể sử dụng đu đủ để chế biến các món ăn thơm ngon. Không chỉ cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cao, đu đủ còn chứa enzyme papain có khả năng tiêu hóa protein. Vì vậy, bổ sung món ăn này có thể giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa và phòng ngừa chứng trào ngược axit dạ dày sau mỗi bữa ăn.

thức ăn tốt cho người trào ngược dạ dày
Canh đu đủ nấu sườn non cung cấp cho cơ thể chất xơ, vitamin cùng với hàm lượng đạm vừa phải

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 300g sườn heo, 1 tráng đu đủ ương (khoảng 400g), hành ngò và gia vị vừa ăn
  • Sườn non đem chặt miếng vừa ăn và rửa với nước muối pha loãng. Sau đó, chần sơ sườn với nước sôi để sườn sạch hoàn toàn.
  • Cho 1.5 lít nước vào nồi cùng với sườn và 1 ít hành tím đập dập
  • Trong thời gian chờ nước sôi, đem rửa sạch đu đủ, gọt vỏ, bỏ hạt và thành miếng vừa ăn
  • Khi nước sôi, cho đu đủ vào hầm với lửa nhỏ đến khi cả sườn và đu đủ mềm nhừ
  • Nêm nếm vừa ăn rồi cho hành ngò xắt nhỏ vào và dùng ăn khi còn nóng

Tham khảo thêm: TOP 6 Cách Dùng Đu Đủ Chữa Trào Ngược Dạ Dày Hiệu Quả, Dễ Thực Hiện

6. Cải thìa xào nấm đông cô

Cải thìa xào nấm đông cô là món ăn quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Đây là món ăn thanh đạm có hương vị thơm ngon và tốt cho hệ tiêu hóa. Người bị chứng trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng có thể thêm món ăn này vào chế độ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe.

Cải thìa và nấm đông cô đều chứa chất xơ dồi dào giúp trung hòa dịch vị dư thừa và ngăn hiện tượng trào ngược axit dạ dày lên thực quản. Ngoài ra, món ăn này còn cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và hàm lượng đạm vừa phải. Món cải thìa xào nấm đông cô tương đối dễ thực hiện, thanh đạm nên bệnh nhân có thể thực hiện thường xuyên.

thức ăn tốt cho người trào ngược dạ dày
Cải thìa xào nấm đông cô – Món ăn tốt cho người trào ngược dạ dày

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 6 cây cải thìa, 200g nấm đông cô tươi, gia vị
  • Cắt bỏ phần gốc của cải thìa, có thể để nguyên cây hoặc tách từng lá ra để thuận tiện hơn khi làm sạch. Sau đó, ngâm rửa với nước muối và rửa thêm với nước sạch từ 2 – 3 lần
  • Cắt bỏ chân nấm đông cô, rửa sạch và khứa nhẹ hình chữ thập để món ăn đẹp mắt hơn
  • Cho khoảng 70ml nước lọc vào chén, thêm 1 muỗng cà phê đường, 1 ít tiêu bột, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 ít bột ngọt, 1 muỗng canh dầu hào và 1 muỗng canh nước tương
  • Khuấy đều cho gia vị tan hoàn toàn
  • Bắc nồi lên bếp, cho 1 lít nước sôi vào cùng 1 ít dầu ăn. Đến khi nước sôi đem cải thìa và nấm chần sơ, sau đó vớt ra để nguội
  • Đổ 1 ít dầu vào chảo, thêm tỏi vào phi cho thơm rồi cho cải thìa và nấm vào chín, có thể nêm nếm lại cho vừa ăn

7. Miến xào trứng

Miến xào trứng là món ăn dễ làm, nguyên liệu đơn giản và thực hiện nhanh. Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày có thể dùng món ăn này vào bữa sáng hoặc bữa tối để giảm áp lực lên dạ dày và thực quản. Mặc dù có nguyên liệu khá đơn giản nhưng món miến xào trứng vẫn cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Với món ăn này, bệnh nhân cũng có thể dễ dàng biến tấu theo sở thích. Ngoài trứng và miến khô, nên dùng thêm nấm mèo/ nấm đông cô và các loại rau (cải thìa, bắp cải), cà rốt,… để đa dạng dinh dưỡng và cung cấp đầy đủ năng lượng cần thiết.

món ăn cho người bị trào ngược dạ dày
Người bị chứng trào ngược có thể dùng món miến xào trứng để giảm áp lực lên thực quản – dạ dày

Hướng dẫn thực hiện:

  • Chuẩn bị 100g miến khô, 20g nấm mèo khô, 2 quả trứng gà, hành ngò và gia vị (có thể điều chỉnh nguyên liệu tùy theo sở thích)
  • Đem miến ngâm với nước ấm trong 15 – 20 phút, vớt ra và cắt thành từng khúc cho dễ ăn
  • Rửa sạch nấm mèo và ngâm với nước ấm đến khi nở mềm và xắt sợi
  • Đập trứng ra tô, đánh đều, nêm thêm 1 ít gia vị vào để giúp món ăn đậm đà hơn
  • Hành tím lột vỏ, hành ngò rửa sạch và đem xắt nhỏ
  • Cho dầu vào chảo đến khi nóng thì thêm hành tím vào, đảo đến khi thơm rồi cho miến vào nấm mèo vào đảo đều
  • Khi miến chín, thêm trứng vào đảo thêm vài lần và nêm nếm gia vị vừa ăn
  • Cho hành ngò vào, tắt bếp và dùng ăn khi còn nóng

Khi chế biến món miến xào trứng, cần tránh dùng quá nhiều dầu và gia vị. Khi ăn có thể thêm nước tương vào tùy theo khẩu vị.

Đọc thêm: TOP 7 Cách Sử Dụng Quả Sung Chữa Trào Ngược Dạ Dày Cực Hay Và Hiệu Quả

8. Cháo yến mạch món ăn cho người trào ngược dạ dày

Cháo yến mạch là món ăn đơn giản nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho người bị bệnh lý về đường tiêu hóa, bao gồm trào ngược dạ dày. Cách chế biến như sau:

Nguyên liệu:

  • Yến mạch xay ¾ chén
  • Tôm tươi hoặc thịt lạc xay 450g
  • Sữa tươi 3 ly
  • Dầu oliu hoặc bơ
  • Hành tím
Cháo yến mạch là món ăn cho người trào ngược dạ dày
Cháo yến mạch là món ăn cho người trào ngược dạ dày

Cách làm:

  • Tôm mua về bạn đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ phần chỉ đen trên lưng tôm, tiếp tục rửa lại với nước. Nếu là thịt bạn rửa sạch rồi xay nhuyễn hoặc băm nhỏ.
  • Hành tím bỏ vỏ, tiếp đó rửa sạch rồi băm nhuyễn.
  • Sữa tươi bạn cho vào nồi, đun sôi tiếp đó vặn lửa nhỏ và cho yến mạch đã chuẩn bị vào.
  • Tiếp tục đun hỗn hợp này với lửa nhỏ khoảng 10 phút. Trong lúc đun nên đảo đều tay để tránh hiện tượng vón cục.
  • Bắc chảo lên bếp rồi cho dầu oliu hoặc bơ vào đun nóng, tiếp đến bỏ hành tím đã băm nhỏ vào phi thơm. Khi hành dậy mùi thơm thì cho tôm hoặc thịt xay vào đảo đều đến khi săn lại. Bạn thêm ít gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
  • Đổ phần tôm/thịt xay đã xào chín vào cháo yến mạch, đun sôi trong khoảng 15 phút là bạn có thể sử dụng. Người bệnh nên ăn cháo yến mạch ngay khi còn nóng để mang lại hiệu quả tốt nhất.

9. Làm món gừng ngâm giấm

Gừng là gia vị có tính ấm, khả năng tiêu viêm, kháng khuẩn hiệu quả. Vì thế người bệnh dạ dày trào ngược có thể sử dụng gừng như một món ăn/vị thuốc chữa bệnh hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • Gừng tươi 500g
  • Giấm gạo 250ml
  • Đường trắng 50g
Người bị dạ dày trào ngược có thể sử dụng gừng để cải thiện bệnh
Người bị dạ dày trào ngược có thể sử dụng gừng để cải thiện bệnh

Cách làm:

  • Gừng tươi bạn đem rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi thái mỏng. Cho gừng vào chậu nước muối loãng ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra ngoài để ráo.
  • Cho giấm vào nồi nước, đun sôi bằng lửa nhỏ. Khi giấm sôi bạn tắt bếp và cho đường vào, khuấy đều tay để đường tan hết. Lúc này bạn nêm nếm sao cho hỗn hợp có vị chua chua ngọt ngọt vừa phải là được.
  • Xếp gừng đã làm sạch vào trong lọ thủy tinh. Đợi giấm nguội bớt bạn đổ vào lọ thủy tinh rồi đậy kín nắp lại.
  • Bạn bảo quản gừng ngâm trong tủ lạnh khoảng 1 tuần là có thể sử dụng.
  • Mỗi ngày bạn dùng gừng ngâm giấm ăn kết hợp với những món ăn khác để tăng vị giác đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Nên đọc: Chia Sẻ Mẹo Chữa Trào Ngược Dạ Dày Bằng Gừng Cực Hay và Hiệu Quả Dành Cho Bạn

Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày nên kiêng ăn gì?

Ngoài những thực phẩm nên ăn như đã nêu ở trên, người bị trào ngược dạ dày thực quản cần kiêng:

  • Không ăn hoa quả nhiều nhựa và có vị chát

Điển hình của nhóm hoa quả này chính là sung, hồng xiêm,… Nhựa trong những loại quả này khi đi vào dạ dày sẽ kết hợp với axit dạ dày vào tạo thành cục nhỏ. Những cục này có thể phát triển thành sỏi tồn tại trong cơ thể, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa.

  • Kiêng đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ

Thức ăn nhiều chất béo sẽ gây áp lực cho dạ dày dẫn đến khó tiêu. Khi dạ dày trướng sẽ tiếp tục tăng áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Thời gian tiêu hóa thức ăn cũng sẽ lâu hơn, tăng khả năng trào ngược.

  • Cà chua

Người bị bệnh tiêu hóa không nên ăn cà chua khi đói. Nguyên nhân là cà chua có nhiều axit tannic có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày và làm chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn.

  • Hạn chế ăn lê

Nhiều người cho rằng lê là loại quả vô hại cho dạ dày, tuy nhiên, thực tế chúng sẽ khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá vỡ. Nguyên nhân là do lê chứa nhiều chất xơ không hòa tan, người bị trào ngược dạ dày khi ăn chúng sẽ gây ra hiện tượng kích ứng.

Quả lê sẽ khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá vỡ
Quả lê sẽ khiến cho lớp bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá vỡ
  • Không ăn thực phẩm, đồ uống có nhiều axit

Cam, chanh, bưởi,… là những loại quả nhiều axit, vị chua không tốt cho dạ dày. Chúng sẽ làm dạ dày tiết nhiều axit hơn, dễ gây viêm, khiến trào ngược diễn biến nặng hơn

  • Kiêng ăn socola

Thành phần của socola có chứa nhiều chất béo và sữa. Chất béo sẽ khiến cho tình trạng trào ngược ở người bệnh trở nên nặng hơn. Chất Menthyxanthine có trong socola còn làm giãn cơ thắt thực quản dưới, dễ gây ra hiện tượng trào ngược.

  • Hạn chế ăn muối

Muối là thực phẩm không tốt cho người bị bệnh về thận, tim mạch, huyết áp và cả trào ngược dạ dày. Nó như một tác nhân gây ra chứng trào ngược, vì thế người bệnh cần hạn chế tối đa việc sử dụng muối khi chế biến đồ ăn.

  • Kiêng tuyệt đối rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,…

Đây là những thực phẩm có chứa chất kích thích làm khả năng bảo vệ của thực quản, tăng tiết cortisol khiến chứng trào ngược trở nên nghiêm trọng. Hơn nữa cortisol không chỉ làm tăng tiết HCL, pepsine mà chúng còn khiến giảm tiết chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Tìm hiểu thêm: Trào Ngược Dạ Dày Ăn Gì Tốt? Các Loại Thực Phẩm Cần Tránh

Một số lưu ý khi ăn uống cho người bị trào ngược dạ dày

Bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản dễ gặp phải tình trạng trớ thức ăn, ợ nóng, ợ chua, đầy hơi, chướng bụng,… Do đó khi ăn uống, cần lưu ý một số vấn đề sau:

món ăn cho người bị trào ngược dạ dày
Cần lựa chọn thực phẩm sạch để đảm bảo giá trị dinh dưỡng của món ăn
  • Cần chọn lựa thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng để tình trạng tránh rối loạn tiêu hóa khi sử dụng.
  • Trong quá trình chế biến món ăn, nên hạn chế dùng dầu mỡ và gia vị. Thay vào đó, cần tập thói quen ăn nhạt để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa, từ đó cải thiện chứng đầy hơi và chướng bụng.
  • Khi ăn uống, nên cân đối giữa rau xanh, củ, trái cây, tinh bột và các loại thực phẩm giàu đạm, khoáng chất. Không nên phụ thuộc quá mức một vài nhóm thực phẩm cụ thể.
  • Ăn chậm nhai kỹ và hạn chế ăn quá no. Ngoài ra, cần tránh nằm hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn bởi những thói quen này đều kích thích dịch vị bên trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
  • Bên cạnh chế độ ăn uống, bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời nên điều chỉnh thói quen sinh hoạt và tập thể dục thường xuyên để tác động tích cực đến quá trình điều trị.

Bài viết đã hướng dẫn chi tiết cách thực hiện 9 món ăn cho người trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài các món ăn này, bệnh nhân cũng có thể đa dạng thực đơn ăn uống bằng các món ăn dinh dưỡng khác. Tuy nhiên, cần chú ý tránh ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, đồng thời nên hạn chế các thực phẩm dễ gây dị ứng và khó tiêu hóa.

Có thể bạn quan tâm

Câu hỏi liên quan

Trào ngược dạ dày thực quản nên nằm bên nào là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi điều chỉnh tư thế ngủ là biện pháp kiểm soát giúp chứng trào ngược về...

Xem chi tiết

Trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Được biết, bệnh lý này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe...

Xem chi tiết

Trào ngược dạ dày có lây không? Đây là một câu hỏi mà được rất nhiều người thắc mắc, kể cả bệnh nhân lẫn người chưa mắc bệnh. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới...

Xem chi tiết

Chỉ khi nắm rõ được độ nguy hiểm của trào ngược dạ dày, người bệnh mới biết mình cần nên làm gì để đối mặt với các biến chứng nguy hiểm do loại bệnh này...

Xem chi tiết

Trào ngược dạ dày thực quản được chia thành 5 mức độ bao gồm độ 0, độ A, B, C và D theo thang phân loại Los Angeles. Các cấp độ của bệnh được phân...

Xem chi tiết

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược các chất từ dạ dày lên thực quản. Triệu chứng đặc trưng của bệnh đó là ợ nóng, ợ chua, có đôi khi...

Xem chi tiết

Cách chữa

Dinh dưỡng sức khỏe